Vào đầu, lá thư viết đây là “suy nghĩ và yêu cầu bức thiết phù hợp với ý nguyện của đông đảo nhân dân trong nước và người Việt ở nước ngoài“. Nếu chưa có một cuộc thăm dò dư luận có tính cách khoa học thì khó có thể biết ý nguyện của đa số, trong cũng như ngoài nước, là thế nào. Có thể họ muốn giải tán đảng CS hơn là duy trì nó và đổi tên.
Thư viết “Trung Quốc ngày càng ngang nhiên thực hiện mưu đồ bành trướng, hòng biến nước ta thành một chư hầu kiểu mới…” Thực ra, kể từ Hội Nghị Thành Đô 1990 thì Việt Nam đã trở thành chư hầu của TQ rồi! Thực trạng ngày nay nó còn tệ hơn là chư hầu, vì chư hầu chính yếu là sự thần phục chính trị và triều cống bằng những lễ vật không có giá trị là bao, nhưng đất và biển thường không bị sáp nhập để trở thành đất nước của mẫu quốc. Ngày nay biển đảo và đất đai vùng biên giới đã và đang vĩnh viễn ra đi.
Thư viết “Một nước Việt Nam có thế và lực mạnh trên cơ sở đoàn kết toàn dân tộc, gắn bó giữa nhà nước và nhân dân, là con đường duy nhất…” Muốn đoàn kết toàn dân tộc thì không thể áp đặt, muốn gắn bó giữa nhà nước và nhân dân thì không thể chỉ mở cửa cái rọ để bắt các thành phần khác biệt của dân tộc chun vào qua các mỹ từ “đại đoàn kết”, “hoà hợp”. Đảng cần phải bỏ cái rọ, chun ra ngoài và ngồi nói chuyện bình đẳng, tôn trọng đối phương trong tinh thần chấp nhận lỗi lầm và hướng về một hệ thống giá trị chung của toàn dân tộc.
Thư viết “xây dựng Việt Nam thành một nước phát triển trên nền tảng dân chủ với kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự…” Nếu trên nền tảng dân chủ thực sự thì không thể là nhà nước pháp quyền (rule by law) mà là dân chủ pháp trị (rule of law), bởi vì nhà nước pháp quyền thì luật được làm ra không phải do ý chí tự do của nguời dân mà là do ý chí của đảng viên, đảng vẫn đứng trên luật pháp và sử dụng luật pháp như một công cụ, đảng viên không bị luật pháp chi phối trừ khi bị khai trừ ra khỏi đảng. Trong khi dân chủ pháp trị thì luật là do ý chí của toàn dân mà ra, luật đứng trên đảng, không có việc đảng viên phạm tội thì chỉ dùng điều lệ đảng để áp dụng rồi chỉ thuyên chuyển hay rút kinh nghiệm là xong, như Nguyễn Bá Thanh nói sợi dây kinh nghiệm nó dài đến độ rút hoài không bao giờ hết!
Thư viết “Đại hội XII là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có trách nhiệm, vừa có thẩm quyền đề xướng cuộc cải cách chính trị trong hòa bình, với tinh thần khép lại quá khứ, không hồi tố...” Không hồi tố là sao? Lá thư muốn nói gì trong việc này? Có phải đảng CS vẫn xem những thành phần khác chính kiến là tội nhân, tha thứ không hồi tố là may mắn lắm rồi, nên nếu đối lập lưa thưa thì được nhưng đừng thách thức để thay thế vai trò lãnh đạo của đảng phải không? Hay không hồi tố là muốn nói giống như Miến Điện, phía bà Aung San Suu Kyi chấp nhận hy sinh công lý để đổi lấy dân chủ, chấp nhận cho những tướng lãnh tay vấy đầy máu giữ được nhà cao cửa rộng và sự an toàn, cũng như ngồi chơi cũng được chia quyền 25% trong quốc hội?
Thư viết “… cần được biểu thị bằng những hành động cụ thể như đổi tên đảng…đổi tên nước…trả lại tự do cho những người khác chính kiến… chấm dứt sự trấn áp và ngăn chặn nhân dân thực hiện quyền tự do dân chủ theo Hiến pháp...” Nội dung có vẽ rượu cũ bình mới, trong đó khoảng 85% whisky độc tài pha thêm 15% nước trái cây dân chủ, vẫn nằm trong khuôn của hiến pháp không dân chủ 2013, dán nhãn rượu ngon rồi quảng cáo tiếp thị, nào là nó “quy tụ được lòng người, khơi dậy niềm tin và khí thế đồng tình ủng hộ của nhân dân…” Chưa ai hỏi nhân dân trong một cung cách trong sáng nhưng rất sính đem nhân dân ra nói họ “đồng tình ủng hộ”.
Thư viết việc chuyển đổi thể chế chính trị “đòi hỏi phải tiến hành từng bước…như sửa đổi Hiến pháp; xây dựng mới và hoàn thiện hệ thống luật…; xây dựng bộ máy cầm quyền tinh gọn với ba nhánh quyền lực…độc lập, trong đó Quốc hội được bầu cử thật sự dân chủ, có thực quyền…”Có thể nói đây là phần nghe được nhất trong lá thư. Nhưng từ nghe được cho đến làm được nó có thể là con đường từ địa cầu đến sao Hoả, bởi vì đảng không có đối trọng đủ mạnh để áp lực phải thực hiện, trong khi quyền lực và quyền lợi quá lớn và quá sâu để các nhóm lợi ích trong đảng có thể chấp nhận buông ra, và lịch sử của cộng sản trên thế giới cho đến nay chỉ có sụp đổ chứ chưa thấy có sự chuyển đổi êm đềm từ trên xuống như các chế độ quân phiệt ở Đài Loan, Nam Hàn, Nam Dương, Phi Luật Tân hay Miến Điện đang xảy ra.
Lá thư kêu gọi “Các đại biểu Đại hội…bãi bỏ những quy định của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về công tác nhân sự không đúng Điều lệ đảng dẫn tới sự chi phối, thậm chí áp đặt của cấp ủy sắp mãn nhiệm đối với nhân sự của cơ quan lãnh đạo nhiệm kỳ mới; yêu cầu Đại hội được bầu trực tiếp Tổng bí thư, và danh sách đề cử không chỉ có một người. Đại hội XII phải bầu được Ban Chấp hành Trung ương khóa mới đủ sức đưa đất nước vượt qua những khó khăn thách thức… Kiên quyết không giao phó trọng trách cho những người mang nặng tư tưởng bảo thủ, giáo điều…” Âm điệu có vẻ như chim hót trong lồng, các đại biểu tham dự đại hội đã được chọn, đã đi dự đại hội thì khó có chuyện mình quyết định chống mình. Nó cho thấy dân chủ trong độc đảng của những nhà “đối lập trung thành”, kêu gào dân chủ từ thiện chí của các nhà độc tài, hơn là tạo ra tình thế để các nhà độc tài phải thay đổi hay bị loại. Việc này đã làm nhiều lần trước đây khi có đại hội. Nó gần như là công cụ của một phe để tạo lợi thế trong đại hội đảng, sau đại hội thì vẫn là đường xưa lối cũ.
Lá thư kêu gọi viết lại báo cáo chính trị “Khi chuẩn bị Đại hội VI, dù thời gian họp đã cận kề, cơ quan lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thời ấy đã kiên quyết viết lại báo cáo chính trị theo tinh thần đổi mới… Bài học đó cần được vận dụng để thay đổi cách chuẩn bị và tiến hành Đại hội XII...” Nếu từ đây đến Đại Hội 12, đảng chịu “viết lại báo cáo chính trị theo tinh thần đổi mới” thì lá thư nầy được xem là sức mạnh áp lực của lực lượng trí thức, nếu không có sự thay đổi có ý nghĩa nào cả thì nó vô hình chung phục vụ cho sự tranh chấp quyền lực của một phe cánh nội bộ trong đảng. Trong trường hợp đó chắc ông Ba Dũng nheo mắt mĩm cười.
Tóm lại, giai tầng trí thức trong nước, nhất là trí thức của thế hệ đi trước, có lòng và có sự cố gắng trong khả năng của sự đối lập trung thành. Tuy nhiên sự thay đổi thực sự và ôn hoà thường bắt đầu từ đường phố như ở Ba Lan hơn là từ bàn phím, nhưng CS đã tìm cách ngăn chận điều này từ trong trứng nước. Người viết vẫn hy vọng lá thư này sẽ mang đến một sự thay đổi nào đó có ý nghĩa cho dân tộc Việt Nam chứ không phải là một câu chuyện tình trong Hồn Bướm Mơ Tiên.
Lê Minh Nguyên
(Ba Sàm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét