Pages

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Đổi mới và dân chủ

Trong một bài viết gần đây của Lữ Phương “Vì đâu nên nỗi?”:

1. Tác giả đề cập đến vấn đề “tác động văn hoá” của chính sách “đổi mới”;

2. Trên phương diện phát triển kinh tế ở Việt Nam. Theo Lữ Phương, “đổi mới” nếu xét theo “tư cách là một mô thức phát triển” đã là lý do khiến cho văn hoá và nếp sống tinh thần hiện nay tại Việt Nam “xuống cấp… đến mức báo động đỏ” và vì thế theo ông “đổi mới … rõ ràng đã không còn lý do để tiếp tục nữa”. Ông viết tiếp: “Từ những gì đã trình bày, xét từ nội tại, tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất, đáng đặt ra nhất hiện nay là thực hiện một tổng kết về cuộc đổi mới trên 20 năm qua như là một mô thức phát triển quá độ. Trong đó, quan trọng nhất là phải nhận ra cho được cái điểm nút sinh tử của nó là sự đối kháng huỷ diệt của tăng trưởng kinh tế đối với phát triển văn hoá”;

3. Từ cái nhìn ấy, ông kết luận: “Một cách có ý thức và chủ động, nó (chính sách “đổi mới” kinh tế) phải được chuyển sang một mô thức mới dựa trên những nguyên tắc mới về lý luận và văn hoá, dân chủ hơn và hiện đại hơn”.

4. Hai câu hỏi cần được đặt ra là:

Có phải chăng “đổi mới” (kinh tế) đã là lý do khiến cho văn hoá và nếp sống tinh thần tại Việt Nam “xuống cấp đến mức báo động đỏ” hay thật sự nguyên do chính của sự xuống cấp, nếu có, không phải vì đã có sự đổi mới trong kinh tế mà thật sự vì đã không có sự đổi mới trên phương diện xã hội và chính trị?

Chuyển sang một mô thức “mới” dựa trên các nguyên tắc “mới” về văn hoá dân chủ hơn và hiện đại hơn. Nhưng “dân chủ” là thế nào và “hiện đại” là thế nào để mô thức mới này không phải chỉ có trên lý thuyết mà có khả năng thực hiện được?

Đổi mới về kinh tế, hay không đổi mới về chính trị là lý do cơ bản cho sự “xuống cấp”?
Trước hết, thử xác định lại lý do tại sao Lữ Phương cho rằng “đổi mới” trong kinh tế là một trong những lý do quan trọng khiến cho văn hoá và nếp sống tinh thần tại Việt Nam hiện nay xuống cấp. Theo ông, “đổi mới” đã đem đến những thành tựu về kinh tế, nhưng chính các thành tựu về “vật chất” này cũng là lý do tại sao nếp sống về văn hoá và tinh thần ở Việt Nam càng lúc càng xuống cấp. Ông viết:

- “Nhìn vấn đề từ yêu cầu hài hoà, toàn cục, bền vững và “ vì con người ”, như người ta thường nói, thì cái mô thức mệnh danh “ đổi mới ” nói trên rõ ràng đã không còn phù hợp nữa: trong khi tạo ra một số của cải vật chất để đẩy lùi tình trạng nghèo khổ khan hiếm… mô thức đó cũng tạo ra quá nhiều hỗn loạn và mất mát trong lĩnh vực tinh thần, phá vỡ lòng tin của con người về những giá trị nhân văn phổ biến, về niềm tự trọng dân tộc chính đáng, xâm hại đến cả lợi ích tối thượng của quốc gia.”.

Các biện pháp mà Nhà nước sử dụng bấy lâu để đối phó, gọi là tuyên truyền, giáo dục, răn đe, trừng trị… đã tỏ ra vô hiệu, một phần vì không triệt để nhưng do bất lực là chính. Các biểu hiện băng hoại về lối sống, các tệ đoan xã hội, các hình thức tội ác… mà nguyên nhân chủ yếu là cuộc thác loạn vì chủ nghĩa vật chất như đã được nhấn mạnh nhiều lần, ngày một tăng “ độ ”, ngày càng liều lĩnh, ngang nhiên, thách thức. Không chỉ tạo ra cái bầu khí bất an gây kinh hãi thường trực cho người lương thiện, ảnh hưởng xấu đến mọi hoạt động giáo dục, văn hoá, kinh tế, môi trường mà trong tình hình mới hiện nay, thứ triết lý tham lam, chạy theo lợi ích nhất thời và vô trách nhiệm, không màng đến hậu quả lâu dài, cũng đang trở thành một chất xúc tác tâm lý lót đường cho những toan tính xâm nhập của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán phương Bắc, như đang diễn ra gần đây, ai cũng nhận thấy

Như thế, giả thuyết mà Lữ Phương đưa ra là: “Đổi mới” đã “tạo ra quá nhiều hỗn loạn và mất mát trong lĩnh vực tinh thần” tại Việt Nam. Nhưng người ta cũng có thể đặt câu hỏi ngược lại: Tại sao tại các quốc gia Tây Phương và ngay cả ở Đông Phương (Trung Quốc) cũng có những chánh sách “đổi mới” theo cái nghĩa tiếp thu phương pháp sản xuất và điều tiết kinh tế thị trường, nhưng tại các nơi này lại không xảy ra “hỗn lọan” và “mất mát trong tinh thần” như ở Việt Nam? Vậy phải chăng “đổi mới” tự nó không phải là lý do chính hay là điều kiện đủ để cho các sự “xuống cấp”, nếu có.

Muốn tìm cho ra các lý do chính có lẽ cần phải tìm hiểu sâu xa hơn trong các lĩnh vực khác có liên hệ, như chính trị, văn hoá, giáo dục v.v. Vì đây mới chính là các lĩnh vực có tầm ảnh hưởng đến tư tưởng và chi phối hành động của con người. Kinh tế chỉ là phương tiện.

Tại Trung Quốc chẳng hạn, trước đây cũng có những chính sách đổi mới (từ thời Đặng Tiểu Bình) và Trung Quốc cũng có các chính sách mở cửa kinh tế (tuy xiết chặt về mặt chính trị giống như ở Việt Nam). Nhưng Trung Quốc, người ta lại không nghe nói đến các sự kiện “xuống cấp tinh thần và văn hoá” một cách trầm trọng như ở Việt Nạm. Có hai lý do có thể đưa ra để giải thích. Thứ nhất, Trung Quốc là một quốc gia có vị trí lớn mạnh hơn Việt Nam trên chính trường thế giới nên có thể có sức mạnh đối ngọai là yếu tố giúp cho Trung Quốc quân bình được phần nào sự “xuống cấp”, nếu có, ở trong nước. Trong khi đó ở Việt Nam thì ngược lại, ở vào vị trí nước nhỏ, sức mạnh của chính sách đối ngọai có khi còn phải dựa vào sức mạnh trong nước may ra mới đứng vững, thay vì là yếu tố giúp cho tình hình trong nước được ổn định và phát triển. Vì thế khi nào nội bộ chính trị trong nước còn chưa thống nhất, tinh thần dân tộc chưa được phát huy thì các chính sách ngọai giao sẽ còn nhiều “bấp bênh’ làm mất đi niềm tin vào tương lai. Do đó, dù cho kinh tế có ‘phát triển’ mạnh, cũng chỉ có thể làm một liều thuốc an thần ru ngủ trong hiện tại để làm cho người ta quên đi các phiền toái không giải quyết trong tương lai được. Cho nên nếu nhận định rằng “đổi mới” kinh tế vì đã đem đến các thành công vật chất mà làm mất đi các mặt tinh thần là không chính xác. Và có thể đã nhầm lẫn giữa triệu chứng và căn nguyên của một con bệnh. Các sự ‘thác loạn vì chủ nghĩa vật chất’ chỉ là triệu chứng của một cơn bệnh xuống cấp tinh thần mà căn nguyên sâu sắc của nó phải là sự bế tắc trong các đường lối chính trị ngọai giao cũng như trong các chính sách về văn hoá và giáo dục trong nước. Kinh tế chỉ là môi trường hay chất xúc tác để cho các triệu chứng của cơn bệnh “mất trí” về tương lai trong con người hiện rõ ra cho tất cả cùng thấy.

Lý do thứ hai để giải thích tại sao mô hình “đổi mới kinh tế” của Việt Nam không dẫn đến các kết quả về phương diện chính trị và văn hoá giống như ở Trung Quốc: Trung Quốc dù sao cũng là một quốc gia có truyền thống văn hoá “Khổng Mạnh” lâu đời, dù hiện giờ là một quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản. Tinh thần “Khổng Mạnh” tuy có khi “chậm tiến”, nếu xét theo các khái niệm hiện đại như nam nữ bình quyền, dân chủ v.v. nhưng bù lại nó cũng mang theo ít nhiều giá trị luân lý về phương diện hành chính như “cần kiệm liêm chính” của người quân tử vì nước vì dân. Cho nên nó giúp được phần nào trong việc chống lại các tệ đoan tham nhũng xuống cấp do thể chế độc quyền gây ra. Nhờ thế sự xuống cấp nếu có xảy ra ở Trung Quốc chắc hẳn sẽ phải ít hơn ở Việt Nam, chính nhờ vào tinh thần “Khổng Mạnh” này. Tại Việt Nam, tuy rằng chịu ảnh hưởng văn hoá của Trung Quốc nhưng tinh thần “tự trọng của người quân tử” có lẽ ít thấy hơn, nhất là trong giới nắm quyền. Trong khi đó tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa thì có thể đã bị tư tưởng giáo điều của “duy vật biện chứng” làm trung hoà đi hết tất cả những nguyên tắc lý luận kiểu luân lý Khổng Mạnh còn sót lại trong đầu mình, mà nếu phải dựa vào các tư tưởng tiến bộ của Tây phương để phát huy ra các nguyên tắc lý luận mới thì bị lên án là đi theo phản động muốn “diễn biến hoà bình”. Cho nên họ trở nên những con người bất lực do hoàn cảnh tạo ra. Chỉ còn có một sự tiếp sức duy nhất là từ trí thức bên ngoài. Trong khi trí thức “bên ngoài” của Trung Quốc có thể yêu nước của họ một cách trung thực. Còn trí thức “bên ngoài” của Việt Nam có phải thật sự đã là những người “yêu nước” một cách trung thực hay không? Hay đa số là những người “cơ hội” nên đã để phung phí đi tất cả mọi phương tiện tự do và hiện đại trong sự nghiên cứu của mình nên chẳng làm được gì đáng kể để ”tiếp sức” với người trong nước.

Mô thức “mới” dựa trên các nguyên tắc “mới” về văn hoá dân chủ hơn, và hiện đại hơn.
Khi nói đến “dân chủ”, người ta có khuynh hướng chỉ suy nghĩ về mặt thể chế và hình thức bên ngoài mà quên đi một phần khác cũng quan trọng không kém trong vấn đề xây dựng dân chủ. Đó là vấn đề xây dựng các cơ chế có khả năng phát huy và bảo vệ tinh thần dân chủ. Cơ chế như một con đường đi mà thể chế là hướng đi hay mục đích đến. Nếu không có những con đường đi rõ rệt, vững chắc và an toàn bảo vệ được cho người dân muốn đi thì dù cho hướng đi và mục tiêu có rõ rệt và hay đẹp, người dân cũng sẽ không bao giờ đi đến đích được. Một là vì các đường đi chưa có. Hai là hoặc có mà bất an. Ba là hoặc có an ninh nhưng tắt nghẽn. Trường hợp của Việt Nam Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa có lẽ thuộc về lí do thứ nhất vì trên lý thuyết thì thật là “dân chủ” (Đảng lãnh đạo, dân làm chủ, nhà nước quản lý. Nhưng làm chủ như thế nào và bằng con đường nào thì chẳng ai có thể giải thích rõ ràng được).

Để xây dựng một cơ chế dân chủ, không phải chỉ là điều đơn giản như viết ra Hiến Pháp hoặc lập ra các bộ luật mà quả thật điều rất cần thiết và tốn nhiều công sức cũng như thời gian là việc thiết lập ra các tổ chức và cơ quan (institutions) có các quyền lực hữu hiệu, và việc xây dựng các truyền thống (tradition) cũng như quy ước (conventions) có thể đứng vững với thời gian để “mọc rễ” ăn sâu vào trong lòng đất của dân tộc. Chứ không phải “đứng” trên mặt đất, hoặc “đỉnh cao” nhưng chỉ dựa vào “hơi” quân sự cũng như chính trị của nước ngoài để mà sống, mà “thở”. Khi nhìn vào một quốc gia có truyền thống dân chủ lâu đời như Vương quốc Anh chẳng hạn, người ta có thể nhận xét thấy rằng tại đây các cơ chế dân chủ có khi không nằm trọn hết trong các văn bản pháp luật hay Hiến Pháp mà thật sự một phần quan trọng là nằm trong các quy ước (conventions) tuy không thành văn nhưng đã được xây dựng từ lâu đời nên rất vững chắc. Luật thành văn bản thì có thể được tạo ra nhanh chóng nhưng cũng có thể bị xoá bỏ đi nhanh chóng. Vì thế quy ước và truyền thống không thành văn bản lại có khi là rường cột cho một nền dân chủ thật sự. Vì thế khi xây dựng một nền dân chủ, người ta cần để ý đến, không những các bộ luật hay Hiến Pháp lập ra các thể chế (“từ trên đưa xuống”) mà còn phải cần tìm hiểu và xây dựng cả các cơ chế (“đi từ dưới lên trên” và “từng bước nhỏ”) xây dựng cái tinh thần và truyền thống dân chủ phát xuất từ người dân mà một nền dân chủ thật sự nào có hồn thay vì chỉ có xác không thể thiếu được. Bàn về các vấn đề này dĩ nhiên là cả một vấn đề nghiên cứu chuyên môn sâu rộng mà phạm vi bài viết cũng như khả năng của người viết bài này không thể cho phép. Cho nên tại đây chỉ xin nêu ra một vài ý kiến nho nhỏ để đóng góp.

Trước nhất, để tìm hiểu thế nào là cơ chế (procedures, protocols) để xem sự khác biệt của nó với thể chế (forms or substance and results), ta có thể đưa ra một ví dụ để dẫn chứng cho một điều quan trọng là cơ chế có khi có thể bắt đầu xây dựng được ngay cả khi thể chế chưa hay không thể thành hình một cách nhanh chóng hay chắc chắn được. Đây là trường hợp của một vấn đề mà có lẽ ai cũng biết và đang chú ý đến: vấn đề “hâm nóng” trái đất (global warming).

Nếu ta cứ tưởng tượng rằng người dân trên thế giới (xem như là “dân tộc” của một “quốc gia” gọi là “Trái Đất”), hiện đang nóng lòng muốn xây dựng một “cơ chế dân chủ” để giải quyết vấn đề khẩn trương có tầm ảnh hưởng đến tất cả mọi người trong nước đó (tức Trái Đất). Vấn đề nầy không phân biệt chủng tộc hay chính kiến: Đó là vấn đề “xuống cấp” của môi trường khí quyển trên trái đất. Tuy đây là một vấn đề quan trọng nhưng tiếc thay không một ai có thể “chứng minh” được rằng nó “có thật” theo cái nghĩa “sẽ xảy ra chắc chắn 100%”. Trong tình trạng như thế, người ta chỉ có thể hành động dựa trên “niềm tin” là chính. Tuy niềm tin này cũng có thể thay đổi theo thời gian và không phải lúc nào cũng giống nhau 100% giữa mọi người. Nhưng người ta vẫn phải hành động thay vì “đợi nước đến chân mới nhảy”. Thêm vào sự khác biệt về niềm tin và sự khác biệt về các quyền lợi, ảnh hưởng của việc hâm nóng trái đất trên mọi quốc gia với các khu vực kinh tế khác nhau sẽ có khác biệt: Có các quốc gia nghèo gần biển vùng nhiệt đới sẽ bị thiệt hại to, trong khi đó có các khu vực nông nghiệp của các vùng ôn đới, như Bắc Âu chẳng hạn, sẽ được hưởng lợi. Trong một tình hình khó khăn như vậy mà chưa ai có thể lập ra được một thể chế (chính phủ của toàn trái đất) để “bắt buộc” mọi người cùng phải tuân theo một chương trình hành động nào. Nhưng thay vì bi quan khi ta chỉ nghĩ đến các sự khác biệt, và bi quan khi ta chỉ mơ ước về một thể chế có khả năng “hoà đồng hoà giải” mọi sự cách biệt mà không bao giờ có thể xoá bỏ hết được. Nhưng nếu ta thực tế và lạc quan hơn, cố chỉ đi tìm và xây dựng một cơ chế dân chủ để bắt đầu làm việc, cho một số người khởi xướng đi trước, rồi dần dần thu hút thêm nhiều người theo sau, đây mới chính là việc “xây dựng dân chủ” một cách thiết thực.

Cứ tưởng tượng thêm rằng các “phe nhóm” hiện nay trong vấn dề hâm nóng trái đất, như Hoa Kỳ, các nước Âu Châu, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Ba Tây (Brazil) v.v. là những “đảng phái chính trị” trong cùng một quốc gia (Trái Đất) mang các “ý thức hệ” khác nhau không những về vấn đề “môi trường xuống cấp” mà còn ở nhiều phương diện khác nữa (tôn giáo, văn hoá, chủng tộc, phương pháp chính trị, kinh tế v.v.). Vì không thể lập ra một thể chế chính trị nào có khả năng bao gồm và hoà giải mọi khuynh hướng chính trị, kinh tế, văn hoá, tôn giáo v.v. nói trên, người ta lập ra các cơ quan (institution) và cơ chế, như Hội đồng Thư ký Liên Hiệp Quốc (United Nations Secretariat) là một cơ quan và Hiệp ước về vấn đề Thay đổi Khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change, viết tắt là UNFCCC) là một cơ chế do cơ quan Hội đồng Thư ký Liên Hiệp Quốc đảm nhiệm thi hành. Tuy cơ chế của UNFCC không có giá trị như một “đạo luật” để ép buộc mọi người phải tuân thủ theo nó, nhưng nó có giá trị tinh thần của những con người cùng một niềm tin và đồng ý ký kết vào đó theo tinh thần tự nguyện, để rồi từ đó hợp tác trong các sự nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và kiến thức v.v. Để cùng giải quyết một vấn đề chung theo tinh thần bình đẳng và dân chủ thật sự.

Việc xây dựng một cơ chế để làm việc trong tinh thần dân chủ từ dưới lên trên để đạt được một mục tiêu mà không ai có thể lường trước được. Và không thể mong chờ “từ trên đưa xuống”, chính là phương pháp dân chủ hiện đại mà mọi người dân sống trong thời buổi giao lưu chính trị kinh tế và văn hoá của thời đại “toàn cầu hoá” đã ý thức ra được. Nếu không nhờ phương pháp dân chủ hiện đại ấy và không dựa vào các phuơng tiện cũng hiện đại hoá như Intenet, thư điện tử v.v. để trao đổi và thu ngắn hoặc bắt cầu qua các khoảng cách không gian cũng nhừ thời gian và các “khoảng cách” về văn hoá, chính trị, địa vị, giai cấp v.v. giữa con người với nhau thì khó lòng mà thực thi mục tiêu dân chủ, dù cho lý thuyết đó có siêu việt đến đâu đi nữa.

Trở lại vấn đề mà Lữ Phương đưa ra cho rằng cần có một mô thức “mới” về phát triển dựa trên các nguyên tắc “mới” về văn hoá dân chủ hơn và hiện đại hơn, dù không đồng ý với tác giả về các sự phân tích các lý do gây ra sự xuống cấp cũng như trong vấn đề hâm nóng trái đất (vì sẽ không bao giờ có thể chấm dứt các sự bàn cãi và nghiên cứu về vấn đề này), nhưng có lẽ nhiệm vụ của những người Việt Nam yêu nước quan tâm đến các vấn đề này không phải là “cãi nhau” hay tranh luận để rồi gây thêm chia rẽ mà thật sự là cố tạo cho ra một cơ chế cho các sự bàn cãi để nó không dẫn đến sự bế tắc trong hành động. Điều nầy có lẽ thực tế hơn là ước mong đi tìm cho ra “một mô thức “mới” về phát triển, dựa trên các nguyên tắc “mới” về văn hoá dân chủ hơn và hiện đại hơn”. Vì trong thực tế chính tri, văn hoá, giáo dục cũng như kinh tế hiện tại của Việt Nam, càng “tham vọng” để tìm cho ra một “mô thức” trừu tượng cao siêu lý thuyết đạt đỉnh cao của nhân lọai có lẽ sẽ càng làm cho con người thất vọng, vì các khó khăn và thử thách sẽ không bao giờ chấm dứt.

Trương Phước Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét