Pages

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Việt Nam sẽ tiếp tục phá giá tiền đồng vào năm 2011?

Việt Hà, phóng viên RFA
2010-12-31
Báo cáo gần đây của Tổng Cục thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã đạt mức 6,8%, cao nhất trong vòng 3 năm nay.


RFA PHOTO
Tiền đồng Việt Nam.


Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các vấn đề về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, thâm hụt cán cân thanh toán, và đặc biệt là đồng Việt Nam mất giá. Có nhiều dự đoán cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục phá giá đồng bạc vào năm 2011. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế có cách nhìn khác nhau về biện pháp này. Việt Hà tổng hợp và tường trình.


Tác động tiêu cực
Việc các công ty lượng giá tín dụng quốc tế gần đây liên tục hạ thấp trị giá trái phiếu chính phủ Việt Nam bằng ngoại tệ và tiền đồng đang được cho là sẽ có tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường về sự mất giá của đồng Việt Nam. Báo cáo gần đây của ngân hàng Standard Chartered Bank dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục phải phá giá đồng Việt Nam trong vòng 12 tháng tới với tỷ giá chính thức giữa đồng đô la và đồng Việt Nam đạt mức 20.800 vào cuối năm 2011. Hiện tỷ giá chính thức do ngân hàng nhà nước quy định là 19.500 đồng ăn một đô la.


Kể từ tháng 11 năm ngoái, Việt Nam đã hạ giá đồng Việt Nam đến 3 lần. Dự báo lần này của ngân hàng Standard Chartered Bank cũng không phải không có được những ý kiến đồng thuận nhận định từ các chuyên gia kinh tế ở Việt Nam. Hồi giữa tháng này, báo Tiền phong trích lời ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia nói rằng Ngân hàng nhà nước và Hội đồng nên xem xét việc tiếp tục hạ giá đồng bạc Việt Nam. Ông Ngân cho rằng đây là thời điểm thích hợp để hạ giá đồng Việt Nam vì nguồn cung đô la đang nhiều và mức kiều hồi lớn có thể bù đắp.


Việc tiếp tục hạ giá đồng bạc sẽ không gây sốc và sẽ không có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.


Kinh tế gia Lê Đăng Doanh thì cho rằng việc tiếp tục hạ giá đồng Việt Nam trong năm 2011 là khó có thể tránh khỏi do mất cân đối cán cân thương mại và khả năng thanh toán của Việt Nam. Ông nói:


“Theo tôi cân đối của cán cân thương mại và khả năng thanh toán của Việt Nam đòi hỏi phải điều chỉnh và sức ép trên thị trường đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh tỷ giá này.”


Mặc dù vậy ông cũng cho rằng đây không phải là giải pháp tối ưu. Theo ông chính phủ nên điều chỉnh tỷ giá nhiều lần từ từ chứ không giật cục như các lần trước để tránh gây sốc tâm lý trong doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo chuyên gia này, tỷ giá chính thức giữa đồng đô la và Việt Nam sẽ đạt mức 22.000 đồng ăn một đô la khá nhanh trong các tháng tới và có thể đạt mức 23.000 đồng ăn một đô la vào cuối năm 2011.




Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Photo courtesy of dddn.vn



Trong hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2011 diễn ra vào các ngày 27 và 28 tháng 12 vừa qua ở Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết năm 2011 Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách tỷ giá và quản lý ngoại hối linh họat hơn theo tín hiệu thị trường, phù hợp với diễn biến lãi suất, cân đối hài hòa cung cầu ngoại tệ, tăng tính thanh khoản cho thị trường và thúc đảy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu. Điều này ám chỉ khả năng việc tăng lãi suất và tiếp tục hạ giá đồng Việt Nam.


Hạ giá đồng bạc có lợi?

Tuy thế, cũng có ý kiến phản đối việc tiếp tục hạ giá đồng bạc. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành giải thích lý luận cho rằng việc hạ giá đồng bạc sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam là không phù hợp và việc hạ giá đồng bạc gây hại nhiều hơn lợi. Ông giải thích:


“Nền kinh tế Việt Nam với đặc thù là các mặt hàng xuất khẩu chiến lược như da giày, hay may mặc thì có đến 80- 90% nguyên liệu sản xuất đều là nhập khẩu. Vì vậy hạ giá đồng bạc xuống thì nguyên liệu sẽ tăng giá vì phải nhập khẩu về, giá thành của hàng hóa đó xuất khẩu ra chưa hẳn có lợi thế. Vì thế một nền kinh tế như Việt Nam thì việc hạ giá đồng bạc để xuất khẩu chưa hẳn là một lý do đúng đắn. Đối với các hàng hóa khác như gạo, café có hàm lượng nội địa cao thì có lý do, nhưng với Việt Nam có hạ giá thì cũng không xuất khẩu hơn được gạo hay café, cao su vì sản xuất có hạn. Cho nên dù hàm lượng nội địa cao thì cũng không có lợi gì khi hạ giá đồng bạc.”


Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cho rằng nguồn cung đô la nhiều là không có căn cứ bởi vì mặc dù Việt Nam có nhận 8 tỷ đô la kiều hối năm nay thì vẫn phải chịu chênh lệch cán cân thanh toán là 4 tỷ đô la.


Ngoài ra, cũng có những ý kiến chuyên gia khác khá dè dặt với việc tiếp tục hạ giá đồng Việt Nam, mà thay vào đó là tiếp tục thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ, tức là duy trì lãi suất cơ bản đồng Việt Nam ở mức cao để kìm chế lạm phát và không hạ giá đồng bạc. Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nói:


“Mục tiêu chủ yếu là ổn định tỷ giá hối đoái vào đầu năm, sau đó kéo lạm phát xuống. Mục tiêu chủ yếu là ổn định thôi còn phá giá thì không làm mà nếu làm thì cũng không lớn lắm. Tôi nghĩ là vấn đề bây giờ không phải là vấn đề hạ giá đồng Việt Nam mà vấn đề là giảm lạm phát, giảm kỳ vọng về phá giá đồng tiền.”


Theo tổng cục thống kê, lạm phát của Việt Nam trong tháng 12 đã đạt mức 11,8%, cao nhất trong vòng 22 tháng qua. Các nhà tài trợ cho Việt Nam hồi tháng này cũng đã cảnh báo chính phủ về việc lạm phát đang tăng và sự suy yếu của đồng Việt Nam.


Để đối phó với vấn đề này, chính phủ Việt Nam đã tăng lãi suất cơ bản đồng Việt Nam hồi tháng 11 lên mức 9% sau khi chính phủ tuyên bố việc kiềm chế lạm phá là ưu tiên quan trọng hơn tăng trưởng.


Qũy tiền tệ quốc tế cũng nói Việt Nam nên giữ lạm phát ở mức từ 3 đến 4%, tương ứng với các nước khác trong khu vực ASEAN. IMF nói rằng việc hạ giá đồng bạc đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng lạm phát ở Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét