Pages

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Kinh tế Việt Nam tiếp tục phụ thuộc nặng vào Trung cộng

Phúc trình của Sở Công Thương Sài Gòn sáng 28-12-2015 nhận xét rằng sản xuất công nghiệp tại Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu Trung cộng quá nhiều. Trong năm 2015, ước tính nhập siêu của Việt Nam với thị trường này lên tới 32.3 tỷ USD, tăng 12.5% so với năm trước.
Mủ cao su của Việt Nam bán chủ yếu sang Trung cộng (ảnh: N. Thịnh)
Số liệu thống kê cho biết xuất cảng hàng hoá năm 2015 ước tính đạt 162.4 tỷ USD, tăng 8.1% so với năm 2014. Kim ngạch xuất cảng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước tính đạt 115.1 tỷ USD, tăng 13.8%; khu vực trong nước ước tính đạt 47.3 tỷ USD, giảm 3.5%. Đóng góp chính vào mức tăng chung chủ yếu là nhóm hàng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ trọng cao: điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99.7%, điện tử máy tính và linh kiện chiếm 98.2%, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 89.5%, giày dép chiếm 79.7%; hàng dệt may chiếm 60.4%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập cảng năm 2015 ước tính đạt 165.6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98 tỷ USD, tăng 16.4%; khu vực kinh tế trong nước đạt 67.6 tỷ USD, tăng 6.3%. Nếu loại trừ yếu tố giá (giá nhập cảng giảm 5.8%), kim ngạch nhập cảng hàng hóa năm tăng 18.9%, cao hơn mức tăng 13.2% của năm 2014.
Trung cộng tiếp tục là thị trường nhập cảng lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 49.3 tỷ USD, chiếm 28.8% tổng kim ngạch nhập cảng. Các mặt hàng nhập cảng từ Trung cộng chủ yếu gồm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng điện thoại các loại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện.
Phúc trình cho hay nhập siêu từ Trung cộng liên tục tăng trong nhiều năm nay. Nguyên nhân là do nền sản xuất của Việt Nam vẫn phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu từ thị trường này. Trong đó có khá nhiều ngành phải nhập đến 90% nguyên liệu từ Trung cộng.
 Cũng theo phúc trình, Philippines đã điều chỉnh cơ cấu thương mại với Trung cộng nhanh hơn Việt Nam, nhằm giảm sự phụ thuộc. 
Ông Lương Văn Khôi - trưởng ban kinh tế thế giới (trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) nói rằng Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra triển vọng thương mại tốt hơn với Việt Nam, giúp cân bằng được quan hệ thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định. Do vậy Việt Nam cần nhanh chóng đáp ứng các thỏa thuận đã cam kết trong TPP, như cho tự do lập hội, công đoàn độc lập.
Vũ Minh Ngọc / SBTN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét