Pages

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Lê Minh Nguyên - Thay Đổi và Cơ Hội

Thay đổi không có nghĩa là nó sẽ đương nhiên tốt hơn. Vậy tại sao phải thay đổi? Thay đổi để thoát ra được cái cũ, nhất là cái cũ đã 70 năm và có đầy lỗi hệ thống. Ít nhất, nó cho ra một cái gì mới, việc tốt/xấu tuy chưa rõ nhưng việc thích ứng với môi trường đương đại thì rất rõ. Khủng long dù rất to, nhưng không thay đổi theo môi trường sống thì đương nhiên bị diệt chủng. Đó là luật của tạo hoá mà sinh vật không thể cưỡng. Đảng CSVN là một sinh vật nên cũng vậy.

Trong chương trình giáo dục của ngành kinh tế thương mại (MBA) các sinh viên thường học qua về Phân tích SWOT (SWOT Analysis: Strengths/điểm mạnh, Weaknesses/điểm yếu, Opportunities/cơ hội, Threats/rũi ro) để có những động thái thích hợp khi thời thế đã đổi thay. Nó nhằm dạy cho sinh viên biết thay đổi và đạt được sự tốt đẹp sau khi thay đổi. Bởi vì trên thương trường, thay đổi là một hằng số, không thay đổi là thua cuộc, là bị đào thải.

Người Đông phương tin vào Dịch Học (hay Lẽ Biến Động) mà nguyên lý âm-dương không cho tách rời để chọn một bỏ một, cho nên giữ được sự thăng bằng động trong tương quan cả hai mới là tuyệt vời gần với lẽ đạo của Dịch Kinh. Nó có nghĩa là muốn thăng bằng phải thay đổi, trong tĩnh có động và trong động có tĩnh. Các chế độ dân chủ lấy cái động (biểu tình, tranh cử tự do) để duy trì cái tĩnh (ổn định chính trị thực sự). Các chế độ độc tài lấy cái tĩnh (ổn định chính trị giả tạo) để bóp nghẹt cái động (đàn áp các động tính tự nhiên của xã hội).

Người cộng sản biết rõ là môi trường sống chung quanh luôn luôn thay đổi, nếu không thì tại sao lý thuyết của họ đề cao biện chứng pháp (dialectics) mà trong đó luôn có biến động, vì nếu có chính đề (thesis) thì sẽ có phản đề (antithesis) và sự tương tác sẽ cho ra hợp đề (synthesis). Ví dụ dễ hiểu là nếu có một người độc thân (chính đề), thì sẽ có một người độc thân khác phái (phản đề) và sự tương tác như hôn nhân sẽ cho ra đứa con (hợp đề), qua thời gian thì đứa con sẽ là chính đề... và cứ thế mà lẽ biến động mở ra về phía trước.

Trớ trêu thay khi thực hành thì người Đông phương thường bảo thủ chống lại sự thay đổi, nhất là người cộng sản. Họ đề cao luật biện chứng nhưng họ cho luật biện chứng chết ở thế giới đại đồng, vì tới đó là "Ò e Rô-be đánh đu, Tạc-zăng nhảy dù... thằn lằn cụt đuôi" không thể biện chứng được nữa. Đó là chưa nói Darth Vader Lú ở hành tinh xa xôi nào đó trong Stars War 7 cương quyết không thay đổi, cho dù đến hết thế kỷ này không biết có gặp chủ nghĩa xã hội hay chưa.

Người Tây phương, nhất là Hoa Kỳ, không biết nói nhiều về Kinh Dịch, nhưng luôn thực hành nguyên tắc âm-dương trong đời sống. Họ có thuyết Tương Đối (Relativity) mà Albert Einstein làm cho chói lọi, họ áp dụng âm-dương để làm ra máy vi tính (0 và 1 trong hệ đếm hai/binary digit), họ xây dựng quốc gia (nation-state building) trên nền tảng âm-dương mà chính quyền và đối lập luôn thăng bằng. Họ rất lo sợ đối lập bị yếu và luôn tìm cách để bảo vệ đối lập. Hầu hết các điều khoản của Hiến pháp Hoa Kỳ là để bảo vệ thiểu số trong khi đất nước do đa số hướng dẫn. Giao thiệp với thế giới, trong khi cộng tác với đảng cầm quyền của một nước nào, họ luôn luôn tiếp xúc và giúp đỡ đối lập. Nếu chỉ nói bằng hai chữ thì đó là: thăng bằng.

Chuyến đi của ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từ 23-27/12/2015 qua Bắc Kinh mà ông Hùng cho là vì "lợi ích chung của hai bên to lớn hơn nhiều so với bất đồng" (www.bbc.in/1Vn10tA), nhưng ông không cho biết lợi ích to lớn của dân tộc Việt Nam là lợi ích gì? Mong ông đừng đồng hoá nó với lợi ích của đảng CSVN muốn TQ chống lưng để tiếp tục cầm quyền!

Qua những gì ông nói và làm ở TQ thì hình như là một sự đồng hoá như vậy!

Đảng đã dứt khoát không thay đổi chính trị để VN độc lập với TQ hơn và đoàn kết nội lực dân tộc trong-ngoài hơn. Chuyến đi là một sự khẳng định Đảng (đúng hơn là phe bảo thủ trong Đảng) dựa vào TQ. Điều mà nhạc sĩ Việt Khang trong bài hát "Việt Nam Tôi Đâu" cho biết phải trãi qua quá nửa đời nguời để nghiệm ra.

"Việt Nam ơi!

Thời gian quá nửa đời người

Và ta đã tỏ tường rồi"

Ông Hùng giờ đây qua chuyến đi đã khẳng định, không cần chờ lâu để "tỏ tường" là đảng CSVN tiếp tục chọn con đường dựa vào Trung Quốc cho sự "hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài (?), hướng tới tương lai" như 16 chữ vàng cột chặt con thuyền đất nước VN vào mẫu hạm TQ. Dĩ nhiên, khi cột chặt vào mẫu hạm thì hướng đi tương lai là hướng của mẫu hạm. Nội tình TQ thì ông Tập Cận Bình đang ngồi trên lửa, đảng CSTQ đang hết xăng, vậy việc tiếp tục ôm TQ có phải là một giải pháp khôn ngoan cho đảng CSVN hay không?

Hôm 23/12 ông Hùng gặp ông Tập (bit.ly/1PlS9I5) và ông Tập "gởi lời thăm hỏi, lời chúc tốt đẹp đến TBT Nguyễn Phú Trọng và CTN Trương Tấn Sang", không nhắc gì đến TT Nguyễn Tấn Dũng. Điều này chỉ có thể rơi vào một trong ba trường hợp: (1) ông Tập đã bỏ rơi ông Dũng do tam trụ Trọng-Sang-Hùng có thể đã nhượng gì với ông Tập có giá trị lớn hơn ông Dũng nhượng!? (2) ông Tập thăm VN hôm 5-6/11/2015 vừa qua, mời duy nhất ông Dũng đi thăm TQ và hai ông Tập-Dũng ôm nhau ba lần hết sức thắm thiết chỉ là đòn giả để hại ông Dũng, để chứng minh ông Dũng cũng cá mè một lứa quỵ luỵ TQ, (3) ông Tập có thể đã gởi lời thăm ông Dũng nhưng tam trụ Trọng-Sang-Hùng đang vây đánh nhất trụ Dũng nên cắt bỏ lời nhắn thăm ông Dũng khi đưa tin ra ngoài công chúng.

Hôm 25/12 ông Chủ tịch Quốc hội TQ Trương Đức Giang nói với ông Hùng là VN cần củng cố niềm tin chính trị vào TQ và nên giữ cho "quan hệ song phương trở lại theo đúng hướng", có nghĩa là VN tiếp tục ở trong quỹ đạo của TQ, không được chệch hướng về phía Hoa Kỳ (bit.ly/1Vn2vYF).

Ông Trương hướng VN đến tương lai bằng cách thúc ông Hùng là VN cộng tác trong khuôn khổ của sáng kiến TQ về "Vòng Đai và Con Đường (Belt and Road) cũng như phía VN "Hai Hành Lang và Một Vòng Tròn Kinh Tế" (Two Corridors and One Economic Circle). TQ gói bánh nhiều dây từ an ninh, quân sự, chính trị, kinh tế... với VN.

Theo Tân Hoa Xã, ông Hùng nói "Việt Nam sẵn sàng làm việc với Trung Quốc ‘để tăng cường quan hệ hợp tác...hầu có thể duy trì tình hữu nghị vĩnh cửu’" (bit.ly/1ZurXhk). Trong khi quy luật của bang giao quốc tế là "không có bạn muôn đời, cũng không có thù truyền kiếp, chỉ có quyền lợi quốc gia là vĩnh cửu", nay ông Hùng hy sinh quyền lợi quốc gia ở Biển Đông để xin "duy trì tình hữu nghị vĩnh cửu". Đau cho VN!

Hôm 25/12 ông Hùng tới quê hương Mao Trạch Đông để thăm và dâng hoa ở thành phố Thiều Sơn, tỉnh Hồ Nam. Nơi đây "Kính cẩn nghiêng mình trước tượng Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của lãnh tụ vĩ đại..." (bit.ly/1Ja9DWz).

Ông Hùng đi TQ ngay thời điểm sau Hội Nghị Trung Ương 13 (ngày 14-21/12) mà các phe tranh nhau bất phân thắng bại, trước trận đánh kế tiếp ở Hội Nghị TU 14 vào khoảng đầu tháng Giêng, và chưa đầy một tháng trước Đại Hội 12, với nội dung vừa cậy dựa TQ vừa có vẻ muốn dồn ông Dũng vào chân tường. Ông muốn chứng tỏ cho dư luận là ông có hùng khí dám đặt vấn đề thẳng mặt với ông Tập về Biển Đông, nhưng nội dung thì co cụm và đùn đẩy cho hậu sinh, như "tích cực hợp tác", “Vấn đề trên biển là vấn đề hệ trọng... Vì vậy, xử lý vấn đề trên biển cần được đặt trong tầm nhìn chiến lược lâu dài". Khi ông Tập đến đọc diễn văn ở Quốc hội VN, không thấy Chủ tịch Hùng nêu lên vấn đề, tại sao? Chẳng lẽ chuyện biển đảo chỉ được dùng cho chính trị nội bộ?

Nhà dân chủ TQ, ông Nguỵ Kinh Sinh cho rằng ông Tập chỉ phung phí tiền bạc để tạo tiếng vang ở Biển Đông. Nơi đây, Hoa Kỳ đang đánh đòn giả với TQ (bluffing). HK không cần phải lo lắng mà chỉ cần duy trì áp lực miệng (HK thật sự lo lắng là vấn đề tin tặc). Nếu phải lo lắng là Việt Nam và Phi Luật Tân, và hai nước này nên mời HK vào Cam Ranh, Subic Bay và Clark Air Force Base. Ông Nguỵ cho rằng các đảo đó chẳng hữu ích gì cho TQ. HK sẽ chẳng thoả thuận gì (make a deal) với TQ ở Biển Đông trừ khi các chính khách HK bị bại não.

Ông Nguỵ cho rằng cốt lõi của vấn đề Biển Đông là chế độ CSTQ muốn kiểm soát yết hầu hàng hải ở Đông Á, tức là muốn kiểm soát các tuyến đường thương mại hàng hải của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các nước ASEAN. Liệu ý đồ này có thành công hay không? Hiển nhiên là không. Đây là mưu tính của những người bị tàn tật não. Giả như một ngày nào đó chế độ CSTQ thực sự cắt đứt cái yết hầu hàng hải này, TQ đánh với một mình HK còn không lại thì làm sao đánh lại một liên minh gồm HK, Nhật, Hàn và các nước ASEAN?

Nếu có chiến tranh, nó sẽ đi cùng với sự trừng phạt kinh tế, và chế độ CSTQ sẽ sụp đổ ngay lập tức. Vì vậy, các cư dân mạng ở TQ đặc biệt muốn ông Tập gây chiến, qua đó để họ chứng kiến sự sụp đổ chế độ bằng việc sử dụng sức mạnh bên ngoài. Mưu tính này có thể làm cho ông Tập xem xét lại dàn cố vấn của ông để biết ai muốn TQ hỗn loạn và ai đang đánh lừa ông (bit.ly/1RLPKrF).

Ông Hùng và Đảng muốn dựa vào TQ là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng cho VN. HK là siêu cường số một, không có tham vọng lãnh thổ, nhưng cũng không có bổn phận phải bảo vệ chủ quyền VN. VN cần HK chứ không phải HK cần VN.

Vì lợi ích cục bộ, CSVN cần TQ chống lưng hơn là cần nội lực dân tộc, trong khi việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì chính yếu là dân tộc chứ không phải ngoại bang, cho nên VN không thể vận công để đoàn kết dân tộc trên toàn quốc cũng như quốc nội-hải ngoại, trong khi khối người Mỹ gốc Việt càng ngày càng có nhiều ảnh hưởng hơn lên chính sách của HK đối với VN.

Thay đổi không phải chỉ có rũi ro mà là cơ hội. Những người cộng sản Đông Âu hay Liên Xô có viễn kiến đều thành công sau thay đổi. Một cá nhân cương quyết thay đổi, có thể từ đạp xích lô trở thành nhà khoa học. Một tập thể lãnh đạo mạnh dạn thay đổi, VN sẽ có cơ hội vươn vai Phù Đổng để trở thành một dân tộc mạnh trên trường thế giới.

Trên lãnh vực này, VN nên lãnh đạo TQ chứ không nên để TQ lãnh đạo VN. Đây là sinh lộ cho VN hưng thịnh, vì VN dân chủ dẫn theo một TQ dân chủ mới là sự ổn định thực sự, như HK nằm sandwiched hài hòa giữa Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ, chứ không "đại cục hữu nghị" mà thực chất là ỷ mạnh hiếp yếu như TQ đối với VN hiện nay.

Thay đổi là cơ hội để vượt qua sự bất hạnh cho một dân tộc thông minh, cần cù và dũng cảm.

Lê Minh Nguyên

28/12/2015

Tác giả gửi BVN

(Bauxitevn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét