Pages

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

VN phản đối TQ 'bay thử nghiệm' ở Trường Sa

Image copyrightAFP
Việt Nam cáo buộc Trung Quốc vi phạm chủ quyền của mình bằng việc đáp một máy bay xuống một hòn đảo nhân tạo đã được xây dựng trong khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói sân bay này được xây dựng bất hợp pháp trên một phần của quần đảo Trường Sa.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói đại diện bộ này đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động này của phía Trung Quốc.

Trung Quốc cho biết họ có chủ quyền toàn bộ tại Fiery Cross Reef (đá Chữ thập) và đã sử dụng một máy bay dân sự để kiểm tra đường băng.
Bộ Ngoại giao Việt Nam trên đưa tin trên website của bộ này vào ngày 02/01/2016 như sau:
"Ngày 02/01/2016, Trung Quốc đã thực hiện việc bay thử nghiệm ra sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình được dẫn lời nói hành động nêu trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa;
"[Hành động này] đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002; ảnh hưởng hòa bình, ổn định ở Biển Đông; giảm sự tin cậy chính trị giữa hai nước; tác động tiêu cực đến quan hệ láng giềng và tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Image copyrightAFP
Image captionHoa Kỳ từng yêu cầu các nước trong khu vực ngưng cơi nới và cải tạo đảo ở Biển Đông.
"Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.
Hoa Kỳ nói họ quan ngại rằng chuyến bay được thực hiện hôm thứ Bảy đã làm trầm trọng thêm căng thẳng.
Pooja Jhunjhunwala, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết có "nhu cầu cấp thiết cho các bên tranh chấp công khai cam kết cùng ngưng tiếp tục hoạt động cải tạo đảo, xây dựng cơ sở mới, và quân sự hóa những nơi đang có tranh chấp".
"Chúng tôi khuyến nghị tất cả các bên tuyên bố về chủ quyền chủ động giảm căng thẳng từ những hành động đơn phương vốn làm ảnh hưởng tiêu cực tới ổn định trong khu vực, và tiến hành các bước để hình thành không gian cho giải pháp ngoại giao có ý nghĩa", bà nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc đã tiến hành chuyến bay để kiểm tra xem liệu cơ sở của phi trường có đáp ứng các tiêu chuẩn về hàng không dân dụng hay không.
"Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa theo cách gọi của Việt Nam) và vùng biển lân cận. Trung Quốc sẽ không chấp nhận lời cáo buộc vô căn cứ của phía Việt Nam," người phát ngôn Trung Quốc nói.
Image copyrightOther
Image captionChủ tịch Tập Cận Bình gặp ông Nguyễn Sinh Hùng trong chuyến thăm Trung Quốc trong tháng 12/2015.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng trong chuyến thăm Trung Quốc vào tuần trước nói về nhu cầu "kiểm soát tốt tình hình" và "nhìn nhận lợi ích chung".
Ông Hùng, người đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, được dẫn lời nói hai bên thừa nhận, hiện nay còn tồn tại những bất đồng không thể giải quyết được trong một sớm một chiều.
“Điều quan trọng là hai bên cần kiểm soát, quản lý tốt tình hình; cần nhìn nhận lợi ích chung của hai bên to lớn hơn nhiều so với bất đồng vì lợi ích chung của nhân dân hai nước và mong muốn cơ bản của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
“Đặc biệt, nếu lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước có quyết tâm chính trị, tiếp tục nỗ lực quan tâm thúc đẩy tình hữu nghị truyền thống hướng tới giải quyết các bất đồng giữa hai nước thì có thể làm tốt,” ông Hùng được trang cổng thông tin Quốc hội dẫn lời.
Về "những vấn đề trên biển", ông Hùng được dẫn lời nhấn mạnh đến thỏa thuận giữa tổng bí thư đảng của hai nước về việc tăng cường "niềm tin chính trị" cũng như kiên trì đối thoại, hiệp thương, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên "có thể chấp nhận được".
"Vấn đề trên biển là vấn đề hệ trọng trong quan hệ hai nước, liên quan đến quyền, lợi ích và tình cảm của nhân dân hai nước. Đây cũng là vấn đề được cử tri và đại biểu Quốc hội Việt Nam quan tâm.
"Vì vậy, xử lý tốt vấn đề trên biển là tăng cường được niềm tin chính trị và tạo thuận lợi để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước," ông Hùng được trang tin Quốc hội Việt Nam dẫn lời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét