Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Đảng XII họp làm gì cho phí tiền dân (Phạm Trần)

Đảng Cộng sản Việt Nam tiếm quyền dân là điều không lạ, nhưng ngay đến quyền bầu cử của đảng viên cũng bị tước bỏ thì tổ chức đại hội làm gì cho phí tiền dân ?
Việc làm phản dân chủ này được công bố tại Hội nghị Trung ương 13 sau 8 ngày họp ở Hà Nội từ ngày 14 đến 21/12 để bàn về nhân sự khóa đảng XII.

Trước Hội nghị 13, Bộ Chính trị và Ban Tổ chức Trung ương đã trực tiếp thảo luận một danh sách dài những cán bộ được đề bạt vào thành phần được gọi là “cán bộ  cấp chiến lược” để lãnh đạo đảng từ cơ sở lên trung ương trước mắt và lâu dài.


Từ danh sách này, Bộ Chính trị đã lọc ra một danh sách ứng viên dự bị cho Ban Chấp hành Trung ương XII để trộn vào với số Ủy viên khóa XI được chọn cho tái ứng cử.

Cả hai danh sách được tổng kết dựa theo những tiêu chuẩn đã do chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra tại Hội nghị Trung ương 11 từ ngày 04 đến ngày 07-5-2015.

TIÊU CHUẨN MỚI

Trước tiên, những ngưởi này  phải:”Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc; có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, làm việc có hiệu quả.”

Thứ  đến phải: “Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ với công việc; dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước. Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ.”
Thứ  ba là phải: “ Có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương; có năng lực cụ thể hoá và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới; qua thực tiễn thể hiện rõ là người có năng lực, sáng tạo, làm việc có hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công, lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; có ý thức, trách nhiệm và khả năng tham gia thảo luận, đóng góp vào các quyết định chung của Ban Chấp hành Trung ương; đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ.”

Đó là những tiêu chuẩn rất mới và kiên quyết mà trong suốt 6 đời Tổng Bí thư , từ thời Lê Duẩn, đến Trường Chinh rồi qua Nguyễn Văn Linh đến Đỗ Mười sang tay Lê Khả Phiêu rồi Nông Đức Mạnh, chưa có ai  dám quy định rạch ròi  và nghe mát lòng mát dạ đến  như thế.

Nhưng ông Trọng và đảng CSVN có làm được như nói không hay sẽ tiếp tục đánh trống bỏ dùi như đã và đang xẩy ra trong nội bộ đảng trong suốt 40 năm qua ?

TIÊU CHUẨN BỘ CHÍNH TRỊ

Đối với những người để được chọn vào Bộ Chính trị, tuy chỉ có 16  người  như trong  khóa XI nhưng nắm trọn quyền sinh sát tòan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả nước thì  ông Trọng quy định: “Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những đồng chí thật tiêu biểu của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo quản lý, có tầm nhìn và tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn; có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng người có đức có tài; đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, còn trong độ tuổi theo quy định và đủ sức khoẻ để đảm đương nhiệm vụ.”

Với những tiêu chuẩn về con người, kinh nghiệm phục vụ của bản thân và khả năng lãnh đạo như vậy thì danh sách mới được  Hội nghị Trung ương 13 bỏ phiếu “thông qua” để “giới thiệu” với Đại hội XII “xem xét quyết định” có hội đủ các điều kiện khe khắt và chắt lọc của Nguyễn Phú Trọng không ?

Bằng chứng quốc nạn tham nhũng; chạy chức chạy quyền; tham quyền cố vị; kèn cựa, nói xấu nhau; đùn đẩy trách nhiệm cho nhau; tổ chức phe nhóm để ăn chia của dân, lãng phí công qũy; manh múng với chủ thầu nước ngoải, đa phần là Trung Quốc, để xà xẻo công sản quốc gia, chiếm đất của dân để làm giầu phi pháp là tệ nạn đã được cấp lãnh đạo thừa nhận.

Do đó, danh sách sau cùng gồm Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Chấp hành Trung ương XII dù sẽ do Đại hội bỏ phiếu bầu ra trong khỏang thời gian  từ ngày 20/1/2016 đến  28/1/2016, nhưng ai có thể bảo đảm với tòan đảng và tòan dân đã không có tình trạng phe phái và lợi ích nhóm chen vào quyết định của Trung ương 13 ?

Liệu những kẻ đặt quyền lợi cá nhân, phe đảng trên quyền lợi của dân từ khóa đảng này sang khóa đảng khác có để lọt vào hàng ngũ lãnh đạo đảng XII mới ?
Đơn giản dân phải hoài nghi vì Hội nghị 13 không có cơ chế kiểm tra để công bố cho đảng viên và tòan dân biết những ngưởi được chọn là ai và tại sao họ đã được chọn.
Cũng không thấy bất cứ ủy viên Trung ương đảng nào, gồm 175 chính thức và 25 dự khuyết của khoá XI nêu lên thắc mắc đối với số người được Trung ương 13 “thông qua”, làm như  họ tòan là những “ông thánh”, “bà tiên” cả !

NỘI DUNG NÓI GÌ ?
Ngoài những việc nổi do đảng công khai trên báo chí, các đảng viên và người dân chỉ biết ông Trọng đã nói trong diễn văn bế mạc Trung ương 13 , tập trung vào 4 điểm:
1.- Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ và biểu quyết, nhất trí cao thông qua danh sách đề cử các đồng chí Uỷ viên Trung ương khoá XI (cả chính thức và dự khuyết) trong độ tuổi và các đồng chí Uỷ viên Trung ương khoá XI thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khoá XII.
2.-Bỏ phiếu biểu quyết đề cử nhân sự các đồng chí đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XII;

3.-Bỏ phiếu biểu quyết đề cử nhân sự Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XII.

4.-Các đồng chí Uỷ viên Trung ương khoá XI (cả chính thức và dự khuyết) cũng đã viết phiếu giới thiệu các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong độ tuổi ứng cử 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Nên biết 4 chức danh chủ chốt gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng phải là những Ủy viên Bộ Chính trị của khoá XII.
Như vậy, khi  Trung ương 13 tự ý giới thiệu thì có đặt cái cầy trước con trâu không, hay cứ mắc cầy vào để bắt kéo mà không cần biết kẻ kéo cầy của đảng XII có đồng ý hay không ?
Trong khi đó,  câu chữ trong Thông cáo cuối cùng của Hội nghị 13 lại nói rõ hơn nội dung diễn văn  của ông Trọng.

Thông cáo viết: “ Thực hiện trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng theo truyền thống từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội của Đảng ta, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận dân chủ, cân nhắc kỹ lưỡng, thông qua danh sách các đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nhất trí giới thiệu ứng cử Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xem xét, quyết định.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã thảo luận dân chủ, cân nhắc kỹ lưỡng, thông qua danh sách các đồng chí đủ điều kiện, trong độ tuổi được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nhất trí giới thiệu ứng cử Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII; đồng thời giao Bộ Chính trị tiếp tục chuẩn bị nhân sự trường hợp đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI quá tuổi, tái cử, để đảm nhiệm chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trình Hội nghị Trung ương 14 xem xét, quyết định.

Khi nói đến 3 chữ  “trong độ tuổi   thì phải nhắc lại quyết định do chính ông Trọng đề ra tại Hội nghị Trung ương 11, theo đó: “ Ban Chấp hành Trung ương khoá XII cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên). Trường hợp đặc biệt cần phải cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng.”

Đó cũng là quyết định của Trung ương 13 vừa làm theo đúng  ý muốn của ông Trọng liên quan đến các “Trường hợp đặc biệt” và “ ngoài độ tuổi”

Tứ trụ triều đình gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ  72 tuổi vào lúc Đại hội đảng XII diễn ra; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, 70  tuổi ; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng tuổi 65 vào năm 2016 là những lãnh đạo thuộc diện đặc biệt và ngoài độ tuổi.

Do đó khi ông Trọng quy định “và từ 61 tuổi trở lên”  trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 11 thì không biết ông có ngụ ý muốn ngồi lại thêm nhiệm kỳ nữa hay sẽ nghỉ hưu ?

KHÔNG CÓ AI BỊ KHIỂN TRÁCH

Ngoài những điểm quan trọng nêu trên, Trung ương 13 cũng đã thào luận và thông qua:

- “Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.”

- Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay."

Về kiểm điểm lãnh đạo,  không  thấy Trung ương kỷ luật ai. Riêng ông Trọng lại tự khoe: “Trước những diễn biến mới, phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã bình tĩnh, tỉnh táo, xử lý các tình huống một cách khôn khéo, đúng đắn, kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.”

Cũng không thấy cả ông Trọng lẫn Trung ương nói gì đến tình hình biển đảo Việt Nam ở Biển Đông đang bị Trung Quốc công khai lấn chiếm và ngư dân Việt Nam  không ngừng bị lính Trung Hoa đánh đập, xua đuổi  khi họ đánh bắt ở hai khu vực Hòang Sa và Trường Sa.

Về kết qủa thực hiện “Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (21/05/2012), Trung ương 13 không nêu ra chi tiết thành công cũng như nhìn nhận những thất bại, dù ai cũng biết là ông Trọng đã thất bại trong công tác phòng, chống tham nhũng, dù ông là “Trưởng ban Trung ương chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng.”

Vì vậy, tham nhũng lúc nào cũng “rất nghiêm trọng và tinh vi”. Tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức và tư tưởng  xuống cấp ngày càng nghiêm trọng cũng đã được ông Trọng, Thanh tra đảng và Thanh tra Chính phủ thừa nhận trong quốt nhiệm kỳ 5 năm, bắt đầu từ tháng 01/2011.
Nhưng qua nội dung thảo luận tại Trung ương 13, đảng vẫn không tìm được lối thoát.  Chỉ thấy cả ông Trọng lẫn Trung ương cùng nói cho xong việc : “Khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành và kiên trì, kiên quyết tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ và phương thức lãnh đạo. Nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương.”



Suốt 5 năm qua, ông Trọng và các lãnh đạo khác đã không ngừng nói từ  “đấu tranh” đến “ngăn chặn” để “đẩy lùi” nhưng  các tệ nạn này không giảm mà mỗi ngày một sinh sôi nẩy nở thêm ở mọi nơi mọi chốn đến hoa cả mắt.

Sau Trung ương 13, khóa đảng XI  lại đang lo tổ chức  họp Trung ương 14 để chốt lại nhân sự cho khoá XII. Nhưng mọi việc bầu bán hầu như đã quyết rồi thì cần gì phải họp đảng XII cho tốn tiền mồ hôi nước mắt của dân ?
Đảng đã chọn lại bầu để chia chác quyền hành và chỗ ngồi cho nhau thì chỉ cần một bản Thông cáo trên báo chí là xong. Cách làm này vừa mau, vừa gọn mà lại tiết kiệm được công qũy đang cần để cứu hàng triệu dân vùng xa, vùng sâu bớt đói trong mấy ngày Tết có phải được phúc hơn  không ? -/-
Phạm Trần (12/015)
Bài viết được tác giả gởi đến SBTN

(Các bài viết trong mục Blog thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét