Pages

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Có cần lo lắng về vụ kiện Trung Quốc?

Image copyrightPCA
Image captionTòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc tại The Hague
Bài viết trên BBC có tựa đề ' Vụ kiện Phi-Trung và quyền lợi của Việt Nam' cho rằng vụ xử ở Tòa PCA (Tòa Trọng tài LHQ) sẽ đưa Việt Nam vào thế "tiến thoái lưỡng nan" và "mâu thuẫn quyền lợi" .
Theo tôi, trước khi kết luận như vậy, một số điều cơ bản cần được minh bạch: Thẩm quyền của Tòa PCA là gì ? Nội dung những yêu cầu của Philippines là gì ? Nội dung những bảo lưu của Việt Nam trước Tòa là gì ?
Tùy theo nội dung các việc này mà "quyền' và "lợi ích" của Việt Nam ở Biển Đông, như vùng biển (lãnh hải, hải phận kinh tế độc quyền EEZ), thềm lục địa (nếu có) của các đảo (mà Việt Nam có yêu sách hoặc đang chiếm đóng), hay các việc khai thác khoáng sản, ngư sản… của phía Việt Nam trong khu vực các đảo này có thể bị ảnh hưởng bởi vụ xử hay không?

Bài viết trên BBC, tác giả không nói đến những giới hạn về thẩm quyền của Tòa, cũng không nhắc đến những bảo lưu của Việt Nam gởi đến Tòa qua Tuyên bố của Bộ Ngoại giao ngày 5/12/2014. Trong khi tình trạng pháp lý của các thực thể địa lý của những chủ thể liên quan (đá Tốc Tan, đá Núi Le, đá Tiên nữ) là nguồn sinh ra các "quyền" cũng không được tác giả nhắc đến.
1/ Về thẩm quyền của Tòa PCA, thông cáo báo chí của Tòa PCA ngày 13/7/2015 ghi rõ:
"Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII có thẩm quyền xem xét một tranh chấp giữa các Quốc gia Thành viên Công ước trong phạm vi tranh chấp đó liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước."
Ngoài ra Tòa PCA còn nhìn nhận những hạn chế thẩm quyền xét xử của Tòa. Thẩm quyền của Tòa chỉ giới hạn trong các việc "giải thích và cách áp dụng Công ước" với điều kiện việc này không thuộc về, hay không liên quan đến những "tranh chấp chủ quyền" hay quá trình "phân định ranh giới biển".
Thẩm quyền của Tòa vì vậy thực ra rất hạn hẹp, khó có thể có những phán quyết làm thiệt hại đến quyền và lợi ích của Việt Nam ở khu vực.
2/ Bảo lưu của Việt Nam trước Tòa. (Sơ lược theo nội dung Phán quyết Sơ thẩm của Tòa ngày 29/10/2015, từ đoạn 47 đến đoạn 67).
Ngày 12/4/2014 Bộ Ngoại giao Việt Nam viết công hàm gởi Tòa PCA cho rằng "quyền và lợi ích hợp pháp của VN có thể bị ảnh hưởng" bởi vụ xử, do đó yêu cầu Tòa cho phép Việt Nam tham khảo mọi đơn từ và tất cả những hồ sơ, tài liệu đính kèm của các bên liên quan đến vụ án. Ngày 24/4, Philippines chấp nhận yêu cầu của Việt Nam (trong khi phía Trung Quốc thì im lặng). Kể từ đó Tòa cho phép Việt Nam tham khảo những hồ sơ liên quan đến vụ án.
Ngày 5/12/2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam gởi đến Tòa bản Tuyên bố của Việt Nam. Nội dung gồm một số điều: a) Việt Nam chủ trương tôn trọng và áp dụng các thủ tục và qui tắc của công ước. Việt Nam nhấn mạnh lập trường cho rằng Tòa có thẩm quyền xét xử.
b) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
c) Ghi nhận rằng Philippines không có yêu cầu Tòa xét xử những điều không thuộc thẩm quyền của mình (điều 288, liên quan đến chủ quyền và phân định biển).
Image copyrightAP
Image captionBiểu tình phản đối Trung Quốc ở Manila
e) Kiên quyết phản đối và bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc trên bản đồ 9 đoạn.
f) Hỗ trợ thẩm quyền của Tòa để giải thích các điều 60, 80, 194, 206, 293 của Công ước và các công cụ khác liên quan. Việt Nam bảo lưu quyền (đề nghị) được can thiệp nếu thấy thích nghi và phù hợp với các nguyên tắc về luật quốc tế, cũng như các qui định liên quan của Công ước.
Yêu cầu của Việt Nam qua bản Tuyên bố lại được Philippines nhìn nhận. Ý kiến của Philippines là Tòa có thẩm quyền can thiệp và chấp nhận các tuyên bố của Việt Nam cũng như lấy những quyết định cần thiết về các thông tin mà Việt Nam đã yêu cầu.
Như vậy những bảo lưu của Việt Nam được Tòa chấp thuận. Điều quan trọng là Việt Nam bảo lưu quyền "được can thiệp" khi thấy có liên quan, nếu việc này không trái với luật lệ.
Tức là, giả sử Tòa quyết định một phán quyết có thể làm thiệt hại đến quyền và lợi ích của mình, Việt Nam có thể xin "được can thiệp" để các quyền và lợi ích đó được các bên tôn trọng.

Có nên lo ngại?

3/ Tác giả Dương Danh Huy nói lên sự lo ngại nếu Tòa tuyên bố cho Philippines thắng ở các yêu cầu 4 và 5 :
"Mặc dù Philippines không kiện Việt Nam và không đề cập đến những thực thể này, nếu chúng đúng là bãi lúc nổi lúc chìm và nếu Philippines thắng Trung Quốc ở điểm 4 và 5, hệ quả lô gíc sẽ là không nước nào được đòi chủ quyền trên những thực thể này, chúng sẽ thuộc về EEZ của họ, và khi đó nếu họ muốn thì Việt Nam sẽ phải bàn giao lại cho họ. Việt Nam có sẵn sàng chấp nhận hệ quả này không?"
Image copyrightPCA
Image captionThành viên PCA xử vụ kiện Philippines đối với Trung Quốc
Các thực thể này, theo ý của tác giả, gồm Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây và Đá Xu Bi, đá Tiên Nữ, đá Núi Le và đá Tốc Tan.
Nội dung hai điều yêu cầu 4 và 5 là :
"Điểm 4 của hồ sơ Philippines cho rằng Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây và Đá Xu Bi là những bãi lúc nổi lúc chìm, do đó không những không có lãnh hải mà còn không nước nào có thể đòi chủ quyền. Điểm 5 cho rằng Đá Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây là thuộc EEZ và thềm lục địa của Philippines."
Theo nội dung Phán quyết Sơ thẩm của Tòa ngày 29/10/2015, điểm 4 Tòa tuyên bố có thẩm quyền xét xử, còn điều 5 thì bảo lưu.
Điều 4 gồm hai phần : 1/ Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây và Đá Xu Bi là những bãi lúc nổi lúc chìm 2/ không nước nào có thể đòi chủ quyền.
Phần 1 Tòa hoàn toàn có thẩm quyền phân xử, vì nội dung không quan hệ đến "chủ quyền" và "phân định ranh giới biển".
Nhưng phần 2, theo tôi Tòa không có thẩm quyền xét xử, hay ít nhất Tòa chỉ có thể tuyên bố "không có ý kiến", vì nội dung yêu cầu có liên quan đến "chủ quyền".
Cũng thử giả sử Tòa có thẩm quyền xét xử. Thì cũng sẽ không có luật lệ, án lệ hay tập quán quốc tế nào cho phép Tòa tuyên bố rằng các thực thể lúc nổi lúc chìm, được hay không được quyền chiếm hữu.
Một số án lệ, như vụ Tòa CIJ năm 2008 xử Malaysia- Singapore về tranh chấp chủ quyền các đảo, hay vụ Tòa CIJ năm 2001 xử Qatar và Bahrain, ý kiến của Tòa :
"Luật quốc tế im lặng về vấn đề các thực thể lúc chìm lúc nổi có phải là 'lãnh thổ' hay không. Tòa cũng nhìn nhận là không hiện hữu một thể thức hành xử quốc gia có tính đại chúng để trở thành một tập quán quốc tế, theo đó cho phép hay loại trừ việc chiếm hữu những thực thể địa lý lúc chìm lúc nổi".
Có thể nào Tòa PCA trong vụ xử Philippines-Trung Quốc kỳ này lại ra một phán quyết xác định các bãi lúc chìm lúc nổi là (hay không là) "một lãnh thổ"?
Thẩm quyền của Tòa đã nói trên, rất hạn hẹp. Theo tôi, Tòa chỉ nhắc lại các phán lệ của các phiên Tòa trước, xem đó là ý kiến của mình.
Điểm 5, Philippines yêu cầu Tòa phán rằng Đá Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây là thuộc EEZ và thềm lục địa của Philippines.
Theo nội dung Phán quyết sơ thẩm 29/10/2015, Tòa tuyên bố bảo lưu ở yêu cầu số 5.
Thử đặt giả thuyết rằng Tòa có thẩm quyền xét xử.
Thì không hề hiện hữu một điều luật nào, hay một án lệ, một phán lệ nào, Tòa có thể qui chiếu vào đó để phán rằng các thực thể địa lý mang tên Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây và Đá Xu Bi thuộc về vùng Kinh tế Độc quyền (EEZ) của Phi (tức các cấu trúc này thuộc quyền tài phán của Philippines).
Tình trạng pháp lý các thực thể địa lý lúc chìm lúc nổi được qui định ở điều 13 bộ Luật Biển 1982. Theo đó, nếu các thực thể này thuộc lãnh hải của quốc gia thì chúng có thể sử dụng để làm điểm cơ bản để tính bề rộng lãnh hải. Luật Biển 1982 không hề nói đến trường hợp khi các thực thể này nằm trong vùng EEZ.
Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây, Đá Xu Bi, đá Tốc Tan, đá Tiên Nữ, đá Núi Le không nằm trong lãnh hải (12 hải lý) của bất kỳ một vùng lãnh thổ nào của Philippines.
Luật quốc tế không cấm, mà cũng không cho phép, việc chiếm hữu các thực thể lúc chìm lúc nổi.
Luật không cấm, Việt Nam có thể xây dựng trên các Đá Tốc Tan, Đá Núi Le và Đá Tiên Nữ những công trình như đèn pha, trạm thời tiết hay trạm quan sát. Cũng không có luật nào cấm Việt Nam yêu sách chủ quyền tại các Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây và Đá Xu Bi.
Lo ngại của tác giả Dương Danh Huy rằng Việt Nam phải trả các thực thể như Đá Tốc Tan, Đá Núi Le và Đá Tiên Nữ cho Phi là không có cơ sở.
4/ Tác giả nêu lo ngại :
Image copyrightReuters
Image captionTrung Quốc cải tạo nhiều đảo trong khu vực tranh chấp
"Điểm 9 của hồ sơ Philippines khiếu nại rằng Trung Quốc đã, một cách bất hợp pháp, không ngăn chặn công dân của mình khai thác thủy sản trong EEZ của Philippines. Mặc dù Philippines chỉ kiện Trung Quốc, không kiện Việt Nam, nếu Tòa công nhận rằng một khu vực nào đó là EEZ của Philippines, và việc công dân Trung Quốc khai thác hải sản trong khu vực đó là bất hợp pháp, hệ quả lô gíc của phán quyết đó sẽ là việc Việt Nam đơn phương khai thác hải sản trong khu vực đó cũng sẽ là bất hợp pháp."
Điểm 9 Tòa tuyên bố bảo lưu, vì lý do có thể có những vùng chồng lấn đến từ hiệu lực của một đảo mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền.
Tòa chỉ có thể phân xử yêu cầu số 9 của Philippines nếu nước này chứng minh được rằng các đảo trong khu vực mà Trung Quốc yêu sách không phải là đảo theo nội dung điều 121 của Bộ Luật Biển 1982. Tức là phải chứng minh được điều: các đảo (mà Trung Quốc yêu sách) không có đảo nào có thể tạo được một đời sống tự tại.
Mà điều này không dễ.
Trong khi đó Việt Nam còn bảo lưu quyền can thiệp nếu thấy lợi ích của mình bị xâm phạm.
Nhưng cũng giả sử rằng Tòa phán các đảo ở TS đều là "đá", không có hiệu lực EEZ.
Trong trường hợp này Việt Nam có lý do gì để yêu sách các quyền (khai thác) trong vùng biển kinh tế độc quyền của Philippines?
Không có lý do nào hết cả. Lo ngại mà tác giả nêu ra rõ ràng là không hợp lý.
Bài phản án văn phong và quan điểm riêng của tác giả, nhà nghiên cứu hiện đang sống tại Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét