Pages

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Tự do báo chí của miền Nam VN trước 1975

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

songthan-td-622.jpg

Báo chí Miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Courtesy photo




Miền Nam trước năm 1975 được xem là có một nền báo chí tự do. Mặc dù chịu rất nhiều sức ép từ chiến tranh lẫn của chính quyền, báo chí vẫn đưa ra các vấn đề tham nhũng hay hủ hóa của lãnh đạo chính phủ. Những  vụ như còi hụ Long An hay vụ tướng Nguyễn Văn Toàn bị điều tra về quan hệ bất chính với trẻ vị thành niên không phải là hiếm. Các câu chuyện bị báo chí phanh phui này không hề nhỏ mặc dù lúc ấy chiến sự đã đến lúc gay gắt và miền Nam đang phải đối phó với sức ép nặng nề từ quân đội miền Bắc.


Trong vụ vận chuyển hàng ngoại nhập lậu có tên còi hụ Long An, hầu hết báo chí miền Nam đã vào cuộc và ghi nhận mọi chi tiết của vụ buôn lậu mà tên tuổi của người đứng sau bị gián tiếp nêu ra là phu nhân của hai lãnh đạo cao nhất nước đang tại vị. Đoàn xe buôn lậu chở đầy hàng ngoại gồm 7 chiếc GMC và hai chiếc Jeep dẫn đầu bị trạm kiểm sát quân xa tại Tân An phát hiện vào lúc 10 giờ 30 tối ngày 31 tháng 1 năm 1974. Vụ án chấn động này được báo chí Sài Gòn nhanh chóng nhập cuộc và các thế lực đứng sau vụ án không thể làm gì hơn là chấp nhận phán quyết của tòa án quân sự đối với những người trực tiếp tham gia, ngoại trừ những nhân vật chủ chốt.
Báo chí miền Nam tuy hoạt động trong thời kỳ chiến tranh nhưng tiếng nói của họ không phải lúc nào cũng bị nhân danh bí mật quân sự để bịt miệng. Thủ thuật “tự ý đục bỏ” có nghĩa là để trắng cột báo bị kiểm duyệt, tuy được báo chí nhiều lần sử dụng nhưng điều đó lại nói lên một sự thật khác: ngay cả việc bị kiểm duyệt một cách độc đoán thì báo chí cũng có thể lên tiếng tố cáo sự độc đoán ấy trước công luận.
Chúng tôi có cuộc nói chuyện với nhà văn, nhà báo Trùng Dương, bà từng là chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần từ khi mới thành lập cho tới khi Sài Gòn sụp đổ. Qua câu chuyện với nhà văn Trùng Dương hy vọng sẽ soi sáng một phần nào nền báo chí miền Nam trước các thông tin ngược chiều về tính chất tự do mà một tờ báo nhận được từ chính quyền miền Nam lúc ấy:

Báo Sóng Thần

Mặc Lâm: Thưa bà, tờ Sóng Thần có thể nói là tuy xuất hiện rất trễ trong làng báo Việt Nam nhưng nó có chỗ đứng đặc biệt trong lòng độc giả của cả miền Nam lúc ấy. Là người xin giấy phép thành lập tờ báo xin bà cho biết hoàn cảnh những ngày đầu tiên của Sóng Thần như thế nào?
Tờ Sóng Thần là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam có hình thức cổ phần, có nghĩa là mọi người có quyền đóng góp tùy khả năng. Mỗi cổ phần lúc ấy mà tôi nhớ vào năm 1971 là 5 ngàn đồng tiền Việt Nam.
-Nhà báo Trùng Dương
Nhà báo Trùng Dương: Tờ Sóng Thần là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam có hình thức cổ phần, có nghĩa là mọi người có quyền đóng góp tùy khả năng. Mỗi cổ phần lúc ấy mà tôi nhớ vào năm 1971 là 5 ngàn đồng tiền Việt Nam. Sở dĩ tôi có mặt trong nhóm đó vì các anh Chu Tử, Phạm Văn Lương, Uyên Thao, Nguyễn Liệu và cả anh Hà Tiến Việt hồi đó ở trong nhóm Hà Thúc Nhơn thiên về chống tham nhũng.
Ông đại úy y sĩ Hà Thúc Nhơn ở Nha Trang ông ấy chống tham nhũng rồi bị giết chết, thành ra nhóm anh em đó họ đứng ra họ lập thành nhóm Hà Thúc Nhơn. Họ xin giấy phép ra báo không được bởi vì ai cũng ở trong black list (danh sách đen) của chính quyền thành ra họ mới quay qua tôi vì tôi là thân hữu đi lại trong nhóm. Họ bảo thôi đứng ra xin giấy phép ra báo. Thế là tôi đứng ra xin còn bên thông tin họ không nghĩ là tôi có chân trong cái nhóm đó.
Với tư cách nhà văn, hồi đó nhiều nhà văn đứng ra xin giấy phép ra báo nhiều lắm, cuối cùng tôi xin được giấy phép đưa sang cho bên nhóm Hà Thúc Nhơn họ dùng cái giấy phép ấy để xuất bản. Hồi đó ông Chu Tử ông làm tờ tuần báo Đời thì ông có cho mượn nơi đó (platform) mà lăng xê tờ báo cũng như cổ động trong vấn đề góp vốn cho tờ Sóng Thần, từ đó nhiều người nghe tên tờ báo và họ đóng góp, chúng tôi dùng tiền đó và một phần đi vay thêm để ra tờ báo vào cuối năm 1971.
Mặc Lâm: Năm 1971 cũng là năm bầu cử tổng thống và lúc ấy thì rất nhiều chống đối nổi lên tứ phía, đặc biệt là báo chí theo dõi rất sát các ứng viên và họ viết bài về các liên danh rất khác nhau. Báo Sóng Thần sinh ra trong hoàn cảnh này có bị Bộ Thông tin để ý hay khó dễ gì hay không?
Nhà báo Trùng Dương: Tôi nghĩ lúc đó việc tranh cử rất rộn ràng thành thử ra họ không để ý với lại chuyện ra báo thì khi có giấy phép thì mình xuất bản thế thôi. Mình đứng ra lo chuyện tiền bạc, liên lạc nhà in, mua giấy rồi thành lập Ban biên tập bận rộn theo kiểu của mình. Tôi không nghĩ chính quyền họ để ý, họ cũng để ý đi nữa nhưng không có một thái độ nào. Hơn nữa hồi đó ông Nguyễn Văn Thiệu ông ấy bận rộn chuyện tranh cử. Hồi đó tôi nhớ có những liên danh tranh cử trong đó có liên danh của ông Nguyễn Cao Kỳ rồi sau có chuyện lộn xộn gì đó mà lâu lắm rồi tôi không nhớ nữa, làm cho tất cả các liên danh đều rút tên chỉ còn lại mỗi mình ông Nguyễn Văn Thiệu mà hồi đó gọi là độc diễn.
trung-duong-400.jpg
Nhà văn, nhà báo Trùng Dương (trái) tại buổi ra mắt phim Vietnamerica ở Newseum, Washington DC. Photo courtesy of Người Việt/Hà Giang.
Mặc Lâm: Báo chí miền Nam được cho là hưởng nền tự do báo chí của các chế độ dân chủ, tuy nhiên rất nhiều tờ báo bị kiểm duyệt, bài vở bị cắt đi không cho đăng, bà giải thích thế nào về việc này?
Nhà báo Trùng Dương: Thực ra cũng có, hồi đó báo chí trước khi in, trước khi phát hành thì phải qua kiểm duyệt. Họ đọc xem những tin tức có bị ảnh hưởng gì tới cuộc chiến lúc ấy hay không. Họ chú trọng nhiều đến tin chiến sự nhiều hơn chứ còn những vần đề cá nhân thì họ đi đường khác chẳng hạn như hồi đó báo Sóng Thần đi một loạt bài tố ông tướng Nguyễn Văn Toàn khi ấy ông coi vùng cao nguyên, quân khu II. Có một dạo ông ấy dính vào chuyện vớ vẩn gì đó với một cô bé vị thành niên, rồi phóng viên của báo Sóng Thần tìm ra được chuyện đó và tố ông tội dụ dỗ gái vị thành niên.
Tin đó do một tin từ cảnh sát nhưng mà cảnh sát họ nhẹm đi, phóng viên của mình tìm được cái tin đó và làm cuộc điều tra. Người đứng ra làm cuộc điều tra đó là chị Lê Thị Bích Vân, hồi đó chị là nữ phóng viên sáng giá của làng báo Việt Nam. Chị ấy viết một loạt bài về tướng Toàn thì ông ta kiện tờ báo với lý do là mạ lỵ cá nhân thôi chứ không liên hệ gì tới vấn đề kiểm duyệt hết. Khi có chuyện liên quan đến cá nhân làm bậy thì họ kiện mình theo chiều hướng cá nhân vì mạ lỵ phỉ báng còn về bên chính quyền, bên thông tin thì họ quan tâm và kiểm duyệt đến các tin tức liên quan đến thời sự lúc bấy giờ.
Mặc Lâm: Cũng có dư luận lúc ấy cho rằng nhà báo Chu Tử bị ám sát vì đã viết những bài chống tham nhũng, bè phái và vì vậy các nhóm bị Chu Tử chống đối đã ám sát ông cùng với ký giả Từ Chung. Theo bà thì ai là thủ phạm trong cả hai vụ ám sát này?
Nhà báo Trùng Dương: Ông Chu Tử bị ám sát khi ông làm tờ Sống vào giữa thập niên 1960, hồi đó ông là chủ nhiệm tờ Sống. Chu Tử là người viết rất thẳng thắn thành ra có những lực lượng, những nhóm không ưa ông Chu Tử, thế nhưng ông bị ám sát thì không do những nhóm này họ làm mà là do Việt cộng họ chủ trương.
Trong kế hoạch ám sát của họ thì họ nhắm hai người là ông Từ Chung và ông Chu Tử. Ông Từ Chung thì bị giết chết còn ông Chu Tử thì thoát chết. Cách đây mấy năm tôi có viết bài về ông Chu Tử bị ám sát. Có những tài liệu cho thấy không phải là những phe phái không bằng lòng ông ấy ở miền Nam ám sát ông ấy mà là do cộng sản chủ trương.

Tự do báo chí

Mặc Lâm: Theo bà thì báo chí miền Nam lúc ấy có thực sự được tự do trong vấn đề loan tin hay viết lên chính kiến của mình, kể cả việc chống lại chính phủ hay không?
Có thể nói miền Nam lúc ấy có tự do báo chí trước hết là tư nhân có thể ra làm báo, xin giấy phép để làm. Kiểm duyệt thì cũng có nhưng không phải là thứ kiểm duyệt kêu bằng nhẹm đi hay giết người…
-Nhà báo Trùng Dương
Nhà báo Trùng Dương: Trước hết báo chí của miền Nam hồi đó là tư nhân có quyền làm báo. Đa số báo miền Nam hồi đó là báo do tư nhân làm chủ. Chỉ có một số thân với chính quyền hay báo của chính quyền nhưng cũng ít người đọc lắm. Có thể nói miền Nam lúc ấy có tự do báo chí trước hết là tư nhân có thể ra làm báo, xin giấy phép để làm. Kiểm duyệt thì cũng có nhưng không phải là thứ kiểm duyệt kêu bằng nhẹm đi hay giết người… Họ cũng có kiểm duyệt, tất nhiên, nhưng những người làm báo ở miền Nam tôi nghĩ rằng họ có thể diễn tả những gì mà họ thấy cần. Họ ghi chép được và họ diễn tả lại.
Mặc Lâm: Bà nhận xét thế nào về nền báo chí hải ngoại từ 40 năm qua khi mà Hoa Kỳ được công nhận là có nền báo chí tự do nhất thế giới?
Nhà báo Trùng Dương: Tôi phải nói rằng báo chí hải ngoại hiện nay có rất nhiều tự do. Nhiều người nhảy vô làm báo mà không cần căn bản báo chí và cũng không có bao nhiêu đạo đức nghề nghiệp thành thử ra cũng có nhiều vấn đề. Quan trọng là họ tự do, họ tự do hơn báo chí miền Nam rất nhiều vì không có ai đứng ra kiểm duyệt hay kiểm soát họ nhưng họ chịu sự kiểm duyệt của độc giả.
Mặc Lâm: Bà vừa cho biết là báo chí hải ngoại chịu sự kiểm duyệt từ độc giả, theo chúng tôi biết thì một số người đọc báo hải ngoại đã nhiều lần chống lại các tờ báo mà họ cho là thân cộng và trước những động thái này nhiều tờ báo đã nhượng bộ và có tờ phải thay đổi hẳn quan điểm của họ để theo ý muốn của độc giả, bà chia sẻ gì về việc này?
Nhà báo Trùng Dương: Cũng một phần nào, thế nhưng không thể nói là họ hoàn toàn muốn làm gì với tờ báo mà đã làm họ mất lòng. Ở đây ít ra chúng ta còn có một chỗ để dựa vào nếu chúng ta không bằng lòng. Chúng ta gom lại đủ những tài liệu chứng cứ thì có thể đưa nhau ra tòa. Ít ra nó có một nơi để mình trình bày vấn đề của mình rồi tòa quyết định.
Mặc Lâm: Kinh nghiệm từ tờ Sóng Thần, theo bà xây dựng một tờ báo thì điều gì khó khăn và quan trọng nhất? Và nếu có dịp làm lại tờ Sóng Thần thì bà mong mỏi điều gì nhất?
Nhà báo Trùng Dương: Đừng phải lo tiền nhiều quá! Tiền là cái trở ngại nhất. Bởi thế cho nên vào năm 1972 khi chính phủ đưa ra cái Luật Báo chí 0072, bắt mỗi nhật báo phải đóng ký quỹ 20 triệu đồng thì mới được tiếp tục xuất bản. Hồi đó tụi này đi vay muốn chết luôn để mà giữ cho tờ báo còn tiếp tục. Tuy nhiên nếu nói chỉ lo chuyện tiền không thôi thì cũng không đúng đâu, nó phải có một cái môi trường mà trong đó luật báo chí, quyền tự do báo chí được tôn trọng. Điều cần nữa là người phóng viên được huấn luyện và có được tinh thần đạo đức nghề nghiệp. Mong mỏi thì nhiều yếu tố lắm thành thử ra nếu nói về vấn đề tiến bạc không thì cũng không đúng.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà báo Trùng Dương
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét