Pages

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Đại hội 12: Báo phương Tây 'vào cuộc'

Image copyrightGetty
Image captionEconomist nhận xét Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “thông minh và nhìn đỡ chán nhất” trong dàn lãnh đạo Việt Nam
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhiều khả năng sẽ không hiện diện trong ‘tứ trụ’ sau Đại hội Đảng 12, báo nước ngoài dự báo.
Hôm 14/1, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn mà họ mô tả là thạo tin nhận định rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tại vị ít nhất là hai năm và điều này có nghĩa là ông Dũng bị gạt ra ngoài ghế lãnh đạo Đảng mà ông theo đuổi.

Thủ tướng Việt Nam, người được coi có ‘đầu óc cải cách’, dường như đã vận động nhiều nhân vật thân tín để được chọn vào vị trí tổng bí thư và sắp đặt dàn lãnh đạo mới theo ý ông nhưng những người đồng đảng đặt ông trong tình thế ‘phải ra đi’.
Tờ báo Mỹ cũng cho rằng ông Trọng sẽ phải cẩn trọng hơn khi xử lý những vấn đề quan trọng như cải cách kinh tế và đối phó với áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Báo Wall Street nói họ không liên lạc được với cả ông Dũng lẫn ông Trọng để có được bình luận của họ.
Thông tấn xã Việt Nam tường thuật “đã có sự đồng thuận tại Hội nghị 14 trước ngày khai mạc Đại hội 12 hôm 20/1”.
Tuy nhiên báo này mô tả vẫn có khả năng tại Đại hội 12 thay đổi đội hình ứng viên chóp bu “nhưng điều đó hiếm khi xảy ra”.

‘Nghĩ thoáng hơn’

Các chuyên gia về Việt Nam nhận định rằng “sẽ có ít biến động trong định hướng chính sách của đất nước với dàn lãnh đạo mới: ngoài ông Trọng tại vị là Nguyễn Xuân Phúc - thủ tướng mới, Trần Đại Quang - Chủ tịch nước nước. Các nhà phân tích nói rằng ông Phúc và ông Quang “được xem là cộng sự thân cận của ông Dũng”.
"Quỹ đạo hiện sẽ không thay đổi, nhưng tốc độ cải cách có thể sẽ chậm hơn và không bền vững", ông Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, được dẫn lời. "Ông Dũng được cho là người có tinh thần cải cách nhiều hơn những người còn lại trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông không bị bó buộc bởi ý thức hệ mà là một nhà lãnh đạo thực tiễn".

Image copyrightAP
Image caption"Giới trí thức muốn thấy ông Dũng ở lại trong ‘bộ tứ’ vì thời gian qua ông đã có tiếng nói mạnh mẽ chống lại việc Trung Quốc bắt nạt", Economist viết
Ông được cho là người đưa Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông cũng cải thiện quan hệ quân sự và ngoại giao của Việt Nam với Hoa Kỳ nhằm đối phó với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
Đảng Cộng sản đã khiển trách ông Dũng năm 2012 về cách điều hành nền kinh tế theo đó tăng trưởng bị giảm và lạm phát tăng vọt. Nhưng ông mau chóng lấy lại uy tín nhờ “bày tỏ lập trường mạnh mẽ hơn trước việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải năm 2014”.
Tuy nhiên, nhà quan sát Zachary Abuza ở Washington nhận định rằng ông Trọng, người bảo vệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã "tỏa sáng" trong những năm gần đây.
Ông Trọng ủng hộ Việt Nam gia nhập TPP và trả lời phỏng vấn của Wall Street Journal tháng 7/2015 bằng văn bản rằng ông hy vọng “chính sách ngoại giao và quân sự của Hoa Kỳ xoay trục về châu Á sẽ tiếp tục” và rằng “cựu thù của Việt Nam là một lực lượng giữ cho sự ổn định của khu vực”.

‘Cũng có sự nhầm lẫn’

Báo Asahi của Nhật có bài bàn về nhân sự chóp bu của Việt Nam với việc đề cập tới khả năng tại vị của ông Trọng.
Bài báo mô tả khả năng ra đi của ông Dũng có thể làm Nhật lo bởi điều mà báo này nói là ông Dũng "thân Nhật".
Các vị trí còn lại trong "tứ trụ" cũng được báo này nêu trong đó có tên của ông Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc và bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Hôm 15/1, báo Nhật Nikkei Asian Review tường thuật, dàn lãnh đạo mới của Việt Nam “đã bị tiết lộ trên Facebook”.
“Khi cuộc bầu cử lãnh đạo Việt Nam đến hồi gay cấn nhất, mạng xã hội đã hé lộ danh tính của bộ tứ mới.
Thông tin về nhân sự Đại hội 12 lan truyền trên mạng xã hội được coi là đáng tin cậy hơn báo chí do chính phủ kiểm soát. Nguồn tin từ mạng xã hội cho hay ông Trọng, sẽ tại vị thêm một nhiệm kỳ”, báo này viết.
Tuy vậy, việc rò rỉ thông tin nhân sự “cũng có sự nhầm lẫn”. Ban đầu, người ta truyền tai nhau rằng ông Dũng có thể “đảm nhiệm cùng lúc hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước, một việc vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử Việt Nam.
Nếu điều đó xảy ra, ông cũng sẽ là “tổng bí thư ký người miền Nam đầu tiên”.
Nikkei Asian Review mô tả: “Nhiều nhà quan sát bỏ ngỏ khả năng Nguyễn Tấn Dũng dùng hết chiêu thức để thay đổi cách thức đề cử và trở thành tổng bí thư kiêm chủ tịch nước”.
“Các thông tin bị rò rỉ trên mạng truyền thông xã hội nhằm lèo lái dư luận là điều không thể không chú ý”, báo này viết.

‘Căng thẳng bất thường’

Image copyrightAFP
Image captionTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Wall Street Journal cho là ‘nghĩ thoáng hơn’ những năm gần đây
Trong khi đó tạp chí của Anh là The Economist hôm 15/1 cho hay, “Dường như những người Việt ở độ tuổi 20, 30 không còn sống trong ý thức hệ như các thế hệ trước. Họ hoan nghênh quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ”.
“Trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức gần 7% một năm, Đảng Cộng sản đang cố gắng để theo kịp. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đang cố gắng tạo dựng hình ảnh hiện đại và minh bạch. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Vũ Nam, một người quản lý (manager) thuộc chuỗi các quán cà phê Cộng, “những người trẻ không quan tâm ai sẽ thành lãnh đạo mới của Đảng. Việc thay đổi nhân sự trong một tập thể lãnh đạo nói chung mang màu sắc ảm đạm dường như không mang nhiều ý nghĩa”.
Tạp chí của Anh cũng nhận định: “Tại Đại hội Đảng sắp diễn ra, hơn một nửa số 16 ủy viên Bộ Chính trị đến tuổi hưu sẽ được những người trẻ hơn thay thế. Tuy đã có những ứng viên chủ chốt nhưng cuộc thương lượng vị trí năm này được cho là ‘căng thẳng bất thường’.
Báo này cũng nhận xét ông Nguyễn Tấn Dũng là quan chức “sắc sảo và nhìn đỡ chán nhất” trong dàn lãnh đạo Việt Nam.
“Nếu ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Dũng có thể muốn tìm cách đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng từ Tập Cận Bình. Tuy nhiên, một động thái như vậy trong Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được cho là bất thường. Chính trường Việt Nam đến nay không có chỗ cho nhà lãnh đạo có cá tính mà chỉ dựa trên sự đồng thuận tập thể”, Economist viết.
Những người ủng hộ ông Dũng cho rằng thách thức hiện tại của Việt Nam là cần dàn lãnh đạo mới “mạnh mẽ và nhất quán” để cải tổ kinh tế.
“Việt Nam không thể hành xử khiến cho quan hệ với Trung Quốc xấu đi, nhưng đồng thời các nhà lãnh đạo phải thể hiện được lập trường bảo vệ lãnh thổ Việt Nam”.
Hầu hết giới trí thức muốn thấy ông Dũng ở lại trong ‘bộ tứ’ vì thời gian qua ông đã có tiếng nói mạnh mẽ chống lại việc Trung Quốc hù dọa.
“Ông Dũng từng được dự báo ‘chắc thắng’ trong cuộc chơi này. Tuy nhiên, một phe phái không thực sự đoàn kết lắm chống lại ông có thể loại hẳn ông ra khỏi dàn lãnh đạo.
Bài báo mô tả việc dọn quan lộ cho con cái mình làm hoen ố hình ảnh của ông Dũng cũng giống như hình ảnh các đồng chí khác trong Đảng.
Con cả của ông được thăng tiến nhanh một cách bất thường, trong khi con rể bóng bẩy người Mỹ gốc Việt sở hữu McDonald tại Việt Nam.
Đã xảy ra bê bối tại những tập đoàn nhà nước mà ông Dũng bảo trợ. Trong khi đó giới bảo vệ nhân quyền không cho rằng ông có xu hướng gì khác với các nhà lãnh đạo khác trong nỗ lực tăng cường kiểm soát báo chí hoặc ngưng việc côn đồ mạnh tay với các nhà bất đồng chính kiến.
Bài của The Economist nói “Một số quan chức lo ngại rằng việc Việt Nam đang xích lại gần với Hoa Kỳ sẽ chỉ khiến Trung Quốc đối đầu căng thẳng hơn. Một số người thậm chí còn lo rằng bản năng tự do hóa của ông Dũng có thể đe dọa sự tồn vong của Đảng”, mặc dù đó cũng chỉ là sự phỏng đoán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét