Pages

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Luật trưng cầu dân ý: Quá mù mờ “vấn đề đặc biệt quan trọng”

Cuối cùng và sau gần hai năm đưa lên đặt xuống, Quốc hội CSVN đã chịu thông qua Luật trưng cầu dân ý vào ngày 25/11/2015. Tuy nhiên, luật này chỉ được khoảng 86% số đại biểu có mặt tán thành, nếu so với tỷ lệ gần 100% theo “thông lệ”.
ảnh: www.dailo.vn
Theo quy định của luật này, những vấn đề được Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân gồm: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước, hoặc vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Tuy nhiên, như thế nào là “vấn đề đặc biệt quan trọng” lại vẫn chưa được chi tiết hóa trong luật. Giải thích về quy định thế nào là “vấn đề đặc biệt quan trọng”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ mô tả: việc xác định thế nào là “đặc biệt quan trọng” gắn với nội dung từng vấn đề được xem xét, trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và liên quan đến nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau. Do đó, nội dung này nên để Quốc hội cân nhắc, xem xét quyết định đối với từng nội dung cụ thể khi có đề nghị của các chủ thể có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Luật trưng cầu dân ý.
Cần nhắc lại, trước khi Luật trưng cầu dân ý được chính thức thông qua, một số ý kiến đã cho rằng Quốc hội phải tiến hành trưng cầu ý dân về tình trạng chiến tranh, hoặc những quyết sách lớn của thể chế liên quan đến Bộ quốc phòng, Bộ công an và có thể cả chính sách ngoại giao. Tương tự, những dự án có vốn “khủng” lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng (chẳng hạn dự án sân bay Long Thành và dự án đường sắc cao tốc Bắc Nam sử dụng vốn ODA), đương nhiên Quốc hội phải trưng cầu dân ý.
Thế nhưng có vẻ Luật trưng cầu dân ý chỉ được thông qua cho có. “Vấn đề đặc biệt quan trọng” vẫn quá mù mờ và dường như bị cố ý “cho qua”. Tình trạng này rất có thể dẫn đến việc hiện diện một nghị định triển khai Luật trưng cầu dân ý không muốn chi tiết hóa những “vấn đề đặc biệt quan trọng” là gì. Và do đó, việc cho ra đời Luật trưng cầu dân ý chỉ là một cách để đối phó với sức ép dư luận, mà hoàn toàn chưa xem trọng ý kiến người dân.
Tình trạng trên vẫn cho thấy ý chỉ “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” vẫn ngự trị. Theo đó Bộ chính trị đảng cầm quyền luôn muốn cầm tay chỉ việc Quốc hội mà không để người dân có cơ hội được tham gia.
Cần nói thêm, ngoài Luật trưng cầu dân ý, Quốc hội CSVN hiện vẫn đang lúng túng đối phó với hai bộ luật khác được giới dân chủ nhân quyền trong nước và quốc tế lên tiếng thúc ép, đó là Dự luật Tín ngưỡng tôn giáo và Dự luật Lập hội. Cả hai dự luật này đều liên đới mật thiết với tiến trình vào TPP của Nhà nước Việt Nam.
Lê Dung / SBTN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét