Pages
▼
Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011
Human Rights Watch: Tình trạng đàn áp nhân quyền gia tăng
Dân Làm Báo vừa nhận được bản báo cáo thường niên từ văn phòng của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về tình trạng thực thi nhân quyền toàn cầu. Tổ chức này báo cáo “tại Việt Nam, các blogger, các nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà vận động cho quyền lợi của người lao động, các nhà vận động dân chủ và chống tham nhũng phải đối mặt với sự đe dọa, bắt bớ, tra tấn và bị bỏ tù…“.
Những vụ bắt bớ, kiểm duyệt và bạo hành của công an đánh dấu một năm tồi tệ
(New York) – Trong năm 2010, chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến và thẳng tay áp chế các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp và lập hội, theo công bố ngày hôm nay của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trong Báo cáo Tình hình Thế giới 2011.
Bản báo cáo dài 649 trang, là kết quả khảo sát thường niên lần thứ 21 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về tình trạng thực thi nhân quyền toàn cầu, tổng kết những diễn biến chính về nhân quyền tại hơn 90 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, tại Việt Nam, các blogger, các nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà vận động cho quyền lợi của người lao động, các nhà vận động dân chủ và chống tham nhũng phải đối mặt với sự đe dọa, bắt bớ, tra tấn và bị bỏ tù.
“Bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa không phải là tội, nhưng rõ ràng chính quyền e sợ phát ngôn của những nhân vật này”, ông Phil Robertson, phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Điều cần thiết hiện nay là các nhà tài trợ quốc tế của Việt Nam cần nói rõ với chính quyền, yêu cầu họ thả hết các nhân vật bất đồng chính kiến bị bắt vì những hoạt động ôn hòa”.
Trong suốt năm 2010, chính quyền xét xử và bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa, trong đó có luật sư nổi tiếng Lê Công Định và các nhà vận động cho dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung, nhà báo Trần Khải Thanh Thủy và nhà vận động cho tự do ngôn luận Phạm Thanh Nghiên. Trong tháng Mười, chính quyền xử ba nhà vận động cho quyền lợi người lao động thuộc Hiệp hội Đoàn kết Công Nông với các mức án tù rất nặng nề.
Tiếp tục chính sách đàn áp, mới đây chính quyền bắt giữ nhưng chưa xét xử blogger Phan Thanh Hải (Anhbasg), nhà hoạt động pháp lý trực ngôn Cù Huy Hà Vũ, biên tập viên Vi Đức Hồi, cùng các nhà vận động cho quyền lợi về đất đai Hồ Thị Bích Khương và mục sư Hồ Trung Tôn. Blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) đã thi hành xong án tù hai năm rưỡi, nhưng chính quyền từ chối trả tự do cho ông.
Tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam cũng không mấy sáng sủa hơn, vì công an liên tiếp sách nhiễu thành viên của các nhóm tôn giáo độc lập. Đối tượng của chính quyền gồm các chi phái không được công nhận của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, các nhóm Tin lành tại gia, các nhà chùa Phật giáo Khmer Krom và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Mục sư Tin lành Mennonite Dương Kim Khải đang bị bắt giữ chờ xét xử. Các lãnh tụ tôn giáo trong đó có Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thích Quảng Độ, Linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý và trụ trì Phật giáo Khmer Krom Thạch Sophon bị quản chế tại gia.
“Hoa Kỳ cần xếp hạng lại Việt Nam vào danh sách ‘quốc gia cần quan tâm đặc biệt’ vì những vi phạm liên tục về tự do tôn giáo”, ông Robertson nói. “Những hành động đàn áp tôn giáo của Việt Nam có tính hệ thống, nghiêm trọng và diễn biến theo chiều hướng xấu đi từng ngày”.
Tình trạng bạo hành của công an, kể cả việc tra tấn và làm chết người khi đang tạm giam, cũng là một vấn nạn chính của năm qua. Tù nhân thường xuyên bị lạm dụng, tra tấn trong tù; những người bị quản chế trong các trung tâm cai nghiện bị đối xử bất nhân, kể cả bị cưỡng bức lao động. Có một số vụ, người dân bị bắt giữ vì các lỗi nhỏ, như vi phạm luật lệ giao thông, bị đánh đến chết tại nơi giam giữ của công an. Cái chết của Nguyễn Văn Khương trong khi bị tạm giam ở tỉnh Bắc Giang vào tháng Bảy đã châm ngòi cho một cuộc biểu tình với hàng ngàn người tham gia đòi truy cứu trách nhiệm.
Những vụ biểu tình phản đối chính quyền và các doanh nghiệp có thế lực giải tỏa đất đai của dân chúng có khi bị công an giải tán bằng bạo lực quá mức cần thiết, ví dụ như vụ việc một đám tang dẫn đến phản kháng ở giáo xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng vào hồi tháng Năm.
“Công an Việt Nam vi phạm các quyền của người dân mà không bị truy cứu, và chính quyền hầu như ngoảnh mặt làm ngơ để mong muốn duy trì trật tự”, ông Robertson nói. “Tình trạng công an bạo hành được ghi nhận ở mọi vùng miền, nhưng chính quyền trung ương đáp lại bằng sự câm nín”.
Việt Nam mở rộng chế độ kiểm duyệt báo chí và internet chặt chẽ bằng hệ thống tường lửa, cộng thêm những quy định ngặt nghèo và nghiệt ngã mới buộc các công ty cung cấp dịch vụ internet và các chủ quán cà phê internet phải theo dõi hoạt động sử dụng internet của công dân Việt Nam. Chính quyền Việt Nam cũng gây sức ép lên các quốc gia láng giềng như Cam-pu-chia và Thái Lan, yêu cầu họ đàn áp những hoạt động phản đối chính phủ Việt nam một cách ôn hòa, như phân phát tờ rơi hay tổ chức họp báo.
“Bịt miệng chính công dân mình tại Việt Nam vì họ bày tỏ quan điểm cũng đã đủ tồi tệ,” ông Robertson phát biểu. “Nhưng việc chính quyền Việt Nam cố vươn dài bàn tay kiểm duyệt sang các quốc gia khác và lên mạng internet đáng để cộng đồng quốc tế lên án nghiêm khắc”.
http://www.hrw.org/node/95778
*
Để đọc Báo cáo Tình hình Thế giới 2011 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, phần về Việt Nam, xem:
http://www.hrw.org/en/world-report-2011/vietnam
Để đọc Báo cáo Tình hình Thế giới 2011 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, xem:
http://www.hrw.org/en/world-report-2011
Để biết thêm thông tin, liên hệ:
Ở London, Brad Adams (tiếng Anh): +44-20-7713-2767; hoặc +44-7908-728-333 (di động)
Ở New York, Elaine Pearson (tiếng Anh): +1-212-216-1213; hoặc +1-646-291-7169 (di động)
Ở Washington, DC, Sophie Richardson (tiếng Anh, tiếng Hoa phổ thông): +1-202-612-4341; hoặc +1-917-721-7473 (di động)
*
danlambao1.wordpress.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét