Pages
▼
Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011
Cách mạng đến từ đâu
Thanh Quang, phóng viên RFA - Trận cuồng phong dân chủ ngày càng lan rộng đang làm làm chấn động thế giới Ả Rập.
Kể từ khi phong trào nổi dậy chống chính phủ của người dân làm chấn động thế giới Ả Rập, mà cao điểm là tại Tunisia khiến nhà độc tài Ben Ali bị lật đổ và ở Ai Cập khiến làm sụp đổ uy quyền 30 năm của Tổng thống Hosni Mubarak, thì những “trận cuồng phong phép mầu” đó tiếp tục xôn xao thế giới, nhất là ảnh hưởng của nó được cho là không phải chỉ giới hạn trong phạm vi thế giới Ả Rập mà còn trên toàn cầu – tại những xứ độc tài toàn trị.
AFP-Hàng triệu dân Ai Cập đã xuống đường đòi thay đổi lãnh đạo. Đoàn biểu tình trưng một biểu ngữ có tên những người đã hy sinh trong cuộc xuống đường
“Nhìn Từ Xa Để Nghĩ Gần”
Blogger Người Buôn Gió từ Hà Nội nhận xét qua bài tựa đề “Bài Ca Chế Độc Độc Tài”:
Sở dĩ có những chế độ kéo dài được bởi chúng biết cách thay đổi màu sắc để phù hợp hoàn cảnh. Hơn nữa chúng giỏi việc tuyên truyền nhồi nhét vào đầu óc người dân, bưng bít thông tin.
Ngày hôm nay một làn sóng đòi dân chủ, xóa bỏ chế độ độc tài đang diễn ra trên Châu Phi, một nơi dân trí so với Việt Nam khó có thể gọi là hơn được. Chế độ độc tài độc quyền sử dụng văn hóa, thông tin để tiêm nhiễm cho người dân đang bị đè nén nghĩ rằng đó là hoàn cảnh tự nhiên. Ngay từ bé trẻ em ở những nước độc tài đã bị nhồi sọ bằng những câu chuyện hay ho về lãnh tụ, về công lao của Người, về thành quả của cách mạng đã mang lại ấm no, hạnh phúc….
Và blogger Người Buôn Gió khẳng định:
Những chế độ độc tài sớm hay muộn đều bị diệt vong, bởi chúng đi ngược lại với quyền lợi chính đáng của dân tộc.
Qua blog Dân chủ-Nhân quyền cho VN, TS Hoàng Đình Thắng có bài “Nhìn Từ Xa Để Nghĩ Gần”, phân tích việc “Mubarak đã ra đi !” với những tình tiết xem chừng như cũng hao hao như tại VN, kể cả việc Tổng thống Mubarak chuẩn bị kế hoạch “cha truyền con nối”. Trong tiểu đề “Cách Mạng Đến Từ Đâu”, tác giả mô tả:
Mubarak đã ra đi!
Công bằng mà nói, theo một số nhà nghiên cứu, Mubarak đã lãnh đạo Ai Cập chuyển sang kinh tế thị trường từ 1991, tiến hành cải cách, xóa đói giảm nghèo và phát triển sản xuất với tốc độ GDP bình quân là 7%. …..
Ai Cập: Mỗi ngày lực lượng biểu tình mỗi lớn mạnh, chỉ trong 2 tuần lễ số người tham gia đã lên trên 1 triệu. AFP
Nhưng mặt trái của tấm huân chương là Mubarak đã không đổi mới chính trị. Nghịch lý cải cách nằm ở chỗ chế độ của nhà độc tài này vẫn buộc phải hiện đại hóa đất nước và nâng cao trình độ của lực lượng lao động, để theo kịp với mức phát triển của nền kinh tế. Một khi trình độ dân trí và mức sống xã hội được nâng cao thì người dân không chấp nhận ách độc tài nữa.
Một cách giải thích khác là Mubarak đã phải trả giá cho sự thành công thuần túy về kinh tế, khi trong xã hội Ai cập đã xuất hiện một tầng lớp trung lưu khá giả. Lực lượng xã hội mới này đã đòi hỏi những thay đổi chính trị trên thượng tầng mà giới lãnh đạo không theo kịp. Đó là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng độc tài, kéo theo tham nhũng, trong các tầng lớp trên ở Ai Cập.
Cách giải thích thứ ba về sự thất bại của Mubarak chính là vì chiêu bài bảo vệ ổn định. Ông ta đã sử dụng các biện pháp có thể để giữ ổn định, như củng cố phe cánh, xây dựng nền an ninh trị và bưng bít thông tin. Mubarak xây dựng vị thế lãnh đạo suốt cả ba thập kỷ của mình trên một nhóm lợi ích chiếm thiểu số, nhưng nắm giữ đa số các đặc quyền và đặc lợi.
Những thành viên trong nhóm này cấu kết với nhau để làm giàu. Riêng phần Mubarak sở hữu một tài sản lên đến hàng chục tỉ USD. Hai người con trai của ông ta cũng đều là tỉ phú…, rất có khả năng lên thay thế ông bố.
Trong khi đó, hơn 40% dân số Ai Cập vẫn sống với khoản thu nhập trung bình mỗi ngày dưới 2 đô la! Đó là chưa nói tới hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học đã không có việc làm.
Tất cả những dẫn chứng nói trên hẳn đã gây rất nhiều công phẫn trong quần chúng. Những tiếng nói đòi tự do dân chủ cũng từng cất lên đây đó, nhiều lần.
Nhưng Mubarak vẫn cố bịt tai mình lại. Giới bình luận chính trị Tây phương nhận định rằng, trong vô vàn những điều Mubarak không hiểu, có một điều vừa rồi đã đóng vai trò chính yếu trong việc kết liễu sự nghiệp chính trị của ông. Đó là các phương tiện truyền thông mới như Internet, Twitter và Facebook
Iran: hàng ngàn người dân cũng đang xuống đường đòi thay đổi chế độ. AFP
“Quyền Lực Nhân Dân”
Biến cố “Hoa Lài” ở Tunisia tạo nên số phận tương tự cho Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và đang tiếp tục làm chấn động các thể chế độc tài khác hẳn thể hiện nổi bật sức mạnh của người dân – mà blogger Công Lý và Sự Thật gọi là “Quyền Lực Nhân Dân”. Bài tựa đề “Quyền Lực Nhân Dân” của blogger Công Lý và Sự Thật đi đến kết luận:
Cư dân mạng cũng cho rằng, bằng vào những biến động hiện nay đang xảy ra trên thế giới, chính phủ những quốc gia khác đang thống trị người dân bằng bạo lực, đàn áp, độc tài, tham nhũng, mất dân chủ cũng đang run sợ trước viễn cảnh những người dân ngày thường luôn bị xem là thấp cổ bé miệng, luôn bị đối xử bằng dùi cui, còng sắt, cướp đoạt, nhà tù đã không còn chịu nhẫn nhục cúi đầu mà họ sẽ thể hiện quyền lực mình.
Có lẽ những diễn biến đổi thay quyết định ở xứ người, nơi tình hình khá tương tự như ở xứ ta, khiến blog Đỗ Việt Khoa từ trong nước liên tưởng tới “những bất cập” tại quê nhà, cần phải đấu tranh. Qua bài “Đấu Tranh Hay Không Đấu Tranh”, thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhận xét:
Đất nước còn tồn tại nhiều bất cập. Không thể bằng lòng và làm ngơ để các vấn đề bất cập đó tồn tại. Phải tiếp tục đấu tranh với nó. Thường thì cái tốt, cái thiện thắng thế. Khi cái xấu nó cực điểm, nó thắng thế thì đó là thời loạn. Lúc đó cách mạng sẽ bùng nổ.
Một chính quyền mà biết khuyến khích người dân đấu tranh hiệu quả thì đất nước phát triển, chế độ sẽ tồn tại bền vững, xứng đáng để hô muôn năm. Ngược lại mà bịt mồm, đàn áp, bảo kê cho cái xấu thì sẽ cản trở sự phát triển, gây mất dân chủ, làm bùng nổ tệ nạn. Khi đó sẽ ngày càng nhiều người muốn đấu tranh, muốn làm cách mạng.
Blog Phong’s Site đề cập tới những yếu tố dẫn tới một cuộc cách mạng, và khẳng định rằng yếu tố chủ chốt của cuộc cách mạng là lòng dân:
Bahrain: ngày 16 tháng 2, 20011, sang ngày thứ 3, người Bahraini thuộc phái Hồi Giáo Shiti tiếp tục biểu tình đòi thay đổi chế độ. AFP
Có nhiều yếu tố để dẫn đến một cuộc cách mạng :
1) Kinh tế suy sụp…Thất nghiệp gia tăng, đời sống của nông dân lầm than vì bị chiếm đọat đất đai, mất nhà ở. Đời sống các công nhân bị ức chế, lương thấp, sức khỏe không được bảo vệ, không có nghiệp đòan lao động tư nhân để bảo vệ công nhân… Sinh viên đóng học phí cao nhưng ra trường lại không có việc làm . Thành phần trí thức tương lai này sẽ bức xúc .
2) Công an và nhà nước CSVN đàn áp dân chúng. Công lý bị bẻ quẹo, các nhà bất đồng chính kiến bị bắt giam. Các tiếng nói bị bịt miệng. Tòa án xử giam kẻ vô tội và thả lỏng kẻ tội phạm. Không đội mũ bảo hiểm mà trở thành kẻ bị công an đánh tới chết, người già chết mà không được chôn trong nghĩa trang, đám tang mà xác người chết cũng bị cướp … v.v… Các tôn giáo không được họat động tự do. Công an không làm việc bảo vệ dân, nhưng lại lo bảo vệ các quan chức CSVN và bảo vệ Đảng. Phẫn nộ âm ỉ lan truyền trong dân chúng.
3) Giới trẻ thông thạo internet và truyền thông giúp cho sự phối hợp các họat động để tất cả dân chúng có được thông tin đa chiều trung thực và nhanh nhạy.
Tại sao Facebook bị chặn tại VN? Đó là vì CSVN sợ! Sợ giới trẻ! Sợ Facebook sẽ giúp cho giới trẻ liên kết lại và đưa tin nhanh chóng…
Bây giờ đặt giả thuyết có Facebook nhưng dân không phẫn uất gì cả thì sẽ chẳng có cách mạng gì to lớn vì không có nhu cầu. Cho nên chuyện có Facebook hay không thì không phải là nguyên nhân chủ động của một cuộc cách mạng, bởi nó chỉ là phương tiện đưa tiến trình dân chủ hóa đến sớm hơn, nhanh hơn. Còn nguyên nhân chủ động của một cuộc cách mạng là lòng dân!
Trong khi “Hương Lài” từ Tunisia lan toả tới Ai Cập và đang gây chấn động thế giới Ả Rập, thì blogger Mẹ Nấm nêu lên câu hỏi rằng “Liệu Hoa Có Nở” ở VN không ? Qua bài “Liệu Hoa Có Nở”, blogger Mẹ Nấm hỏi một người thân “nhiều suy nghĩ, nhiều nước mơ”, như sau:
Sáng làm một cuộc phỏng vấn bỏ túi với một người thân, một người đọc khá nhiều, sở hữu một cái đầu với những suy nghĩ lớn lao, và có những ước mơ không giống ai:
- Em chào bác, bác nghĩ thế nào về hoa lài hả bác?
-À, có đọc, và nghe tin tức nhưng không tìm hiểu nhiều lắm.
– Vậy thôi, mình dừng câu hỏi về hoa lài ở đây nhé bác. Mình hỏi câu khác, liệu có cái gọi là hoa rau muống, hay hoa sen tương tự không bác nhỉ?
– Theo lẽ tất nhiên, theo quy luật của thời gian, hẳn là phải có…
– Theo quy luật tất nhiên là hoa sẽ nở – không ai cản được bánh xe thời gian. Tuy nhiên cũng cần phải nhớ rằng hoa nở hay không? Không phải chỉ vì bạn ước mơ, mà vì chính cách chăm sóc, vun tưới và nuôi dưỡng nó.
Dù hoa có nở hay chưa nở, nhưng thực trạng nhiễu nhương trên quê hương, nhất là quốc nạn tham nhũng trong thể chế đốc đoán khiến vị tướng lão thành khả kính luôn ưu tư cho vận nước cùng sự tồn vong của dân tộc Việt, là Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, đã xúc cảnh… nhiễu nhương thành thơ khai bút đầu năm, được nhiều trang mạng nhật ký phổ biến. Những vấn thơ ấy như sau:
Hỏi những quan tham lại nhũng
làm giàu chết có mang đi?
Nhắc kẻ nắm quyền hống hách
Nhớ chăng quan chỉ một thì?
Nhắc kẻ độc tài độc đoán
Trên đời từng có Hít-le.
Nhắn kẻ ba hoa dối trá
Tô hồng dễ mấy ai nghe?!
Mục Điểm Blog xin dừng lại ở đây, và mong gặp lại tất cả qúy vị cũng vào giờ này tuần sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét