Pages

Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Thách thức cho Đảng trước và sau Đại hội

Trước kỳ đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, BBC Tiếng Việt xin giới thiệu một số bình luận và đánh giá của giới quan sát nước ngoài về đường lối của Đảng.

Tác giả David Brown, một cây viết từng làm trong ngành ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng kỳ Đại hội XI mang nhiều tính nghi lễ (rituals) nhưng là nghi lễ kiểu Đổi mới.

Trong bài đăng trên trang mạng Asia Times gần đây, ông Brown cũng đặt ra các câu hỏi về những thách thức mà ban lãnh đạo nhiệm kỳ tới của Đảng Cộng sản Việt Nam phải đối mặt.

Một trong những thách thức đó là làm sao họ có thể tìm ra điều gì thu hút quần chúng hơn là việc “áp dụng đạo đức Hồ Chí Minh” trong cuộc sống.

Trong một nền kinh tế mà các lợi nhuận do thị trường đem lại nhiều hơn con đường công danh theo ý thức hệ tuần tuý, xung khắc đường lối là chuyện có thật ở Việt Nam.

David Brown hỏi rằng liệu phe bảo thủ trong Đảng với đường lối chống lại “đe dọa đa nguyên” và "cách mạng màu kiểu Đông Âu” có hạ giọng đi một chút hay không?

Ông cũng muốn biết liệu các nhà lãnh đạo nhiệm kỳ mới có kiềm chế “nhóm đầu gấu” (nguyên văn- party Neanderthals) trong ngành an ninh, những người luôn kiên quyết bỏ tù bất cứ ai đi chệch lối chính thống, hay là không?

Câu hỏi nữa là liệu chính quyền có tạo ra cho khu vực kinh tế tư nhân nhiều không gian hơn để phát triển, hay là chỉ chăm chú một cách hạn hẹp vào các công ty nhà nước.

Ngoại giao và nội trị



Vụ biểu tình ở Bắc Giang được nêu như một ví dụ của bất ổn xã hội



Và dù đối ngoại trong nằm trong nhóm các chủ đề cốt yếu của những kỳ đại hội Đảng tại Việt Nam, theo ông Brown, các nỗ lực xử lý quan hệ với một nước Trung Quốc đang ngày càng nêu mạnh các đòi hỏi lãnh thổ, tăng cường quân bị và ép buộc láng giềng về kinh tế, và với Hoa Kỳ cùng những quốc gia ngoài khu vực, cũng làm các đảng viên lo ngại.

Mối lo của họ là làm sao không biến cuộc chơi này thành điều khiêu khích người khổng lồ Phương Bắc.

Báo Anh, tờ The Guardian trong một bài hồi tháng 12/2010 cũng nói về quan hệ với Trung Quốc ở bối cảnh tình hình trước Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo đó, "chiến lược của Hà Nội sẽ vẫn là cân bằng giữa hai nước khổng lồ (Mỹ và Trung Quốc)".

Nhưng bên cạnh đó, "Sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng Tây Nguyên của Việt Nam tỏ ra là điều gây ra nhiều tranh cãi, khiến vô số chỉ trích nổ ra, nhắm vào đảng cộng sản cầm quyền".

Vấn đề của Việt Nam, theo The Guardian, là muốn xích lại gần Hoa Kỳ nhưng lại duy trì mô hình chính trị và thậm chí cả chính sách sinh đẻ theo kiểu Trung Quốc, điều hiện đang gây mất cân bằng giới tính trong lực lượng lao động, dù không nặng như ở nước láng giềng.

Rủi ro cần chú ý

Một bài bình luận khác của phóng viên John Ruwitch từ hãng Reuters hôm 3/01/2011 cũng nhắc đến chủ đề quan hệ với Trung Quốc trong số các ‘rủi ro cần chú ý’ tại Việt Nam thời gian trước và sau Đại hội Đảng XI.



The Guardian nói VN muốn xích lại gần Mỹ nhưng lại cố duy trì mô hình kiểu TQ



Theo ông, chủ đề Biển Đông vẫn rất nóng tại Việt Nam, nơi “nghi ngờ về Trung Quốc là sâu đậm”.

“Thái độ hung dữ của Trung Quốc khi đòi chủ quyền tại các đảo ở biển Nam Trung Hoa, hoặc cảm nhận rằng Việt Nam yếu thế trong chuyện này, có thể làm nổ ra biểu tình lớn”.

Nhắc lại các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã xảy ra ba năm trước tại Việt Nam, ông Ruwitch cũng nói “bất ổn xã hội” là điều cần chú ý.

Nhưng các vụ xuống đường thỉnh thoảng xảy ra, theo nhà báo của Reuters, chủ yếu vẫn là vì tranh chấp lao động và đất đai.

Tác giả nêu ra các vụ gần đây ở Hà Nam và Bắc Giang.

Liên quan đến nhân sự trước và sau Đại hội Đảng và trong năm 2011, nhà báo Ruwitch nói cần chú ý đến chuyện ai lên ai xuống trong các “biến đổi chính trị trước Đại hội”, và cũng cần chờ xem các vụ scandal được báo chí nêu ra.

Với nhà đầu tư nước ngoài, Reuters nói họ sẽ “giám sát câu chuyện về khoản nợ của Vinashin”.

Về kinh tế, ngoài chuyện tham nhũng và cơ sở hạ tầng yếu kém, Reuters đề nghị chú ý đến thị trường giá cả biến động bất an.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét