Pages

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Cao Huy Thuần - Dân chủ? Vẫn là mơ thôi?

Myanmar3
                                                       Bầu cử dân chủ Myanmar 2015

Các anh chị thân mến, vấn đề mà tôi đặt ra hôm nay đã cũ rích, cũ mèm, nghe nói đã mòn tai mà chính chúng ta cũng đã nói mòn lưỡi trong bao nhiêu năm.

Vậy tại sao lần này vẫn đem cái chuyện “dân chủ” cũ mèm ấy ra mà nói nữa? Có lẽ vì đề tài của Hội Thảo Hè năm nay: “Nhìn lại 40 năm” chăng? Nhìn lại thì phải nói chuyện cũ. Nhưng nhìn lại cũng phải để nói chuyện mới. Vậy thì cái chuyện gì mới phải nói lần này?

Trong 40 năm qua, chúng ta vẫn chưa đi được bước nào trên con đường dân chủ. Vậy chuyện mới phải chăng chính là cái bước đầu phải đi? Nhưng đi thế nào? Thế nào để không xa thực tế?

Tôi đề nghị một cách đặt vấn đề mới. Một câu hỏi khác. Bốn mươi năm đã qua, ngay cả tình trạng dân chủ ở các nước Tây phương cũng đã biến chuyển cùng với thời đại toàn cầu hóa. Dân chủ ở đấy không tránh khỏi vài du nhập độc đoán. Ngược lại, các chính thể độc đoán, không nhiều thì ít, bị bắt buộc phải vay mượn vài cơ chế dân chủ. Một mặt, chính dân chủ cũng bất toàn, cho nên khái niệm “dân chủ hóa” cũng mất bớt đi tính chính xác. Một mặt, các chính thể độc đoán có đi vài bước dân chủ thật, nhưng không phải để tiến đến dân chủ mà để củng cố chế độ.

Vậy nếu chúng ta cũng đi được vài bước như thế, chúng ta phải nghĩ như thế nào? Rằng: ta đang ở trên quá trình “dân chủ hóa”? Hay rằng: ta đang củng cố độc đoán? Rằng: ta cũng nên tạm bằng lòng? Hay rằng: ta nên thất vọng? Tôi biết: cách đặt vấn đề và câu hỏi như thế này phát xuất từ một tâm trạng bi quan. Bi quan trước lo ngại khủng hoảng dân chủ ở Tây phương. Bi quan trước triễn vọng dân chủ ở các nước độc đoán, triễn vọng ấy có thể bị tương lai hứa hão. Bốn mươi năm rồi, chưa đi một bước mà lạc quan thì mới lạ. Nhưng chính phải bi quan như vậy để đừng bắt đầu với những mơ mộng cao xa, tách lìa thực tế. Tôi bắt đầu với bi quan thứ nhất của tôi: vấn đề “dân chủ hóa” bị lu mờ, trên sân khấu thế giới cũng như trong học thuyết.

Khi các nước Á Phi mới độc lập, vấn đề dân chủ hóa đã sôi nổi ngay, trong chính trị quốc tế cũng như giữa các lý thuyết gia. Từ đó cho đến gần đây, học thuyết về dân chủ hóa xoay quanh một câu hỏi: làm thế nào để các chế độ độc đoán trở thành dân chủ? Câu hỏi đó hàm ý: độc đoán là tạm thời, dân chủ là cái đích. Trong khoảng một phần tư thế kỷ đầu, lý thuyết ngự trị trên tư tưởng dân chủ hóa mang tên là “phát triển chính trị” (political development). Lấy ý từ lý thuyết phát triển kinh tế, dân chủ hóa cũng phải trải qua nhiều giai đoạn mà giai đoạn đầu là “cất cánh”. Các lý thuyết gia vạch ra nhiều điều kiện tất yếu để cất cánh mà các nước dân chủ Tây phương đã hội đủ trong lịch sử phát triển chính trị của họ. Phát triển kiểu này, chắc chúng ta đành lắc đầu thôi, vì chẳng lẽ chúng ta phải để cả trăm năm để hội đủ điều kiện?

Được tán dương hoặc bị chỉ trích, lý thuyết ấy tiếp tục sống dai cho đến khi khối Liên Xô sụp đổ, các nước Đông Âu cháy bỏng nhu cầu dân chủ hóa. Lý thuyết “phát triển chính trị” nhường chỗ cho một cao trào lý thuyết khác, ào ạt như thủy triều, mang tên là lý thuyết “chuyển tiếp”, có tham vọng trở thành cả một khoa học, cả một transitologie. Đồng thời với các nước Đông Âu, khắp nơi trong “thế giới thứ ba”, Á Phi, Trung Đông, nhất là Nam Mỹ, bùng lên nhiệt huyết dân chủ, thủy triều Đông Âu dâng lên thành triều cường của cả thế giới. Không còn tranh cãi gì nữa, vấn đề duy nhất còn lại là làm thế nào để chuyển tiếp. Chuyển tiếp là tất nhiên, giống như “lịch sử chấm dứt” của Fukuyama cũng là tất nhiên.

Nhưng lịch sử đã không chấm dứt như vậy. Nước Nga không chuyển tiếp. Phi châu không chuyển tiếp. Nếu có chuyển tiếp thì chuyển tiếp từ chính thể độc đoán này đến chính thể độc đoán khác. Nước Pháp có đem viện trợ ra để dọa phải dân chủ hóa thì mới viện trợ, chẳng nước nào tin. Chỉ Nam Mỹ là có thay đổi, nhưng chuyển tiếp lại không vững chắc, hoặc quân đội lại lên thay dân sự, hoặc dân sự khác lên thay nhưng dở hơn. Một tiếng thở dài thốt ra trên sách vở của Pháp: désenchantement!. 1 Vỡ mộng! Các lý thuyết gia của trường phái chuyển tiếp xoay giấy mực qua đề tài mà họ cho là then chốt của quá trình chuyển tiếp: củng cố. Làm sao củng cố thành quả của chuyển tiếp. Nhưng cách nhìn vấn đề của họ vẫn như từ đầu, nghĩa là: độc đoán là tạm thời, dân chủ là cái đích, và dân chủ đó là dân chủ Tây phương.

Thế nhưng, ngày nay, dưới áp lực của toàn cầu hóa, chính dân chủ Tây phương lại đang trăn trở trên tình trạng khủng hoảng của mình. Một mặt, dân chúng khinh khi giới chính trị, cử tri không thèm đi bỏ phiếu, đảng phái làm mất lòng tin, Quốc Hội yếu kém, bất mãn diễn ra ngoài đường, dư luận thờ ơ trước chính sự. Một mặt, việc đối phó với khủng bố, với cực đoan tôn giáo, với làn sóng di tản từ khắp nơi tràn vào, làm các chính quyền Tây phương hụt hơi, giải quyết nạn an ninh và nạn thất nghiệp chưa xong, hơi sức đâu nữa mà lo toan dân chủ hóa cho thiên hạ.

Thay vì dân chủ hóa, ngôn ngữ chính trị của Tây phương chuyển qua nhân quyền, mà cũng chỉ nhân quyền ở đầu môi chót lưỡi để hù kẻ yếu. Nước Pháp, quê hương của nhân quyền, thay kép chính trên sân khấu ngoại giao, cổ võ cho “ngoại giao kinh tế” để bán máy bay cho các nước độc tài. Trên sân khấu chính trị cũng như ở trong lòng xã hội Tây phương, các khuynh hướng cực đoan khuynh loát dư luận, ảnh hưởng lên chính trị, len vào Quốc Hội, ngự trong các cơ quan dân cử.

Dân chủ Tây phương, từ Aristote, đặt nền móng trên tinh thần ôn hòa (modération); ngày nay cực đoan đe dọa đánh cắp gia bảo ấy. Nguy cơ diễn ra trên chính nước Pháp. Ở Bắc Âu, nguy cơ đã thành sự thật. Tại Phần Lan, bầu cử tháng 4 vừa qua, 2015, các bác cực hữu đứng vào hàng thứ hai, bây giờ đã vào chính quyền. Tại Thụy Điển, cũng các bác mỵ dân cực hữu ấy trở thành lực lượng chính đảng thứ ba, chấm dứt mô hình dân chủ xã hội mà thế giới vẫn hằng ca tụng. Tại Đan Mạch, cực hữu đứng đầu trong bầu cử Quốc Hội Âu châu năm ngoái 2014, đứng đầu trong bầu cử Quốc Hội năm nay, 18-6-2015, đang chơi nước cờ đứng ngoài chính quyền để mặc cả chính sách với giá cao nhất. Tại Na Uy, ôi thôi, các bác ấy cũng đã dõng dạc kéo ghế chính quyền. Có cần phải nói thêm dân chủ nước Mỹ, gương mẫu cho cả thế giới?

Có cần phải nhắc lại đạo luật Patriot Act 2001 biểu quyết để chống khủng bố nhưng gây phản cảm lớn trong giới bảo vệ tự do, nhân quyền? Phải chăng cái mầm độc đoán đã thâm nhiễm vào các chính thể dân chủ Tây phương?

Tôi trích ở đây một câu của một luật gia danh tiếng Pháp, bà Mireille Delmas-Marty, cảnh báo về mối đe dọa mà khủng bố đang đè nặng trên chính dân chủ Âu Mỹ: “Chúng ta đã có thể phải sợ rằng Ben Laden đã thắng cuộc trong thách thức. Y muốn đánh đổ dân chủ, chí ít y đã thấy trước y sẽ ném dân chủ vào vòng tay của Big Brother”. Chứ gì nữa! “Chiến tranh chống khủng bố” mà ông Bush mở màn từ 2001 ngày nay đã hội đủ nguyên liệu để trở thành “một nội chiến toàn cầu và thường xuyên”, chữ của bà DelmasMarty.2 Đã đi vào “chiến tranh”, mà lại là “nội chiến”, mà lại là “toàn cầu”, mà lại là “thường xuyên”, làm sao tự do, làm sao nhân quyền, làm sao dân chủ khỏi sa vào cái bẫy của những luật pháp ngoại lệ? Từ tình trạng ấy, học thuyết bắt đầu bàn luận trên hiện tượng lai giống: chính thể dân chủ lai giống độc đoán. “Không một chế độ dân chủ nào, ngay cả ở châu Âu, được bảo vệ khỏi áp lực của độc đoán”, một tác giả có uy tín trong đại học Pháp khẳng định như vậy. 3

Chính mình đã không còn nguyên chất nữa, dạy dân chủ cho ai? Trong sách vở, xuất hiện nhiều khái niệm kỳ quái: “dân chủ độc đoán”, “độc đoán dân chủ”.4 Toàn cầu hóa làm xâm nhập ảnh hưởng lẫn nhau giữa hai loại chính thể vốn được coi là đối kháng, khiến dân chủ không còn trinh bạch mà độc đoán cũng không hẳn là sở khanh. Bên này có “dân chủ độc đoán” thì bên kia có “độc đoán dân chủ”. Vậy thì làm sao còn nói “quá trình dân chủ hóa” được nữa? Quá trình ấy có đưa đến “dân chủ” như mẫu mực cổ điển đâu? Vậy thì “độc đoán dân chủ” là tương đương với “dân chủ hóa”?

Lấy ví dụ Vénézuela. Cựu tổng thống Chavez là độc đoán chăng? Đúng thế. Nhưng ông được bầu lên hẳn hoi trong một cuộc bầu phiếu có tranh cử hẳn hoi. Hơn thế nữa, ông chấp nhận thất bại khi bị thiểu số trong trưng cầu dân ý. Vậy là độc đoán hay là đã dân chủ hóa rồi? Nước Nga hiện nay: dân chủ hay độc đoán? Sao không gọi là dân chủ được khi Putin thực sự được bầu lên, tam quyền phân lập là nguyên tắc? Nhưng sao không khỏi mang tiếng là độc đoán khi truyền thông bị áp lực, ký giả Anna Politkavskaïa bị ám sát ngay giữa thủ đô, khi Putin mạnh không thua gì Sa Hoàng, lấn lướt một Quốc Hội yếu xìu, đẩy vào bóng tối các chính đảng? Ấy là độc đoán hóa? Ấy là dân chủ hóa? Iran là độc đoán chăng? Hiển nhiên. Mà còn độc đoán thần quyền.

Nhưng cựu tổng thống Ahmadinejad được bầu lên trung thực rồi bị mất chức trung thực trong cuộc bầu cử tiếp theo. Ấy là gì? Dân chủ hóa? Đâu phải! Các chính thể cứ lai nhau như vậy, đến nỗi học thuyết đã bắt đầu đặt câu hỏi: phải chăng mọi chính thể ngày nay đều là chính thể lai?5 Rồi sáng tác ra nhiều khái niệm mà nếu Montesquieu hay Rousseau sống lại chắc tưởng là quái vật. Về dân chủ thì: “dân chủ hậu toàn trị”, “dân chủ ủy nhiệm”, “dân chủ bán phần”, “dân chủ bầu cử”, “dân chủ bất tự do”… Về độc đoán thì: “bán độc đoán”, “độc đoán tự do hóa”, “độc đoán có chứa dân chủ”, “chuyên chế dịu dàng”, tyrannie douce, nghe rất nên thơ. Một bên thì xôi đậu. Một bên thì đậu xôi. Chỉ khác nhau ở chỗ bên này nhiều nếp hơn đậu, bên kia nhiều đậu hơn nếp. Nhưng nhiều nếp bao nhiêu cũng không phải là xôi. Chỉ là xôi đậu. Đâu nữa khái niệm nguyên thủy “dân chủ hóa”?

 Có “dân chủ hóa” bởi vì có một bên là dân chủ, một bên là độc đoán, ranh giới phân minh. Ranh giới ấy, Raymond Aron đã vạch ra hồi 1965, khi thế giới còn phân ra hai khối. Ranh giới ấy là đa nguyên. Bên này bức màn sắt là đa đảng, bên kia độc đảng. Bên này là dân chủ, bên kia là toàn trị. Trong vòng 50 năm nay, quanh đi quẩn lại, học thuyết chính trị không ra khỏi khái niệm căn bản ấy.

Nhưng ngày nay, anh nói: đa nguyên? Đâu chẳng có! Bên này hay bên kia đều có. Có thể, bên này có thật, bên kia có dỗm, nhưng đều có. Có thật là dân chủ? Có dỗm là dân chủ hóa? Bởi vì thà dỗm còn hơn là độc một mình? Tiêu chuẩn đa nguyên đang bị khủng hoảng. Một tác giả danh tiếng, Juan Linz, cố hiện đại hóa tiêu chuẩn của R. Aron, sáng tác ra khái niệm “đa nguyên hạn chế”,6 nhưng không phải ai cũng nghe. Nhiều tác giả còn bác bỏ cả lối phân ranh lưỡng cực vì ranh giới đã nhoè nhoẹt khi hai bên xâm nhập lẫn nhau. Có tác giả, cũng danh tiếng không kém, bi quan thở dài: “Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của độc đoán”.7

Hết thật rồi chăng ước mơ dân chủ hóa? 2 Tôi tiếp theo với bi quan thứ hai của tôi. Bởi vì tôi sắp lấy ví dụ Trung Quốc để tự hỏi: chính thể Trung Quốc có phải là một chính thể lai? Một chính thể độc đoán đang lai giống dân chủ? Đang đi vào quá trình… dân chủ hóa? Hay để củng cố chế độ? Tôi biết câu hỏi đó sẽ làm nhiều người phản đối vì một phản biện rất đúng: chế độ Trung Quốc là một chế độ riêng biệt, không giống ai, không theo mẫu mực nào, nếu có dính dáng gỉ đến dân chủ thì không phải là dân chủ hóa mà là “dân chủ với màu sắc Trung Quốc” như bất cứ sản phẩm chính trị nào khác. Vâng, đúng vậy, nhưng giả thuyết tôi sắp nói có phải là dân chủ hóa đâu? Lai thôi mà. Và lai để làm gì? Không thiếu gì giới học thuật cũng như giới chính khách hoặc doanh nhân ở Mỹ đánh cuộc với tương lai rằng Trung Quốc của họ trước sau gì rồi cũng phải dân chủ như họ. Bao nhiêu lâu? Năm chục năm, trăm năm? Trước mắt, và ngay cả trung hạn, khó mà ngây thơ như họ. Tuy vậy, ai cũng phải nhìn nhận và ngã mũ chào khả năng chuyển biến để thích nghi với hoàn cảnh mới từ thời Đặng Tiểu Bình đến nay.

Tất nhiên đó không phải là những canh tân chính trị, lại càng không phải là “đệ ngũ hiện đại hóa” (dân chủ) như Wei Jingshen đã khản cổ kêu gào. Đó chỉ là những biện pháp cụ thể nhắm canh tân một vài cơ chế, nhưng có thể gây ảnh hưởng gián tiếp trên tiến trình của chế độ. Xin kể sơ lược một vài biện pháp đó: 8

Về bộ máy hành chánh: đào tạo hàng ngũ cán bộ có khả năng hơn; xây dựng một thế hệ công chức hữu hiệu hơn nhờ lương bổng cao hơn và quy chế ổn định hơn; đơn giản hóa thủ tục hành chính; sửa đổi thẩm quyền của các cơ quan chính phủ (bộ, ban, ngành…) không phải để quản lý trực tiếp nữa mà để chịu trách nhiệm về việc thực hiện các chính sách liên hệ…

Về các cơ quan chuyên môn: hiện đại hóa các ngành thuế, ngân hàng, chứng khoán, hưu bổng, an sinh xã hội… Quan trọng hơn và liên quan đến vấn đề ta đang bàn cãi hơn: ban cấp cho các hội đồng nhân dân vài thẩm quyền – hạn chế – để góp phần vào quá trình lập pháp; thử nghiệm bầu cử ở cấp độ địa phương với ít nhiều cạnh tranh; sửa đổi luật lệ để đem lại nhiều bảo đảm hơn cho người dân và cho các doanh nghiệp ngoại quốc nhất là từ khi vào WTO; mở mang thêm các biện pháp giải quyết các tranh chấp xảy ra giữa xã hội và Nhà nước mà họ gọi là “Nhà nước pháp quyền”: trọng tài, hòa giải, thủ tục tố tụng, khiếu nại…; phát triển việc thăm dò ý kiến để tìm hiểu tâm lý, nguyện vọng của người dân.

Xin kể đại khái như vậy thôi, không cần dông dài, các anh chị quá biết. Chỉ nói thêm về “pháp quyền”: đây là điều mà Tập Cận Bình được xem như đang quyết tâm thực hiện. Kể như vậy để đặt câu hỏi: Các biện pháp ấy nhắm mục đích gì? Dân chủ hóa? Hay để nắm vững trong tay tình trạng bất bình đẳng kinh tế và xã hội, để quản lý chặt chẽ hơn, giải quyết hiệu quả hơn, tránh trước những tranh chấp, những tình trạng nguy hiểm, cốt bảo đảm ổn định xã hội, quan tâm hàng đầu của Đặng Tiểu Bình? Dù sao đi nữa, dù chẳng liên quan gì đến “đệ ngũ hiện đại”, ai dám nói các biện pháp ấy không liên quan gì đến thể chế? Nó còn làm tăng tính chính đáng của chế độ trước mắt người dân thường và càng tăng hơn nữa trước mắt thế giới. Chỉ có điều là cách thức ổn định ấy tránh rất kỹ, không du nhập toàn vẹn một biện pháp nòng cốt của chế độ dân chủ: định chế hóa. Định chế hóa là để bảo đảm ổn định, an ninh của người dân đối với chính quyền.

Ngược lại, cứ để mỗi biện pháp lửng lơ, tùy nghi áp dụng, tùy hoàn cảnh, tùy địa phương, là để bảo vệ an ninh của chính quyền, ổn định của chế độ. Thiếu định chế hóa, cho nên các quyết định đều làm trong bóng tối của bí mật và tùy tiện, chẳng ai biết tại sao vị này được bầu vào Bộ chính trị, vị kia lên chức bí thư, ai là “nhóm Thượng Hải”, ai là “nhóm Bắc Kinh”, ai tống ai xộ khám.  Tôi lấy nhiều chi tiết và khái niệm “độc đoán sáng suốt” từ đây.

Ngoài các biện pháp kể trên, bất cứ ai cũng nói rằng phồn thịnh kinh tế đã làm xuất hiện một giai cấp xã hội mới, một loạt “tư bản đỏ” lớn nhỏ, một thế lực kinh tế làm ăn với chính quyền nhưng cũng cạnh tranh với chính quyền và với nhau, đưa đến hiện tượng mới là đa nguyên quyền lợi. Tây phương nghĩ rằng các thế lực kinh tế này càng ngày càng muốn thoát ra khỏi cái khung chật hẹp của chế độ chính trị, càng ngày càng muốn có tiếng nói mạnh hơn: đa nguyên kinh tế, đa nguyên xã hội sẽ đưa đến đa nguyên chính trị. Vậy thì, theo họ, dù muốn dù không, yếu tố trụ cột của dân chủ, đa nguyên, không hẹn vẫn đến. Thế nhưng, lại thế nhưng, hai thế lực ấy ở Trung Quốc đang liên minh với nhau. Là thống soái, chính trị nói: anh liên minh với tôi, chúng ta cùng hưởng lợi. Kết quả là một thề chế chính trị nhiều tiếng nói tư vấn, nhiều hợp tác ý kiến hơn, nhưng tập trung ở quan hệ thượng đỉnh. Và chúng ta thấy gì? Ra đời lý thuyết chính trị “tam cá đại biểu” mà Giang Trạch Dân đã quảng bá hồi 2001.

Từ nay, đảng Cộng sản đại diện cho “những lực lượng sản xuất tiến bộ, văn hóa tiên tiến, và những quyền lợi thiết yếu của đa số quần chúng”. Đâu rồi, công nhân và nông dân? ” Đa số quần chúng” đứng vào hạng bét. Đầu đàn là giai cấp quý tộc đỏ. Giới quân tử đỏ ấy được ban cấp một thứ tự do ngôn luận nội bộ, tin tức không được lộ ra ngoài cho thứ dân. Đại gia, thê tử của các vị lãnh đạo nắm giữ các xí nghiệp công và bán công, cả một nomenklatura thượng tầng xã hội ấy sống trên pháp luật, được tập tục riêng của chế độ bảo vệ. Ngay cả doanh nghiệp tư và bán tư ở cấp địa phương cũng được chính quyền địa phương ưu đãi, ban phát cho thông tin riêng. Đứng vào hàng thứ hai trong bảng sắp hạng của Giang Trạch Dân, “văn hóa tiên tiên” cũng được ăn theo hưởng lợi chung: đại học, trung tâm nghiên cứu, think tank được ban cấp một thứ tự do hàn lâm rộng rãi, viết lách, tranh luận thoải mái nhưng cẩn thận không phát tán.

Sinh viên được biểu tình, nhưng để rốc máu nóng dân tộc chủ nghĩa vào đấu tranh chống Mỹ Nhật, tuy rằng thỉnh thoảng cũng để phản đối bất an ninh trong khu đại học. Đại học sản xuất ra chuyên gia, chuyên gia xuất hiện để được tư vấn. Còn gì vinh dự hơn được lãnh đạo nghiêng tai? Vậy là chuyên gia tranh nhau bày tỏ lời vàng tiếng ngọc, tuy rằng quyết định đã có trước rồi. Ngây thơ là bệnh kinh niên của trí thức, nhưng dù vậy chăng nữa, một khi khung cửa hẹp được mở ra cho ý kiến, một khi chính quyền biết nghĩ rằng mình không phải là ông thánh nắm hết mọi tri thức chuyên môn của thời đại, tư vấn với thiện chí học hỏi cũng giúp ích phần nào cho quá trình lấy quyết định hoặc để quyết định được trau chuốt hơn.

Nóí khác đi, đa nguyên quyền lợi, đa nguyên ảnh hưởng, đa nguyên áp lực, đa nguyên thế lực, đa nguyên thương lượng, đa nguyên mặc cả… tất cả không khỏi đưa đến đa nguyên nội bộ, đa nguyên phe nhóm, đa nguyên cấu xé nhau như thế giới đã thấy sau hậu trường của Tập Cận Bình. Bộ máy chính trị vẫn vận hành theo lối sắp xếp nội bộ, nhưng sắp anh hay sắp tôi tùy thuộc vào nhiều tiêu chuẩn mới làm bằng những quan hệ đan xen nhau giữa lãnh đạo chính trị và giai cấp tân quý tộc. Bề ngoài, bộ máy ấy vẫn vững như đồng, khó mà tin rằng những phần tử “thiên dân chủ” dám liều mạng đem quyền lợi đang hưởng của mình đánh đổi một cuộc phiêu lưu chính trị, nhưng ai dám nói chắc một biến đổi xã hội bất ngờ sẽ không bao giờ xảy ra trong bối cảnh bất bình đẳng cao độ hiện nay?

Kết quả: một chế độ độc đoán đang thành công, thành công ở cấp trên nhờ ban cấp nhiều tự do và quyến lợi, thành công ở cấp dưới nhờ thành quả kinh tế và tự hào dân tộc được vuốt ve. Không ai chối cãi tính chính đáng của chế độ độc đoán ấy, tuy rằng tham nhũng vẫn hoành hành, truyền thông bị bóp nghẹt, nhân quyền bị coi rẽ, toà án và luật lệ bất công.

Khó mà nghĩ rằng đa nguyên trong lòng chế độ sẽ đưa đến dân chủ. Thực tế mà xét, cái tài thích nghi của chế độ chỉ đưa ta đến kết luận rằng: trước mắt, cái thứ độc đoán có lai chút ít giống dân chủ ấy, dù có lai thêm đi nữa, cũng là để củng cố độc đoán thôi, đừng hòng nói dân chủ hóa với phát triển chính trị. Tôi dông dài cho đến đây cũng chỉ để hỏi các anh chị một câu: Ví thử các anh chị sống trong chế độ ấy, tự hào với nó vì nó đưa đất nước lên địa vị thống soái thế giới, và ví thử các anh chị biết rằng đòi hỏi dân chủ chỉ đưa đến một chế độc tài được củng cố hơn, dễ chấp nhận hơn, mềm dịu hơn, các anh chị còn đòi hỏi dân chủ không hay bằng lòng như thế?

Nói cho rõ hơn: phải chăng một chế độ độc đoán mềm dịu và hữu hiệu có thể thay thế đòi hỏi dân chủ hóa? Hay là cả hai là một, tương đương với nhau? Ngày trước, Voltaire ca tụng Cathérine II của nước Nga, nữ hoàng của một chế độ mà lịch sử học thuyết chính trị gọi là “chuyên chế sáng suốt” (despotisme éclairé). Các anh chị nghĩ sao nếu bước chân đòi hỏi dân chủ của các anh chị dẫn đến một chế độ mà tôi muốn bắt chước để gọi là “độc đoán sáng suốt”? 3

Nói vậy chứ tôi không bi quan. Bởi vì tôi biết rằng nước chúng ta là một nước trung bình, không lớn mênh mông như Trung Quốc, nên không có những vấn đề như Trung Quốc, không thể lấy mô hình chính trị của một nước cực lớn được. Từ trước đến nay, hễ nói đến chính thể độc đoán là ai nấy đều chỉ vào Singapore. Hễ hỏi có chính thể độc đoán nào thành công không, ai nấy cũng chỉ vào Singapore. Chỉ có nước ấy xứng đáng để gọi là thành công.

Vậy, tôi đặt câu hỏi: họ có muốn dân chủ hóa không? Hay là bằng lòng thành công với độc tài sáng suốt? Tôi đặt câu hỏi tại một thời điểm thích hợp: trên sân khấu chính trị của Singapore không còn ông Lý Quang Diệu. Các lý thuyết gia muốn nghiên cứu chuyển tiếp, không đâu bằng đến đây. Các lý thuyết gia chủ trương “chính thể lai giống”, đến đây cũng tìm ra chất liệu. Độc đoán: mẫu mực không ai đúng hơn ông Lý Quang Diệu.

Một mình ông làm thủ tướng từ 1959, trước khi nước ông độc lập, cho đến 1991 mới nhường ghế kế vị cho người được ông lựa chọn. Ghế ây lại trao cho con ông, năm 2004. Nhưng ông đâu có từ bỏ chính trường: chế độ gia trưởng mà ông mở đầu tiếp tục đi theo ông cho đến phút cuối. Cũng như ông, đảng PAP (People’s Action Party) của ông nắm quyền một mình. Mãi đến 1981, đối lập mới chiếm được một ghế trong Quốc Hội. Một ghế! Vậy mà ông đã lo cảnh giác, siết chặt báo chí, kềm kẹp đối lập, ra luật cho phép bắt giữ không cần xét xử trong một thời gian vô hạn định. Dân biểu đối lập ChiaThye Poh nằm khám 32 năm mà chưa hề ra tòa. Năm 2010, trang nhất của báo chí quốc tế đồng loạt phản đối việc một nhà báo Anh bị bắt vì dám chỉ trích chính quyền. Trước đó, Singapore được sắp hạng 133 trên 175 nước vặt lông báo chí ưu tú nhất.

Thế nhưng, trong bàn tay sắt của ông, không phải không có vài yếu tố dân chủ. Có đa nguyên chăng? Có chứ, vì có một đảng đối lập hoạt động công khai, hợp pháp, đảng Worker’s Party. Đã đành, đảng ấy hiện hữu như một ngón tay thừa trong bàn tay năm ngón, nhưng trong suốt 56 năm cầm quyền, đảng PAP chịu tranh cử hẳn hoi và chưa bao giờ bắt chước trò hề suýt soát 100% như các đảng độc quyền trong các nước độc đoán khác. Tuyển cử cuối cùng, năm 2011, PAP chiếm tỷ lệ trên 66% số phiếu, con số cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời, số ghế của đối lập trong Quốc Hội tăng lên thành 6. Một dấu hiệu dân chủ được hân hoan chào đón như một rạng đông của lịch sử mới. Một vinh dự cho cả đảng PAP vì tính chính đáng của chế độ càng được xác nhận thêm.

Không quan sát viên nào không tán dương những thành quả xuất chúng của Singapore: tư pháp độc lập, luật pháp được tôn trọng từ trên chóp bu, bộ máy hành chánh trong sạch, công chức có trình độ học thức cao, giáo dục tiên tiến, an sinh xã hội được bảo đảm, y tế phát triển, và nhất là, nhất là, sao giỏi thế, tham những bị quét sạch. Một “chế độ lai” thành công đến mức ấy, tương lai sẽ cứ là “độc đoán sáng suốt” như vậy mãi hay là sẽ dân chủ hóa lần hồi để càng ngày càng dân chủ? Hỏi người dân: muốn củng cố cái gì, củng cố độc đoán hay củng cố từng bước đi của dân chủ, cam đoan chẳng mấy ai, kể cả ở bên Tàu, trả lời độc đoán.

Bởi vì dân chủ là ước muốn tự nhiên của con người, nhất là sau khi cơm áo đã có. Ở tầng lớp dưới, người dân muốn dân chủ để thoát ra khỏi cường hào. Ở tầng lớp trên, phồn thịnh kinh tế đưa đến một xã hội trung lưu phức tạp, vừa trong cách sống, vừa trong cách suy nghĩ, và cách cai trị một xã hội đa dạng, đa diện, phức tạp, nếu muốn tiếp tục thành công, không thể là cách cai trị một đàn cừu.

Chính ông Lý Quang Diệu đã thấy điều đó. Chính ông nói: thế hệ trẻ không còn nhìn quan điểm của ông với cùng một trọng lượng và đồng tình như giới già đã nhất loạt quy tụ xung quanh ông trong giai đoạn khó khăn của thời độc lập.9 Giữa già với trẻ, giữa giới thủ cựu và giới tân tiến, quan điểm khác nhau, kể cả trên những vấn đề đạo đức. Đồng tính luyến ái, lưỡng tính, chuyển tính, dục tính, quan hệ nam nữ trước hôn nhân, vợ chồng không hôn thú, cái roi của đức Khổng mà ông Lý lăm lẵm trong tay để biến nước ông thành con rồng không làm giới trẻ cúi đầu nữa.

Một xã hội phức tạp không cần cây roi để lãnh đạo bằng cái còi. Cái còi của người trọng tài. Các người kế vị ông Lý không học ở ông nghệ thuật cầm roi bằng nghệ thuật trọng tài. Trọng tài giữa nhiều quan điểm, nhiều xu hướng khác nhau tất nhiên phải có trong một xã hội phức tạp. Trọng tài để giải quyết những căng thẳng trong xã hội cũng là trọng tài cần thiết để giải quyết những căng thẳng trong chính trị chắc chắn phải xảy ra. Làm sao giải quyết trong ôn hòa? Làm sao tránh những vấp váp của thời chuyển tiếp mà các con rồng khác đã trải qua? Làm sao đừng thấy diễn ra cảnh hai ông cựu tổng thống Hàn Quốc, một ông vô tù, một ông tự tử? Làm sao để dân chúng khỏi xuống đường như ở cả ba con rồng kia? Trong quá khứ, dân trao trọn quyền cho ông Lý và khoanh tay chờ quyết định.

Ngày ấy qua rồi, các trí thức Singapore quả quyết như vậy.”Chúng ta không bao giờ trở lui về lại được nữa sự nhất trí cao độ mà chúng ta đã được hưởng hàng chục năm qua. Rạn nứt sẽ xảy ra”.10

Xã hội mới, họ báo trước, chắc chắn sẽ đem lại nhiều phản đối. Làm thế nào để xuôi buồm giữa các chiều gió nghịch? Trí thức Singapore đặt vấn đề như vậy. Họ tự hỏi: làm sao thuận buồm xuôi gió để qua bờ bên kia, bờ dân chủ? Họ đâu có tự hỏi: làm sao củng cố cái thuyền cho chắc để ở lại yên ổn với bờ bên này, bờ độc đoán? Họ đâu có muốn lai mãi lai hoài một thứ chính thể dù thành công vượt mức? GDP đâu phải là mục đích thiên thu của con người? Mục đích thiên thu của con người là tự do. Singapore là bài học đáng để chúng ta suy ngẫm hơn cả. Bởi vì, cũng như ta, họ đang suy nghĩ về bước đi đầu tiên. Họ đã chờ cho đến khi Lý Quang Diệu mất để đặt vấn đề cái bước đầu tiên ấy. Họ có đủ điều kiện để bước: một xã hội tân tiến, một xã hội trọng luật, một xã hội có giáo dục cao, một xã hội lành mạnh, một xã hội phồn vinh. Vậy mà trí thức của họ rất khiêm tốn trong bước đi.

E rằng ta cũng phải khiêm tốn như họ chăng? Tôi chọn một người trí thức có uy tín ở Singapore và trên quốc tế để đọc: đó là Kishore Mahbubani mà tôi vừa trích câu nói ở trên.11 Đọc ông, rồi đọc những bài viết đăng trên báo chí sau khi Lý Quang Diệu mất, tôi thấy có hai chữ sáng lên như một cặp đèn pha trong sương mù: “normal” và “consensus”. Bình thường và đồng thuận. Singapore sẽ, và sẽ phải là, một chính thể “bình thường”. Một chính thể bình thường là một chính thể không cần đến anh hùng vĩ đại. Vĩ nhân chỉ xuất hiện trong những giai đoạn bất bình thường. Xong nhiệm vụ bất bình thường, vĩ nhân bay lên trời như Phù Đổng, để mặt đất lại cho anh, cho tôi, cho chúng ta, những người bình thường. Những người bình thường cần định chế vững chắc để sống chung với nhau trong hòa bình. Định chế ấy phải được xây dựng trên nền tảng dung hòa, bởi vì đa nguyên quyền lợi là tình trạng bình thường trong xã hội.

Nói đến dung hòa là nói đến đồng thuận. Nếu không thì là cưỡng chế và cưỡng chế là bất bình thường. Đồng thuận là đồng thuận trong xã hội và đồng thuận giữa chính quyền và người dân. Nếu không thì là áp bức và áp bức là bất bình thường, chẳng ai ưa áp bức cả, ai cũng muốn thở không khí tự do, vì tự do là bình thường. Làm cách thế nào để “thoát Lee”, thoát ly ra khỏi tình trạng bất bình thường của một bàn tay sắt, khi cái roi “nhất trí” không còn hợp thời nữa, khi chính tinh thần nhất trí phải nhường chỗ cho đồng thuận?

Tôi lắng nghe ông Mahbubani nói, bởi vì chẳng lẽ chúng ta cũng cứ ở mãi trong tình trạng bất bình thường từ bốn chục năm qua? Cứ chiến tranh với nhau hoài? Cứ hận thù hoài? Cứ đánh gục mọi ý kiến khác, dù đầy thiện chí, như nả súng cối vào kẻ thù? Cứ đặt vòng kim cô trên đầu xã hội với mệnh lệnh và khẩu hiệu? Tôi lắng nghe ông Mahbubani nói để xem ông có giải quyết được giùm tôi cái vòng luẩn quẩn mà một tác giả danh tiếng của đại học Mỹ cứ làm tôi khổ sở hoài: “Chỉ một Nhà nước dân chủ mới tạo ra được một xã hội dân chủ, chỉ một xã hội dân chủ mới nâng lên được một Nhà nước dân chủ”. 12

Làm sao đi bước đầu trong cái vòng luẩn quẩn ấy? Tôi cám ơn ông bạn trí thức lân bang của ta, ông nói: Chỉ có cách phát triển một văn hóa chính trị mới, một political culture, lấy dung hòa làm căn bản thay cho mệnh lệnh. Khiêm tốn thế thôi. Các anh chị thân mến, tôi chưa bao giờ mơ tưởng đa đảng như là bước đi đầu tiên. Cũng chưa bao giờ nghiêm túc sử dụng Hán văn “tam quyền phân lập”. Tôi không dám mơ tưởng xa xôi khi vấn đề định nghĩa chính xác thế nào là “đảng lãnh đạo” chưa được chính thức đặt ra để cả nước cùng góp ý kiến trong bầu không khí tin tưởng, cỡi mở, tự do. Tôi chỉ có thể làm một người trí thức bình thường, khiêm tốn trong mơ ước. Văn hóa là chuyện bình thường của chúng ta. Và văn hóa dung hòa là chuyện quá bình thường trong văn minh của Việt Nam.

Nhưng làm thế nào để nói lên cái văn hóa ấy? Làm thế nào để tháo ra cái vòng luẩn quẩn, để mở đầu với cái chìa khóa xã hội dân chủ? Đố ai có thể tìm ra được một câu trả lời nào khác: không có quyền ngôn luận thì không có cả văn hóa, nói gì văn hóa chính trị. Đó là bước đầu, trước khi nói đến cái gì khác.

Tôi đề nghị: Với quyền ngôn luận thẳng thắng, trong sáng, tự do, và với tinh thần trách nhiệm, hãy bước cái bước đầu sau 40 năm dằng dai, trên câu hỏi đầu tiên: thế nào là “đảng lãnh đạo”? Thế nào là “đảng lãnh đạo” trong tình trạng “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng” hiện nay, kể cả tận “cấp cao”? 13 Đâu là biện chứng giữa lãnh đạo và đồng thuận trong bối cảnh không còn là bất bình thường nữa của chiến tranh? Thế thôi, khiêm tốn, bước đầu. Nhưng đó là bước đầu để đi đến dân chủ. Dù chỉ là giấc mơ, dân chủ vẫn là lý tưởng.

Không ai mơ độc tài, dù là sáng suốt. 

Vĩ thanh: Khi tôi viết bài này xong thì được GS Trần Ngọc Vương gửi cho bài viết của anh về Tập Cận Bình, trong đó tôi vô cùng thích thú thấy anh cùng đưa ra luận điểm “độc tài sáng suốt”. Xin đọc bài rất đặc sắc của GS Trần Ngọc Vương, “Thử giải mã Tập Cận Bình”, Tạp chí Người Cao Tuổi, số Tết 2015. CHT © Thời Đại Mới

Chú thích:

1. Guy Hermet, Les désenchantements de la liberté. La sortie des dictatures dans les années 1990, Fayard, 1993. 
2. La démocratie dans les bras de Big Brother, phỏng vấn Mireille DelmasMarty, Le Monde, 6-6-2015
3. Bertrand Badie, Aucune démocratie n’est à l’abri d’une poussée autoritaire, même en Europe, Le Monde.fr, 22-9-2009. 
4. Olivier Dabène, Vincent Geisser, Gille Massardier, Autoritarismes démocratiques et démocraties autoritaires au XXIè siècle. Convergence NordSud, La Découverte, 2008.
5. Lydie Fournier, Entre démocratie et autoritarisme vers des régimes hybrides? Sciences Humaines, n° 212, Février 2010. 
6. Juan Linz, Totalitarian and Authoritarian Regimes, trích bởi Michel Camau, Remarques sur la consolidation autoritaire et ses limites, books.openedition.org/cedej/1111?lang=fr 
7. Ralf Dahrendorf, trích trong chú thích (4) ở trên và http://www.editionsladecouverte.fr (giới thiệu quyển sách).
8. Jean-Pierre Cabestan, La Chine évoluerait-elle vers un autoritarisme “éclairé” mais ploutocratique?, Perspectives chinoises, n°84, Juillet-Août 2004
9. Ang Cheng Guan, Singapore and the Worldview of Lee Kuan Yew, The Diplomat, 3-3-2015. 
10. Kishore Mahbubani, Nurturing the Art of Compromise, Straits Time, 13-9- 2014. 
11 Kishore Mahbubani, bài đã dẫn. 
12. Michael Walzer, The Concept of Civil Society, trích bởi Michel Camau, xem chú thích (6) và (7). 
13. Ngày nay, chữ “suy thoái” đã quá phổ thông trên mọi lĩnh vực, kể cả… kinh tế. Nhưng đặc biệt ở đây, trong bối cảnh của bài này, chữ ấy lại càng có ý nghĩa khi đi vào Nghị quyết 4 Trung ương: “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên kể cả cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng”.

Cao Huy Thuần

(Nghiên cứu lịch sử)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét