Pages

Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Quyền được biết

Đào Tuấn
Theo blog Đào Tuấn
Như vậy là lần đầu tiên Đại hội Đảng toàn quốc sẽ có truyền hình trực tiếp, dù chỉ trực tiếp phiên khai mạc, bế mạc, và “một số phiên khác”. “Đây là một tiến bộ vượt bậc trong quá trình mở rộng dân chủ trong Đảng”- Nhà báo lão thành Thái Duy đánh giá. Công khai, chính là một biểu hiện của dân chủ, dù việc công khai không hề dễ dàng. Chẳng hạn như vấn đề công khai các phiên chất vấn tại Quốc hội (QH). Dù QH là cơ quan đại diện của dân, do nhân dân bầu nên, về nguyên tắc cũng như thực tiễn trên toàn thế giới, QH đã họp là phải họp công khai để dân còn biết những đại biểu của mình đại diện ra sao cho họ tại nghị trường. Tuy nhiên, phải đến giữa năm 1994, tức gần 50 năm sau phiên họp quốc hội lịch sử ngày 31-10-1946, khi lần đầu tiên các đại biểu của nhân dân chất vấn những công việc đã ủy nhiệm cho Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh - hoạt động chất vấn tại Quốc hội mới được truyền hình trực tiếp để nhân dân cũng biết. Tới năm 2009, tức là 63 năm sau phiên họp QH đầu tiên, những ý kiến bàn bạc thảo luận về các vấn đề quốc kế dân sinh mới trực tiếp đến được với người dân khi các phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội được tuyền hình trực tiếp.

Hai tháng sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Chủ tịch Hồ Chí Mình viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung của dân, chứ không phải để đè đầu dân”. Đảng, cũng như QH, đều là để phục vụ nhân dân, vì nhân dân. Niềm tự hào của Đảng, chính là việc Đảng tự coi mình là công bộc, là đầy tớ của nhân dân. Người dân là chủ xã hội, Đại hội của Đảng, cũng là Đại hội của dân. Đảng thực hiện quyền lãnh đạo do nhân dân uỷ quyền. Để cho sự uỷ quyền đó không bị lạm quyền, nhân dân có quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền của dân. Dân rất mong Đại hội Đảng không họp kín, như mấy Đại hội trước, họp kín không còn phù hợp với dân trí ngày nay đã khác trước. Không có lý do gì để không công khai công việc của Đảng, nhất là khi công việc đó là ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. “Không thể có chuyện người chủ lại không được biết đầy tớ của mình họp như thế nào”- nhà báo Thái Duy nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng: Đã là đảng cầm quyền như ở Việt Nam thì càng cần phải công khai. Trước mắt, những bàn bạc, thảo luận để đi đến quyết định các vấn đề kinh tế, xã hội, những vấn đề sát dân, của dân, được coi là quốc kế dân sinh phải được công khai để dân cùng biết, cùng chứng kiến, cùng bàn bạc. Vì sao giờ đây người dân quan tâm nhiều hơn đến các phiên họp hội nghị TƯ, đến Đại hội Đảng, là bởi họ biết Đại hội sẽ quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, đến những người lãnh đạo đất nước. Nhân dân đang chăm chú theo dõi những thông tin xung quanh Đại hội Đảng. Khi mà dân còn quan tâm, là vẫn còn niềm tin vào Đảng, là Đại hội Đảng vẫn còn thiết thân đối với mỗi người dân. Nhưng từ đó cũng nghiêm túc đặt ra vấn đề dân cần biết. Nếu không biết thì không thể nói đến chuyện dân bàn, dân kiểm tra. Và sự biết này hoàn toàn không phải, không nên chỉ là những thông báo cuối cùng về kết quả của Đại hội, khi mọi sự đã an bài.

Bộ máy Nhà nước ta còn chỗ yếu rất căn bản, trong dân cũng gọi là một thứ tụt hậu, mà là tụt hậu lớn, đó là không xác định trách nhiệm cá nhân. Sai lầm, khuyết điểm rất trầm trọng cũng chẳng thấy ai từ chức hoặc bị cách chức. Mấy chục năm quá ít từ chức và cách chức, bộ máy tồn đọng ngày càng đông cán bộ lãnh đạo đã biến chất đáng lẽ bị kỷ luật lại vẫn an toàn tại chức, đây là mối họa lớn trong lòng bộ máy Nhà nước. Các vụ thua lỗ, lãng phí đến đỉnh điểm cũng không thấy ai từ chức hoặc bị cách chức, thậm chí ra trước Quốc hội, chỉ thấy hứa sau Quốc hội sẽ giải quyết
(NB Thái Duy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét