Pages

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Khi cái ác đã trở thành bình thường!

Song Chi


Hai trong bốn đứa trẻ vừa thoát khỏi địa ngục nhà mở Đồng Nai.
Nguồn: vietnamnet.vn

Có những ngày tôi không muốn đọc báo Việt Nam kể cả trong và ngoài nước, bởi vì cứ đọc mãi những tin tức về tình hình chính trị xã hội văn hóa ở Việt Nam, lại càng thấy lòng nặng trĩu. Ngay trên những trang báo “lề phải”, rõ ràng đã thấm nhuần những lời huấn thị của Đảng đồng thời hiểu rất rõ thân phận của báo chí trong một chế độ độc tài nên luôn luôn cố gắng “xấu che tốt khoe”, cố gắng tìm cho ra những thành tích, thành tựu của Đảng và nhà nước để tụng ca mọi lúc có thể, nhưng mặc dù vậy, những điểm tươi sáng vẫn chiếm tỷ lệ rất ít trên bức tranh toàn cảnh của xã hội Việt Nam. Cái xấu cái ác, sự bất công phi lý, những hành vi sai trái ngang ngược chà đạp lên luật pháp từ nhẹ đến cực kỳ nghiêm trọng, đi ngược lại những tiêu chuẩn nhất định của mọi xã hội văn minh dân chủ tiến bộ nói chung…càng ngày càng nhiều, xảy ra ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực, với đủ mọi tầng lớp trong xã hội.

Thật ra xã hội nào mà chẳng có cái xấu cái ác, sự bất công. Nhưng trong những xã hội có những thể chế chính trị độc tài với những hình thức, mức độ khác nhau như Miến Điện, Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn, Eritrea, Iran, Iraq, Ả rập Xê-út, Somalia, Sudan, Venezuela… cái xấu, cái ác, cái bất công có điều kiện sinh sôi nảy nở và tồn tại một cách ngang nhiên hơn. Nhất là khi sự độc tài của chế độ lại đi kèm với một môi trường xã hội mà trong đó “quan trí” lẫn “dân trí” chưa cao, thì mức độ dã man của con người càng đáng sợ.

Cứ theo dõi tình hình xã hội Việt Nam thì thấy sự vô cảm, dã man, sự coi thường nhân phẩm, danh dự, sinh mạng của con người đối với đồng loại ngày càng trở nên không thể tưởng tượng nổi.

Ở Mỹ hay các nước phương Tây vẫn có những kẻ giết người hàng loạt, những kẻ tâm thần, bệnh hoạn, biến thái các kiểu, thích hành hạ nạn nhân của mình theo những cách “sáng tạo” nhất, thậm chí còn ăn thịt nạn nhân sau khi giết chết…

Có thể Việt Nam chưa có những trường hợp kiểu như vậy. Nhưng đó là những kẻ bệnh hoạn, bất bình thường. Điều đáng nói ở Việt Nam là sự vô cảm, độc ác có thể xảy ra ở những người bình thường nhất, trong những hành vi đời thường nhất.

Sự vô cảm, ác độc có thể xảy ra ngay trong lứa tuổi học sinh lẽ ra rất hiền hòa, ngây thơ, trong sáng. Dư luận đã từng phải lên tiếng báo động về hiện tượng không chỉ xảy ra một lần, các nữ sinh đánh nhau tàn tệ rồi quay thành video trong lúc có những em học sinh khác thản nhiên chứng kiến, không can thiệp! Dã man hơn, có một video clip không biết của ai quay và tung lên mạng, cảnh một người mặc sắc phục bộ đội, bị tai nạn giao thông cán đứt nửa người từ trên đùi trở xuống nhưng vẫn tỉnh táo, đang ngắc ngoải trong lúc chờ xe cứu thương tới. Trong video clip có thể thấy rõ rất nhiều người bu quanh nạn nhân, đứng nhìn, và có những người đã lấy điện thoại di động ra quay. Thật kinh sợ việc ai đó có thể bình tĩnh quay đồng loại của mình trong một hoàn cảnh thương tâm như vậy.

Báo chí đã từng nói rất nhiều về việc những tài xế coi thường tính mạng người khác. Việc những chiếc xe bus, xe tải, xe ben…chạy nhanh, phóng ẩu, gây tai nạn chết người là chuyện như cơm bữa. Ai sống trong các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội…thì đều chứng kiến xe bus đã trở thành những hung thần trên đường phố như thế nào. Nhiều khi xe dừng, người chưa kịp xuống hoặc vừa bước lên là xe đã chạy, nên mới có những trường hợp như một phụ nữ ở Hà Nội trong lúc đang bước xuống xe, cánh cửa xe bus đột nhiên đóng mạnh, đập vào mặt khiến bà ngã xuống và bị bánh sau xe bus chồm tới cán nát ngực, thương tích trầm trọng (tháng 11.2010); trước đó thì một nữ sinh cũng ở Hà Nội, do kẹt chân vào cánh cửa xe, bị xe kéo đi, khi nạn nhân và người đi đường la lên, xe không ngừng hẳn mà lại mở cửa nhả chân cô gái ra nên nạn nhân bị bánh sau chiếc xe cán nát đùi, gãy xương chậu.

Những tai nạn xuất phát từ sự vô tâm đến nhẫn tâm này rất thường thấy. Nhưng có những trường hợp không phải là tai nạn mà là cố tình giết người. Đọc những bài báo viết về vụ tài xế xe container Đặng Hữu Anh Tuấn ba lần cán chết một cô gái ở TP.HCM (tháng 5.2008) hay vụ một chiếc “xe điên” do kỹ sư Nguyễn Minh Trí cố tình cán qua người nạn nhân sau khi đã tông ngã xe và người ra đường (tháng 9.2010), mà thấy rợn người.

Vì sao con người có thể dã man đến mức coi mạng người không có nghĩa lý gì, như vụ một tay quản lý của một trang trại cà phê ở Ban Mê Thuộc thản nhiên để mặc cho đàn chó becgie cắn xé đến chết một phụ nữ mà không cứu (tháng 1.2010), và kể cả tay giám đốc trang trại này, nuôi cả một đàn chó dữ có thể ăn thịt người để đối phó với những người dân nghèo vào mót quả cà phê? Hay những người dân ở xã Hưng Đông, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã đánh đến chết hai thanh niên và thiêu cả xác lẫn xe chỉ vì hai người này đã ăn trộm chó! (tháng 9.2010)

Hiện trường vụ giết người trộm chó tại thành phố Vinh, Nghệ An.
Nguồn: tuanvietnam.vn

Có còn chút nhân tính nào ở những con người mà trong cuộc sống, vẫn hết sức bình thường, không có bất cứ dấu hiệu gì của bất cứ loại bệnh tâm thần nào như vậy?

Sự độc ác bộc lộ ngay ở những người mà xã hội vẫn xem là những biểu tượng của lòng nhân từ, do nghề nghiệp và thiên chức của họ, ví dụ như nhà giáo, những cô bảo mẫu ở nhà trẻ, mầm non… Vậy mà có những người như cô bảo mẫu Lê Vi, trường mầm non Thiên Thơ, quận Phú Nhuận,TP.HCM, vì muốn cháu Đan Trân ngừng khóc đã dán băng keo vào miệng dẫn đến cái chết thương tâm của bé (năm 2007), bà bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa ở Biên Hòa, Đồng Nai đã đánh chửi tàn tệ các cháu nhỏ ở lứa tuổi mầm non mỗi ngày đến độ phãi lãnh án tù (năm 2008), cô giáo Trần Thị Xuân Nữ, Nhóm trẻ tư thục Hoa Lan, quận Tân Phú, TP.HCM đã nhốt bé Lê Quang Vinh vào thang máy vận chuyển thức ăn khiến bé bị thương tích khắp người (năm 2010)… Còn biết bao những vụ bạo hành khác cả về thể chất lẫn tinh thần, đã và vẫn đang diễn ra trong môi trường giáo dục, từ mẫu giáo đến tiểu học, trung học…mà báo chí và dư luận không hay biết? Thường gặp nhất là chuyện chửi mắng, xúc phạm học sinh bằng những lời lẽ nặng nề, như vụ cô giáo dạy tiếng Anh trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng mắng chửi học sinh bị các em ghi âm và tung lên mạng nên mới lộ ra chẳng hạn.


Bé Lê Quang Vinh 4 tuổi bị cô giáo nhốt vào thang máy thương tích đầy mình.
Nguồn: tienphong.vn

Ngay trong một môi trường tưởng đâu phải là mái ấm cho những đứa trẻ bất hạnh không chốn nương thân, hóa ra cũng lại là địa ngục, như nhà mở Đồng Nai, nơi 4 đứa trẻ vì bị bạo hành quá mức gần đây đã phải bỏ trốn với thương tích đầy mình. Đáng nói hơn, nhà mở này không phải là một cơ sở tư nhân mà là một “Công trình Thanh Niên”, một mái ấm thiện nguyện trực thuộc quản lý của Tỉnh đoàn!


Sự vô cảm, độc ác diễn ra ở những người vốn làm một cái nghề rất được tôn trọng khác: phóng viên, nhà báo. Trước đây tôi đã từng viết bài về đạo đức nghề báo ở Việt Nam bây giờ. Trong rất nhiều trường hợp, đặc biệt là quanh những vụ cướp, giết, hiếp… cách đưa tin, viết bài của nhiều phóng viên gây cho người đọc cảm giác về sự vô cảm, thiếu tính nhân văn. Qua một trường hợp báo chí khai thác xung quanh vụ hung thủ Nguyễn Đức Nghĩa giết người rồi chặt đầu để phi tang gần đây chẳng hạn. Báo chí nước nào thì cũng khoái khai thác những vụ cướp, giết, hiếp để thỏa mãn trí tò mò của người đọc. Nhưng cái cách các nhà báo bu xung quanh, chĩa máy vào bị cáo, canh từng giọt nước mắt của bị cáo, từng khoảng khắc đau khổ của người mẹ hung thủ hay người bố nạn nhân để đưa lên trang báo, phải nói là rất “phản cảm”. Chưa kể có cả tấm hình trong đó một phóng viên còn cười hớn hở trong khi giơ máy chụp được một kiểu ảnh ưng ý của bị cáo, người đang ngồi rũ ra trước bản án tử hình! Và ngay chính hung thủ Nguyễn Đức Nghĩa cũng là một ví dụ rõ nét về tội ác có thể được thực hiện ở một con người hoàn toàn bình thường, tỉnh táo, được ăn học tử tế, nhưng lại có thể có những hành vi cực kỳ man rợ.

Một thành phần khác trong xã hội Việt Nam rất bị mang tai mang tiếng về sự độc ác, tàn nhẫn đối với đồng loại là giới công an. Chỉ cần vào google gõ “công an đánh dân”, “công an đánh chết người” sẽ cho ra hàng loạt kết quả. Rất nhiều khi công an đánh người đến thương tật nặng nề, hoặc tử vong, chỉ vì những tội rất nhỏ như quên đội mũ bảo hiểm chẳng hạn. Có những trường hợp nạn nhân bị đưa về đồn thẩm vấn rồi bị dùng nhục hình đến chết chỉ trong một thời gian ngắn, khiến thân nhân của họ bức xúc phải làm lớn chuyện để đòi công lý cho người bị chết oan, mà vụ bạo động xảy ra tại Bắc Giang, tháng 7.2010 là một ví dụ. Có thể nói thẳng rằng ở Việt Nam bây giờ, hình ảnh các “công an nhân dân” đã trở thành biểu tượng của thói độc ác, côn đồ, những hung thần của nhân dân, những kẻ chỉ biết tuân theo lệnh Đảng và sẵn sàng chà đạp lên luật pháp, chà đạp lên nhân quyền, coi tính mạng nhân dân chả ra gì. Và khi xảy ra chết người thì việc xử lý thường rất qua loa, người dân cứ việc đi kiện, cứ việc dài cổ mà chờ công lý được thực thi!


Bạo động ở Bắc Giang ngày 25.7.2010 do người dân bức xúc trước việc công an đánh chết người vô cớ. Nguồn: ttxva.com

Tình trạng này khiến các tổ chức nước ngoài cũng phải lên tiếng. “Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) vừa lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam điều tra các vụ cáo buộc công an hành xử tàn bạo với dân.

Tổ chức có trụ sở chính tại New York viết trong một thông cáo ra vào tối thứ Tư, rằng họ có trong tay tài liệu về 19 vụ bạo hành liên quan công an Việt Nam, trong đó 15 người chết, trong một năm qua.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Á châu của HRW , nói: "Thông tin về các vụ bạo hành của công an đang ngày càng nhiều một cách đáng báo động ở Việt Nam, gây quan ngại nghiêm trọng rằng các sai phạm này khá phổ biến và có tính hệ thống."

HRW kêu gọi chính phủ Viết Nam ra luật cấm công an lạm dụng quyền lực và bảo đảm rằng bất cứ công an viên nào có hành động như vậy sẽ bị kỷ luật, thậm chí truy tố hình sự.” (BBC ngày 23.9.2010)

Cái ác diễn ra dưới mọi hình thức. Làm ăn cẩu thả, vô trách nhiệm dẫn đến sập cầu, sập nhà, sụp hố trên đường…gây chết người; gây ô nhiễm môi trường từ thức ăn đến nguồn nước, không khí…dẫn đến những cái chết từ từ vì các loại bệnh tật; phá rừng, không có kế hoạch trong việc xây bừa bãi các công trình thủy điện, rồi lại xả lũ vô trách nhiệm…làm lũ lụt ngày càng nặng, mỗi năm số người chết và mất tích ngày càng cao v.v… Và kinh khủng hơn, nhà nước này cỏn đang quyết tâm lao vào những dự án như khai thác bauxite ở Tây Nguyên bằng mọi giá, bất chấp những bằng chứng cảnh báo sờ sờ trước mắt từ tai họa bùn đỏ ở Hungary và lũ bùn ở Cao Bằng…là đỉnh điểm của sự tàn ác, vô lương tâm đối với chính đồng bào của mình.

Lũ lụt ở Quảng Bình, người dân cầu cứu khi nghe tiếng cano cứu nạn đi qua.
Nguồn: tuoitre.vn

Trẻ em ở xã Điện Nam di chuyển bằng bè chuối giữa dòng nước lũ.
Nguồn: zing.vn

Khi một xã hội mà cái ác diễn ra từ thấp đến cao, từ nhẹ đến cực kỳ nghiêm trọng, diễn ra dưới mọi hình thức, trong mọi lĩnh vực, với mọi con người bình thường nhất, mọi hành vi bình thường nhất và trở thành chuyện thường ngày trong mắt đám đông, thì xã hội ấy thực sự đang đi đến chỗ tự hủy hoại mình. Vì sao con người Việt Nam, xã hội Việt Nam lại có thể trở thành tàn tệ đi như thế, điều này thì hầu như ai trong chúng ta cũng có thể trả lời.

Một thể chế chính trị độc tài, thối nát chỉ quen dùng bạo lực để đối phó, trừng trị người dân, không có một cơ chế giám sát, phản biện, những lực lượng đối lập để kìm hãm, cũng không có một nền luật pháp độc lập để đủ sức răn đe những kẻ phạm pháp nên tội ác ngang nhiên tồn tại, đặc biệt là ở những thành phần có chức có quyền; trong khi đó giáo dục lại yếu kém, về mặt tinh thần, văn hóa thì sự thiếu vắng niềm tin vào cái thiện cộng với lỗ hổng hoàn toàn về triết học, mỹ học…khiến cho con người gần với phần con hơn phần người, lại thêm những bức xúc đời thường do phải quay cuồng với muôn ngàn nỗi lo từ sinh kế đến sự an toàn của bản thân…khiến con người dễ trở nên vô cảm và độc ác.

Còn lại, một câu hỏi không thể trả lời đó là người Việt Nam có thể chấp nhận một môi trường xã hội như vậy cho đến bao giờ?


http://www.rfavietnam.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét