Pages

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Những hạn chế của phong trào đấu tranh cho dân chủ, tự do ở Việt Nam

                                                     Featured Image: The unnamed

Dân chủ và quyền con người là dòng chảy của thời đại và là điều kiện tiên quyết để bất kỳ một xã hội nào muốn phát triển và tồn tại trong thế giới toàn cầu hoá như ngày hôm nay.

Việt Nam phải thay đổi để phù hợp với thời thế nếu không sẽ còn trở nên lạc lõng với phần còn lại của thế giới, và đáng sợ hơn là chịu cái hoạ diệt vong.

Thực tế đang chứng minh rằng Việt Nam đang bị bỏ rất xa về kinh tế, công nghệ, và mức độ văn mình so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Bên cạnh đó là thảm hoạ mất nước đang gần kề khi có nhiều bằng chứng chứng minh Việt Nam đang là một thuộc địa kiểu mới của Trung Cộng.

Câu hỏi lớn nhất cần đặt ra lúc này là: nguyên nhân nào ngăn cản dân chủ và quyền con người ở Việt Nam ngày hôm nay?

Nói về nguyên nhân ngăn cản xã hội Việt Nam có dân chủ và tự do thì nhiều, nhưng chúng ta có thể tóm trong ba nguyên nhân sau:

Thứ nhất là xã hội Việt Nam đang bị cai trị bởi một chế độ toàn trị.

Thứ hai là dân trí Việt Nam còn thấp.

Và thứ ba là phong trào đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam còn có quá nhiều vấn đề.

Hôm nay tôi xin trình bày những mặt còn thiếu và hạn chế của phong trào đấu tranh cho dân chủ và tự do ở Việt Nam, theo như những gì tôi quan sát trong một thời gian dài.

Thiếu sự kết dính

Theo các thông tin của chính quyền cộng sản Việt Nam, thì ở nước ta đang có không dưới 20 tổ chức, hội nhóm độc lập đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Những tổ chức hội nhóm này bị chính quyền cộng sản quy là "phản động", là "thể lực thù địch". Đối với những người hiểu chuyện chắc chắn sẽ không quan tâm đến lời bội nhọ từ phía chính quyền dành cho các tổ chức, hội nhóm độc lập, bởi đối với họ chính quyền này đang là một rào cản lớn nhất ngăn cản quyền con người của dân chúng và thể chế dân chủ ở Việt Nam.

Mặc dù có không dưới 20 tổ chức, hội nhóm độc lập nhưng phong trào đấu tranh cho dân chủ, tự do ở Việt Nam lại chưa gây được ảnh hưởng lớn lên phần đông người dân trong xã hội. Nếu truy tìm nguyên nhân thì chúng ta có thể liệt kê một danh sách sau đây:

Các hội nhóm độc lập ở Việt Nam còn non trẻ, số lượng thành viên còn hạn chế, thiếu phương tiện, kinh nghiệm hoạt động, và thiếu tính tổ chức, kể hoạch.

Bên cạnh đó còn bị cấm đoán, đàn áp bởi chính quyền cộng sản.

Một nguyên nhân sâu xa khác chính là thiếu sự kết dính từng hội nhóm với nhau. Chính thiếu sự kết dính của từng hội nhóm trong công cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do ở Việt Nam, nên dù có hơn 20 tổ chức hoạt động độc lập thì phong trào dân chủ, tự do ở Việt Nam không có tầm ảnh hướng lên dân chúng là mấy.

Ở Việt Nam bất kỳ ai nói lên quan điểm mà đi ngược với giới cầm quyền đều bị họ khủng bố, đàn áp thẳng tay. Đây là một nguyên nhân khiến những tổ chức, hội đoàn độc lập muốn kết dính với nhau để đấu tranh cho dân chủ và tự do trở nên khó khăn, và nguy hiểm.

Chúng ta thấy được sự khủng bố, đàn áp trắng tay và dã mạn của chính quyền đối với các cá nhân và tổ chức bất đồng chính kiến hàng ngày. Trong số đó có thể kể đến những vụ bắt bở những thanh niên có ghi hay mặc những chiếc áo có chữ "DMCS"; hay là vụ khủng bố gia đình một biểu tình viên khi bạn ấy tham gia biểu tình phản đổi chuyến thăm Việt Nam của chủ tịch nước TQ Tập Cận Bình, khiến người chú của cậu ấy qua đời vì một cơn nhồi máu cơ tim do quá hoảng sợ; và mới đây là bắt bớ và đánh đập hai nhà hoạt động nhân quyền cho dưới công nhân Việt Nam là cô Đỗ Thị Minh Hạnh và anh Trương Minh Đức; cũng như phiên toà xét xử thiếu niên 15 tuổi Nguyễn Mai Trung Tuấn về tội "cố ý gây thương tích".

Chế độ độc tài họ rất nhạy cảm với những người bất đồng chính kiến, đặc biệt là những người có khuynh hướng hoạt động như: bà Bùi Thị Minh Hằng, Trần Huỳnh Duy Thức... vì họ biết những cá nhân này dễ làm cầu nối để kéo các tổ chức, cá nhân riêng rẻ lại với nhau. Nhưng bên cạnh chính chế độ độc tài, thì ngay chính trong những cá nhân, những tổ chức đấu tranh cho dân chủ và tự do ở Việt Nam cũng là có quá nhiều vấn đề khiến phong trào trở nên rời rạc và lẻ loi.

Người Việt đấu tranh cho dân chủ, tự do nhưng lại hành xử giống độc tài. Nghi ngờ, đấu tố nhau, mạt sát, khinh miệt nếu ai đó có một vài khuyết điểm, hay quan điểm đối lập mình. Tôi nhìn ra được khuyết điểm này khi theo dõi những nhà hoạt động có tiếng ở Việt Nam.

Chúng ta, tôi nói là chúng ta trong đó có cả tôi chưa trở thành những con người dân chủ và tự do khi trong cách hành xử của mình còn nặng mùi giáo dục nhà sản.

Khi nói một sai lầm của ai đó trong giới đấu tranh, chúng ta dùng những lời lẽ như phán xét hơn là nâng đỡ. Một hình thức đấu tố mà cộng sản đã gieo rắc vào xã hội và môi trường giáo dục ở Việt Nam. Và khi bị người khác nhắc nhở chúng ta lại tìm mọi cách chứng minh là mình không sai lầm, và tệ hơn nữa là cố tìm ra cái sai ở kẻ chỉ trích để chứng minh kẻ đó không có ý đồ tốt, nhiều khi còn là cộng sản nằm vùng...v..v.

Có thể nói chính cách hành xử độc tài, cứng nhắc, và đấu tố nhau giữa những người tranh đấu nhưng khác hội nhóm khiến anh là anh, tôi là tôi, và dù đi với nhau trên một con đường nhưng có cảm giác chúng ta đang rất đối nghịch nhau, và khó có cơ hội hợp tác với nhau như hai đường thẳng song song không bao giờ tìm thấy điểm chung. Không chỉ thể, nhìn cái cách hành xử không khôn ngoan trên của chúng ta, người dân cảm thấy chưa có ai đủ tâm, đủ tầm để họ có thể bắt đầu những thay đổi về nhận thức và hành động.

Thiếu thực tế

Đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền quá là thực tế, chẳng có gì thực tế hơn hai điều đó nhưng chúng ta lại thiếu thực tế khi đưa ra những chiến dịch, những phong trào cũng như trong các hoạt động khai dân trí hiện nay.

Thực tế là có rất ít phong trào của các tổ chức, hội nhóm gây được tầm ảnh hưởng lên dân chúng. Nếu để liệt kê những phong trào có tầm ảnh hưởng thì tôi chỉ có thể kể được 4 phong trào trong gần một năm lại đây: phong trào nói "tôi không thích ĐCSVN", phong trào "DMCS" của Zombies, phong trào nói không với tượng đài nghìn tỷ, và phong trào "no China".

Những phong trào này hội đủ các yếu tố như sáng tạo, thực tế, và dễ hiểu. Đặc biệt đối với phong trào "nói không với tượng đài nghìn tỷ" tôi thấy nó thực sự đánh động đến rất nhiều, nhiều người mà bấy lâu nay tôi thấy họ chẳng khác nào những kẻ câm và điếc đối với các vấn đề xã hội.

Việc truyền bá những tư tưởng như dân chủ, tự do, nhân quyền hay tam quyền phân lập cho dân chúng là một việc làm thiết yếu, nếu muốn phong trào đấu tranh cho dân chủ và tự do được giới tri thức ủng hộ và có tính chính danh trong xã hội. Nhưng tôi thấy những tư tưởng trên không đủ để lôi kéo dân chúng Việt Nam vượt ra khỏi được những rào cản như sợ hãi, chủ nghĩa mặc kệ nó, hay thích sự an phận thủ thường. Thay vào đó nếu đấu tranh những vấn đề thiết thực hơn cuộc sống như kêu gọi bãi bỏ luật đất đai của nhà sản, kêu gọi phá bỏ sự độc quyền xăng dầu, hay phản đối giá xăng dầu, điện nước, hoặc là kêu gọi bãi bỏ các loại phí vô lý, xoá bỏ chủ nghĩa lý lịch, hộ khẩu trong công việc hành chính của chính quyền...

Những phong trào, những chiến dịch, và những bài viết đánh vào những vấn đề cơm áo gạo tiền như thế này một mặt giúp người dân hiểu ra được gánh nặng và sự vô lý mà họ đang mang trên vai, mặt khác giúp họ đi từ những nhận thức đơn gian sang những nhận thức cao hơn như các tư tưởng về dân chủ, nhân quyền, hay tam quyền phân lập. Và hơn hết là tập cho dân chúng thói quen phản kháng lại những điều vô lý mà bấy lâu nay khi gặp những vấn đề trên phần lớn chỉ biết than thân trách phận.

Thiếu thực tế còn thể hiện qua các hoạt động dân vận. Vận động quần chúng ủng hộ dân chủ, nhân quyền nhưng lại không tập trung vào những đối tượng cụ thể, cứ nói chung chung, điều này dẫn đến thiếu thực tế. 

Tôi nghĩ ai cũng biết là dân trí Việt Nam mình thấp, nhưng ít người quan tâm cái dân trí thấp của người dân Việt Nam bao gồm những cái gì? Họ đang có suy nghĩ gì? Cái họ quan tâm là gì? Bởi thế mà những phong trào, những bài viết nặng về tư tưởng hầu như chẳng có mấy ảnh hưởng đến tầng lớp công nhân và nông dân Việt Nam?

Mọi người nhìn xung quanh thấy gì nào? Tôi thì thấy rằng trong 10 người tôi gặp thì hiếm lắm mới có một người hiểu thế nào là dân chủ, nhân quyền cũng như hiểu rõ về tình hình đất nước. Còn 9 người kia đối với họ vấn đề quan trọng nhất là lo cho mái ấm của mình, tức là kiếm thật nhiều tiền. Nhưng nếu xét cho kỹ thì cả 10 người chúng ta tình cờ gặp trên đường họ lại có một điểm chung là rất nhạy cảm với các vấn đề cuộc sống và có tính ỷ lại với các vấn đề liên quan đến chính trị. Vì thế mà Cộng Sản đã thành công khi lôi kéo dân chúng miền bắc tham gia vào cuộc đấu tố đấm máu những năm 50 của thể kỷ trước, cũng như xâm chiếm miền nam với chiêu bài đánh đuổi giặc Mỹ.

Bên cạnh những hạn chế và thiếu sót chung của phong trào, thì đối với từng hội nhóm tôi nghĩ có một điểm cần chia sẻ ở đây.

Quá cẩn trọng

Có rất nhiều bạn trẻ trên FB của tôi nhắn hỏi là làm thế nào để gia nhập vào các hội đoàn độc lập. Tôi giới thiệu các địa chỉ FB của những thành viên thuộc hội nhóm mà các bạn ấy muốn tham gia. Mấy bạn ấy bảo là đã từng liên hệ với những nick FB như trên, nhưng họ có cảm giác như những người ấy rất e dè với những tin nhắn của họ, nên họ không muốn làm phiền thêm. Tôi trả lời rằng tôi cũng không biết làm cách nào để các bạn trở thành thành viên của họ, vì tôi chỉ là một cá nhân chưa tham gia một hội nhóm nào.

Tôi nhớ trước đây vài năm tôi cũng đã có ý định tham gia vào một hội nhóm. Lang thang lên mạng tìm hiểu về quy chế đăng ký thành viên, nhưng vào trang web của nhóm tìm mọi ngóc ngách cũng không thấy phần đăng ký thành viên đâu. Tôi nghĩ chắc phải hỏi những thành viên của nhóm thì mới biết cách làm thế nào để gia nhập vào nhóm. Thế là tôi nhắn tin cho một anh, hỏi anh làm thế nào để tham gia vào nhóm? Nhưng nhìn cách trả lời thì tôi đoán anh ấy cũng rất e dè với những tin nhắn kiểu này. Thế là từ đó tui hết định tham gia vào hội nhóm độc lập.

Tôi hiểu sự cẩn trọng của các hội nhóm độc lập ở Việt Nam, nhưng tôi vẫn nghĩ đã lập hội đoàn thì phải có một cơ chế nào đó để những người muốn gia nhập tìm hiểu và đăng ký. Làm việc gì mà cẩn trọng thì tốt, nhưng nếu quá cẩn trọng thì chưa hẳn là hay, đặc biệt là đối với các hội nhóm độc lập đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam như hiện nay. Nhờ tính hoài nghi và lo sợ bị phá hoại từ trong mà các hội nhóm hay phong trào mới tồn tại được trong xã hội Việt Nam, nhưng nó cũng làm giảm số lượng thành viên một cách đáng kể cho các hội nhóm. Trong một tổ chức thì chất lượng thôi chưa đủ, cần phải có số lượng. Chất lượng tạo ra ảnh hưởng lên xã hội, nhưng chính số lượng mới tạo ra sức mạnh để tạo ra sự thay đổi.

Tất cả những điều này tôi viết ra theo cái nhìn chủ quan, nó có thể đúng theo nhìn nhận của tôi nhưng chưa hẳn là chính xác như những gì đang xảy ra. Tôi cũng không hề có ý chê trách, khinh khi bất kỳ hội nhóm hay cá nhân nào trong bài viết này. Mục đích chỉ là muốn chia sẻ với mọi người một góc nhìn về tình hình đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, với hy vọng sẽ được đón nhận thêm nhiều luồng ý kiến, góp ý để chúng ta tìm ra được giải pháp tối ưu cho đất nước và dân tộc. Bởi thế để kết thúc bài viết tôi vẫn muốn nghe ý kiến của các bạn về phong trào đấu tranh cho dân chủ, tự do ở Việt Nam.

Thân! 

Josep Tuat.

(Triết Học Đường Phố)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét