Pages

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Ấn Độ vận hành trạm vệ tinh ở TP HCM

Image copyrightelvis
Image captionThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ năm 2014
Báo Ấn Độ cho hay nước này chuẩn bị đưa vào hoạt động một trạm theo dõi, thu và xử lý dữ liệu vệ tinh ở TP HCM.
Được biết đây là dự án lớn nhất của Ấn Độ thực hiện trong khuôn khổ hợp tác về công nghệ vũ trụ với khối Asean, trị giá 23 triệu đôla, được thỏa thuận từ năm 2012.
Trạm theo dõi vệ tinh này sẽ thu thập và xử lý dữ liệu từ các vệ tinh mà Ấn Độ phóng lên không trung.

Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) sẽ kết nối trạm này với một trạm tương tự đặt tại Indonesia.
Chưa rõ ngày chính thức vận hành của trạm vệ tinh này là khi nào.
Truyền thông Ấn Độ khi viết về dự án này đánh giá rằng đây sẽ là tài sản chiến lược lớn của Ấn Độ tại khu vực Biển Đông, tâm điểm của các bất đồng về chủ quyền giữa Việt Nam, Philippines và Trung Quốc.
Ấn Độ là một trong các quốc gia tuy không trực tiếp tham gia tranh chấp nhưng ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không trong vùng biển này.
Những năm gần đây, Ấn Độ tăng trợ giúp cho quân đội Việt Nam, nhất là về hải quân.
Năm 2014, Delhi cấp 100 triệu đôla tín dụng cho Việt Nam mua vũ khí. Theo đó, Hà Nội sẽ mua bốn tàu tuần tra cỡ lớn và tên lửa BrahMos do Ấn Độ sản xuất để tăng cường năng lực phòng thủ biển.

Trinh sát Biển Đông

Image copyrightANTV
Image captionMáy bay không người lái HS-6L sẽ tăng cường năng lực trinh sát Biển Đông của Việt Nam
Trong một diễn biến có liên quan, cuối năm 2015 Việt Nam tuyên bố đã có thể sản xuất máy bay không người lái tầm xa 4.000km phục vụ cho các mục đích dân sự và quốc phòng.
Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam kết hợp với Bộ Công an đã hoàn tất việc chế tạo nguyên mẫu HS-6L vào ngày 1/11/2015.
Máy bay không người lái UAV HS-6L sẽ bay thử nghiệm tại Biển Đông trong quý hai năm 2016.
UAV HS-6L có thể được trang bị camera trinh sát và radar.
Máy bay này có sải cánh dài 22m, trang bị động cơ Rotax 914 cho tầm bay hành trình đến 4.000km, thời gian hoạt động liên tục 35 giờ đồng hồ và sử dụng hệ dẫn đường vệ tinh.
Tạp chí Quốc phòng có uy tín của Anh, Jane's Defence Weekly, nhận xét rằng về kích cỡ, thời gian hoạt động và cấu thành, loại này tương tự như máy bay không người lái Heron UAV của Israel.
Tuy nhiên, cũng theo Jane's, có thể các nhà chế tạo HS-6L được hỗ trợ về thiết kế từ Belarus. Trùng thời điểm với tin Việt Nam hoàn thành nguyên mẫu HS-6L, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Belarus - Giáo sư Vladimir Gusakov có chuyến thăm Việt Nam.
Hồi tháng 11/2014 có tin Việt Nam mua loại máy bay không người lái 558 Grif-K UAV của Belarus. Loại này có sải cánh 5,7m và cấu thành gần giống với HS-6L tuy loại sau kích thước lớn hơn nhiều.
Giới chuyên gia nhận định rằng với các trang thiết bị mới, khả năng trinh sát biển của Việt Nam sẽ được tăng gấp bội.
Các động thái này cũng cho thấy Hà Nội đang riết ráo nâng cao thực lực quốc phòng ở Biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét