Pages

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Tăng tốc xây dựng quân đội, Việt Nam có kế hoạch cho chiến tranh

mediaTàu tuần duyên Trung Quốc hoạt động gần giàn khoan HS 981 (Ảnh chụp ngày 14/05/2014)REUTERS/Nguyen Minh
Việt Nam đang trong tiến trình tái vũ trang quân sự lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam. Lãnh đạo của đất nước đang tăng tốc hơn nữa các nỗ lực trong suốt cả thập kỷ qua để hiện đại hóa lực lượng vũ trang nhằm chống lại các hành động khiêu khích từ Trung Quốc. Trên đây là nhận định của ông John Braddock, tác giả bài viết "Tăng tốc xây dựng quân đội, Việt Nam có kế hoạch cho chiến tranh" đăng ngày 05/01/2016 trên World Socialist Web Site, một trang mạng có quan điểm cực tả, chống Mỹ.







Đầu tiên, tác giả trích lại nội dung bản tin Reuters, phát hành ngày 18/12/2015, trong bài viết đề tựa « Việt Nam tăng cường sức mạnh quân sự để đối mặt với Trung Quốc » cho biết Hà Nội đang tìm cách « ngăn chặn » Trung Quốc do căng thẳng gia tăng xung quanh các vụ tranh chấp ở Biển Đông. Nếu như thất bại, Việt Nam cũng đang nhanh chóng chuẩn bị « để có thể tự bảo vệ mình trên mọi mặt trận ».
Nhiều nguồn sĩ quan và quan chức cao cấp ở Hà Nội cho Reuters biết là chiến lược của Việt Nam đã " tiến xa hơn kế hoạch dự phòng " đang trong giai đoạn chuẩn bị toàn diện đối phó với chiến tranh. Các đơn vị quân đội chủ lực, bao gồm sư đoàn tinh nhuệ 308 đang trấn thủ tại vùng núi phía bắc, cũng đã được đặt vào tư thế « sẵn sàng chiến đấu cao » để chống lại bất kỳ cuộc tấn công bất ngờ nào.
Một đoạn phim vidéo phóng sự kèm theo bài báo ghi nhận rằng trong lịch sử « Việt Nam tự khẳng định mình » bằng cách tiến hành các cuộc chiến tranh chống lại các cường quốc to lớn hơn, và nước này « đang chuẩn bị cho một cuộc chiến kế tiếp ». Trong thực tế, Việt Nam đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa đế quốc, với sự thông đồng của Hoa Kỳ, quốc gia đã từng tiến hành một cuộc chiến tranh tân thuộc địa hòng áp đặt quyền kiểm soát lên nước này trong những năm 1960 và 1970.
Theo ông John Braddock, Reuters khi hòa giọng cùng với giới truyền thông lên án Trung Quốc làm gia tăng xung đột trên Biển Đông, hãng tin Anh đã nhận định sai là Việt Nam xây dựng lực lượng vũ trang để phòng thủ. Hãng tin này khẳng định « bước ngoặt » trong chiến lược quân sự của Việt Nam là do việc Trung Quốc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí hồi tháng 5/2014 « chỉ cách bờ biển Việt Nam có 80 hải lý » (tức nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam). Tranh chấp leo thang đến mức dẫn đến một cuộc đối đầu nguy hiểm giữa tàu chiến Trung Quốc và tuần duyên Việt Nam.
Nhưng theo ông John Braddock, trên thực tế, giàn khoan dầu của Trung Quốc được đặt gần quần đảo Hoàng Sa, mà cả hai bên đều đòi hỏi chủ quyền, và Trung Quốc đã nắm lấy quyền kiểm soát từ năm 1974. Khu vực này chồng lấn với nơi có một lô khai thác dầu của Việt Nam mà trước đây Hà Nội đã giao cho tập đoàn khai thác năng lượng của Mỹ, Exxon Mobil khai thác.
Việt Nam tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ
Hoa Kỳ đã nhanh chóng can thiệp vào cuộc xung đột. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki xem việc đặt giàn khoan trên như là một « hành động khiêu khích và làm tổn hại đến việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực ». Chính quyền Việt Nam đôi khi còn khuyến khích hành động phản đối bạo lực nhắm vào các cơ quan ngoại giao và các doanh nghiệp đầu tư Trung Quốc, lên án nước này và buộc hàng ngàn công dân Trung Quốc phải rời lãnh thổ.
Vì là một phần trong chính sách « xoay trục » sang Châu Á của chính quyền Obama, Washington đã cố tình kích động đẩy các tranh chấp trong khu vực ở mức độ thấp đến cao điểm khi tuyên bố vì « lợi ích quốc gia » cần phải đảm bảo « tự do lưu thông hàng hải » trên Biển Đông và khuyến khích các quốc gia như Việt Nam hay Philippines gây áp lực lên các cuộc tranh chấp lãnh thổ của họ với Trung Quốc.
Từ năm 2007, Hoa Kỳ đã xúc tiến các chương trình hợp tác quân sự với Việt Nam như cho các tàu chiến Mỹ thường xuyên ghé thăm cảng Việt Nam, gia tăng số lượng các cuộc tập trận chung. Mà đỉnh điểm là việc ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung hồi tháng 7/2015 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và chính quyền Hà Nội.
Theo đó Hoa Kỳ sẽ huấn luyện cho quân đội Việt Nam tham gia các chiến dịch « gìn giữ hòa bình » của Liên Hiệp Quốc, hỗ trợ tài chính (18 triệu đô-la) mua tàu chiến, hợp tác sản xuất vũ khí, vật tư quốc phòng, đồng thời tìm cách ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Nga, với việc dỡ bỏ lệnh cấm lâu dài về việc bán vũ khí hàng hải cho Việt Nam (quyết định được ky vào tháng 10/2014).
Tháng Bảy cùng năm, Tổng thống Obama còn tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (VCP). Tronng buổi hội kiến, cả hai bên có đưa ra cam kết chung thể yêu cầu của Hoa Kỳ « tự do lưu thông hàng hải ».
Việt Nam đa dạng hóa "hợp tác quân sự"
Đối với tác giả, Mỹ và đồng minh chính Nhật Bản đang tìm cách đẩy mạnh các năng lực quân sự của Việt Nam và nhiều nước Châu Á khác để chuẩn bị cho cuộc chiến với Trung Quốc. Nhật Bản và Việt Nam đã đồng ý tổ chức đợt tập trận hải quân chung đầu tiên sắp tới đây. Nhật Bản cũng dự kiến sẽ đưa một tàu chiến ghé thăm căn cứ hải quân chiến lược tại Vịnh Cam Ranh.
Bên cạnh Hoa Kỳ, Nhật Bản, và hợp tác quân sự với Ấn Độ, Việt Nam đã có kế hoạch trang bị thêm vũ khí từ Nga như phát triển lữ đoàn tàu ngầm (gồm 6 chiếc) vào năm 2017, mua chiến đấu cơ của Nga, trang bị tên lửa đạn đạo chống tên lửa, tàu tuần tiễu tàu khu trục nhỏ tấn công nhanh.
Các chiến đấu cơ mua từ Nga cũng đã tiến hành công tác tuần tra các căn cứ quân sự tại quần đảo Trường Sa. Không quân cũng được nâng cấp và tăng cường bằng dàn ra-đa cảnh báo của Israel và hệ thống tên lửa địa đối không. Hiện Việt Nam cũng đang tiến hành đàm phán với các nhà sản xuất vũ khí Châu Âu và Hoa Kỳ để mua thêm chiến đấu cơ, máy bay tuần tra biển và các máy bay không người lái không trang bị vũ khí.
Theo ước tính, quân chính quy Việt Nam có khoảng 450.000 binh sĩ. Gần đây nước này cũng đã bắt đầu sản xuất súng trường Israel theo giấy phép, cùng với sử dụng công nghệ Israel và Châu Âu để tái trang bị khoảng 850 xe bọc thép Nga. Một đạo luật cũng được thông qua hồi năm 2015 quy định thời hạn thi hành nghĩa vụ quân sự bắt buộc là từ 18 tháng đến hai năm.
Giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc: Việt Nam theo ai, bỏ ai?
Tuy nhiên, tác giả bài viết cũng nhìn thấy là các lãnh đạo Việt Nam đang vướng vào một thế cân bằng khá tế nhị. Do không phải là đồng minh chính thức của Hoa Kỳ, nhưng có phần nghiêng hẳn về phía Washington, trong khi đó lại có quan hệ kinh tế khá chặt chẽ với Trung Quốc, thậm chí còn là một đối tác thương mại lớn nhất.
Trong một nỗ lực cản trở ảnh hưởng ngày càng lớn của Hoa Kỳ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Việt Nam và Singapore vào tháng 11/2015, để khuếch trương dự án sáng kiến « Một vành đai, Một con đường » thương mại và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Chương trình này bao gồm các dự án lớn về giao thông và xây dựng nhà máy điện ở Việt Nam, với sự tài trợ từ Ngân hàng Trung Quốc.
Cuối cùng, tác giả trích dẫn một bình luận của The Diplomat đăng ngày 06/11/2015 cho rằng chuyến công du Việt Nam của ông Tập còn có ý đồ thúc đẩy phe ủng hộ Trung Quốc trong giới lãnh đạo đảng cộng sản, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh dẫn đầu.
Căng thẳng giữa phe ủng hộ Trung Quốc và các phe ủng hộ Mỹ theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có thể sẽ là một nhân tố quan trọng trong đại hội Đảng, tổ chức mỗi năm năm, sẽ được triệu tập vào cuối tháng 01/2016 này để bầu chọn lãnh đạo mới cho đảng cộng sản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét