Pages

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Ghế thủ tướng của ông Dũng lung lay?


Giáo sư chuyên nghiên cứu Việt Nam hàng đầu của Úc, Carl Thayer, vừa lên tiếng bình luận rằng sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang lung lay.

Ông Nguyễn Tấn Dũng đang chịu nhiều sức ép trước Đại hội XI của ĐCSVN



Ông Thayer, người từng cho rằng ông Dũng ra lệnh chấn chỉnh Vinashin như một đòn chặn trước các cuộc tấn công, nay nói đang tồn tại âm mưu có phối hợp nhằm đẩy ông Dũng ra khỏi vị trí thủ tướng tại Đại hội XI của Đảng Cộng sản vào tháng Một năm 2011.

Trong tài liệu tư vấn mới được công bố, ông Thayer viết:

"Giờ đã có vẻ rõ ràng rằng nếu ông Dũng có tham vọng trở thành tổng bí thư đảng, ông đã bị bỏ lại sau.

"Hiện nay vị trí thủ tướng của ông cũng bị đe dọa.

"Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tới đây sẽ quyết định vấn đề này nhưng có dấu hiệu cho thấy nếu các đại biểu không hài lòng về mức độ trừng trị đối với ông Dũng, vị trí thủ tướng vẫn có thể gặp nguy khi các đại biểu bỏ phiếu ở Đại hội Đảng."

'Dập tắt bất đồng'

Ông Nguyễn Tấn Dũng, người tháng này tròn 61 tuổi, chịu nhiều sức ép trong những tháng gần đây vì sự ủng hộ của ông cho việc khai thác bauxite và chủ trương xây dựng các tập đoàn lớn như Vinashin.

Nhưng trên hết vẫn là mong muốn dập tắt tất cả những bất đồng từ bên ngoài giới chóp bu.

Giáo sư Carl Thayer
Thậm chí Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết còn đòi Quốc hội điều tra và bỏ phiếu tín nhiệm đối với ông Dũng và những bộ trưởng có liên quan trong vụ bauxite.

Sự bức xúc của ông Dũng trước những sức ép này được thể hiện qua một loạt bài đăng trên trang web chính thức của chính phủ chỉ trích mạnh mẽ ông Nguyễn Minh Thuyết mặc dù không nêu tên ông.

Những chỉ trích này cũng ngay lập tức bị một số chuyên gia coi là biểu hiện của sự muốn "độc quyền chân lý" và "không nhìn thẳng vào sự thật".

Liên quan tới Đại hội Đảng Cộng sản sắp tới, ông Carl Thayer nói ông nhận thấy các tài liệu chính của Đảng Cộng sản chuẩn bị cho đại hội sắp tới vẫn tiếp tục nhắc tới "các lực lượng thù địch" và "diễn biến hòa bình".

Ông Thayer nói có hai "lực lượng" đứng đằng sau các vụ bắt giữ những người bất đồng chính kiến gần đây ở Việt Nam - "khối công an và những đồng minh ý thức hệ của họ, và những người không muốn quan hệ với Trung Quốc bị tổn hại."

"Luật sư Cù Huy Hà Vũ là trường hợp đặc biệt - các cuộc tấn công của ông nhắm vào vị thủ tướng tăng sức mạnh cho những người muốn đẩy ông Dũng ra khỏi vị trí hiện nay.

"Nhưng trên hết vẫn là mong muốn dập tắt tất cả những bất đồng từ bên ngoài giới chóp bu."

Tổng Bí thư

Giáo sư Thayer cũng nói "có rất nhiều người đồn đại rằng ông Nguyễn Phú Trọng được ủng hộ nhiều hơn để trở thành tổng bí thư kế tiếp một phần vì ông được Trung Quốc chấp nhận."

Nhưng điều này còn phụ thuộc việc Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị quyết định đồng ý để ông Trọng, năm nay 66 tuổi, ở lại Bộ Chính trị mặc dù đã qua tuổi 65, tuổi về hưu theo quy định.

Còn về ghế thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Thayer cũng nói một nhân vật khác được cho là đang muốn thay chức này là Ủy viên Bộ Chính trị Trương Tấn Sang.

Chuyên gia Việt Nam học người Úc nói, "giải an ủi" cho ông Sang, nếu ông không thể ngồi vào ghế thủ tướng, có thể là chức chủ tịch nước.

Giáo sư Thayer cũng nhận định Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và mặc dù họ đã không còn mời các đoàn đại biểu nước ngoài tới dự đại hội từ năm 2006, ông Nông Đức Mạnh đã thăm Trung Quốc trước tiên sau khi đắc cử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét