Pages

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

Kinh tế Việt Nam bị hạ điểm

Hãng làm dịch vụ đánh giá thị trường cho các nhà đầu tư Moody's Investor Service vừa hạ điểm của Việt Nam từ B1 xuống Ba3 vì lo sợ khủng hoảng trả nợ và tỷ lệ lạm phát của kinh tế nước này.


Theo báo Mỹ, tờ Wall Street Journal hôm nay 15/12/2010, sức ép lên đồng tiền Việt Nam cũng là nguyên nhân cho việc hạ điểm của Việt Nam.

Bài của Leigh Murray từ Bangkok nhắc đến món nợ của tập đoàn đóng tàu quốc doanh Vinashin, và trích nguồn của Moody's cho rằng nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô là điều đang diễn ra ở Việt Nam.

Theo một báo cáo của Moody's, lạm phát ở Việt Nam, đạt 11% vào tháng 11, lên nhanh nhất từ 20 tháng qua, sẽ còn tăng sức ép lên tỷ giá hối đoái và gây ra cuộc bỏ chạy của đồng vốn.

Ông Tony Byrne của Moody's được trích lời nói lạm phát cao chỉ ra "các chính sách yếu kém của chính phủ vốn chỉ nhắm vào mục tiêu tăng trưởng mà không chú tâm đủ đến ổn định.

Họ cũng đánh giá rằng một loạt các biện pháp của chính phủ Việt Nam thời gian quan nhằm ổn định giá cả và giảm sức ép lên đồng bạc Việt Nam đã "đạt ít hiệu quả".

Vinashin chỉ là biểu hiện?


Hôm đầu tuần, tin tức từ các công ty tài chính và đánh giá đầu tư đã nêu lo ngại về các khoản nợ của Vinashin trong bối cảnh các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam không khả quan.

Các biện pháp của chính phủ Việt Nam thời gian quan nhằm ổn định giá cả và giảm sức ép lên đồng bạc Việt Nam đã đạt ít hiệu quả

Moody's
Hôm 13/12, các bản tin nói công ty Standard & Poor's (S&P) cho rằng nếu Vinashin không thanh toán được nợ đáo hạn sẽ dễ gây ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng tín dụng và khả năng sinh lời của các ngân hàng của Việt Nam.

Nợ của Vinashin có thể chiếm 3% danh mục cho vay của một số ngân hàng của Việt Nam, theo bộ phận tư vấn đầu tư Investors Service của Moody's.

Các ngân hàng vốn dựa vào khả năng giải cứu tài chính từ chính phủ khi cho những công ty nhà nước vay có thể sẽ mất mát tín dụng nhiều hơn dự kiến, như bình xét của S & P.

Tại cuộc họp các nhà tài trợ cho Việt Nam, Đại sứ Nhật Bản Tanizaki Yasuaki được trích lời hôm 7/12 nói về "mối quan ngại ngày càng tăng" vì đồng tiền của Việt Nam và thực trạng giá cả leo thang.

Nhưng các chuyên gia trong và ngoài nước cũng nói rằng Vinashin hay các tập đoàn làm ăn thất bát chỉ là biểu hiện của mô hình lấy quốc doanh làm đầu tàu ở Việt Nam.

Ngoài ra, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Văn phòng Việt Nam của Ngân hàng Thế giới nói ổn định kinh tế vĩ mô là hết sức quan trọng đối với chiến lược tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nơi cho đến nay chỉ dựa vào lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên là chính.

Ngay từ hồi cuối tháng 11 năm nay, một giáo sư chuyên về kinh tế của Đại học Harvard, ông Michael Porter, trong chuyến thăm tới Việt Nam đã cảnh báo về vấn đề mô hình kinh tế.

Theo ông, khu vực tư nhân phải "dẫn đầu nền kinh tế".

Trong khi đó, Cương lĩnh của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra bàn thảo trước kỳ đại hội XI tháng 1/2011 vẫn coi kinh tế quốc doanh là chủ đạo.

Các tập đoàn khổng lồ như Vinashin được dùng nguồn vốn từ nhà nước để làm ăn trong quá nhiều lĩnh vực mà nay con số nợ lên tới 4,4 tỷ USD.

Việt Nam bị phê là đầu tư vì chỉ số tăng trưởng chứ không phải vì bền vững

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét