Pages

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Nước Nga muốn chôn Lenin, còn người Việt thì sao?



Còn 10%? Ảnh Wyborcza


Đảng Nước Nga Thống Nhất do Putin đứng đầu vừa kêu gọi sự đồng thuận của nhân dân để đưa xác Lenin ra khỏi Quảng trường Đỏ và đem chôn cất.

Trang mạng hàng đầu của Nga đã tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này, với tiêu đề “Goodbye Lenin“. Câu hỏi được đặt ra cho độc giả là: “Bạn có đồng ý với việc an táng Lenin không?”. Trong vòng 3 ngày đầu tiên đã có hơn 70.000 người tham gia bỏ phiếu và 69% trong số họ muốn đem cái xác ướp 86 năm nằm chình ình trên Quảng trường Đỏ đi chôn.

Những năm gần đây, nhiều người đã đề cập tới việc chôn cất Lenin khi việc bảo quản ông trở thành một gánh nặng kinh tế. Hơn nữa, những tư liệu về quá khứ cộng sản lần lượt được phơi bày ra ánh sáng đã đem lại cho công chúng một cái nhìn chính xác hơn về những nhân vật được coi là huyền thoại một thời không chỉ của riêng nước Nga. Nhưng đây là lần đầu tiên, một cuộc trưng cần dân ý được tiến hành công khai cho mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, người khởi xướng chính là cựu tổng thống, thủ tướng đương nhiệm Putin, một cựu đảng viên cộng sản, đại tá tình báo KGB dưới thời cộng sản.

Đảng Nước Nga Thống Nhất mà Putin đứng đầu hiện là đảng cầm quyền và chiếm đa số trong quốc hội Nga (Duma) nên việc đảng này muốn an táng Lenin, sẽ dễ dàng được quốc hội thông qua và có thể trở thành hiện thực trong thời gian tới.

Thi hài Lenin trải qua ngót một thế kỷ bảo quản bằng kỹ thuật ướp xác không phải đã “bay đi ít nhiều” mà theo đánh giá của một số chuyên gia “chỉ còn 10%”. Con số này năm 2009, một nghị sỹ Quốc hội Nga đã làm nhiều người giật mình khi công bố nó trong một cuộc họp Duma. Giờ đây, trên website chính thức của đảng Nước Nga Thống Nhất, người ta cũng đề cập tới chi tiết đó. Nghị sỹ, Vladimir Medinski cho rằng 90% thi hài nhà lãnh đạo Cách Mạng Tháng Mười đã “thối rữa từ lâu rồi”.

Sau khi Liên Bang Cộng Hòa XHCN Xô Viết tan rã và nước Nga đi dần theo chiều hướng dân chủ, một trong những vấn đề tranh cãi chính là việc đánh giá quá khứ và vai trò của những lãnh đạo cộng sản. Dư luận xã hội bao giờ cũng chia rẽ trước trước những nhân vật này. Lần này cũng vậy, đảng Cộng sản Nga đã ‘nhảy dựng’ lên và cho rằng việc thăm dò ý kiến là một ‘sự phỉ báng’. Nhưng những con số có lý lẽ riêng của nó. Và kết quả trưng cầu là bằng chứng mới nhất cho thấy đa số dân Nga không còn hào hứng với cái xác trên Quảng trường Đỏ.

Năm ngoái, Tổng thống Nga, Medvedev đã “khai tử” cho Stalin bằng cách công khai tuyên bố: Stalin là tên giết người. Người ta đã cho kéo bỏ các tượng đài của Stalin trên khắp nước Nga, kể cả thành phố chôn rau cắt rốn của ông và đã không nhắc tới tên của ông trong lễ kỉ niệm chiến thắng Phát xít Đức. Bước tiếp theo, nhiều tài liệu được đưa ra công luận như những chứng cớ không thể chối cãi về tội diệt chủng của Stalin, trong đó có 22 ngàn sỹ quan Ba Lan trong vụ thảm sát Katyn.

Giờ đây, qua kết quả trưng cầu, nhân dân Nga muốn chôn vùi Lenin – vĩnh viễn – theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nước Nga muốn đoạn tuyệt với quá khứ cộng sản trên thực tế cũng như trong ý thức.

Nhưng dù lăng Lenin bị xóa bỏ trong nay mai đi nữa, thì người ta vẫn có thể chiêm ngưỡng một bản sao của nó nằm tại quảng Trường Ba Đình. Bản sao được xây dựng từ năm 1973 và khánh thành năm 1975 theo thiết kế, giúp đỡ kỹ thuật, thi công cũng như bảo quản của Nga. Lăng được xây dựng ngoài ý muốn của “chính chủ”, vì theo di chúc, Hồ Chí Minh mong muốn được hỏa táng và rải tro ở ba miền đất nước.

Cho tới nay, một cách chính thức, ở Việt Nam chưa có ai dám đặt vấn đề đem chôn hay hỏa táng thi hài, dù có thể, điều đó có trong ý nghĩ của không ít người.

Tốn kém rõ ràng ai cũng nhìn thấy, trong khi dân thiếu điện để dùng, phải chịu cảnh cắt điện luân phiên ngay giữa mùa hè nóng nực nhưng điện dùng cho lăng bằng cả một thị trấn, chưa kể tới một Bộ Tư lệnh lăng với trang bị tận răng và những chi phí cho vấn đề kỹ thuật bảo quản xác ướp.

Nhà sử học Hà Văn Thịnh, người khá thẳng thắn khi trả lời nhiều nhiều câu hỏi phỏng vấn của Đàn Chim Việt liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh nhưng đã thoáng phân vân trước câu hỏi nên duy trì hay phá bỏ lăng. Ông nói:

“…Tôi cũng biết ông Lê Duẩn đã sửa di chúc như thế nào. Nhưng chúng ta đã sai rồi, bây giờ lại làm sai thêm một lần nữa thì…

Đúng là khó nói quá, thưa chị. Giờ lại đưa ra khỏi lăng thì cũng không được. Để lại thì nhiều ý kiến lại cho rằng tiếp tục cái sai. Rất khó, thưa chị…”

Câu hỏi như vậy, với nhiều bạn đọc hải ngoại có thể có ngay câu trả lời rõ ràng nhưng với người trong nước, sẽ là quá sớm. Sớm vì lăng Lenin vẫn còn đó, giữa một nước Nga không còn do đảng cộng sản cầm quyền. Sớm vì Hồ Chí Minh vẫn là thần tượng dù với nhiều người, bức tượng thần đó cũng sứt mẻ ít nhiều qua một số thông tin mà thời đại Internet đem lại.

Mặt khác, khi thể chế cộng sản còn tồn tại thì không thể có chuyện giải tán lăng, nên câu hỏi đặt ra lúc này cũng chỉ là hỏi chơi mà thôi. Người ta cần một cái áo khoác mị dân để khoác lên cơ thể đang lở lói vì tham nhũng, xuống cấp về đạo đức, phản động về tư tưởng; để giữ quyền, tiền và ghế.

Và dù một ngày đẹp trời nào đó, chế độ cộng sản tiêu vong ở Việt Nam thì những tư tưởng đạo đức hay di sản Hồ Chí Minh mà nhà cầm quyền đã cố công nhồi nhét vào đầu dân chúng trong nhiều thập niên qua sẽ không dễ dàng một sớm một chiều có thể thay đổi.

Dù sao đi nữa, việc nước Nga có thể đem Lenin đi chôn hay hỏa táng một ngày gần đây cũng là một tín hiệu tốt lành cho dân Việt và giải phóng tư tưởng phần nào cho những cái đầu bảo thủ nhất trong việc duy trì lăng Hồ Chí Minh trên quảng trường Ba Đình.

© Mạc Việt Hồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét