Pages

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Tiền trợ cấp xã hội - ở đâu ra?

"Do nhà nước cấp chứ đâu ra!", bà nội ngước mặt trả lời khi tôi đặt câu hỏi.

Ảnh minh hoạ - Báo Tiền Phong.
Hôm nay, tôi được lãnh nhiệm vụ đi lấy tiền bảo trợ xã hội cho bà nội. Kinh ngạc khi nhận được số tiền “lớn lao” từ tay vị cán bộ xã: 180 nghìn đồng. Những 180 nghìn hồ tệ cơ đấy!

Vì sống xa nhà đã lâu nên viên cán bộ công quỹ cứ vặn vọ hỏi han, có lẽ, anh ta sợ tôi là kẻ lừa đảo bày trò cuỗm mất 180 nghìn đồng của bà lão gần 90 tuổi chăng, mặc dù trên tay tôi có đủ điều kiện để nhận tiền – cuốn sổ nhận tiền bảo trợ cho người già? Cũng tốt, đó là một sự cẩn trọng thiết bách trong cái xã hội đầy rẫy cướp bóc và lừa đảo này.

Bà nội tôi sau khi nhận được 360 nghìn đồng, hai tháng “lương” gộp lại thì rất vui mừng. Bà vân vê, vuốt ve nững tờ tiền mới cứng, thẳng tắp rồi cẩn thận bỏ vào cái túi vải được bà khâu vá từ manh áo cũ, xong, đem rắt cạp quần. Tôi thầm lặng để ý từng hành động thận trọng đó của bà và trong đầu chợt hiện lên những hình ảnh của những năm tháng đói khổ xa xưa qua những câu chuyện bà kể lại. Tôi chắc, nhiều người không riêng gì Nội tôi khi nhận được những đồng bạc này của nhà nước “trợ cấp” đều không khỏi ca thán “ơn Đảng, ơn Bác”.

“Dù sao thì, so với những năm tháng kháng chiến đói khổ thì cuộc sống ngày nay đã tốt lên gấp vạn lần rồi, nhờ cách mạng, nhờ kháng chiến thành công và giờ đây được nhà nước quan tâm nên người già mới được chú trọng như bây giờ” – bà tôi vẫn thường kể lể như vậy. Rất nhiều chuyện khác nữa mà tôi chỉ biết ậm ừ cho phải phép. Nhưng thực sự, những lúc như thế, trong tôi luôn muốn phản bác lại những điều bà nói. Song lại thôi, biết đâu, bà lại giống bao người lại chửi tôi là đồ “phản động” với nỗi lo lắng khôn nguôi – sợ tôi bị công an tới gông cổ lôi đi. Nhưng hôm nay, cho dù có bị chửi mắng thế nào, nhân chuyện về tiền “trợ cấp xã hội” của bà tôi sẽ nói cho bà rõ vài điều để thôi ảo tưởng một chút về cái gọi là “ân huệ” với Đảng và Nhà nước mà bà luôn trân trọng đó đi.

“Bà ạ, bà có biết “lương” tháng của người già do đâu mà ra không ạ”

Bà tôi đang lụi cụi may cái chăn đang bị bung chỉ dừng lại, ngước cặp kính dày cộp lên nhìn tôi: “Hỏi hay. Do nhà nước cấp chứ đâu ra!”

“Vâng, trên danh nghĩa thì đúng là do nhà nước thật. Nhưng trên thực tế không phải vậy đâu ạ.” – Tôi chăm chú nhìn vào hình ảnh mình cử động trên mắt kính của bà, sau nó là một đôi mắt nhăn nheo chớp chớp liên hồi. Đoạn, đôi mi đã đốm nhiều sợi bạc đứng yên, im lìm nhìn tôi: “Cháu nói chi mà khó hiểu, danh nghĩa với thực tế là sao?”

“Vâng, danh nghĩa và thực tế nó khác nhau. Ví như, cháu lấy tiền của bố cháu đem cho bà. Tất nhiên rồi, bà cứ đinh ninh đó là tiền cháu cho. Thì đương nhiên, trên danh nghĩa thì đúng là tiền từ tay cháu đưa cho thật, nhưngkhông có nghĩa là tiền của cháu cho bà. Thực tế, đó mới tiền của bố cháu cho bà, cháu chỉ gián tiếp thực hiện nó thôi. Tương tự, trong vấn đề cái gọi là “tiền trợ cấp xã hội” cho người già, khuyết tật hay tâm thần, gì gì đó… thì đúng là trên danh nghĩa là nhà nước đứng ra chi. Nhưng thực tế, số tiền đó đều là, lấy từ tiền thuế của người dân mà ra, bà ạ.”

“Vậy sao…” – bà tôi có vẻ đăm chiêu. Tôi lại tiếp tục tấn công: “Ngoài những loại thuế bắt buộc phải đóng như, thuế nhà đất, thuế nông nghiệp,… còn lại, mỗi khi cháu đi mua cho bà cân đường hộp sữa, hay đi mua cho con cháu gói bỉm thì tất cả đã bị cộng thêm 10% vào thuế giá trị gia tăng rồi đấy ạ. Ví như, hóa đơn điện nước sinh hoạt nhà mình đó, lát cháu lấy cho bà coi.”

“Cháu có thể giải thích rõ hơn?!” – bà tôi buông hẳn kim chỉ xuống tần ngần.

Tôi chạy nhanh đi lấy cái tờ hóa đơn mới thanh toán tiền điện tháng rồi, lòng hồ hởi.May quá, bố tôi luôn có thói quen sưu tầm cả xấp hóa đơn các loại trước khi chúng quá nhiều, rồi mới mang đi tiêu hủy, nhóm bếp.

“Đây bà ạ” – tôi cầm một tờ hóa đơn ngồi xuống cạnh bà. Bà tôi dù đã 87, 88 tuổi rồi nhưng sự minh mẫn vẫn khiến nhiều người trẻ hơn, thậm chí ngay cả tôi đây nhiều khi còn thèm thuồng nên tôi tin về việc lý giải sẽ không quá khó khăn: “Đây nhé bà, lẽ ra, tháng này tiền điện nhà mình chỉ phải nộp 145 728 đồng thôi - là giá trị thực, nhưng, chúng ta phải cộng thêm 10% thuế giá trị gia tăng là 14 573 đồng. Tổng cộng là, 160 301 đồng nhà mình phải đóng.

Thuế GTGT là một loại thuế dành cho người tiêu thụ cuối cùng, sau đó thông qua trung gian là người bán hàng hay quản lý dịch vụ sẽ được chuyển giao vào ngân quỹ nhà nước. Cứ như thế, mỗi năm sẽ có một con số khổng lồ từ tiền thuế VAT này đồng hành với các khoản thuế phí khác sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.

Và đương nhiên, theo đó, bất kể một ai cũng đều phải đóng thuế dù có hay không tham gia vào việc sản xuất, lao động hay buôn bán gì.Ví như bà, dù bà không chăn nuôi, không trồng trọt hay nhà đất thì nay đã được chuyển nhượng sang cho bố cháu, có nghĩa về mặt hành chính, bà không phải đóng thuế gì nữa. Nhưng thực sự, bà vẫn cứ phải tham gia đóng thuế đó thôi, bằng hình thức thông qua mọi hóa đơn dịch vụ, hay gọi là thuế GTGT – VAT như cháu đã nói với bà vừa nãy”.

“Vậy à?”- Bà tôi thực sự sửng sốt. Bà lượm nhanh chóng tờ hóa đơn trên bàn tôi vừa bỏ xuống săm soi và hỏi thêm vài điều nữa cho chắc cú.

Việc bà tôi hay đa số người dân lam lũ vùng thôn quê hầu như người ta không hề hay biết hoặc quan tâm về mục đích đóng thuế để làm gì là rất phổ biến.

“Trách nhiệm của người dân là đóng thuế để duy trì sự tồn tại cũng như mọi hoạt động của nhà nước, bao gồm cả việc trả lương cho tất tần tật cán bộ, nhân viên nhà nước. Đổi lại, trách nhiệm của nhà nước là dùng số tiền thuế đó để đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân, phục vụ sự ấm no của họ. Thế nên, mỗi tháng họ trích ngân quỹ ra một khoản gọi là tiền bảo trợ xã hội cho người già, người tàn tật, người tâm thần, gì gì đó… thì cũng chỉ là cái trách nhiệm họ phải làm. Và số tiền đó, hoàn toàn là do người dân chi trả thông qua việc đóng thuế, nhà nước chỉ đại diện đứng tên và quản lý chứ chả có ông to, bà lớn, chẳng phải của Đảng hay nhà nước nào bỏ tiền túi ra chi trả đâu mà mọi người cứ phải ơn với chả huệ.

Cháu nghĩ, với sự đóng góp quá nhiều của người dân như hiện nay khi so sách với nước khác thì việc người già (80 tuổi trở lên) được hưởng không phải chỉ là 180 000 đồng một tháng thôi đâu, phải hơn nữa kìa để xứng đáng với những gì họ đóng góp.

Chả nơi đâu như ở Việt Nam, người dân mua một lít xăng giá gần 20 000/l mà phải đóng thuế trong đó những trên dưới 10 000 đồng rồi. Đường xá thì dày đặc chốt thu phí, làm nên một cây cầu be bé thôi mà lập tức có ngay chốt thu phí đến hàng chục năm sau mới gỡ bỏ. Đó, chỉ nhiêu đó thôi, còn rất rất nhiều khoản thu vô lý khác mà cháu không đề cập ra đã cho thấy nhà nước ta bội thu ngân sách như thế nào thì việc chi ra mỗi tháng cho người già chưa được một cân thịt bò thì bà còn ơn Đảng, ơn nhà nước cái nỗi gì hả bà?”

Thấy tôi hơi gắt gao, lẽ ra như mọi khi tôi đã bị ăn chửi rồi đấy. Nhưng hôm nay, bà tôi như biến thành một con người khác, nhu mì hơn nhiều. Bà chỉ cười cười rồi lảng tránh sang chuyện khác ngay kèm theo đó là một chút gì đó e ngại. Tôi chợt mừng thầm, có lẽ bà đã nhận ra và chấp nhận “con phản động” này chăng? Vậy thì, để mai, tôi sẽ tỷ tê tiếp cho bà hiểu vì sao dân đóng thuế nhiều như thế mà nhà nước trả cho họ, những đối tượng thuộc diện chính sách mỗi tháng chưa tới cân thịt bò? Đó chỉ có thể là, do tham nhũng!

Lê Nguyễn
Tác giả gửi tới Dân Luận

(Dân luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét