Pages
▼
Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011
Kêu khổ, nhưng các tập đoàn vẫn “sống khỏe”
Phạm Huyền (VEF.VN) – Hầu hết tập đoàn đều có lãi! Chưa bao giờ, bức tranh về các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước lại sáng sủa đến thế! Nhưng liệu điều đó có xóa bớt đi hình ảnh không được sáng sủa của DNNN vốn “đóng đinh” trong lòng dư luận bấy lâu không?
Ai cũng là con nợ cả
Cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ và các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước hôm 15/2 diễn ra trong một bối cảnh rất đặc biệt: Ngân hàng Nhà nước sớm khai xuân bằng đòn tăng tỷ giá lên cao kỷ lục. Các ngành hàng là đầu vào thiết yếu của nền kinh tế như “tức nước vỡ bỡ” khi bị ghìm giá quá lâu, cũng sục sôi các phương án thị trường hóa vào tháng 3 tới.
Có lẽ vì thế, cơn bức xúc âm ỉ trong các ông chủ ngành hàng ấy như “vỡ òa” khi diện kiến trực tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Có phải vì Thủ tướng mới là người quyết định cuối cùng số phận giá xăng, dầu, điện, than… được tăng lúc nào, tăng bao nhiêu?
Lần này, điện, ngành đang bị đồn đoán sẽ lập kỷ lục mới về giá sắp tới, không cần mở lời, vì đã được anh em đồng hao là than, xăng dầu kêu hộ: Giá năng lượng phải theo thị trường!
Không chỉ dừng lại ở việc làm ăn thua lỗ, trình bày với Thủ tướng, các anh cả của nền kinh tế Việt Nam còn cho hay, họ đang là… cục nợ của nhau!
TGĐ Tập đoàn Than, ông Trần Xuân Hòa nói, điện đang là con nợ lớn nhất của ngành than và dầu khí, vì càng bán cho điện thì càng lỗ (khoảng 3.000 tỷ đồng).
Ngay sau đó, ông Bùi Ngọc Bảo, TGĐ Tổng công ty xăng dầu Việt Nam tiếp lời “Nói như anh Hòa thì tất cả đều lỗ kép hết! Anh Hòa bảo anh Thanh (TGĐ EVN) là con nợ lớn. Bản thân chúng tôi bán dầu diesel cho than, thì chúng tôi cũng đang phải bù lỗ cho than rồi ». Than cũng đang là “cục nợ” của xăng dầu.
DNNN bị thành kiến?
Không phải vô cớ mà suốt từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, ông Trần Xuân Hòa, TGĐ Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đi đâu cũng tấm tức kể lại chuyện bị “phá sản” kế hoạch phát hành 500 triệu USD trái phiếu.
Tấm tức là bởi, theo ông kể, chỉ vì mấy bài viết nói về DNNN ở Việt Nam làm ăn kém hiệu quả, xấu xí nên họ quay lưng lại với Vinacomin, không mua trái phiếu nữa!
Với giọng rất xót xa, bức xúc, ông Hòa giãi bày rằng, đó là hồi tháng 11/2010, cả đoàn lãnh đạo Vinacomin đi đàm phán về việc phát hành trái phiếu ra nước ngoài. Liên tục trong 7 ngày, ông phải đi tới 9 nước ở 3 châu lục, thuyết trình liên tục không ngừng nghỉ đến khô họng. Thời gian kín bưng tới mức ông chỉ có thể tranh thủ ngủ khi đang trên máy bay từ nước này sang nước khác. Ban đầu, các nhà đầu tư rất hoan nghênh. Mọi việc tưởng đã xong xuôi!
Thế mà một đêm tỉnh dậy, sáng hôm sau, mọi việc đã đảo lộn. Họ đưa ra những bài viết về DNNN, rồi vặn Vinacomin… Khi đó, Quốc hội đang họp, ông Hòa nói.
Cho rằng, vì hình ảnh DNNN bị làm xấu quá nên đã ảnh hưởng tới niềm tin của các nhà đầu tư ở nước ngoài, hôm gặp Thủ tướng ngày 15/2, ông Hòa cũng nhắc lại và không quên đề nghị, Chính phủ phải làm sao xây dựng hình ảnh DNNN tốt hơn.
Sao các tập đoàn đều sống khỏe?
Trái ngược với cái sự trì trệ, thua lỗ mà các TĐ tự bạch trên, lần đầu tiên kể từ khi thí điểm thành lập Tập đoàn kinh tế, báo cáo của Ban đổi mới DNNN hôm 15/2 về tình hình các trụ cột này thật sáng lạn.
Hai mươi trong tổng số 21 Tập đoàn, Tổng công ty đều sống khỏe, có lãi. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt tới 70.778 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách tăng tới 31%, đạt 173.549 tỷ đồng, trong nhóm TOP mức nộp tăng cao có cả Tập đoàn Than. Tỷ lệ an toàn vốn đề trong giới hạn cho phép. Việc đầu tư ra ngành ngoài đã giảm mạnh đáng kể.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã rất coi trọng DNNN và chia sẻ rằng: “Trong 3 khối doanh nghiệp, phúc lợi cao nhất là DNNN. Các DNNN gần như không để công nhân thất nghiệp. Trên tổng thể, trong những năm qua, trong giai đoạn thực sự khó khăn, nếu không có lực lượng kinh tế nhà nước, chính phủ không biết điều hành làm sao”.
Ngoài thông điệp phải đảm bảo tăng trưởng 15% và sẽ thị trường hóa xăng, điện, than, Thủ tướng cũng nhấn mạnh rất rõ, các đơn vị phải tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính, khắc phục đầu tư dàn trải, kém tập trung, kém hiệu quả. Trong đó, các đơn vị phải hoàn thiện cơ chế quản trị của DNNN. Đó là điều lệ, quy chế nội bộ, là cơ cấu tổ chức…
Nhìn lại câu chuyện trên, thì hình ảnh DNNN xấu xí là do xã hội định kiến, hay là do cơ chế chính sách làm hình ảnh “sống khỏe” như trên bị xuống sắc trong mắt dư luận, hay do chính các Tập đoàn, Tổng công ty tự mình làm xấu mình?
Một số chuyên gia cố vấn cho Diễn đàn Kinh tế Việt Nam cho rằng, có 4 điểm để giải quyết vòng luẩn quẩn trên. Thứ nhất, đó là phải kiểm toán làm rõ các DNNN lỗ ở đâu và lãi ở đâu. Thứ hai, phải tách bạch nhiệm vụ công ích và nhiệm vụ chính trị trong hoạt động DN. Thứ ba, phải làm rõ trách nhiệm xã hội của DNNN và thứ 4 phải xem lại quy chế bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cho DNNN.
Khi đó, các DNNN sẽ hết kêu than, và xấu hay đẹp sẽ được sáng tỏ. Và người dân sẽ hiểu tại sao trong báo cáo mới nhất, các tập đoàn đều có lãi nhưng vẫn “than khổ” với Thủ tướng và xin tăng giá.
10 năm 2000-2009, vốn đầu tư cho các DNNN chiếm khoảng 20-30% trong tổng nguồn vốn đầu tư công. Trong đó, vốn đầu tư cho DNNN đã tăng 2,2 lần, trung bình mỗi năm, tăng 9,2%. Giai đoạn 2000-2007, trong các thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước có ICOR lớn nhất: 7,8, kinh tế ngoài nhà nước là 3,2 và kinh tế FDI là 5,2.Một lượng vốn Nhà nước bỏ ra đã không biến thành tại sản. Với FDI, bỏ 1 đồng thì tới 83% đi đến được sản xuất, với khu vực tư nhân, đó là tỷ lệ 68% nhưng với DNNN thì là 63%.
Hiển nhiên, đầu tư của DNNN sẽ không thể hiệu quả bằng vì 1 lượng vốn đầu tư đi vào mục đích phi lợi nhuận, như đầu tư vùng sâu, xa, kinh doanh các mặt hàng công cộng, … Tuy vậy, sự kém hiệu quả cũng không thể biện minh do những nguyên nhân chủ quan, như quản lý kém hiệuquả, như đầu tư sai lầm về chiến lược….
(Theo nghiên cứu của Viện kinh tế Việt Nam về đầu tư công giai đoạn 2000-2009)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét