Pages

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Cải cách hệ thống để chống tham nhũng


Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam
Gửi tới BBC từ TPHCM

Trong loạt bài về các kiến nghị, sáng kiến và yêu cầu cải cách hệ thống công quyền tại Việt Nam nhân dịp Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, BBC Tiếng Việt mời quý vị theo dõi phần I bài về những biện pháp chống tham nhũng của tác giả Nguyễn Vân Nam:


Hiện không có cơ quan nào kiểm tra tính hợp pháp và hợp lý của các quyết định Đảng đưa ra

Các biện pháp chống tham nhũng vừa phải tuân theo những nguyên tắc chính mục tiêu đã được quốc tế công nhận, vừa phải phù hợp với hoàn cảnh riêng của Việt Nam.
Điều đầu tiên là minh định rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng CSVN) khi được giao nhiệm vụ lãnh đạo nhà nước và xã hội:

Đảng CSVN được Hiến pháp giao nhiệm vụ lãnh đạo nhà nước và xã hội. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Đảng được trao cho quyền lực tối cao. Tuy Điều 4 Hiến pháp qui định mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật nhưng ta chưa có luật về hoạt động của Đảng CSVN.

Thực tế, Đảng là cơ quan quyền lực quyết định tất cả; quyết định của Đảng là quyết định có hiệu lực cuối cùng đối với mọi hoạt động của Nhà nước. Nhưng hiện nay chưa có một cơ sở pháp lý nào cho phép Tòa án kiểm tra tính hợp pháp và hợp lý của các quyết định của Đảng. Sử dụng quyền lực tối cao mà không phải chịu trách nhiệm với những hậu quả pháp lý xác định, chính là một trong những trở ngại lớn nhất cho công cuộc phòng chống tham nhũng.

Để khắc phục sơ xuất trên, cần sớm thực hiện Điều 4 Hiến pháp, qua đó ban hành Luật về hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam nhất thể hóa Đảng CSVN với Chính phủ (Tổng bí thư đảng là thủ tướng), và có thể xem xét công nhận Bộ Chính trị là một cơ quan hiến định.

Trước mắt, nhân chuẩn bị đại hội, Đảng CSVN nên bắt tay xây dựng một qui trình Đảng lãnh đạo Nhà nước một cách công khai, minh bạch mà khởi đầu là:

Công bố công khai, đầy đủ các ý kiến tranh luận, thảo luận về chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, xã hội tại đại hội đảng từ cấp tỉnh, thành phố đến toàn quốc trong thời gian tiến hành đại hội.

Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc, công bố danh sách chính thức các cán bộ đảng sẽ giữ chức vụ thủ tướng, bộ trưởng do đảng giới thiệu cho Quốc hội phê chuẩn.

Điều thứ nhì cần làm ngay là công nhận quyền tư hữu đất đai:

Đại đa số các vụ tham nhũng đều liên quan đến đất đai. Chính qui định đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu với quyền định đoạt ai được sử dụng đất vì mục đích nào, đã khuyến khích và mở ra những cơ hội dễ dàng cho việc lợi dụng, lạm dụng thứ quyền lực mang lại mối lợi to lớn về kinh tế này.



Tước đoạt đất đai khiến người dân mất niềm tin vào pháp luật




Không ai muốn sống trong một xã hội, mà ở đó họ không được hưởng thành quả do lao động chính đáng của mình làm ra cả. Được sở hữu một mảnh đất, một ngôi nhà làm nền tảng cho một tương lai ổn định, để an cư lạc nghiệp cũng luôn là mục tiêu ưu tiên nhất của bất cứ ai. Quyền tư hữu mà không được bảo đảm sở hữu đất đai là một quyền tư hữu què quặt và thực chất không thể là quyền tư hữu.

Quan trọng hơn, khi người ta biết rằng mảnh đất dưới ngôi nhà mà họ dành dụm cả đời mới mua được đó, vẫn có thể bị Nhà nước thu hồi vào bất cứ lúc nào - cho những mục đích do Nhà nước tự quyết định - thì họ không thể có lòng tin vào điều giản dị nhất: Công sức lao động của họ được bảo vệ, được đảm bảo.

Khi mất lòng tin vào điều giản dị làm nên xã hội dân sự đó người ta sẽ không còn tin vào giá trị của sự tin cậy được giao phó. Và vì thế, đây cũng là nguyên nhân sâu xa khuyến khích tham nhũng khi được trao quyền lực công.

Một định nghĩa pháp lý thống nhất về quyền sở hữu với đầy đủ các quyền năng cho bất cứ chủ sở hữu nào trong nền kinh tế thị trường là hết sức cần thiết.

Việc phân chia quyền năng sở hữu khác nhau theo các chủ thể quyền khác nhau (sở hữu nhà nước, tập thể, hợp tác xã...) như ta đang làm vừa gây trở ngại rất lớn cả về lý thuyết lẫn thực tiễn trong việc xây dựng một trật tự kinh tế thị trường xã hội; vừa góp phần quan trọng tạo nên các thị trường giá trị ảo khuyến khích tham nhũng.

Thị trường đất đai có vai trò hết sức đặc biệt, làm nền tảng cho hoạt động hữu hiệu của các thị trường khác trong nền kinh tế thị trường. Việc định giá đất đai giữ vai trò có tính chức năng thiết yếu trong việc bảo đảm sự minh mạch trên thị trường. Nó là một yếu tố quan trọng cho phép xác định đúng giá trị đất thế chấp vay tín dụng qua đó ảnh hưởng lớn đến hình thành giá cả của thị trường.

Vì vậy, giá trị đất đai nhất thiết phải do quan hệ Cung - Cầu trên thị trường quyết định. Nhà nước giữ độc quyền quyền định đoạt (của chủ sở hữu) đối với đất đai cũng chính là giữ quyền định giá đất và cùng với nó là quyền điều khiển hoạt động của thị trường theo ý muốn chủ quan, đặc biệt là trong việc tạo các cơn sốt ảo.

Thực chất, ở ta, đây là thứ quyền lực kinh tế vô giới hạn vì: a) theo luật pháp không có một thửa đất nào là "bất khả thu hồi" đối với Nhà nước; b) việc Nhà nước sử dụng quyền định đoạt đất đai như thế nào là không thể kiểm soát; c) việc lạm dụng quyền định đoạt đất đai vừa đem lại lợi ích kinh tế hết sức cao, vừa tạo ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài cho kẻ tham nhũng sử dụng nó. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khuyến khích, hấp dẫn tham nhũng. Công nhận quyền tư hữu đất đai sẽ loại bỏ được điều này.

Đã hội nhập kinh tế quốc tế, đã xác định phải xây dựng Nhà nước pháp quyền sớm muộn gì chúng ta cũng phải công nhận quyền tư hữu đất đai. Công nhận sớm ngày nào người dân đỡ khổ vì vấn nạn tham nhũng ngày đó. Tại sao không làm?

Điều thứ ba cần làm ngay là hạn chế tối đa hoạt động kinh tế của Nhà nước:

Về cơ bản, Nhà nước không được phép hoạt động kinh tế. Hoạt động kinh tế của Nhà nước phải là ngoại lệ và tuân theo nguyên tắc: Nhà nước chỉ hoạt động kinh tế tại nơi và chỉ khi thị trường tự do bất lực.

Chính hoạt động kinh doanh, can thiệp của Nhà nước vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân như hiện nay, ngoài việc gây ra các hậu quả tiêu cực ai cũng biết, còn mở ra - gần như vô tận - các cơ hội hấp dẫn cho tham nhũng.



'Chính hoạt động kinh tế của Nhà nước gây ra hậu quả tiêu cực và mở ra các cơ hội vô tận hấp dẫn tham nhũng'



Đơn giản vì Nhà nước - do đủ thứ nguyên nhân và quan hệ chồng chéo, mà đặc biệt là quan hệ giữa kết quả kinh doanh và năng lực điều hành chính phủ - không bao giờ có thể có, hay muốn có, được đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết cho việc kiểm soát toàn diện hoạt động của Doanh nghiệp Nhà nước.

Vì vậy, tham nhũng trong và bằng các hoạt động kinh doanh của Nhà nước lấy trực tiếp "tiền tươi" dễ nhất, nhiều nhất, khó kiểm soát nhất, dễ biện minh nhất, dễ thoát tội nhất. Tham nhũng trong hoạt động kinh tế của Nhà nước còn là động lực thúc đẩy tham nhũng trong các lĩnh vực khác.

Cần có qui định pháp lý phân biệt rõ ràng Doanh nghiệp Nhà nước độc quyền với Doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước.

Doanh nghiệp Nhà nước độc quyền hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận hay là nguồn thu ngân sách, mà là đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, của xã hội.

Trước mắt, cần có luật về hoạt động của Doanh nghiệp Nhà nước độc quyền phù hợp với các đặc trưng được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công nhận. Quốc hội sẽ quyết định các lĩnh vực nào là thiết yếu, trọng tâm đối với đời sống người dân, xã hội mà doanh nghiệp nhà nước được độc quyền.

Cần nhanh chóng xây dựng cơ sở pháp lý rõ ràng cho hoạt động của doanh nghiệp có góp vốn của nhà nước. Dứt khoát, trên cơ sở luật định - đối xử với các doanh nghiệp đó hoàn toàn bình đẳng như các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong việc tiếp cận vốn, bảo lãnh vay vốn, cấp đất, giải quyết nợ nần, phá sản và cạnh tranh...

Một vài biện pháp đề nghị trên đây có thể đặt những nền tảng ban đầu bảo đảm thắng lợi cho cuộc chiến chống tham nhũng này, ít nhất chúng cũng có thể hạn chế tham nhũng ở mức độ thấy được một cách rõ ràng.

BBC sẽ giới thiệu phần tiếp các biện pháp cải tổ mang tính hệ thống nhằm chống nạn tham nhũng tại Việt Nam vào số tiếp theo. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, Tiến sĩ Luật từ CHLB Đức hiện tạm trú và hành nghề ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét