Pages

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Nguyễn Quang Dy - Câu Chuyện Đầu Năm: Thoát Khỏi Sợ Hãi

“Không phải quyền lực làm tha hóa mà là sợ hãi. Sợ mất quyền lực làm tha hóa những người nắm quyền và sợ cái gậy quyền lực làm tha hóa nhữg người bị nó cai trị…” (Aung San Suu Kyi, diễn văn nhận giải thưởng Sakharov về Tự do Tư tưởng, 7/1991)


 “Thóat khỏi sợ hãi” không phải là một ý tưởng mới, nhưng Aung San Suu Kyi đã làm mới và đúc kết nó lại thành một lý thuyết mới và niềm tin vững chắc, không những dựa trên triết lý Phật giáo và các tri thức phổ quát khác, mà còn dựa vào trải nghiêm của chính bản thân minh đã bị chính quyền độc tài quân sự đầy đọa suốt hai thập kỷ bằng quản thúc biệt lập. Lý thuyết này đã được Suu Kyi trình bày rõ trong bài luận “Thoát khỏi sợ hãi” (1990) và các bài viết, bài giảng, bài phỏng vấn khác trong những năm qua, để chia sẻ với người dân Miến Điện và thế giới bên ngoài, trong cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ vì tự do, dân chủ và nhân quyền, bằng đấu tranh bất bạo động. Muốn học hỏi kinh nghiệm của người Miến Điện (do Suu Kyi va NLD lãnh đạo) đã giành được thắng lợi to lớn trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, điều cần thiết là phải hiểu rõ “Thoát khỏi sợ hãi” thực sự có ý nghĩa gì, và chúng ta phải làm thế nào để ứng dụng đươc lý thuyết và kinh nghiệm đó vào thực tế của mình.

Động lực và nguồn cảm hứng

Các bậc tiền bối cách mạng Việt Nam (như cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hồ Chi Minh, v.v.) đã đi tìm đường cứu nước để giành độc lập tự do bằng cách vượt biển sang Phương Tây (và Phương Đông) để tìm lối thoát “từ thế giới bên ngoài”. Ít nhất lúc đó họ còn được tự do đi lại. Nhưng Aung San Suu Kyi (cũng như Martin Luther King và Nelson Mandela) đã bị giam cầm biệt lập với thế giới bên ngoài. Nhưng họ đã không chịu khuất phục và bất lực trước hoàn cảnh, đã không bỏ phí thời gian, họ nghiền ngẫm tìm lối thoát “từ thế giới bên trong”, trước hết là giải phóng tư tưởng cho chính mình (ngay khi đang bị giam).

Suu Kyi kể lại, chính trong nhũng năm tháng bị quản thúc mà bà đã có thời gian tìm hiểu về bản chất “Sáu Nỗi khổ Lớn” (trong Đạo Phật): Sinh, lão, bệnh, tử, xa cách những người thân, và buộc phải sống chung với những người mình không thích. Chính hai điều cuối đã làm bà giác ngộ về nỗi khổ của chính bản thân mình và trách nhiệm của mình đối với nỗi khổ của người dân Miến Điện, quyết tâm dấn thân để giải thoát khỏi những nỗi khổ đó. Suu Kyi tin rằng “bất cứ nơi nào nỗi khổ bị bỏ qua thi nơi đó có mầm mống xung đột bởi vi nỗi khổ sẽ làm con người sa đọa, thù hận và bạo hành”

Không phải Suu Kyi chỉ đi tìm nguồn cảm hứng và lối thoát từ triết lý đạo Phật mà còn từ những tri thức phổ quát khác. Có lẽ bà đã tìm thấy mẫu số chung giữa triết lý đạo Phật và Tuyên ngôn Nhân quyền của LHQ. “Bỏ qua và coi thường nhân quyền đã dẫn đến những hành đông man rợ làm lương tri loài người phẫn nộ, nên LHQ tuyên bố rằng việc tạo ra một thế giới trong đó con người được tự do ngôn luận, tự do tin ngưỡng, thoát khỏi sợ hãi và thiếu thốn là nguyện vọng cao nhất của con người”. (Lời nói đầu của Tuyên ngôn Nhân quyền của LHQ)

Không thể thoát khỏi ngu dốt nếu chúng ta không được tự do đi tìm sự thật không bị khống chế bởi sợ hãi. Với mối liên quan chặt chẽ giữa sợ hãi và tham nhũng, không có gì là khó hiểu trong một xã hội mà sợ hãi bao trùm thì mọi hình thức tham nhũng sẽ ăn sâu bám rễ. Nếu chúng ta không thoát khỏi sợ hãi, chúng ta sẽ không thể để lại cho con cháu một tương lai mà chúng ta muốn chúng được hưởng.

Suu Kyi cũng tin rằng một cuộc cách mạng chỉ nhằm thay đổi chính sách và thể chế chỉ để cải thiện điều kiện vật chất thì sẽ không có cơ hội thành công thực sự. “Tầm nhìn của chúng ta về một thế giới phù hợp với loài người văn minh và có lý trí sẽ làm cho chúng ta dũng cảm chịu hy sinh để xây dưng một xã hội không thiếu thốn và không sợ hãi. Không thể coi thường những tiêu chí như sự thật, công lý và cảm thông vì những giá tri này thường là chỗ dựa duy nhất chống lai cường quyền”.

Trong số những quyền tự do cơ bản mà con người vươn tới, thì quyền thoát khỏi sợ hãi là cao nhất, vừa là phương tiện vừa là mục tiêu. Một dân tộc muốn xây dựng đất nước mình trên cơ sở những thể chế dân chủ lành mạnh được thiết lập vững chắc như một đảm bảo đối với quyền lực nhà nước, truớc tiên phải giải phóng tư tưởng cho chính mình khỏi vô cảm và sợ hãi. Muốn thoát khỏi sợ hãi, phải dũng cảm. Có người được trời phú cho “không biết sợ” (fearless), nhưng có lẽ chúng ta cần hơn cả lòng dũng cảm được tôi luyện qua thử thách, lòng dũng cảm bắt nguồn từ thói quen không chịu để sợ hãi điều khiển hành động của mình, có thể gọi đó là “sự bình thản trước thách thức”

Cơ sở lý luận

Trong bài “Thoát khỏi sợ hãi”, Suu Kyi phân tích, “Trong một chế độ phủ nhận sự tồn tại của nhân quyền, sợ hãi có xu hướng trở thành quy luật. Sợ bị bỏ tù, sợ bị tra tấn, sợ bị chết, sợ mất bạn bè, gia đình, tài sản hay phương tiện sống, sợ nghèo đói, sợ bị cô lập, sợ thất bại. Nhưng có một loại sợ khó nhận diện nhất núp dưới cái vỏ hiểu biết, thậm chí khôn ngoan, là mọi hành động dũng cảm nhỏ bé hàng ngày giúp ta duy trì lòng tự trọng và nhân cách con người thường bị lên án là dại dột, khinh suất, tầm thường, hay vô ích. Rất khó để những người bị sợ hãi khống chế theo nguyên tắc cai trị là “chân lý thuộc về kẻ mạnh” có thể tự giải phóng mình khỏi nỗi sợ ngột ngạt làm con người hèn yếu. Nhưng ngay trong bộ máy nhà nước hà khắc nhất thì lòng dũng cảm vẫn không ngừng trỗi dậy, vì sợ hãi không phải thuộc tính của con người văn minh”.

Suu Kyi chưa bao giờ nói rằng nền dân chủ là một hệ thống hoàn hảo, bởi vì con người chúng ta không hoàn hảo. Chúng ta không có khả năng sản sinh ra một hệ thống hoàn hảo. Nhưng Suu Kyi cho rằng sự không hoàn hảo đó cũng là điều hay và là một thách thức. Nếu chúng ta đều hoàn hảo cả thì thế giới này sẽ nhàm chán vô cùng. Điều quan trọng là chúng ta phải khắc phục sự không hoàn hảo của xã hội, của pháp luật và tập quán đã làm khổ chúng ta và làm xói mòn nhân phẩm.

Suu Kyi tin rằng “lòng nhân ái có thể thay đổi cuộc sống con người” và bà kêu gọi hãy “chung tay tạo ra một thế giới yên ổn trong đó mọi người có thể ngủ yên giấc và thức dậy trong hạnh phúc”. Theo Suu Kyi, lòng vị tha trong đạo Phật là tâm điểm của quá trình dân chủ hóa. Có lẽ bà chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các lãnh tụ dân quyền chủ trương bất bạo động như Martin Luther King và Mahatma Gandhi.

Ý tưởng đấu tranh bất bạo động của họ thực ra không khác tư tưởng của các bậc hiền tài trong lịch sử Việt Nam như Nguyễn Trãi đã viết trong “Bình Ngô Đại cáo” (1248), “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Suu Kyi cũng lập luận tương tự, “Khi người ta không có súng trong tay thì phải cố gắng sử dụng cái đầu của mình, phải dùng cảm xúc và trí tuệ để tìm ra giải pháp”. Có lẽ đây chính là ý tưởng “sức mạnh mềm” (hay sức mạnh thông minh).

Dường như các quan điểm chính trị này đã được giới khoa học và nghiên cứu lâu nay chia sẻ hoặc thừa nhận. Darwin nói (1872) sợ hãi là cảm xúc trầm cảm nhất trong mọi cảm xúc… Einstein cũng nói (1938) rằng mọi hành động có ý thức của chúng ta đều bắt nguồn từ ham muốn và sợ hãi…Như vậy, sợ hãi là cảm xúc nguyên thủy nhất trong mọi cảm xúc và có vai trò chính trong sự phát triển của bộ não, từ khi sinh ra cho đến suốt cuộc đời còn lại.

Trong cuốn sách “Tổ chức Không có Sợ hãi” (The Fear-free Organization, Kogan Page 2015), giáo sư Paul Brown, một nhà khoa học Anh, đã nghiên cứu yếu tố sợ hãi trong bối cảnh 8 cảm xúc cơ bản (Sợ hãi, Buồn phiền, Giận dữ, Kinh tởm, Thích thú, Vui vẻ, Yêu thương, Ngạc nhiên) để xem tại sao con người lại dễ sợ hãi và tại sao có thể vận dụng nó như một công cụ quản trị, bởi vì sợ hãi có vai trò lớn trong việc phát triển “cái tôi”. Nhưng ông cũng nói rằng tuy sợ hãi là thiết yếu để chúng ta tồn tại nhưng sợ hãi quá có thể hủy diệt chúng ta, bởi vì sợ hãi sẽ thôi thúc chiến đấu hoặc bỏ chạy…

Ông cho rằng, “Tất cả chúng ta sinh ra đã biết sợ: đó là do một phần cấu trúc thần kinh. Có một số thứ đáng sợ mà có lẽ về di truyền chúng ta đã được chuẩn bị từ trước để sợ…” Các nhà khoa học gọi đó là “thuyết chuẩn bị” (LeDoux, 1996). “Nhưng lại có những thứ chúng ta phải học mới biết sợ…” Vì vậy, chủ đề chính trong cuốn sách mà ông và các cộng sự viết là nhằm tạo ra một lý thuyết mới về con người và tổ chức, dựa trên việc sơ đồ hóa dòng chảy của năng lượng của con người trong tổ chức (thông hay tắc), để tìm cách quản trị nó một cách có lợi trong hệ thống tổ chức đó.

Paul Brown lập luận rằng những người lãnh đạo tạo ra sự khác biệt thường dũng cảm và có lòng tin, họ tin vào chính mình và tin vào những nhân sự chủ chốt trong tổ chức. Nó dựa trên sự tin cậy chứ không phải sợ hãi. Sợ hãi là trở ngại, còn quan hệ nhân ái là giải pháp. Bằng chứng nghiên cứu về thần kinh học cho thấy sợ hãi sẽ hủy diệt trong khi tin cậy sẽ sáng tạo. Ông tin rằng phát triển đột phá của khoa học trong thê kỷ 21 là từ ngành thần kinh sinh vật học (neurobiology)

Thực vậy, ngày 2/4/2013, tại Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama đã công bố chương trình nghiên cứu về bộ não (The BRAIN Initiative) với cam kết kinh phí ban đầu cho năm tài khóa 2014 là 110 triệu USD. Ông gọi chương trình này là “dự án lớn tiếp theo của Mỹ” (the next great American project) sau dự án nghiên cứu về “Sơ đồ Gien” (Genome Mapping project) để giúp các nhà khoa học tìm hiểu nguồn gốc và lý giải các hoạt động bí ẩn của bộ não (enigmatic brain activities).

Kinh nghiệm thực tế

Bài học Miến Điện

Miến Điện từng là thuộc địa của Anh, nhưng có lẽ người Miến Điện không căm thù và bài xích người Anh. Sau khi giành độc lập, người Miến Điện không phải chống người Anh như người Việt Nam phải chống người Pháp (vì chúng “muốn chiếm nước ta một lần nũa”). Cũng như Ấn Độ, người Miến Điện chịu ảnh hưởng nhiều của ngôn ngữ Anh và văn hóa Anh. Tuy Miến Điện có nhiều mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo nên cần một chính quyền trung ương và quân đội mạnh để giữ gìn an ninh trật tự, nhưng có lẽ chế độ độc tài quân sự chỉ là ngoại lệ, chứ không phải là truyền thống.

Việc hiến pháp (do quân đội soạn thảo) cấm người có vợ chồng con cái là người nước ngoài làm tổng thống chỉ là một thủ đoạn chính trị để đối phó tình huống (với Aung San Suu Kyi), chứ có lẽ không phải là truyền thống văn hóa bài ngoại. Điều khoản này chắc sẽ phải bỏ, vì sau tuyển cử thắng lợi Suu Kyi đã tuyên bố thẳng thừng là sẽ “ở trên tổng thống”. Đa số các sỹ quan cao cấp, trí thức, và doanh nhân Miến Điện đều học các trường của Anh, nên việc lấy người nước ngoài không phải hiếm.

Việc đa số lãnh đạo quân đội và phe đối lập đều là trí thức là một tiền đề quan trọng và may mắn để hai phía có thể hòa giải. Tuy lãnh đạo quân đội trở thành độc tài, tham nhũng, mất lòng dân, nhưng vì họ là trí thức có hiểu biết nên có thể nhận ra sai lầm để chấp nhận đàm phán và thỏa hiệp. Đạo Phật và trí thức là hai yếu tố thuận lợi cho đấu tranh bất bạo động và hòa giải dân tộc ở Miến Điện.

Khi đàm phán có hai tiền đề quan trọng là phải xây dựng lòng tin (không nuốt lời hứa và không trả thù) và hai bên phải theo luật chơi (dựa trên luật pháp hay quy tắc ứng xử). Nếu hai bên tiếp tục lo sợ, nghi ngờ, thù hận thì không thể có lòng tin. Nếu hai bên không ứng xử có văn hóa thì sẽ không tôn trọng luật chơi (sẽ chơi theo luật rừng). Nói cách khác, muốn hòa giải và thỏa hiệp, thì phải từ bỏ cực đoan và thù hận. Người Miến Điện có thể làm đươc, liệu người Việt Nam có làm được không?

Bài học Trung Quốc

Tâm lý lo sợ, nghi ngờ thường dẫn đến hành động cực đoan, bạo liệt. Đó không phải chỉ là đặc thù của chế độ độc tài cộng sản Trung Quốc, mà còn là hệ quả của dân trí thấp, do bị kiểm duyệt chặt chẽ bởi những người cộng sản vô học và vô đạo, luôn hành xử một cách cực đoan và cuồng tín. Tại sao họ lại tra tấn và tàn sát lẫn nhau không thương tiếc trong Cách mạng Văn hóa? Tại sao họ lại đàn áp sinh viên một cách dã man không thương tiếc tại Thiên An Môn? Họ bị xô đẩy bởi tâm trạng lo sợ và tư duy cực đoan.

Vụ đàn áp hàng loạt phái Pháp Luân Công (từ năm 1999) và chiến dịch “Thu hoạch Đẫm máu” (Bloody Harvest) mổ lấy nội tạng sống của họ đem bán lấy tiền (dưới thời Giang Trạch Dân và những kẻ khác) đã bị dư luận lên án là tội ác khủng bố chống loài người, như “quả bom nổ chậm” trong hồ sơ nhân quyền Trung Quốc. Tại sao người ta có thể đối xử mất nhân tính như vậy đối với đồng loại (như thời Trung cổ)? Có lẽ lo sợ và lòng tham đã đã xô đẩy những lãnh đạo cực đoan phạm tội ác man rợ này.

Trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc cũng bị xô đẩy bởi mối lo sợ (tiềm ẩn) và cơ hội thực dụng (trước mắt). Một lãnh đạo TQ đã nói thẳng thừng, “Phải chống đế quốc Mỹ đến cùng, nhưng cách chống tốt nhất là hợp tác với họ”. Đó là quan điểm thực dụng theo kiểu “mèo trắng mèo đen, miễn là bắt được chuột” của Đặng Tiểu Bình. Về chiến lược lâu dài, Mỹ vẫn là kẻ thù chính, nhưng về lợi ích trước mắt, Trung Quốc có thể trục lợi bằng hợp tác với Mỹ theo chính sách “tham dự một cách xây dựng” (constructive engagement) để phát triển kinh tế (nhưng không thay đổi chính trị), cho đến khi đủ mạnh để trở mặt thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ và thay đổi nguyên trạng, bằng chia sẻ hay tranh giành quyền lực.

Trong vụ Vương Lập Quân chạy vào Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô (năm 2012, vì lo sợ đến tính mạng) người Mỹ đã hợp tác với Tập Cận Bình để giúp ông ta xử lý các đối thủ chính trị (như Bac Hi Lai và Chu Vĩnh Khang cùng đồng bọn, được Giang Trạch Dân ngầm ủng hộ) trong chiến dich “đả hổ diệt ruồi”. Tập Cận Binh đã lợi dụng chống tham nhũng để củng cố quyền lực, vì lo ngại nếu không diệt đối thủ thì sẽ bị đối thủ tiêu diệt. Đấy là bản chất của đấu tranh quyền lực cực đoan.

Nay Tâp Cận Binh đã củng cố xong quyền lực của mình, và Trung Quốc đã trở thành siêu cường kinh tế thứ hai trên thế giới, nên ông ta quyết định thực hiện “Giấc mộng Trung hoa" bỏ qua lời khuyên của Đặng Tiểu Bình là phải chờ thời. Ông ta cho rằng đã đến lúc trở mặt thách thức Nhật Bản (ở phía Đông) và thách thức Mỹ và ASEAN (ở phía Nam) vì tin rằng Biển Đông vừa là cơ hội tốt vừa là nguồn lợi lớn, cần dùng sức mạnh thách thức vị trí đứng đầu của Mỹ tại khu vực. Ông ta lo sợ cơ hội tốt tại Biển Đông có thể tuột mất nếu không hành động ngay (trước khi Mỹ và Việt Nam trở thành đồng minh chiến lược). Tập Cận Bình muốn kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan để rửa nỗi nhục trong quá khứ, và làm giảm áp lực căng thẳng trong nước bằng cách gây căng thẳng bên ngoài để bành trướng.

Trong thập niên 1950 và 1960 khi Việt Nam và Trung Quốc còn gắn bó như “môi với răng”, Việt Nam đã bắt chước đường lối cực đoan và quá khích của Trung Quốc trong “Cải cách Ruộng đất” và đàn áp “Phong trào Nhân văn Giai phẩm”. Việt Nam đã bị xô đẩy bởi chủ nghĩa Mao cực đoan và bạo liệt, nhầm lẫn giữa ý thức hệ và lợi ích dân tộc. Đầu năm 1979, Trung Quốc đã quyết định “dạy Viêt Nam một bài học”, xô đẩy người Việt Nam vào vòng tay người Nga (cũng như đang xô đẩy VN vào vòng tay người Mỹ hiện nay). Đến 9/1990, Viêt Nam lại bị xô đầy vào vòng tay Trung Quốc một lần nữa (tại Thành Đô), cũng bởi vì quá lo sợ và nhầm lẫn về ý thức hệ với lợi ích dân tộc. Còn bây giờ, sau vụ dàn khoan HD 981 sẽ là cái gì tiếp theo thì chưa ai biết rõ. Chỉ biết Việt Nam vẫn đang mắc kẹt ở ngã ba đường.

Bài học Việt Nam

Trong khi tại Miến Điện (hay Thái Lan) Phật giáo vẫn là quốc giáo, được cả chính quyền và người dân tôn trọng, thì tại Việt Nam (hay Trung Quốc) Phật giáo bị chính quyền thao túng để kiểm soát vì lo sợ. Kết quả là Phật giáo bị xâm nhập, phân hóa, thương mại hóa, ngày càng suy thoái trở thành “mạt pháp”. Do đó, Phật giáo không còn là nền tảng văn hóa cho tập quán và hành xử tử tế của con người trong cộng đồng, nên ngày càng nhiều người hành xử một cách vô đạo (bạo lực và dối trá)

Vì thiếu nguồn đào tạo bài bản và có nhân cách trí thức, nên giới trí thức nhỏ bé và phân tán của Viet Nam càng dễ bị vô hiệu hóa và phân hóa, có vai trò khá mờ nhạt trong xã hội. Số lượng bằng cấp và học vị thì rất nhiều và rất cao, nhưng đáng tiếc đa số đều là học dối và bằng gian, hoặc chất lượng thấp. Đặc biệt là trong giới lãnh đạo và quan chức thì điều này lại càng phổ biến, rất hiếm trí thức thực thụ. Đây là một khoảng cách trí thức (intellectual gap) giữa Việt Nam với các nước khác (kể cả Miến Điện). Nhiều người cho rằng hầu như không thể tìm được một nhân vật nào như Aung San Suu Kyi.

Vi lý do này (và những lý do khác) Viêt Nam không phải chỉ là một chế độ độc tài, mà còn là một xã hội bị phân liệt, vì cả dân thường lẫn các các thành phần chính trị ưu tú cũng không theo một chuẩn mực ứng xử nào đàng hoàng hay rõ ràng (mà như “luật rừng”). Nó phản ánh tâm lý lo sợ, bất an, nghi ngờ, xô đẩy họ ứng xử với thói quen đối phó tình huống trước mắt, chỉ để tồn tại (chứ không phải để phát triển), dẫn đến những hành động bất thường, cực đoan, và bạo liệt.

Trong quan hệ với Mỹ, mối lo “diễn biến hòa bình” khá nặng nề, vừa do Trung Quốc xúi bẩy (từ bên ngoài), vừa do “tâm trạng cố thủ” (từ bên trong), như một hệ quả của chiến tranh. Mối lo này còn tăng lên gấp đôi vì mối đe dọa (vừa thật vừa phóng đại) của “các thế lực thù địch và phản động” trong cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ và phương Tây, như “Mặt Trận” do Hoàng Cơ Minh cầm đầu (trước đây) cũng như “đảng Việt Tân” (hiện nay) mà cả hai được nói đến trong phim “Terror in Little Saigon”.

Ngay cả khi Việt Nam rất cần hợp tác với Mỹ để tham gia sân chơi TPP và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ để tái cân bằng với Trung Quốc và đối phó với mối đe dọa ngày càng lớn tại Biển Đông, thì mối lo sợ Mỹ can thiệp vẫn còn ám ảnh. Tâm lý này được giải tỏa một phần khi Tổng Bí thư Đảng CSVN đến thăm chính thức Washington gần đây, được tổng thống Mỹ đón tiếp long trọng, với những lời đảm bảo chính thức không can thiệp vào nội bộ. Nhưng mối lo ngại về Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp tục làm lãnh đạo Việt Nam lúng túng, không dám quyết định dứt khoát đi theo hướng nào.

Trong nước, chính quyền lo đối phó với bất đồng và phản kháng ngày càng nhiều của người dân, do bị các nhóm lợi ích thân hữu (được độc quyền nhà nước che chở) chiếm đoạt ruộng đất và tài sản, và do kinh tế suy thoái vì quản lý yếu kém và tham nhũng tràn lan, lại bị ám ảnh bởi những thay đổi rung chuyển gần đây tại Trung Đông và Miến Điện. Tất cả tạo nên sức ép ngày càng lớn lên giới lãnh đạo và các thể chế chính trị đang bị phân hóa sâu sắc bởi lợi ích nhóm và tranh cãi về ý thức hệ, làm cho đấu tranh phe phái và tranh giành quyền lực càng bị phân hóa và trở nên cực đoan hơn trước.

Tuy đấu tranh phe phái và tranh giành quyền lực là chuyện bình thường tại các nước, nhưng nó trở nên bất bình thường tại Việt Nam vì hiểm họa Trung Quốc đã chuyển từ tiềm ẩn thành hiện thực kể từ khi họ quyết định lấn chiếm và kiểm soát Biển Đông bằng cách đem dàn khoan HD 981 vào vùng biển của Viêt Nam (nên 5/2014 là một bước ngoặt). Họ san lấp các đảo và xây dựng các công trình quân sự trên các đảo tại khu vực Trường Sa và Hoàng Sa, thách thức ASEAN, Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Đại hội XII đứng trước một thách thức lớn vì nó diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Trung đang khủng hoảng và Biển Đông đang trở thành thùng thuốc súng. Nó đòi hỏi lãnh đạo Việt Nam phải quyết định chọn con đường nào: Đổi mới cơ bản và toàn diện vì lợi ích quốc gia để mạnh lên từng bước “thoát Trung”, hay tiếp tục mù quáng đi theo con đường mòn Thành Đô lệ thuộc vào Trung Quốc theo “định hướng XHCN”. Trong khi cương lĩnh chính trị và kinh tế của Đảng chẳng đưa ra được cái gì mới, thì lãnh đạo chỉ chúi đầu vào vấn đề nhân sự để tìm mọi cách giành giật cái ngôi báu đã mục nát. Tại hội nghị trung ương 13 (và 14) trước Đại hội Đảng (từ 20-28/1/2016) tuy họ ráo riết giành thế thượng phong nhằm chiếm vị trí cao nhất, nhưng vẫn bế tắc chưa thỏa thuận được phương án về “bộ tứ”, không biết vì yếu tố bên trong (do không thỏa hiệp được với nhau) hay vì yếu tố bên ngoài (do Trung Quốc can thiệp). Chỉ biêt rằng thù hận, lo sợ và tham lam sẽ tiếp tục đẩy họ vào ngõ cụt, nguy hiểm cho chính họ và cho đất nước.

Dù phái nào giành được thế thượng phong trong trò chơi quyền lực nhơ bẩn và cực đoan “một mất một còn” này, và dù ai trong số “bộ tứ” đang cầm quyền sẽ giành được vị trí đứng đầu tại Đại hội XII sắp tới, thì nhân dân sẽ thua và đất nước này sẽ còn khổ, nếu chẳng có ai trong số họ thực sự muốn cải cách cơ bản và “thoát Trung”. Trong khi đó, Trung Quốc một lần nữa lại đang trùm cái bóng đen lên sân khấu chính trị Việt Nam khi Chủ tịch Quốc hội VN đột ngột đi thăm Trung Quốc (21/12/2015), làm dấy lên lo ngại là Trung Quốc có thể can thiệp trực tiếp vào nội bộ Việt Nam để ủng hộ phái thân Trung Quốc khi trận đấu cuối cùng sắp diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng này. Một bức tranh thật ảm đạm!

Những diễn biến nguy hiểm này đang là tâm điểm thời sự, nhưng là vùng “nhạy cảm” đối với “báo chí lề phải”, ngày càng trở nên bất lực do bị kiểm duyệt chặt chẽ. Vì vậy, các phe phái đang lợi dụng cả báo chí “lề trái” để đánh nhau, vì hiệu quả hơn. Việc xuất hiện trang mạng bí ẩn “Chân dung Quyền lực” là một ví dụ. Sự phát triển nhanh chóng của truyền thông kỹ thuật số và các mạng xã hội đang trở thành mối lo đối với bộ máy tuyên giáo lạc hậu của Đảng, đang lúng túng không biết kiểm soát thế giới mạng như thế nào. Hiện nay, mối lo “tự diễn biến” là sự nối tiếp của mối lo “diễn biến hòa bình” trước đòi hỏi về dân chủ và nhân quyền đang tăng lên (sau thỏa thuận TPP) sẽ trở thành thực tế trong 2016.

Nói cách khác, người Việt Nam đã “sống trong sợ hãi” quá lâu nên sợ hãi trở thành một phần cuộc sống và họ có thể thấy khó sống nếu thiếu sợ hãi (giống như những người nghiện xem phim ma). Khi người Miến Điện bắt đầu “thoát khỏi nỗi sợ” để hòa giải, như thoát khỏi một đường hầm dài, thì người Việt nam vẫn đang mắc kẹt trong đường hầm tối đen. Hà Nội càng chìm đắm vào những mưu đồ chính trị trước Đại hội Đảng, thì nó lại càng giống “thung lũng sợ” với đủ mọi loại sợ trên đời.

Muốn chơi với Mỹ thì sợ mất lòng Trung Quốc và sợ “diễn biến hòa bình”; Muốn tham gia TPP thì sợ dân chủ và nhân quyền; Chấp nhận xã hội dân sự thì sợ “tự diễn biến”; Thích nhận kiều hối nhưng sợ “các thế lực thù địch”; Chống tham nhũng (đánh chuột) thì sợ “vỡ bình”; Phải minh bạch thì sợ “lộ bí mật nội bộ”; Tiếp dân thì sợ “dân khiếu kiện”; Kêu gọi dân góp ý thì sợ “trí thức phản biện”; Sử dụng mạng thì sợ truyền thông “lề trái”; Thích đấu đá nội bộ, nhưng lại sợ mất ghế…

Tóm lại là chúng ta sợ tất cả, sợ một cách cực đoan và tiêu cực. Không phải chỉ có người dân mà cả chính quyền vẫn đang “sống trong sợ hãi”. Vì vậy, nếu không “thoát khỏi sợ hãi” thì đất nước này không thể “thoát Trung”, dân tộc này không thể thoát khỏi nghiệp chướng “tù binh của quá khứ”, tiếp tục mắc kẹt trong đường hầm và hang tối của ý thức hệ, không có lối thoát. 

Thay cho lời kết

Sợ hãi và cực đoan là bạn đồng hành, và là hệ quả của nhau, như câu chuyện “con gà và qủa trứng”, không biết cái nào có trước hay có sau. Sợ hãi và cực đoan là hai mặt của một vấn đề, như “âm bản và dương bản”, một cái phản ánh trạng thái cảm xúc, một cái phản ánh trạng thái tư duy. Cả hai luôn tương tác với nhau trở thành nguồn năng lượng tiêu cực, có khả năng phá hủy khôn lường. Cả hai kết hợp với nhau thành một tai họa kép, là nguyên nhân sâu xa của mọi tai họa trên đời.

Muốn chống cực đoan phải thoát khỏi sợ hãi, và muốn thoát khỏi sợ hãi phải chống cực đoan, không phải chỉ từ bên ngoài mà còn từ bên trong (chính mình). Muốn chống bạo lực, khủng bố, chiến tranh, và muốn hòa giải, hòa hợp, hòa bình và hợp tác, trước hết phải thoát khỏi tâm trạng sợ hãi và hận thù , phải thoát khỏi tư duy cực đoan và cuồng tín, để thực sự thay đổi trước khi quá muộn.

Hãy tự hỏi tại sao thừa nhận nỗi sợ hãi lại khó đến thế. Có lẽ còn khó hơn là thừa nhận sai lầm và thất bại. Tuy nỗi sợ hãi có thể là thuộc tính của Con người Nguyên thủy, nhưng không phải là thuộc tính của Con người Văn minh. “Thoát khỏi sợ hãi” là giải phóng mình khỏi hang động tối tăm (như “Tù binh của Qúa khứ”) để ra bên ngoài hưởng ánh sang mặt trời.

Tham khảo

“Freedom from Fear” essay, Aung San Suu Kyi, 1990 
“Freedom of Thought” speech, Aung San Suu Kyi, July 1991
“Nobel prize acceptance lecture”, Aung San Suu Kyi, Oslo, June 16, 2012
“Sakharov prize acceptance speech”, Aung San Suu Kyi, Strasbourg, October 22, 2013
“Obama announces huge Brain-Mapping project, Stephanie Pappas, Live Science, April 2, 2013
“The Fear-free Organization”, Paul Brown, Joan Kingsley, Sue Paterson, July 2015

Nguyễn Quang Dy 2/1/2016

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 2-1-16

(Viet-studies)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét