Pages

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

2016 tiếp nhận đầy đủ hệ lụy năm cũ

Nam Nguyên, phóng viên RFA

017_203507-622.jpg

Ảnh minh họa chụp tại TPHCM hôm 7/8/2015.
AFP




Việt Nam bước vào năm 2016 với sự mở cửa thị trường 600 triệu dân của Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Năm dương lịch mới cũng hứa hẹn sự thay đổi đầy nghi vấn về chính sách tỷ giá và chống đô la hóa. Năm cũ 2015 cũng chuyển sang năm mới 2016 sự khủng hoảng niềm tin, không những về an sinh xã hội mà lan sang cả vấn đề chính trị nội bộ.

Nguy cơ cạnh tranh gay gắt

Báo điện tử Người Lao Động mô tả việc AEC tức Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức có hiệu lực vào ngày cuối cùng của năm 2015, là sức nóng phà vào gáy khi mở toang thị trường 600 triệu dân, tổng GDP hàng năm 2.000 tỷ USD. Tờ báo nêu vấn đề, AEC chính thức ra mắt, tạo thành một khối thống nhất về sản xuất, thương mại và đầu tư nhưng nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay bài toán cạnh tranh khi hàng hóa tương đồng và nguy cơ cạnh tranh gay gắt về lao động.
Trả lời Nam Nguyên tối 31/12/2015, PGSTS Ngô Trí Long ở Hà Nội cho rằng, thách thức lớn nhất của hội nhập là vấn đề sức ép cạnh tranh, cho tới nay Việt Nam đã ký kết 11 hiệp định thương mại tự do và chuẩn bị ký 4 hiệp định nữa. Trong năm rồi ký kết triển khai Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc và ngày cuối năm ASEAN thành khối cộng đồng kinh tế. Hội nhập tạo cơ hội rất là lớn với thị trường mở rộng, bên cạnh đó nó đòi hỏi những yêu cầu. PGSTS Ngô Trí Long tiếp lời:
Hiện nay tụt hậu không phải là nguy cơ nữa mà nó là hiện hữu. Cho nên trong hội nhập chung không chỉ Cộng đồng Kinh tế ASEAN mà hội nhập với các hiệp định thương mại khác, thì vấn đề đầu tiên là phải chơi một luật chung trên một sân chơi chung. Nó đòi hỏi sức và lực của các thành viên Hiệp định phải tương đồng.
-TS Ngô Trí Long
“Hiện nay trong hội nhập Việt Nam có điều đáng lo ngại, hiện nay tụt hậu không phải là nguy cơ nữa mà nó là hiện hữu. Cho nên trong hội nhập chung không chỉ Cộng đồng Kinh tế ASEAN mà hội nhập với các hiệp định thương mại khác, thì vấn đề đầu tiên là phải chơi một luật chung trên một sân chơi chung. Nó đòi hỏi sức và lực của các thành viên Hiệp định phải tương đồng. Tuy lộ trình các hiệp định khác nhau sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Dù nhà nước cũng có sự chuẩn bị nhưng bên cạnh đó người dân và doanh nghiệp còn chưa hiểu biết, thậm chí thờ ơ. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam họ chuẩn bị rất tốt từ trước khi thành lập. Theo quan điểm cá nhân, với năng lực và điều kiện của Việt Nam, nếu không thực sự có tư duy cũng như hành động cụ thể để biến cơ hội đó thành hiện thực thì những cơ hội đó sẽ tọa thành những khó khăn đồng thời tạo ra rủi ro rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam.”
Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long giải thích thêm về vấn đề sức ép cạnh tranh trong bối cảnh đặc thù, chủng loại hàng hóa của các nước ASEAN rất tương đồng với Việt Nam nhưng có giá thành hạ hơn và phẩm chất tốt hơn. PGSTS Ngô Trí Long nhấn mạnh:
“Thách thức khó khăn sức ép lớn nhất đó là cạnh tranh, biểu hiện năng lực cạnh tranh bằng năng suất chất lượng hiệu quả. Vấn đề này hiện nay rất là thấp so với các nước trên thế giới và ở một khoảng cách rất là xa. Chính đây là một mối nguy, một rủi ro rất lớn nếu mà không có những giải pháp không có những chính sách, những ban tạo điều kiện để xây dựng nâng cao năng lực, mặc dù Việt Nam có nhưng theo suy nghĩ của tôi, thành lập ra thì có nhưng thực tế để có những giải pháp biện pháp cụ thể thì còn hạn chế rât lớn. Cho nên chính những khó khăn thách thức này nó là rào cản đất nước và đồng thời ngoài lợi thế về mặt thuế quan bằng 0, nhưng khả năng cạnh tranh yếu, sự thua trên sân nhà là điều không tránh khỏi.”
000_Hkg10212309-400.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 10/09/2015. AFP PHOTO.
Trí Thức Trẻ Online dẫn nhận định của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, theo đó Việt Nam là một trong những nước đi đầu thực hiện các cam kết của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nhưng ngược lại cũng là nước nhận thức khá hạn chế về AEC. Chỉ khoảng 10% doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ được lợi ích từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN, trong khi từ 60% tới 80% doanh nghiệp Việt Nam có sự hiểu biết rất ít.
SaigonTimes Online chú ý tới một khía cạnh khác của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đó là dịch chuyển lao động. Bài báo cho biết, trong giai đoạn đầu AEC chỉ chú trọng vào việc dịch chuyển lao động có tay nghề chứ lao động phổ thông không nằm trong mối quan tâm của các nhà làm chính sách. Theo đó, cho đến nay chỉ có người làm 8 nghề chuyên môn là được quyền chuyển đổi nơi làm việc bên trong ASEAN, chiếm 1,5% tổng lực lượng lao động của ASEAN, gồm bác sĩ, y tá, nha sĩ, kỹ sư, trắc địa viên, người làm trong ngành du lịch, kế toán và kiến trúc sư. Tác giả bài báo nhấn mạnh, cái mà AEC hướng đến nhằm xây dựng một thị trường chung và một khu vực sản xuất chung là việc dịch chuyển tự do lao động có tay nghề. Nếu Viêt Nam cứ chăm chăm vào xuất khẩu lao động phổ thông thì xem như thua. Saigon Times Online cảnh báo về điều không những Việt Nam không đưa được người sang làm việc ở các nước ASEAN mà sẽ phải tiếp nhận một số lượng chuyên viên trung cấp và cao cấp từ các nước. Saigon Times Online lập luận rằng, vấn đề này có khả năng gây tác động lớn lên xã hội mà không phải vấn đề cắt giảm thuế quan hàng hóa, vì thực chất thuế đã giảm từ trước khi AEC ra đời.

Thay đổi chính sách tỷ giá

Bước vào năm mới 2016, Việt Nam chuẩn bị thay đổi chính sách tỷ giá và đẩy mạnh chống đô la hóa. Qua thông tin từ báo điện tử Tuổi Trẻ, Saigon Times và VnEconomy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình dường như thăm dò phản ứng công luận và thị trường khi cho biết sắp tới sẽ đưa cơ chế tỷ giá sát với thị trường hơn. Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tỷ giá bằng cơ chế một tỷ giá trung tâm cộng với khung biên độ và rất lâu mới điều chỉnh. Trong tương lai, cơ chế tỷ giá sẽ linh hoạt hàng ngày phản ánh thị trường tốt hơn.
Bên cạnh chính sách tỷ giá, ông Nguyễn Văn Bình cũng cho biết để đẩy mạnh biện pháp chống đô la hóa, sắp tới người gởi ngoại tệ ở ngân hàng đã không được lãi, mà có thể phải đóng phí, khi lãnh tiền ra phải nhận bằng tiền đồng Việt Nam. GSTS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:
“Tôi cho là đồng tiền của tất cả các nước chậm phát triển trong đó có Việt Nam đều không ổn định bền vững, bởi vì nó tùy thuộc vào tình trạng kinh tế của đất nước ấy. Thứ nhất là về tâm lý, người ta cũng chưa tin tưởng lắm. Thứ hai, rõ ràng là tình trạng kinh tế của anh cũng không ổn định một cách vững chắc. Hai lý do đó khiến người ta chưa tin tưởng lắm bằng việc người ta tự giữ ngoại tệ. Nếu như chính sách này còn tồn tại thì tôi cho rằng lượng ngoại tệ gởi vào ngân hàng sẽ ít đi chứ không phải như hiện nay.”
Thứ nhất là về tâm lý, người ta cũng chưa tin tưởng lắm. Thứ hai, rõ ràng là tình trạng kinh tế của anh cũng không ổn định một cách vững chắc. Hai lý do đó khiến người ta chưa tin tưởng lắm bằng việc người ta tự giữ ngoại tệ.
-GS Vũ Văn Hóa
Trao đổi với chúng tôi, PGSTS Ngô Trí Long nói rằng, tiến tới kinh tế thị trường và chống đô la hóa nền kinh tế là chủ trương đúng đắn. Tuy vậy ông cảnh báo:
“Mục tiêu là không khuyến khích người dân giữ ngoại tệ hay tiêu xài ngoại tệ mà để người ta phải chuyển từ ngoại tệ qua nội tệ. Đấy là đúng qui luật thị trường, bất kỳ quốc gia nào cũng không có những loại tiền khác song hành mà chỉ có đồng nội tệ là duy nhất được lưu hành thôi. Theo tôi nghĩ cách làm đó phù hợp với cơ chế thị trường, nhưng mà từ cách làm đó nếu không có những giải pháp làm sao thực sự nâng giá trị của đồng tiền Việt Nam lên thì nó cũng không thể có hiệu quả, cũng không phát huy được tác dụng của nó.”
Trong khi người Việt Nam chào đón năm mới 2016, thì những hình ảnh hỗn loạn ở Hà Nội vì tranh nhau một suất vắc xin dịch vụ vẫn còn trên các báo chính thống. Sự khủng niềm tin với chính quyền đã thể hiện rõ nét, người dân hoài nghi về vấn đề an toàn cho trẻ em qua chính sách tiêm chủng mở rộng sử dụng một loại vắc xin mà chính quốc gia sản xuất ra lại không dùng cho trẻ em nước họ.
Nhận định về vấn đề khủng hoảng niềm tin, TS Phạm Chí Dũng chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập từ Saigon phát biểu:
“Đây là hiện tượng có thể nói là ‘thiểu phát’ niềm tin trong khi ‘lạm phát’ rất nhiều vấn nạn về kỷ luật xã hội. Có nhiều bạn trẻ sẽ nói thẳng luôn còn niềm tin đâu mà mất. Những cán bộ về hưu thì họ tế nhị hơn gọi là suy giảm niềm tin hoặc là một bộ phận không nhỏ, đúng ra có thể nói là bột phận lớn suy giảm niềm tin trầm trọng. Còn giới chức đương nhiệm thì im lặng không nói, thái độ của họ cho thấy rằng đó là lý do tại sao người dân mất niềm tin, không còn niềm tin…”
Báo chí cho thấy Việt Nam bước vào năm mới 2016 với nhiều âu lo và thách thức. Bên cạnh hình ảnh phù hoa của các đô thị, những cuộc khủng hoảng niềm tin về an sinh xã hội, khủng hoảng ngân sách vì lạm chi, áp lực nợ công đè nặng, còn có sự âu lo khác về tình hình chính trị nội bộ.
Trên báo Tuổi Trẻ Online ngày 28/12/2015 có bài tường thuật một hội nghị của Chính phủ với tựa bài gây chấn động, đó là ‘Ngăn chặn âm mưu can thiệp vào nội bộ đất nước’. Hai ngày sau, hôm 30/12/2015 Vietnam Net đưa tin, trong một hội nghị toàn quốc ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phủ nhận tin Trung Quốc can thiệp vào Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam sắp tới.
Thật khác thường khi một nhân vật tầm cỡ như ông Đinh Thế Huynh đã công khai nhanh chóng cải chính thông tin của các mạng xã hội, theo đó ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội sang Bắc Kinh để báo cáo vấn đề nhân sự tương lai
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét