Pages

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Từ Giang Trạch Dân đến Tập Cận Bình: đi đâu cũng có biểu tình!

Theo thông tin chính thức của nhà cầm quyền Việt Nam, Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước CHXHCNVN Trương Tấn Sang đã mời ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, sang thăm chính thức Việt Nam vào hai ngày 5 và 6/11/2015. Trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông căng thẳng giữa hai quốc gia cộng sản, sự hiện diện của ông Tập tại Việt Nam đang là một mối quan tâm hàng đầu của người dân trong và ngoài nước.

Trung Quốc từ vài thập niên đã tự cho mình là kẻ cả, là siêu cường quốc, thay Mỹ để trở thành thế lực lớn nhất thế giới. Nhưng Trung Quốc vẫn chưa thoát ra khỏi cái áo cũ kỹ của anh chàng nông dân đói khát ròng rã hàng chục năm. Chỉ khoảng 1/10 dân số cả nước có cuộc sống khá giả, còn lại sống trong nghèo khổ và bất công. Trung Quốc vẫn chỉ là một kẻ thường « giương Đông kích Tây », ngạo mạn và là một cái thị trường tiêu thụ khổng lồ mà bất cứ cường quốc nào cũng muốn làm ăn với.

Trước làn sóng bất bình của dư luận trong và ngoài nước về việc đón rước Tập Cận Bình của nhà nước CSVN, cần phải công tâm nhìn nhận rằng không chỉ ông Tập, mà cả ông Hồ Cẩm Đào và trước đó là Giang Trạch Dân cũng đã từng bị lên án, tẩy chay khi đi thăm chính thức các quốc gia dân chủ và tiến bộ.

Chuyến đi của Chủ tịch Giang Trạch Dân tại Thuỵ Sĩ có lẽ là một ví dụ điển hình cho sự ngạo mạn, « coi trời bằng vung» của một chế độ độc tài, lạc hậu nhưng chuộng màn « diễu võ giương oai », thích bắt nạt những kẻ bị cho là yếu và phải nhận lấy một bài học từ những khái niệm cơ bản nhất của quyền con người.

SỰ CỐ NGOẠI GIAO TRONG CHUYẾN ĐI THĂM LIÊN BANG THUỴ SĨ CỦA GIANG TRẠCH DÂN

Từ ngày 24-26/3/1999, Giang Trạch Dân đã có chuyến đi thăm chính thức Liên bang Thuỵ Sĩ. Chuyến công du này cũng đã nhận nhiều chỉ trích từ phía các hội đoàn quốc tế ủng hộ quyền tự do ngôn luận, báo chí tại Trung Quốc. Bà Ruth Dreifuss, Tổng thống Liên bang, đã nhận được nhiều thư, công văn yêu cầu bà nhắc nhở Giang Trạch Dân về những vi phạm về nhân quyền tại Trung Quốc, trong đó có thư của Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International).

Và trong lịch sử ngoại giao quốc tế, có lẽ ít ai có thể hình dung đến một sự cố cấp quốc gia như chuyến đi thăm Thuỵ Sĩ của Giang Trạch Dân !

Tổng thống Liên bang Thuỵ Sĩ, bà Ruth Dreifuss, đã đón Chủ tịch Giang Trạch Dân tại thành phố Genève. Trên chuyến xe lửa đưa phái đoàn Trung Quốc về thủ đô Berne, bà Tổng thống đã bày tỏ mối quan tâm về vấn đề nhân quyền, tự do ngôn luận cũng như những lo ngại của chính phủ Thuỵ Sĩ về vấn đề Tây Tạng. Những câu hỏi « tế nhị » trên đã khiến cho phái đoàn Trung cộng bực tức, nhất là Giang Trạch Dân.

Sau khi đến thủ đô Berne, trên đường về dinh « Palais Fédéral », nơi làm việc của chính phủ Liên bang cũng như của Quốc hội Thuỵ Sĩ, Giang Trạch Dân lại « được » đón tiếp bằng các cuộc biểu tình chống Trung cộng của các cộng đồng người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và của cả dân bản xứ. Những lá cờ Tây Tạng cùng với hình ảnh Đức Dala Lama cũng như các biểu ngữ đòi trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đang bị giam cầm xuất hiện rầm rộ trên suốt đoạn đường về đến dinh. Nhưng dường như quả đắng vẫn còn chưa đủ cho Giang Trạch Dân nên ngay tại Quảng trường trước « Palais Fédéral », các cuộc biểu tình vẫn xuất hiện, thậm chí trên những nóc nhà đối diện với dinh, các lá cờ Tây Tạng vẫn ngạo nghễ tung bay càng khiến cho nhà lãnh đạo Trung cộng vô cùng tức tối và hằn học.

                                   Những người biểu tình ủng hộ Tây Tạng tại thủ đô Berne

Kết quả là Giang Trạch Dân đã từ chối tham gia lễ duyệt binh chào đón của chính phủ Liên bang Thuỵ Sĩ. Giang đã lạnh lùng, phớt lờ như muốn làm mất mặt các vị Bộ trưởng trong Hội đồng Liên bang, nhất là với ông Arnold Koller, Bộ trưởng bộ Nội vụ. Một cách trịch thượng, kẻ cả, cao ngạo, Giang Trạch Dân bực tức tuyên bố với Tổng thống Dreifuss cùng các thành viên trong chính phủ rằng bà và nước Thuỵ Sĩ đã « mất đi một người bạn tốt ». Ông ta cũng đặt câu hỏi: « Có phải các vị không có khả năng để điều hành đất nước này ? ». Vẫn còn tức tối, Giang Trạch Dân nhắc người đồng nhiệm Thuỵ Sĩ rằng khi đón tiếp khách nước ngoài, « điều lịch sự tối thiểu » là phải bảo đảm một « không khí ôn hoà »!

                      Chủ tịch Giang Trạch Dân nổi cáu trước các thành viên Hội đồng Liên bang

Bà Tổng thống Thuỵ Sĩ thay mặt cho chính phủ Liên bang bày tỏ sự tiếc nuối đến Giang Trạch Dân về những sự cố xảy ra. Nhưng bà cũng không quên nhắc lại cho Bắc Kinh rõ về luật pháp của Thuỵ Sĩ, đó là tại đất nước nhỏ bé này, quyền được biểu tình, bày tỏ chính kiến của tất cả mọi công dân, của các cộng đồng thiểu số, là điều không thể bị tước bỏ, là bất khả xâm phạm…Bằng sự quả quyết về quyền được biểu tình, bà Tổng thống đã làm cho không khí trở nên căng thẳng hơn ! Cũng cần nhấn mạnh rằng, trước chuyến đi thăm của phái đoàn Trung cộng, chính bà Dreifuss đã đặt điều kiện chỉ khi nào bà được bàn về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc, khi ấy bà mới chấp nhận hội đàm với Giang Trạch Dân.

Còn hậm hực nên sau khi được tặng một hộp nhạc bằng gỗ đắt tiền, Giang Trạch Dân vẫn không quên trách khéo chính phủ Thuỵ Sĩ « cái hộp nhạc hoạt động còn tốt hơn sự an ninh của quốc gia này ! ».

Giang Trạch Dân được Tổng thống Thuỵ Sĩ, bà Ruth Dreifuss cùng hai ông Bộ trưởng Flavi Cotti và Pascal Couchepin đón tiếp

Trên bình diện quốc tế, Thuỵ Sĩ chỉ là một quốc gia nhỏ bé, dân số chỉ hơn 7 triệu (vào năm 1999), và không phải là một đối tác quan trọng nhất đối với Bắc Kinh. Nhưng trên phương diện ngoại giao, Thuỵ Sĩ là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Chính phủ Thuỵ Sĩ chỉ làm đúng chức năng của mình khi đón tiếp khách, dẫu đó có là Trung Quốc, siêu cường quốc ! Ngược lại, tự ỷ vào thế mạnh, kẻ cả, nên Trung Quốc quên rằng một xã hội dân chủ khác xa cái xã hội thiên đường XHCN mà họ đang thiết lập cho hơn 1 tỷ dân. Giang Trạch Dân không thể nào hiểu nỗi tại sao một chính phủ lại có thể chấp nhận cho dân chúng công khai biểu tình, dẫu ôn hoà, nhất là chống đối lại chính phủ độc tài của ông. Có lẽ trong thâm tâm, ông muốn lấy sự kiện Thiên An Môn làm gương : mọi sự bất bình, đối kháng đều bị trấn áp bằng bạo lực không thương tiếc ! Và khi không hài lòng, ông lại hùng hổ, dạy đời thế giới tự do!

Hành xử như thế cho thấy Trung cộng vẫn còn chậm tiến rất nhiều trên mọi phương diện so với thế giới tiến bộ !

ĐÓN TIẾP TẬP CẬN BÌNH TẠI VIỆT NAM

Sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 cùng hàng loạt các vụ tấn công tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, Hà Nội cùng hệ thống báo chí chính qui đã không dám nêu đích danh thủ phạm là Trung Quốc mà chỉ gọi vu vơ là « kẻ lạ », bất chấp sự bất bình của dư luận. Chưa bao giờ người dân Việt Nam lại tỏ ra chán chường cái thái độ nhún nhường, bất lực của nhà cầm quyền Việt Nam trước sự bành trướng của Trung Quốc. Các biểu ngữ, những lời kêu gọi tẩy chay, phản đối chuyến đi thăm của Tập Cận Bình đã xuất hiện và lan rộng khắp mọi nơi từ trong và ngoài nước. Và khi thời điểm chỉ còn được tính bằng ngày, bằng giờ thì làn sóng bất bình, công khai chống Trung cộng, đả kích Tập Cận Bình ngày càng dâng cao trong mọi tầng lớp xã hội.

Bất bình trước lời mời, trước sự đón tiếp dành cho nhà lãnh đạo của một quốc gia láng giềng hung hăng và nhiều nợ máu với dân tộc là chính đáng, nhất là trong bối cảnh xung đột, tranh chấp biển đảo vẫn còn chưa được giải quyết. Trên bàn cờ chính trị, những ẩn khúc, bí mật luôn tồn tại, nhất là đối với các chế độ độc tài như Việt Nam và Trung Quốc, khi mà sự thật luôn được giấu giếm. Nhưng một điều chắc chắn đó là thế bị động, kẻ dưới của Hà Nội trong mối quan hệ song phương với Bắc Kinh. Họ luôn phải chịu nhiều ảnh hưởng và lệ thuộc vào Trung Quốc để duy trì sự tồn tại của một chế độ độc đảng, để kéo dài sự cầm quyền của một guồng máy thối nát.

Và chuyến đi thăm của Tập Cận Bình lần này, Hà Nội cũng rơi vào thế bị động, bị chèn ép, bị bức hiếp !

Ngược lại, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam chính là bày tỏ một thái độ cương quyết và dứt khoát trước những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Bắc Kinh. Phải cho Tập Cận Bình thấy rõ một điều đó là Trung cộng không phải là đối tác nghiêm túc, tin cậy cho dân tộc Việt Nam.

Chính vì thế, cần phải thực hiện quyền căn bản được chính luật pháp của nhà nước CSVN công nhận, đó là quyền biểu tình (điều 69 Hiến pháp 1992). Biểu tình để bày tỏ chính kiến (không muốn sự hiện diện của Tập Cận Bình), thể hiện lòng yêu nước khi Tổ quốc an nguy (trước hiểm hoạ Trung cộng).

Nhà nước CSVN sẽ ra sức trấn áp, bắt bớ những tiếng nói phản kháng trước chuyến đi của Tập Cận Bình hay cấm đoán, quấy nhiễu những cuộc biểu tình. Nhưng họ sẽ không thể nào kiểm soát, đàn áp nổi ý nguyện của nhân dân. Hà Nội và Bắc Kinh sẽ bị vỡ mặt nếu như những cuộc biểu tình phản đối Trung cộng và Tập Cận Bình vẫn được diễn ra một cách rầm rộ tại những nơi dừng chân của phái đoàn Trung Quốc. Qua đó, chúng ta nhấn mạnh một điều cho cả hai bộ máy cầm quyền : Đảng CSVN nhu nhược trước ngoại bang Trung cộng nhưng nhân dân Việt Nam dứt khoát không bao giờ khuất phục ! Và đảng CSVN không thể nào nhân danh cả dân tộc để mưu đồ thoả hiệp với kẻ thù !

Để Việt Nam trở thành một quốc gia thực sự độc lập và dân chủ, không chỉ là thoát Trung, dứt khoát phải thoát khỏi chế độ độc tài CSVN !

Có một chân lý : Mọi chế độ độc tài hay quân phiệt luôn bị thế giới văn minh lên án và đào thải ! Bài học của chính phủ Liên bang Thuỵ Sĩ đã để cho những người biểu tình chống đối Giang Trạch Dân là cần thiết cho sự « đón tiếp » Tập Cận Bình trong những ngày sắp tới tại Việt Nam!

Lâm Bình Duy Nhiên, 2/11/2015

(Dân Luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét