Pages

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Trung Quốc với Biển Đông và Đại hội 12

Image copyrightXINHUA
Image captionTrung Quốc đã tiến hành 46 chuyến hạ cánh của máy bay tại khu vực Trường Sa, trên Biển Đông, theo truyền thông Việt Nam.
Tính tới ngày 09/1/016, Trung Quốc đã có 46 chuyến phi cơ hạ cánh ở khu vực Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, hành vi được cho là 'đe dọa an ninh' hàng không quốc tế và khu vực, theo nhà đương cục Việt Nam.
Bình luận với BBC hôm thứ Bảy về khả năng Trung Quốc 'khai thác, lợi dụng' Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội đảng CSVN lần thứ 12, với các chuẩn bị có thể còn chưa xong về mặt 'nhân sự nội bộ' và 'đường lối', để 'trục lợi' trên vấn đề biển đảo, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam, nói:

"Tôi nghĩ rằng đây là một trong những tình hình mà Trung Quốc đang khai thác, đang lợi dụng, bởi vì rõ ràng là hiện nay, Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực, mọi tình hình để có thể tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 một cách thắng lợi.
"Đây là một Đại hội hết sức có ý nghĩa trong việc thay đổi thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam, cho nên trong bối cảnh đó, tôi cho rằng Trung Quốc tính toán những yếu tố đó để có thể xúc tiến mạnh mẽ hơn các hoạt động của họ trên Biển Đông.

Lợi dụng cơ hội?

"Có lẽ đây cũng là một câu chuyện mà chúng ta (Việt Nam) nếu xét về lịch sử, thì Trung Quốc bao giờ cũng tính toán đến điều kiện đó. Nhưng chúng ta đã biết, vào năm 1974, họ cũng tính toán lúc mà việc đấu tranh thống nhất nước nhà của hai miền Nam - Bắc (Việt Nam) rõ ràng có những điều kiện mà trong nội bộ có những vấn đề mà tạo ra thuận lợi cho Trung Quốc tiến hành cuộc xâm lược Hoàng Sa năm 1974.
"Hay năm 1988 cũng thế, thì cũng là lợi dụng cái lúc Việt Nam rất khó khăn sau cuộc Chiến tranh Biên giới năm 1979, rồi sau cuộc Việt Nam giúp để đánh đổ Khmer Đỏ, thì gặp rất nhiều khó khăn về mặt chính trị, ngoại giao... Trung Quốc lợi dụng cơ hội đó để nhẩy chiếm sáu thực thể ở Quần đảo Trường Sa của Việt Nam...
"Đấy rõ ràng chúng ta thấy rõ cái tính toán của Trung Quốc về cơ hội, thời cơ, điều kiện của tình hình quốc tế và khu vực, để họ đẩy mạnh các bước tiến của mình (TQ)...
"Vì vậy lần này cũng thế, một trong những lý do mà tôi cho rằng họ cũng đã tính đến, để họ chớp thời cơ này, để họ đẩy mạnh hơn nữa, hoàn thành mục tiêu mà họ đang đặt ra từ trước," ông Trần Công Trục nói với BBC.

Đối phó, tập trận?

Hôm thứ Bảy, một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và khu vực là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, bình luận với BBC về ý đồ của Trung Quốc qua động thái cho nhiều lần máy bay hạ cánh ở Trường Sa tuần này.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Cù Chí Lợi nói:
"Có thể thấy là ý đồ của họ về chiến lược ở Biển Đông là tương đối rõ ràng, là có thống nhất.
"Theo nghĩa là họ cũng quyết tâm giành quyền kiểm soát ở Biển Đông, đó là điều có thể khẳng định.
"Và tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần phải hiểu rõ ý đồ chiến lược này của Trung Quốc và cần phải có những chiến lược để đối phó lại chiến lược này của Trung Quốc," nhà nghiên cứu nói với BBC.
Hôm 09/1, Tiến sỹ Trần Công Trục bình luận với BBC về khả năng Việt Nam tiến hành 'tập trận ở Biển Đông' trong dịp Đại hội Đảng đang được chuẩn bị.
Ông nói:
"Tôi nghĩ kể cả việc tăng cường khả năng phòng thủ, kể cả việc rèn luyện, huấn luyện để có thể thích ứng với tất cả những tình huống có thể xảy ra, thì lực lượng quân đội Việt Nam chúng tôi bao giờ cũng luôn luôn ở cái thế sẵn sàng như vậy.
"Và đương nhiên trong đó có chuyện tập trận, mà tập trận có thể có bản thân mình, có thể mời một số nước có quan hệ ngoại giao về mặt quốc phòng tham gia cũng là chuyện rất bình thường, nhiều quốc gia người ta cũng đã từng làm việc đó.
"Cho nên có lẽ là không nên loại trừ khả năng đó, tôi nghĩ như vậy," cựu Trưởng ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam nói với BBC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét