Pages

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Giá hàng hóa tại Việt Nam tăng chóng mặt

Lạm phát lên nhanh, người dân khốn đốn



SÀI GÒN (TH) - Lạm phát gia tăng nhanh chóng trong mấy tháng qua, vượt qua mặt những chỉ tiêu mà Quốc Hội đề ra cũng như các biện pháp “bình ổn giá” mà nhà cầm quyền quảng cáo. Hậu quả, những người có đồng lương cố định và đại đa số quần chúng đều nghèo khó lại thêm phần khốn đốn.


Lạm phát luôn khiến người dân lo lắng. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


Tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam trong một bản tin ngày 29 tháng 11, 2010 về “lo âu đường đi của giá” nói rằng, ‘luôn có trên 50% bạn đọc cho biết họ đang thực sự gặp khó khăn.’

Theo các con số do Tổng Cục Thống Kê ở Hà Nội đưa ra, lạm phát tăng nhanh nhất ba tháng trở lại đây của năm nay và là mức gia tăng tệ hại nhất trong suốt 20 tháng qua. Ðây là hệ quả của chính sách đánh sụt giá đồng nội tệ nhằm cứu ngành sản xuất xuất cảng gây ảnh hưởng dây chuyền lên cả nền kinh tế.

Theo Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, giá cả gia tăng 11.09% trong tháng 11, 2010 so với một năm trước. Ðây là tỉ lệ lạm phát gia tăng nhiều nhất từ tháng 3, 2009 mà vào thời điểm đó lạm phát nằm ở 11.25%. Tháng 10, 2010, lạm phát là 9.66%. Nếu chỉ tính từng tháng một thì lạm phát của tháng 11 đã tăng hơn tháng mười 1.86%.

Cuối năm 2009, Quốc Hội của chế độ Hà Nội biểu quyết “chỉ tiêu lạm phát trong năm 2010 phải dưới 7%”. Nhưng đến tháng 5, 2010, thấy không kềm nổi, nhà cầm quyền trung ương “xin điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI)” lên “không quá 8%”.

Bây giờ, thực tế cho thấy lạm phát đang làm người dân chóng mặt.

“Giá của tất cả mọi loại thực phẩm mà chúng tôi mua ở các chợ địa phương đều gia tăng đáng kể so với tháng trước”. Craig Jackson, quản lý nhà hàng Al Fresco (cũng có chi nhánh ở Hà Nội) nói như vậy và phải trình bày với thức khách lý do “những bất ổn trong tỉ giá” đã làm giá thực phẩm tăng vọt.

Theo báo Người Lao Ðộng hôm 20 tháng 11, 2010 vừa qua, các siêu thị ở Sài Gòn đã tăng giá ít nhất 10%. Gạo, một thứ căn bản của bữa ăn người Việt Nam, lên giá ít nhất cũng 4%, trong khi nhà cầm quyền khoe năm nay sẽ xuất cảng 6.5 triệu tấn gạo.

Nói chung, giá thực phẩm đã gia tăng 14.78% so với một năm trước trong đó một số thứ còn tăng đến 20.45%, theo Tổng Cục Thống Kê nói trên.

Theo tờ Người Lao Ðộng, một số mặt hàng khác gắn liền với đời sống hàng ngày là đường và gas cũng tăng đáng kể.

Báo Người Lao Ðộng dẫn nguồn tin từ Cục Quản Lý Giá (Bộ Tài Chính Việt Nam), nói giá bán lẻ đường trắng trong nước 15 ngày đầu tháng 11 khoảng 19,000-21,000 đồng/kg, tăng 1,000 đồng/kg so với tháng 10.

Còn giá gas thì tăng 18,000 đồng/bình 12 kg.

Một trong những lý do chính yếu khiến lạm phát tăng nhanh tại Việt Nam những tháng gần đây, theo một bài phân tích của Tiến Sĩ Nguyễn Quang A trên tờ Tiền Phong ngày Thứ Hai 29 tháng 11, 2010 thì “Ðấy là chính sách nới lỏng tiền tệ, chạy theo chỉ tiêu về tăng trưởng.”

Nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế đã khuyến cáo, không phải một lần, Việt Nam cần hạ chỉ tiêu tăng trưởng, đưa các biện pháp mạnh để đối phó với lạm phát nhưng không mấy tác dụng.

“Khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, chắc chắn đời sống của người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn bởi lương không đuổi kịp giá, không đủ để trang trải chi tiêu hàng ngày.” Phạm Minh Huân, thứ trưởng Bộ Lao Ðộng-Thương Binh và Xã Hội, nhìn nhận trong bài viết của tờ TBKTVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét