Pages

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Học giả nói về chuyến thăm của ông Tập

Image copyrightxinhua
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Việt Nam trong hai ngày 5-6/11, theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Tập với tư cách Chủ tịch nước, người đồng thời cũng giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhân dịp này, một số học giả quốc tế và khu vực bình luận với Lê Quỳnh, BBC Tiếng Việt về ý nghĩa và tác động của chuyến đi.

Giáo sư Trầm Đinh Lập, Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Phục Đán, Thượng Hải

Chủ tịch Tập đang áp dụng lối quan hệ truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam khi thực hiện chuyến thăm cấp cao.
Có rất nhiều điều khác có thể làm để thúc đẩy việc trao đổi và hợp tác Trung-Việt trong các vấn đề song phương và khu vực.
Và điều quan trọng là việc bảo vệ quan hệ song phương chứ không phải làm suy yếu đi, khi mà hai bên đang có khác biệt quan điểm trong các vấn đề chủ quyền và biển đảo.

Image captionTòa Trọng tài quốc tế hôm 29/10 ra phán quyết nói tòa có quyền tài phán xử vụ Philippines kiện TQ liên quan tới biển Đông

Tiến sỹ Đinh Thụ Phạm, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Chính trị Quốc gia, Đài Loan

Tuyên bố về chuyến đi của ông Tập tới Singapore và Việt Nam diễn ra đúng vào lúc có tuyên bố về việc đơn kiện của Manila [đối với vấn đề đường lưỡi bò của Trung Quốc] được tòa trọng tài chấp nhận.
Việt Nam từng nói rằng nếu như đơn của Manila được tòa trọng tài chấp nhận thì Hà Nội cũng sẽ đệ đơn với nội dung tương tự.
Trong bối cảnh này, bất chấp thực tế là Trung Quốc đã tuyên bố bác bỏ bất kỳ phán quyền chung cuộc nào do tòa này đưa ra, thì Trung Quốc vẫn cần làm điều gì đó để duy trì “quan hệ tốt” với Việt Nam, qua đó Việt Nam sẽ không thách thức Trung Quốc một cách quyết liệt.

Tiến sỹ Rahul Mishra, Trung tâm Đông - Tây, Washington DC, Mỹ

Tôi tin rằng chuyến đi của Chủ tịch Tập tới Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng nếu đặt trong bối cảnh những gì đang diễn ra tại biển Đông.
Tôi đoán rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ nêu ra những câu hỏi cứng rắn, quan trọng với ông Tập, và làm rõ những nghi ngờ về ý định của mỗi bên.
Điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra bởi quan hệ giữa hai đảng từ trước tới nay là rất gắn bó, và hai đảng luôn muốn hợp tác để giải quyết khủng hoảng.
Image copyrightReuters
Image captionTàu khu trục USS Lassen hôm 27/10 đã vào trong khu vực biển 12 hải lý mà TQ tuyên bố chủ quyền tại bãi Vành Khăn và Subi ở Trường Sa
Sự gầm ghè giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong việc chiến hạm USS Lassen tiến vào phạm vi 12 hải lý gần đảo nhân tạo Subi [mà Trung Quốc xây lấn ở Biển Đông] có thể ảnh hưởng tới cuộc đối thoại, khi mà Việt Nam và Hoa Kỳ đang trở nên gần gũi nhau hơn.
Việt Nam đang đối diện nhiều rủi ro trong mọi chuyện dù là chuyện Biển Đông, quan hệ với Hoa Kỳ, hay quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Hà Nội cần phải thể hiện sự khéo léo ngoại giao để giữ thế cân bằng trong các vấn đề này trong những tháng ngày sắp tới.
Trên mặt trận kinh tế, việc Việt Nam gia nhập TPP có thể sẽ là điều làm thay đổi cuộc chơi cho Việt Nam về mặt dài hạn.
Bởi Trung Quốc không phải là một bên trong TPP, họ sẽ muốn tìm cách để hưởng lợi từ Việt Nam.
Nhìn chung, chuyến đi sẽ giúp cho hai bên hiểu rõ hơn về mối quan hệ – nhưng dù là tốt hơn hay xấu đi thì cũng chỉ có các nhà lãnh đạo mới có thể quyết định và nói ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét