Ảnh chụp từ một video ngày 21/05/2015 của hải quân Hoa Kỳ cho thấy các tàu nạo vét của Trung Quốc ở vùng biển xung quanh đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa.REUTERS/U.S. Navy
Sau Việt Nam và Hoa Kỳ, đến lượt Philippines và Nhật Bản vào hôm nay 04/01/2016, lên tiếng phản đối Trung Quốc tiến hành chuyến bay thử nghiệm ra sân bay mà Bắc Kinh đã xây dựng trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross), thuộc quần đảo Trường Sa. Manila nói đến một hành vi làm căng thẳng gia tăng, trong lúc Tokyo bày tỏ thái độ hết sức quan ngại.
Theo hãng tin Mỹ AP, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose đã tố cáo việc Trung Quốc cho thử nghiệm phi đạo trên Đá Chữ Thập là một hành động làm “tăng thêm căng thẳng và bất ổn định trong khu vực”. Chính quyền Philippines đang cân nhắc việc phản đối hành động của Trung Quốc, như Việt Nam đã làm.
Cuối tuần qua, Hà Nội đã tố cáo hành vi của Bắc Kinh, bị cho là đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động tương tự. Bắc Kinh ngay sau đó đã bác bỏ lời phản đối của Hà Nội, cho rằng nơi một “phi cơ dân sự” của họ đáp xuống thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Về phần Nhật Bản, Tokyo vào hôm nay cũng đã bày tỏ mối "quan ngại sâu sắc" trước vấn đề Bắc Kinh thử đường bay trên Đá Chữ Thập.
Trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida xác định rằng Nhật Bản hết sức quan ngại trước hành động của Trung Quốc, bị coi là "đơn phương thay đổi hiện trạng"khu vực, nhằm biến các công trình bồi đắp và xây dựng cấp tốc, rầm rộ các đảo nhân tạo thành “sự đã rồi”.
Đối với ông Kishida, Nhật Bản "không thể chấp nhận" một hành động như của Trung Quốc, đã làm căng thẳng leo thang và khiến cho cả công đồng quốc tế quan ngại. Vẫn theo Ngoại trưởng Nhật Bản, Tokyo sẽ tiếp tục hợp tác với các nước khác có liên quan để bảo vệ quyên tự do lưu thông trên biển.
Theo giới quan sát, hành động leo thang của Trung Quốc rất rõ, vì tuần qua, lần đầu tiên mà Bắc Kinh cho phi cơ cất cánh và hạ cánh trên phi đạo mà họ đã xây dựng trên Đá Chữ Thập, một trong bảy đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp tại quần đảo Trường Sa.
Hành động nói trên của Trung Quốc cũng dự báo khả năng Bắc Kinh quân sự hóa các đảo này, biến chúng thành bàn đạp triển khai lực lượng xa đất liền Trung Quốc để đe dọa các láng giềng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét