Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Bất cập trong nghị quyết mới về hợp tác lao động VN – Thái Lan

Xuân Nguyên, thông tín viên RFA

thai-9496-1440489744-622.jpg

Người lao động làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Lào - Thái Lan.
Courtesy photo


Chính phủ Việt Nam và Thái Lan đang gấp rút hoàn thành nghị quyết hợp tác lao động. Nhưng nghị quyết mới của chính phủ Thái Lan còn khá nhiều điểm bất cập và nhiều khó khăn cho lao động Việt Nam khi đi đăng ký lao động. Vậy những bất cập và khó khăn đó là gì?

Trong ngày 10.02 và 10.11.2015, chính phủ Thái Lan đã cho ra hai bản nghị quyết về vấn đề hợp tác lao động Việt Nam – Thái Lan. Tuy nhiên phía chính quyền Việt Nam chưa chấp nhận nghị quyết đó, bởi còn nhiều điều bất lợi cho lao động Việt Nam tại Thái Lan.
Ngày 24.11.2015, chính phủ Thái Lan lại tiếp tục cho ra bản nghị quyết mới, bản nghị quyết này có vài điểm đổi mới và bổ sung cho hai bản nghị quyết trước đó. Đến nay, phía chính quyền Việt Nam chưa có bất kỳ phản ứng nào về nội dung của bản nghị quyết.

Nội dung nghị quyết

Để tìm hiểu về nội dung của nghị quyết hợp tác lao động Việt Nam – Thái Lan, chúng tôi liên lạc với Đại sứ quán Việt tại Thái Lan. Và được chị Hằng, một nhân viên làm việc tại đại sứ quán trả lời với đại ý rằng, do không được đi họp nên chưa biết những thông tin về nghị quyết hợp tác lao động.
Những ai nhập cảnh vào ngày 10.8.2015 thì 30 ngày sau đó họ phải ra khỏi Thái Lan và đi vào lại để giữ cho hộ chiếu của họ ‘được có hạn’ (sẽ không giữ được con dấu của lần trước đó). Cho nên, nếu như họ đã ra và vào lại thì họ đã không đáp ứng được yêu cầu phải qua trước ngày 10.8.2015.
-LM An Tôn Lê Đức
Sau đó, chúng tôi liên lạc với anh Tùng – thư ký của đại sứ quán, người  chuyên phụ trách về việc trả lời báo chí, khi nghe giới thiệu là phóng viên của đài Á Châu Tự Do, anh từ chối trả lời về những câu hỏi liên quan đến nghị quyết. Anh giải thích cho chúng tôi rằng, bên đại sứ quán chỉ trả lời qua email, chứ không trả lời phỏng vấn trên điện thoại. Chúng tôi lại tiếp tục hỏi về nghị quyết lao động Việt Nam – Thái Lan, anh Tùng tiếp tục từ chối trả lời và nói thêm:
“Cái đấy thì trên trang web của đại sứ quán đã đăng những thông tin mới nhất và cập nhật nhất.”
Theo trang mạng của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, phía chính phủ Thái Lan đã cho ra bản nghị quyết hợp tác lao động sửa đổi và bổ sung với nội dung như sau:
“1/ Điều kiện đăng ký là những lao động có hộ chiếu Việt Nam, nhập cảnh Thái Lan lần cuối trước ngày 10.8.2015 và đã quá hạn tạm trú, có chủ lao động là người Thái và có hợp đồng lao động.
2/ Lao động làm việc chân tay trong những ngành nghề, lĩnh vực sau được xem xét cấp giấy phép lao động tạm thời có giá trị 01 năm: giúp việc tại gia, phục vụ tại nhà hàng, xây dựng, và chế biến thủy hải sản. Sau thời gian 1 năm tạm thời này, những người làm việc trong lĩnh vực xây dựng và chế biến thủy hải sản có thể xin gia hạn giấy phép lao động.
3/ Lao động Việt Nam có thể đăng ký để được cấp phép tại các Sở Lao động của tất cả các tỉnh, thành phố của Thái Lan; thời gian đăng ký dự kiến sẽ kéo dài trong 30 ngày.”

Thông tin chưa rõ ràng

Trong bản nghị quyết mới về hợp tác lao động Việt Nam - Thái Lan, điều kiện để đăng ký lao động gồm, phải nhập cảnh vào Thái Lan lần cuối trước ngày 10.8.2015 (quy định trước đây là ngày 10.2.2015) và ‘hộ chiếu đã quá hạn tạm trú’.
ThaiLan-400.jpg
Quầy làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Thái Lan. Courtesy photo.
Tuy nhiên, theo Linh mục An Tôn Lê Đức – thuộc dòng Ngôi Lời, người đang giúp đỡ cho những người lao động Việt Nam tại Thái Lan cho rằng, điều kiện‘hộ chiếu đã hết hạn tạm trú’ thì mới được đăng ký lao động (bản tin đăng Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đăng tải) là chưa rõ ràng, còn nhiều khúc mắc, Linh mục cho biết:
“Tôi có tham khảo với một công ty môi giới việc làm của người Thái gốc Việt, họ cho biết rằng phải có ‘hộ chiếu còn hạn tạm trú’ thì mới đăng ký lao động được, còn ‘hộ chiếu hết hạn tạm trú’ thì không thể đăng ký được.
Cho nên câu thông báo của Đại sứ quán Việt Nam về hộ chiếu ‘đã quá hạn tạm trú’(thì mới được đăng ký lao động), thực sự không hiểu được ý của nó như thế nào.”
Điều kiện ‘hộ chiếu đã hết hạn tạm trú’ hoặc ‘hộ chiếu còn hạn tạm trú’ mới được đăng ký lao động rất quan trọng, bởi khoảng 2/3 lao động Việt Nam tại Thái Lan đều để hộ chiếu chết (hết hạn tạm trú). Thông tin này khiến cho nhiều lao động Việt Nam đang phân vân.
Trên các trang truyền thông của Thái Lan đưa rất ít thông tin về nghị quyết hợp tác lao động Việt Nam – Thái Lan. Chỉ có một vài trang đưa tin sơ sài với đại ý, nghị quyết này chỉ thay đổi về quy định ngày nhập cảnh lần cuối vào Thái Lan là 10.8.2015 thay vì trước đó là ngày 10.2.2015, và không đề cập đến điều kiện hộ chiếu còn sống (còn hạn tạm trú) hay đã chết.

Bất lợi cho lao động Việt Nam

Bản nghị quyết mới do chính phủ Thái Lan đưa ra còn nhiều điều bất lợi cho lao động Việt Nam. Nếu nghị quyết mới đòi hỏi ‘hộ chiếu còn hạn tạm trú’ và nhập cảnh trước ngày 10.8.2015, thì dường như không ai có điều kiện để đăng ký.
Họ mà đã mở để người Việt Nam làm ăn ổn định thì hộ chiếu nào bắt buộc cũng phải làm được, chứ không bắt buộc phải vào Thái Lan từ ngày đó đến ngày đó.
-Anh Trung
Linh mục An Tôn Lê Đức giải thích:
“Những ai nhập cảnh vào ngày 10.8.2015 thì 30 ngày sau đó họ phải ra khỏi Thái Lan và đi vào lại để giữ cho hộ chiếu của họ ‘được có hạn’ (sẽ không giữ được con dấu của lần trước đó). Cho nên, nếu như họ đã ra và vào lại thì họ đã không đáp ứng được yêu cầu phải qua trước ngày 10.8.2015.”
Cũng theo Linh mục An Tôn Lê Đức, trong trường hợp nghị quyết mới yêu cầu ‘hộ chiếu đã hết hạn tạm trú’ và nhập cảnh trước ngày 10.8.2015, thì số lượng người đăng ký sẽ nhiều hơn, bởi đa số lao động Việt Nam đều để hộ chiếu chết. Tuy nhiên, với bốn ngành nghề được phép đăng ký lao động, những người lao động Việt Nam chủ yếu làm hai ngành nghề, giúp việc nhà và phục vụ nhà hàng, nên số lượng lao động Việt Nam được đăng lại càng ít.

Nguyên nhân chậm trễ

Một số công ty môi giới lao động tại Thái cho rằng, trong chính quyền Thái Lan cũng có những thành phần không muốn tạo điều kiện cho người Việt Nam được hợp pháp lao động tại Thái. Vì khi người Việt Nam dễ dàng đăng ký lao động thì họ sẽ bị mất rất nhiều lợi ích cá nhân. Cho nên việc thay đổi ngày nhập cảnh cuối cùng (từ ngày 10.2.2015 thành 10.8.2015) vào Thái Lan chỉ mang tính hình thức mà thôi, còn về tính chất thì giống nhau.
Anh Trung, một người động Việt Nam tại Thái Lan cũng cho rằng, chính quyền Thái đang cố ý gây khó khăn cho người lao động Việt Nam khi đăng ký lao động, anh nói:
“Họ mà đã mở để người Việt Nam làm ăn ổn định thì hộ chiếu nào bắt buộc cũng phải làm được, chứ không bắt buộc phải vào Thái Lan từ ngày đó đến ngày đó.”
Một số lao động khác lại cho rằng, chính quyền Việt Nam cũng không muốn những lao động Việt Nam đăng ký lao động tại Thái, vì Việt Nam cũng đang rất cần lao động phổ thông.
Một lần nữa, bản nghị quyết mới về hợp tác lao động do chính phủ Thái Lan ban hành còn nhiều bất lợi cho lao động Việt Nam. Những người lao động lại tiếp tục chờ đợi phản ứng của chính quyền Việt Nam và tiếp tục phải đối diện với cảnh lao động chui trên xứ Thái
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét