Pages

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Hải Quân Mỹ vẫn là 'bá chủ' trên đại dương

 Phát triển nhanh lực lượng hải quân là một mục tiêu ưu tiên của Trung Quốc, nhưng tham vọng làm chủ Thái Bình Dương sẽ không dễ, vì Hải Quân Hoa Kỳ sẽ không để cho điều này xảy ra.

Ðó là nhận định của bài viết có tựa đề “The U.S. Navy Wants to Show China Who's Boss” - (tạm dịch: Hải Quân Mỹ muốn Trung Quốc hiểu ai vẫn là 'bá chủ' trên đại dương) trên tờ Foreign Policy, hôm 14 Tháng Mười Hai, 2015.

    Hàng không mẫu hạm USS Ranger (CVA-61) của Hải Quân Hoa Kỳ. (Hình: Getty Images)

Theo bài báo, từ giữa thế kỷ 20 cho đến nay, Hải Quân Mỹ đứng đầu thế giới, vượt xa tất cả mọi nước về số chiến hạm các loại cũng như kỹ thuật và kinh nghiệm hoạt động trên tất cả các đại dương. Gần đây, bằng thái độ dứt khoát, Hoa Kỳ đã cảnh báo cho Trung Quốc hiểu là họ không thể tìm cách kiểm soát và hạn chế tự do lưu thông hàng hải trong vùng Biển Ðông,

Cho dù Trung Quốc có thể phát triển nhanh về số chiến hạm và vũ khí nhưng sẽ còn rất lâu mới có thể đạt tới trình độ đương đầu ngang ngửa với Hoa Kỳ.

Một tài liệu chiến lược chính thức do Trung Quốc phổ biến hồi Tháng Năm nói rằng: “Phải từ bỏ quan niệm truyền thống là đất có giá trị hơn biển. Cần đặt nặng việc quản lý mặt biển, bảo vệ quyền hàng hải và lợi ích hải dương. Do đó Trung Quốc cần phải trở nên một cường quốc hải quân.”

Mặc dầu viễn tượng xảy ra xung đột với Trung Quốc hãy còn rất xa vời, nhưng Ngũ Giác Ðài và các phân tích gia tin rằng chỉ nhận thức là Hoa Kỳ đã mất đi lợi thế quân sự cũng có tác dụng tổn hại đến tâm lý các nước đồng minh cùng đối tác. Bất kỳ một dấu hiệu yếu đuối hay khoan nhượng nào của Mỹ đều sẽ khuyến khích quân lực Trung Quốc trong thời điểm Bắc Kinh đang theo đuổi chính sách bành trướng, tranh chấp biển đảo ở Ðông Nam Á và những vùng biển khác.

Ðể đương đầu với những ý đồ của Trung Quốc, Hoa Kỳ cần phát triển thêm những hệ thống vũ khí mới, đồng thời thay đổi chiến lược, chiến thuật thích ứng với tình thế tương lai.

Hải Quân Hoa Kỳ cần trang bị cho các chiến hạm nổi và tàu ngầm những loại hỏa tiễn với tầm hoạt động xa và có khả chống kỹ thuật phòng thủ của tàu địch. Loại hỏa tiễn bình phi Tomahawk có từ thập niên 1950 và được sử dụng lần đầu tiên trong chiến tranh vùng Vịnh, đến nay cần phải được cải tiến. Trước kia chỉ nhắm tấn công những mục tiêu cố định trên mặt đất, hỏa tiễn Tomahawk cải tiến được thử nghiệm hồi Tháng Giêng năm nay có tầm bắn xa hơn và đánh trúng những chiến hạm di chuyển trên mặt biển.

Trung Úy Robert Myers, một phát ngôn viên Hải Quân Mỹ, nói rằng trong ít năm tới, loại hỏa tiễn mới này sẽ được trang bị cho các hạm đội. Hỏa tiễn tầm xa chống chiến hạm và hỏa tiễn phòng không như kiểu SM-6 do Na Uy phát triển, phóng đi từ máy bay cũng đang được sản xuất. Nhu cầu tăng cường hỏa lực cho tất cả các chiến hạm nổi, thay vì chỉ tập trung vào hàng không mẫu hạm và tàu ngầm để tấn công, là chiến thuật mà nhiều sĩ quan cao cấp tán thưởng. Chủ trương của họ là “cái gì nổi đều có thể tấn công.”

Cùng với việc gia tăng những vũ khí mới cho chiến hạm, phải tính tới việc Trung Quốc phát triển nhiều loại hỏa tiễn chiến thuật có tầm bắn xa từ 100 đến 900 hải lý. Ðặc biệt hỏa tiễn đạn đạo “Ðông Phong” DF-21D gọi là “diệt mẫu hạm,” được Trung Quốc trình diện trong cuộc diễn binh hồi Tháng Chín, là một vũ khí đáng phải quan tâm đề phòng.

Hỏa tiễn địa-hải (chống chiến hạm) Ðông Phong DF-21D của Trung Quốc đặt trên xe di động. (Hình: Andy Wong - Pool /Getty Images)

Loại hỏa tiễn bình phi YJ-18 phóng đi từ tàu ngầm cũng là một mối đe dọa khác. Những vũ khí như thế khiến các hải đội hàng không mẫu hạm của Hải Quân Hoa Kỳ không thể tập trung đến một điểm quá gần bờ biển để cho máy bay tấn công cất cánh.

Do đó chiến thuật chiếm lãnh quyền bá chủ không phận mà Hải Quân Hoa Kỳ đã áp dụng trong những cuộc xung đột cục bộ từ sau Thế Chiến II đến nay cần phải được thay đổi.

David Ochmanek, phân tích gia của cơ quan nghiên cứu chiến lược END Corporation nói rằng nếu dùng tới thời gian nhiều ngày triệt hạ khả năng phòng không để chiếm được quyền làm chủ không phận, thì có thể sẽ là quá trễ vì Trung Quốc có thể đạt mục tiêu của họ trước đó. Vì vậy nhu cầu căn bản của quân lực Hoa Kỳ là phải di động nhanh chóng, không cho đối phương có khả năng tấn công như ý định.

Hải Quân và Không Quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương cũng sẽ không chỉ tập trung ở những căn cứ lớn để có thể bị nhiều tổn thất do một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, mà sẽ được phân tán ra các hải đảo nhỏ trong trường hợp chiến tranh xảy ra. Bộ quốc phòng đang xem xét việc xây dựng căn cứ quân sự ở nhiều hải đảo xa xôi hẻo lánh trên Thái Bình Dương, tương tự như thời kỳ Thế Chiến II.

Hiện nay Hoa Kỳ có 272 chiến hạm nổi và tàu ngầm cùng với hơn 150 chiến hạm được đặt trong tình trạng dự bị sẵn sàng sử dụng khi cần. Lực lượng 9 hàng không mẫu hạm nguyên tử đang hoạt động là sức mạnh không hải quân nào khác có thể so sánh.

Trung Quốc đã chế tạo rất nhanh nhiều chiến hạm mới, hiện có khoảng 300 chiến hạm, nhưng hải quân nước này hãy còn kém xa về nhiều mặt từ khí tài đến khả năng hoạt động. Trong thập niên vừa qua, trung bình mỗi năm ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 9.5%. Chừng 1/3 ngân sách quốc phòng $165 tỷ một năm dành cho hải quân.

Một quốc gia khác có hải lực lớn là Nga với khoảng 280 chiến hạm nhưng một phần lớn đã lỗi thời. Với tình trạng kinh tế khó khăn bây giờ, các phân tích gia quân sự không hề dự đoán Hải Quân Nga có thể phát triển đến đâu. Gần đây Hải Quân Nga đã biểu diễn sức mạnh qua các cuộc phóng hỏa tiễn bình phi từ chiến hạm nổi trên biển Caspian và tàu ngầm ở Ðịa Trung Hải. Tuy nhiên những thể hiện này mới chỉ mang tính tượng trưng, kể cả việc duy trì một hải đội đặc nhiệm tác chiến ở Ðịa Trung Hải cũng không phải là dễ dàng.

Còn Hải Quân Hoa Kỳ, để làm đòn bẩy trong việc vận động ngân sách, vẫn trình bày tình hình phát triển hải quân của Trung Quốc như là mối đe dọa. Một số ý kiến hoài nghi cho rằng có thể Hoa Kỳ đã phóng đại nguy cơ Trung Quốc dù rằng nguy cơ này là có thật.

Trong cuộc tranh cử năm 2012, vấn đề hải quân cũng được nêu ra. Ứng cử viên Cộng Hòa Mitt Romney phê phán Tổng Thống Obama đã coi nhẹ tình trạng của hạm đội Mỹ, số chiến hạm ngày nay còn kém cả năm 1916 khi Mỹ sắp tham gia Thế Chiến I và Hải Quân Mỹ đang tiến lên vị trí đứng đầu thế giới. Ông Obama đáp lại bằng cách diễu: “Ông nói về hải quân chúng ta không có nhiếu chiến hạm như hồi đầu thế kỷ trước. Phải thêm là hiện nay chúng ta không có nhiều ngựa và lưỡi lê nữa.”

Nhưng phát triển vũ khí mới là cần thiết và trong cuộc tranh cử tổng thống sắp tới, đề tài này sẽ còn được nói đến nhiều. Bà Carly Fiorina trong cuộc tranh luận hồi Tháng Chín đã tỏ ra có nhiều quan tâm về lực lượng quân sự Mỹ, bà đề nghị tăng số chiến hạm hiện dịch lên 350 và phát biểu này thu hút sự chú ý, với kết quả sau đó theo thăm dò dư luận, tỷ lệ ủng hộ tăng lên hàng thứ ba.

Một điều chắc chắn là nếu Hải Quân Trung Quốc, hiện đứng hàng thứ nhì trên thế giới, muốn lên ngang với Hoa Kỳ, thì ít lắm cũng phải 25 năm nữa mới có thể đặt vấn đề này.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét