Pages

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

MỘT MAI QUA CƠN MÊ

Mặc dù được sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn , nhưng tôi không ” đặc biệt” thích nhạc vàng . 30/04/1975 tôi chỉ là một chú bé 14 tuổi , năm sau với chiến dịch truy quyét ” Văn hóa đồi trụy” , tàn dư Mỹ ngụy , thì nhạc vàng , nhạc xanh coi như bị xóa sổ trong đời sống văn hóa miền Nam . Nhưng lúc đó tôi ðã có suy nghĩ “đặc biệt” riêng của mình : Nếu đang có tâm trạng buồn , sáng ra mới thức dậy mà nghe Thanh Thúy , hay Chế Linh rên rỉ thì chỉ còn ý nghĩ là ra cầu Bình Triệu “tòm” một phát xuống sông Sài Gòn cho nó xong cái sự đời . Tôi chỉ mới nghe loại nhạc này khi nhận mấy cái đĩa CD nhạc ” lính chiến” của ” Ngụy” từ tay một người bạn thân , như một kỷ niệm khoảng thời gian anh làm việc ở Hà Nội . Nói là bạn nhưng anh lớn hơn tôi gần chục tuổi , chắc hết năm nay lãnh sổ hưu , sau mấy năm làm thủ trưởng trực tiếp của tôi , nhưng cuối cùng do trực tính quá , bị Ba Toàn đì , không cắt cu (Q)* được , phải về Sài Gòn làm phó . Hôm dọn phòng ở Quảng An** tới chào chia tay , từ chối mãi không được đành nhận mấy đĩa CD cho nó gọn , dễ đút túi . Về mở ra nghe thử mới biết là loại nhạc ” cực kỳ phản động” ? Nhưng nghe hay phết . Tỷ dụ như trong bài “Căn nhà ngoại ô” , tôi thích nhất câu : ” Em ơi , trái đất vẫn tròn , chúng mình hai đứa (đựa , giống như giọng Huệ )*** sẽ còn gặp nhau ” hay phết mà lại có tính triết lý nữa , sao ngày xưa các bố nhạc sỹ lại có thể nghĩ ra những ca từ xúc tích , cô đọng và ý nghĩa thế không biết ? Nhưng trong số các bài nhạc đó tôi thích nhất là bài ” Qua cơn mê”.

Vì qua bài hát này nó vừa nói lên cái định mệnh cay nghiệt của dân miền Nam , đã phải trả giá quá đắt cho sự ngây thơ về chính trị của mình , nó lại vừa nói lên một sự tiên tri về một tương lai của Việt Nam thời hậu chiến. chẳng hạn trong câu :

” Một mai qua cơn mê xa cuộc đời bềnh bồng , anh lại về bên em …” . Một ước mơ sau khi qua cơn mê loạn của cuộc nội chiến anh em nồi da xáo thịt , cuộc đời bấp bênh , vùi dập , bồng bền như bị những cơn sóng vùi dập , lại được về đoàn tụ lại người xưa , nhưng sự thật nghiệt ngã có được như vậy không ?.

Hay như trong câu : ” Trường xưa vắng ta , nay ta lại về cùng theo lũ em học hành như xưa …???” Những người lính chiến phải bỏ dở dang việc học để tham gia cuộc chiến , dù muốn hay không ? chỉ mong ước được tiếp tục việc học dở dang sau hòa bình , nhưng thực tế là thay vì được tiếp tục việc học trên giảng đường Đại học , họ được tiếp tục việc học trong trại cải tạo trong rừng thiêng nước độc và ngay chính lũ em , vì rào cản lý lịch cũng chỉ có thể học ở ” chợ đời” để mưu sinh . Ứơc mơ những con” sông cạn lại thành dòng trong xanh , xuôi về ngọt quê hương” chẳng thấy đâu mà chỉ thấy những dòng sông hấp hối bị bức tử như sông Thị Vãi , sông Cửu Long dần chết vì độ mặn của biển ngày càng xâm thực vào sâu trong những ruộng lúa phì nhiêu trước đây do việc xây dựng vô tội vạ đập thủy điện trên thượng nguồn sâu trong lãnh thổ Trung Quốc cũng như hệ thống đê diều , đập thủy điện chằng chịt trên ghềnh thác những lưu vực Trung phần Việt Nam , để mỗi đầu mùa mưa , chỉ cần một vài cơn mưa không lớn , lại xẩy ra lũ lụt và ngược lại thì hạn hán .

Những ngón tay thiên thần đan vào nhau để nguyện cầu bằng “Kinh Việt Nam”**** mong ước được “nối vòng tay lớn”**** giữa ” Huế Sài Gòn Hà Nội”**** để ” Người con gái Việt Nam” , ” Tuổi trẻ Việt Nam”****, tất cả ” Ta phải thấy mặt trời” .Nhưng những tình cảm , mong ước tràn đầy đó chỉ là những mơ ước viễn vông về hòa hợp hòa giải dân tộc , chỉ là ” mơ toàn chuyện trên mây” để người Việt Nam sau cái ngày định mệnh 30/04/1975 và cho đến tận bây giờ bằng mọi cách , mọi thủ đoạn , kể cả phải làm cu ly , phải đánh đĩ xứ người để được ” bay đi muôn phương” để làm người Việt tỵ nạn hay di dân .

Thế mà giờ đây lại có những người lại muốn tiếp tục ru ngủ người dân trong nước bằng những luận điệu tuyên truyền về ” hòa hợp hòa giải dân tộc” ? hay ” cải tạo chế độ hiện tại” ? . Hay chính quyền toàn trị Việt Nam , bằng những thủ đoạn tâm lý chiến qua sự “trở về” của những bộ xương khô Trần Văn Khê , Phạm Duy… mà cuối đời chỉ muốn vớt vát lại chút hư danh và gửi lại nắm xương tàn nơi đã lỡ chôn nhau cắt rốn , hay của loài xướng ca vô loài ế độ trong thời buổi suy thoái chỉ muốn cát sê , money , cam chịu muối mặt về diển tuồng để tô son trát phấn Dân chủ cho trò hề bầu cử sắp tới .

Khi nào thì Việt Nam sẽ trở thành mảnh đất tốt để mầm Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền đơm hoa kết trái để hái dâng tặng mọi người ???

Hà Nôi 17/05/2011

Oanh Yến Thị Phạm

*Cu (Q) ở đây là quyền , có nghĩa chỉ tạm thời , chưa chính thức được bổ nhiệm bằng văn bản . Được bổ nhiệm chính thức sau khi tạm quyền , thì tiếng lóng trong giới quan chức Bắc bộ gọi là cắt cu

** Quảng An : Khu tập thể dành cho cán bộ cao cấp của Tổng cục An Ninh .

*** Đựa = đứa , Huệ = Huế , giọng Huế dấu sắc thành giống như dấu ngã

**** Tên các bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn

Không có nhận xét nào: