Pages

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Vinashin mang món nợ khổng lồ

3% tổng số tiền cho vay của ngân hàng ở VN


SINGAPORE (TH) - Tập đoàn đóng tàu quốc doanh gần phá sản Vinashin có thể đang nợ các ngân hàng thương mại ở Việt Nam một số tiền khổng lồ chiếm đến 3% tổng số tiền cho vay của họ.


Chiếc tàu vận tải biển Vinashin Bay do một công ty con của tập đoàn Vinashin (Phà Rừng) hạ thủy ngày 3 tháng 5, 2007 với kỹ thuật của Nhật Bản được quảng cáo rầm rộ thời đó. (Hình: Vinashinship.com)


Hệ quả, các ngân hàng này cũng gặp khó khăn có thể chết theo vì khó có thể tái cầu trúc để tồn tại.

Công ty tư vấn đầu tư tài chính quốc tế Moody's Investors Service nhận định như vậy hôm Thứ hai, theo bản tin của tổ chức thông tin tài chính Bloomberg.

Sau khi được bật đèn xanh để chống đỡ sập tiệm với một kế hoạch được tân chủ tịch hội đồng quản trị loan báo, ngày 19 tháng 11, 2010 Vinashin cho hay sẽ phải trì hoãn trả món nợ đáo hạn $60 triệu trên số tiền vay ngân hàng ngoại quốc $600 triệu.

Bà Karolyn Seet, phân tích gia tài chính định chế của công ty Moody đặt tại Singapore, viết trong một bản tường trình và bây giờ đặt dấu hỏi về khả năng nhà cầm quyền Hà Nội hậu thuẫn tài chính cho Vinashin đến đâu.

Hệ quả dây chuyền của việc Vinashin không có tiền trả nợ các tổ chức tín dụng cũng như thiếu sự chống lưng tài chính của nhà cầm quyền trung ương, nhiều phần buộc các ngân hàng chủ nợ (hầu hết đều là ngân hàng quốc doanh) phải tái cấu trúc lại nợ cho Vinashin hoặc coi như bị giật nợ và gây khốn đốn tài chính luôn cho các chủ nợ này, theo nhận định của bà Seet.

Có nhiều tin tức khác nhau về tổng số nợ của Vinashin từ hơn 80,000 tỉ đồng đến 120,000 tỉ đồng. Nhưng những con số công bố về công nợ của Vinashin tính đến tháng 6, 2010 thì đại gia “quả đấm thép” này nợ 86,000 tỉ đồng, tương đương lối $4.41 tỉ.

“Trước đây, chúng tôi tưởng nhà cầm quyền trung ương sẵn sàng nhảy vào cứu các ngân hàng khi sắp bị giật nợ tín dụng.” Bà Seet nói qua một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại. “Với vụ này đang diễn ra, chúng tôi không biết chắc là sự hậu thuẫn (của nhà cầm quyền) có cao như chúng tôi từng nghĩ.”

Nếu nhà cầm quyền trung ương không hậu thuẫn cho Vinashin trả nợ, công ty này không những mất hết uy tín để vay nợ tư bản ngoại quốc đã đành, các sự bảo đảm của nhà cầm quyền Hà Nội cho các đại gia quốc doanh khác đi vay cũng bị ảnh hưởng theo.

Dựa theo các con số thống kê mà Bloomberg ghi nhận được, Vinashin hiện đang ôm một số nợ tổng cộng 16.2 ngàn tỉ đồng vừa trái phiếu vừa tín dụng đáo hạn từ nay đến 2017. Lợi nhuận trên những món nợ vay với lãi suất 9% đáo hạn vào tháng 4, 2017 lên thành 21.16% ngày hôm nay, mức cao nhất trong vòng ít nhất một năm, theo phân tích của ngân hàng Deutsche Bank Vietnam.

Lợi nhuận trên những món nợ vay với lãi suất 9% đáo hạn vào tháng 4, 2017 lên thành 21.16% ngày hôm nay, mức cao nhất trong vòng ít nhất một năm, theo phân tích của ngân hàng Deutsche Bank Vietnam.

Một số nợ nói trên tuy chưa bị coi là nợ bị giật mà vẫn được xếp vào loại nợ đang chờ trả hay loại nợ “lưu ý đặc biệt”.

Khi không còn che đậy nổi nữa vì dính đến những khoản nợ lớn của ngoại quốc cần trả mà không trả nổi, chế độ Hà Nội đã phải xì tin tức cho mọi người thấy một thứ “quả đấm thép” thật tồi tệ. Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc tập đoàn Vinashin là Phạm Thanh Bình cùng một số tay chân đã bị tống giam. Nhiều tội lỗi của những người này bị bị gom vào một danh xưng “lợi dụng chức vụ...”, “trái qui định của nhà nước...”, “gây thiệt hại”...

Khi ra điều trần ở Quốc Hội hồi tuần qua, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người chịu trách nhiệm trên cùng trong guồng máy kinh tài quốc doanh chỉ nhận trách nhiệm suông thay vì phải chịu cùng một tội y như thuộc cấp tại tập đoàn Vinashin.

Một kế hoạch tái cấu trúc Vinashin được đưa ra ngày 19 tháng 11, 2010 mà Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Hồ Nghĩa Dũng tuyên bố rằng “Không ai phải trả nợ thay cho Vinashin”.

Một luật sư ở Hà Nội đã đặt ra những câu hỏi nghi ngờ về lời tuyên bố này vì nếu không được chống lưng, Vinashin không đào đâu ra nguồn tài chính để hoạt động chứ đừng nói trả nợ.

Theo một bản phúc trình của Ngân Hàng Thế Giới (WB) hồi tháng 10, Vinashin dùng các khoản nợ được nhà nước bảo đảm để đầu tư lung tung vào đủ mọi mặt bên ngoài dịch vụ đóng tàu. Mua chứng khoán, nấu rượu, mở khách sạn, thậm chí nuôi cả heo, đầu tư sản xuất điện bằng máy móc phế thải, cùng nhiều thứ nữa. Với kế hoạch tái cơ cấu, Vinashin chỉ còn được phép tập trung vào dịch vụ đóng tàu, sửa chữa tàu và một số dịch vụ liên hệ. Một số tài sản và nợ đã được nhà cầm quyền trung ương bán cái cho tổng công ty dầu khí quốc doanh Petro Vietnam, và tổng công ty hàng hải Vinalines.

“Diễn biến vụ đổ vỡ của Vinashin chứng tỏ sự hậu thuẫn kịp thời của nhà cầm quyền cho cả các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh cũng như khu vực tài chính ngân hàng không thể giả định là đáng tin cậy.”

Bà Seet viết trong bản tường trình. “Quan trọng hơn nữa, diễn biến cho người ta thêm nghi vấn về nguy cơ còn mất thêm các khoản tín dụng khác cấp cho các doanh nghiệp quốc doanh.”

Theo nhận xét của tổ chức tư vấn đầu tư Moody's, tổng số tín dụng mà kỹ nghệ ngân hàng ở Việt Nam cho các công ty quốc doanh lớn nhỏ vay chiếm đến 40% khả năng cho vay của họ. (T.N.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét