CSVN tổng kết Ðại Hội XI
Tiếp tục 'chống diễn biến hòa bình'
HÀ NỘI (TH) - Ông tân tổng bí thư của Ðảng Cộng Sản Việt Nam không muốn “đoán mò” về xã hội Việt Nam 40 năm nữa sẽ như thế nào vào ngày đảng của ông ra nghị quyết kêu gọi chống “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến” từ trong nội bộ.
Nguyễn Phú Trọng (giữa, hàng đầu), tân tổng bí thư của đảng CSVN trình diện cùng với các thành viên của Bộ Chính Trị mới tái cử với Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng (trái) và Trương Tấn Sang (phải) trong ngày chót của đại hội đảng XI. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Kết thúc đại hội Ðảng Cộng Sản, ngày 19 tháng 1, ông Tân Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tươi mở cuộc họp báo với các ký giả trong và ngoài nước, khác hoàn toàn với nét căng thẳng nghiêm trọng của những ngày họp trước đó, có hình ông được công bố.
Báo điện tử VietnamNet đăng “toàn văn cuộc họp báo của Tân Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng” một cách trịnh trọng, đồng thời cho thấy một ông tổng bí thư không có tài ăn nói, kém hiểu biết dù có học vị tiến sĩ và được phong hàm “giáo sư.”
Khi được báo Tuổi Trẻ hỏi: “Văn kiện đại hội đảng vừa thông qua có nhiều vấn đề lớn. Tổng bí thư sẽ quan tâm tạo dấu ấn của mình trong lĩnh vực nào?” Ngoài trả lời tóm tắt “tôi làm cái gì không nghĩ mục đích tạo dấu ấn, không phải để đánh bóng, không phải cốt tỏ ra mình thế nào,” ông lại lan man nhiều chuyện, và nói “...Ðến giữa thế kỷ, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn xa hơn nữa thì tính sau, vì thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội còn rất dài, nói sớm quá dễ trở thành đoán mò.”
Rồi ông nói: “Cứ từng bước, chúng ta tổng kết, rồi rút kinh nghiệm và phát triển.”
Dịp này, ông Nguyễn Phú Trọng cũng gián tiếp xác nhận tình trạng áp đặt, chia chác chỗ ngồi trong hệ thống đảng, “phần lớn trúng là do trung ương chuẩn bị.”
Khi được đại diện báo tài chính Bloomberg hỏi về “quyết sách” đối phó với lạm phát cao và đồng bạc mất giá, ông Trọng đã không trả lời mà lại đẩy cho Nguyễn Văn Thạo, phó Chánh Văn Phòng Trung Ương Ðảng, trả lời đại ý “...sắp tới, đây là một trong những trọng tâm mà chúng tôi quan tâm...”
Khi được ký giả thông tấn xã AP hỏi vấn đề nâng cao nhân quyền ở Việt Nam, ông Trọng cũng không trả lời mà đẩy cho Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh, lập lại những lời cũ: “Quyền con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách của đảng và nhà nước.”
Cùng với cuộc họp báo, một bản nghị quyết của đại hội đảng CSVN khóa XI được công bối với lời lẽ và luận điệu tương tự như những gì người ta đã từng được nghe, từng được nhìn thấy mấy năm qua.
Nghị quyết này vẫn “một là,” “hai là”... “phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của đảng.”
Những lời hô hò “ba là, phải coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...” Lời lẽ tuyên truyền không đổi. Thực tế, cách biệt giàu-nghèo giữa các tầng lớp xã hội ở Việt Nam ngày càng được khoét sâu.
Bản nghị quyết tuy hô hò “bốn là... tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng đảng,” nhưng thực tế xã hội Việt Nam ra sao, người dân bị tước đoạt quyền làm người thế nào, các vụ án chính trị tôn giáo, các vụ đàn áp dân khiếu kiện đất đai, những vụ công an đánh chết hay bắn chết người rồi cho chìm xuồng thế nào, hình ảnh và âm thanh được phổ biến rộng rãi trên mạng đã chứng minh sự thật hoàn toàn ngược lại.
Một trong những “yếu tố mất ổn định xã hội” được bản nghị quyết đổ cho “sự chống phá của các thế lực thù địch.”
“Các thế lực thù dịch tiếp tục thực hiện âm mưu ‘diễn biến hòa bình’, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài ‘dân chủ’, ‘nhân quyền’ hòng làm thay đổi chế độ chính trị nước ta. Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ có những diễn biến phức tạp.” Bản nghị quyết viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét