Pages

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Bàn thêm về sửa lỗi hệ thống trong Đảng của nguyên chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An


Lão Đảng Viên (Danlambao) – Là một Đảng viên cộng sản giống như ông Nguyễn Văn An, tuy chỉ là đảng viên thường nhưng trách nhiệm xã hội của một công dân với đất nước phải được coi là cao hơn hết mọi đảng phái chính trị, mọi tổ chức chính trị hoặc phi chính trị trong xã hội, tôi xin bày tỏ sự đồng tình với những quan điểm của ông nguyên chủ tịch quốc hội và xin phép được luận thêm đôi điều, cũng dựa trên cái tư tưởng triệt để đổi mới hệ thống chính trị để sửa lỗi hệ thống của Đảng nếu Đảng cộng sản còn muốn đi vào lịch sử Việt Nam như một chính Đảng vì dân vì nước…
*





ông Nguyễn Văn An



Đọc bài trả lời phỏng vấn báo Vietnamnet của ông Nguyễn Văn An – Nguyên chủ tịch quốc hội nước ta chúng ta thấy nổi bật trong tư tưởng chủ đạo của bài trả lời phỏng vấn đó là tư tưởng triệt để sửa lỗi hệ thống chính trị, thúc đẩy dân chủ thực chất để xây dựng chính quyền dân sự có tam quyền phân lập, khuyến nghị Đảng cộng sản không được tự coi mình là lực lượng lãnh đạo xã hội duy nhất mà cần có sự cạnh tranh trong xã hội. Nói cách khác thì Đảng Cộng sản Việt Nam phải chấp nhận đa nguyên chính trị để xây dựng xã hội dân sự một cách chính thức. Có thể hiểu rằng đây là bài nói tâm huyết của một người đã từng nhiều năm làm lãnh đạo cấp cao của Đảng khi trở về già đã vắt hết ruột gan để nói lên một sự thật, một sự thật rất cay đắng của xã hội Việt Nam. Lời nói cất lên tuy cũng đã muộn nhưng giá trị tích cực của nó không phải không có tuy vẫn biết rằng những người lãnh đạo của Đảng đương thời chắc cũng bỏ ngoài tai mà thôi.

Xét về giá trị lịch sử của bài trả lời phỏng vấn thì đây có thể coi là một hồi còi to, mạnh mẽ thúc dục và báo động cho chế độ lãnh đạo độc Đảng ở Việt Nam, nó có ý nghĩa thức tỉnh và cổ động cho công cuộc dân chủ hóa trong Đảng và đất nước. Nhưng xét về hoàn cảnh ra đời của bài viết trên thì giá trị và ý nghĩa đã giảm đi nhiều vì nó ra đời khi ông Nguyễn Văn An đã nghỉ hưu, tiếng nói của ông không còn nhiều giá trị trước giới lãnh đạo đang cầm quyền. Có lẽ ông Nguyễn Văn An muốn hậu thế về sau sẽ nhìn nhận ông như một lãnh đạo cộng sản cấp tiến có tư tưởng tiến bộ, có tấm lòng vì dân vì nước, vì sự tiến bộ của xã hội. Chỉ tiếc là sự thức tỉnh này đã quá muộn mà thôi.

Thực chất tư tưởng dân chủ đa nguyên có từ khi cộng sản cướp chính quyền năm 1945 được ông Hồ Chí Minh cụ thể hóa trong bản tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 và bản hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông An thực chất là chỉ đúc kết kinh nghiệm thực tiễn và khuyến nghị quay lại nền tảng tư tưởng chủ đạo của những năm đầu giành chính quyền để xây dựng đất nước mà chưa dám bộc lộ chính kiến một cách cụ thể hơn đó là chính thức kêu gọi đa đảng đối lập ở Việt Nam trong tình hình hiện nay. Đương nhiên điều đó là có thể hiểu được vì dù sao ông An cũng đã từng ngồi trên vị trí cao nhất của chính thể cộng sản lãnh đạo xã hội Việt Nam theo hiến pháp và ông thấy quốc hội của ông không có thực quyền lãnh đạo theo qui định của hiến pháp Việt Nam. Tôi hiểu rằng ông muốn nói lắm, muốn bộc lộ lắm cái ý muốn đa đảng đối lập của ông nhưng dường như có cái gì đó nghèn nghẹn không thể thốt lên lời.

Là một Đảng viên cộng sản giống như ông, tuy tôi chỉ là đảng viên thường nhưng trách nhiệm xã hội của một công dân với đất nước phải được coi là cao hơn hết mọi đảng phái chính trị, mọi tổ chức chính trị hoặc phi chính trị trong xã hội, tôi xin bày tỏ sự đồng tình với những quan điểm của ông nguyên chủ tịch quốc hội và xin phép được luận thêm đôi điều cũng dựa trên cái tư tưởng triệt để đổi mới hệ thống chính trị để sửa lỗi hệ thống của Đảng nếu Đảng cộng sản còn muốn đi vào lịch sử Việt Nam như một chính Đảng vì dân vì nước:

Một là: Xây dựng hiến pháp mới phù hợp với tư tưởng mở rộng dân chủ theo định hướng tư tưởng “lấy dân làm gốc” đưa ra toàn dân phúc quyết. Bài học “lấy dân làm gốc” mới là kim chỉ nam cho hoạt động của nhà nước và mọi tổ chức chính trị. Phi chính trị các lực lượng quân đội và công an. Quân đội chỉ làm nhiệm vụ tối thượng là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và công an chỉ là lực lượng bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Cần cụ thể hóa hoạt động của hai lực lượng này trong hiến pháp mới, hiện nay lực lượng quốc phòng của ta vừa yếu, vừa lạc hậu do không được rèn luyện chuyên nghiệp mà lan man vào nhiều nhiệm vụ khác như làm kinh tế v.v…

Hai là: Ngay lập tức bỏ đi cụm từ “ý đảng – lòng dân” trong mọi văn bản của Đảng và chính quyền. Ý đảng là ý của đảng và ý của đảng phải tuân theo lòng dân chứ không phải lòng dân phải thuận theo ý đảng, chỉ khi làm như vậy Đảng mới có thể nói là đảng vì dân vì nước. Nếu có dùng cụm từ tương tự thì phải sửa là “lòng dân – ý đảng” mới thể hiện hết ý nghĩa thực tiễn xã hội.

Ba là: Cần nghiêm túc, chân thành xem lại cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê Nin, đó thực sự là một cơ sở lý luận lạc hậu, phi thực tế và đã bị thế giới văn minh bác bỏ. Ngay Trung quốc và cả Việt Nam hiện nay trong thực tế đã không còn đi theo tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lê Nin nữa mà Đảng vẫn bao biện, khi không đủ cơ sở lý luận để giải thích thì hãy bác bỏ nó trước khi quá muộn. Bên cạnh đó, phải xem xét lại tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản xem có phù hợp hay không? Nếu cần thiết thì công khai từ bỏ chủ nghĩa cộng sản một cách chính thức. Lựa chọn định hướng tư tưởng sai sẽ dẫn đến sai lầm hệ thống như ông An đã nêu.

Bốn là: Triệt để thượng tôn pháp luật, làm minh bạch hóa mọi hoạt động của cơ quan chính quyền các cấp, mở rộng tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí và xây dựng luật về quyền chỉ trích của công dân và các tổ chức xã hội. Bất kỳ hành động phi pháp nào cúa tập thể, cá nhân nào đều được công khai lên án, chỉ trích thì tinh thần pháp luật mới được coi trọng.

Năm là: Cũng giống như khuyến nghị của ông Nguyễn Văn An, cần thiết có luật về Đảng phái và tổ chức chính trị và đảng cộng sản không được coi là lực lượng lãnh đạo xã hội một cách vĩnh viễn. Lịch sử đã chứng minh không có gì là mãi mãi. Khi có sự phát triển mạnh về lực lượng sản xuất thì quan hệ sản xuất phải thay đổi để phù hợp với lực lượng sản xuất phát triển, đấu tranh là động lực của phát triển do vậy khi xã hội đòi hỏi thì sự thay đổi là cần thiết. Để tránh đổ máu dân lành thì luật về Đảng phái chính trị cần có qui định rõ. Từ đó mở rộng cánh cửa đa nguyên, đa đảng cho các đảng phái và mọi tổ chức chính trị xã hội đều hoạt động trong khuôn khổ luật pháp.

Sáu là: Cạnh tranh quyền lãnh đạo đất nước một cách công khai, minh bạch đúng pháp luật, đúng hiến pháp trên cơ sở xây dựng các cương lĩnh chính trị, các đề án, mục tiêu cụ thể có kiểm soát thông qua các tổ chức giám sát độc lập. Bất kỳ ai, tổ chức nào không hoàn thành mục tiêu cương lĩnh mình đề ra đều phải từ chức để nhận trách nhiệm cụ thể và coi văn hóa từ chức là một nét văn hóa tiến bộ của xã hội.

Tất nhiên, để xây dựng một xã hội dân sự, tiến bộ còn nhiều điều phải suy nghĩ. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này tôi tạm đưa ra 6 nhiệm vụ cụ thể, trước mắt có thể làm ngay với mong muốn xây dựng quê hương ta, non sông đất nước ta ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn va không run sợ trước bất kỳ thế lực cuờng quyền nào rình rập đe dọa chúng ta cả trong đất liền và trên biển.

Ngày 15 tháng 12 năm 2010

Lão Đảng Viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét