Pages

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Yêu nước và ‘Tư tưởng Hồ Chí Minh’

Image copyrightGetty
“Tôi thích đọc và tìm hiểu về chính trị, cũng như lý luận chính trị. Vậy nhưng, điều đó phải dựa trên quan điểm đa dạng, cá nhân và khách quan. Tôi cho rằng nền giáo dục Việt Nam nói chung và môn học này nói riêng luôn bài trừ những ý kiến trái chiều và quy chụp những người phản đối bằng nhiều cụm từ không hay”.
Minh Duy chia sẻ lập trường của mình về bộ môn “Tư tưởng Hồ Chí Minh” mà anh có khoảng thời gian hai năm theo học tại Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh.

Anh bày tỏ: “Quyền tự do ngôn luận phải được ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống và trong cả giáo dục. Ở một đất nước luôn rao giảng tự do ngôn luận nhưng lại là một trong những quốc gia thiếu tự do ngôn luận nhất, tôi không nghĩ mình có bất cứ lý do gì để theo đuổi môn học này với niềm đam mê.”

Tính bắt buộc ở giáo dục bậc đại học

Từ năm 2001, môn học “Tư tưởng Hồ Chí Minh” được chính thức đưa vào chương trình giảng dạy ở các trường Đại học và Cao đẳng.
Đây được coi là môn học giáo dục tinh thần yêu nước cho thanh niên, được Đảng Cộng sản Việt Nam tổng kết, hệ thống hóa chính thức và đưa vào Cương lĩnh của Đảng năm 1991, khi lấy “Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động”.
Tựu chung, đa số sinh viên được hỏi cho rằng “môn này nhàm chán và khô khan, phải học thuộc lòng khá nhiều, buộc phải theo vì áp lực điểm số”.
Tuy vậy, mỗi người lại có suy nghĩ và phản ứng khác nhau trong quá trình học.
Đối với Mỹ Linh, 19 tuổi, sinh viên năm hai đại học Ngoại ngữ Tin học thành phố Hồ Chí Minh, cô cho rằng “Tư tưởng của Bác đúng là chân lý để mình noi theo. Môn học này giúp sinh viên nhận thức được những quan điểm và triết lý của cuộc sống”.
“Sau khi học được tư tưởng của Người, tôi hiểu thêm về tinh thần đoàn kết của dân ta, để tôi được sống trong môi trường như ngày hôm nay. Bác là con người giản dị và có tình thương dân mãnh liệt”.
Ngọc Linh, 23 tuổi, đã tốt nghiệp khoa kế toán, đại học Đại Nam cũng cho rằng: “Học xong môn này thấy Bác Hồ của mình vẫn là cao siêu và có tư tưởng tuyệt vời nhất. Tôi học được cách tu dưỡng lại đạo đức làm người, nhiều tính cách như kiên nhẫn, là người có đạo lý, thấy mình rất may mắn khi được là công dân Việt Nam. Con người làm gì cũng phải kiên định với mục tiêu mình đặt ra, đấu tranh đến cùng, đó là điều quan trọng nhất. Tìm hiểu cũng thấy nhân cách bản thân được hoàn thiện, là người có trách nhiệm hơn khi mới bắt đầu những bài học vào đời đầu tiên ở tuổi đôi mươi”.
Song, không phải ai cũng ham say bộ môn này như Linh. Hoàng Phát, sinh viên năm hai ở thành phố Hồ Chí Minh, không muốn nêu tên trường mình đang học, cho rằng “Việc học tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là sùng bái cá nhân chính trị. Theo xu thế phát triển nhân quyền hiện nay, con người đã cởi mở hơn, tự do hơn, không thể ép buộc một người thần tượng một người mà họ không quan tâm, đó là vi phạm các chuẩn mực tối thiểu của quyền con người”.
Điều dường như trở nên vô lý, khi sinh viên các khối ngành kĩ thuật, thiết kế, cơ khí, hải quan, mỏ, địa chất cũng phải tiếp thu “Tư tưởng Hồ Chí Minh” cùng “Chủ nghĩa Mác-Lênin”, trong khi họ có thiên hướng đi theo các ngành khoa học khác.
Minh Duy cho rằng: “Đó là cách họ áp đặt tư tưởng cho thế hệ trẻ, và người ta hay dùng từ 'nhồi sọ' để diễn tả hành động này”.
“Tôi không nghĩ việc học ‘Tư tưởng Hồ Chí Minh’ nên mang tính bắt buộc. Tất cả các môn học đi sâu nghiên cứu các hệ tư tưởng khác nhau đều cần thiết, tuy nhiên, nó phụ thuộc vào cách tiếp cận, nghiên cứu và giảng dạy. Sinh viên cần phải có quyền tìm hiểu, nghiên cứu đa chiều các hệ tư tưởng khác nhau”.
Image copyrightAFP GETTY
“Bản thân họ phải là người tự đưa ra sự so sánh chứ không phải là những giảng viên. Nghiên cứu một tư tưởng hoặc một triết lý không đồng nghĩa với việc yêu thích hệ tư tưởng đó. Vậy, tôi nghĩ cả hai môn học ‘Tư tưởng Hồ Chí Minh’ và ‘Chủ nghĩa Mác-Lênin’ đều cần thiết nếu sinh viên được nghiên cứu song song với những hệ tư tưởng khác”.
Duy cũng cho rằng, việc học “Tư tưởng Hồ Chí Minh” với những yếu tố lịch sử cần được nhìn nhận một cách khách quan và “không nên chỉ tìm hiểu từ bên thắng cuộc”.
Sinh viên phải “phân tích những sự kiện xảy ra trong cùng thời điểm, đưa ra quan điểm đúng sai của cá nhân dựa trên phân tích những chế độ chính trị khác nhau có những tích cực và tiêu cực như thế nào”.
Hoàng Phát suy nghĩ: “Hồ Chí Minh cũng là một người dân Việt Nam, tức là cũng có cả điểm tốt và xấu, vậy tại sao chỉ biết những điểm tốt của người đó? Các giáo trình của môn học này thiếu khách quan và cụ thể, thiếu tính trung thực và lảng tránh hay nói giảm các vấn đề “nhạy cảm”.

Bồi dưỡng tinh thần yêu nước

Đảng vẫn thường giáo dục tinh thần yêu nước qua lịch sử, qua tấm gương của những người đi trước, đặc biệt qua tư tưởng của cố chủ tịch Hồ Chí Minh từ văn hóa, chính trị, tôn giáo và đời sống. Vậy nhưng, tiếng nói từ sinh viên, những người trong cuộc dường như chưa thực sự được quan tâm.
“Thực chất, lòng yêu nước đã có trong mỗi công dân Việt Nam, chúng ta đâu cần một môn học về người nào đó để dạy về lòng yêu nước”.
Duy cũng cho rằng “Có sự khác nhau nào giữa một người Việt Nam yêu nước và một người Nhật yêu nước? Một người Nhật có cần phải yêu chủ nghĩa xã hội để được gọi là yêu nước? Những người có tư tưởng trái chiều không có nghĩa là họ không yêu nước, mà họ yêu bằng nhiều hình thức khác nhau.”
“Bản chất việc yêu nước đã là một tình cảm rất bản năng, giống như tình mẫu tử. Người con không nhất thiết phải thích tư tưởng của cha mẹ để yêu cha mẹ và ngược lại. Ngoài ra, người con cũng có quyền nêu những ý kiến trái chiều để hoàn thiện cha mẹ.”
Dù đã được đổi mới nhiều lần để thêm thu hút, thậm chí những tân sinh viên quyết định nghiên cứu chuyên sâu “Tư tưởng Hồ Chí Minh” và “Chủ nghĩa Mác-Lênin” đã được miễn học phí, số lượng người theo học vẫn chưa được cải thiện.
Học sinh, sinh viên luôn là đối tượng ham hiểu biết, tràn đầy sức trẻ, bước vào cổng trường đại học với tâm thế muốn học hỏi. Vậy nhưng, họ cần được trang bị kiến thức rộng hơn, được tiếp xúc môn học mang tính so sánh đối chiếu, để rồi tự lựa chọn những gì là tốt nhất cho mình, hình thành một quan điểm và lập trường độc lập, thay vì bị áp đặt chủ quan, một chiều.
Thiết nghĩ, chỉ khi sinh viên có thể trực tiếp đọc, tìm hiểu từ các tác phẩm gốc, chứ không chỉ qua giáo trình, nhãn quan của người khác, chỉ khi sự phản biện từ sinh viên được chấp nhận, lúc đó, “Tư tưởng Hồ Chí Minh” và “Chủ nghĩa Mác-Lênin” mới thực sự đảm bảo tính khoa học và tính nghiên cứu cần thiết, đúng với mục đích ban đầu của môn học “trang bị thế giới quan và phương pháp luận cho người học”.

1 nhận xét:

  1. Tư tưởng Hồ Chí Minh là môn học làm sinh viên hiểu đơn giản những kiến thức triết học theo thực tế của Việt Nam, có cách nhìn khái quát về các thời kì cách mạng, là nên tư tưởng đúng đắn nhất tạo nên sự thành công trong quá trình giải phóng dân tộc, giải phóng người dân khỏi những áp bức bất công.
    có thể cảm nhận của sinh viên khi mới bắt đầu học những môn này là nhàm chán nhưng nó sẽ rất có ý nghĩa nâng cao lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

    Trả lờiXóa