Pages
▼
Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011
Việt Nam phá giá đồng bạc (-8.5%) khi lạm phát ló dạng
The Wall Street Journal (Nguyễn Huy Đức chuyển ngữ) - Là một nền kinh tế luôn bị nạn lạm phát hoành hành, Viêt Nam vừa phá giá đồng bạc (VND) xuống 8.5% vào ngày thứ sáu 11/02/2011. Quyết định này có mục đích ngăn ngừa những khó khăn kinh tế ngày một dày cộm.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho biết, thay vì chấn hưng tình thế, chính quyền cộng sản Hà Nội có thể, một lần nữa, gây ra tình trạng vật giá leo thang.
Tại một số quốc gia vừa trỗi dậy, tệ nạn lạm phát đã được rung chuông báo động khi giá cả thực phẩm và nguyên liệu đã tăng vọt. Việt Nam là một trong những trung tâm của vấn đề lạm phát. Sau nhiều năm thi hành chính sách thả lỏng lãi suất và nới rộng trợ cấp bằng tín dụng rẻ, tăng trưởng của Việt nam đã đạt đến mức độ ngang tầm với Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia tương đối kém phát triển. Theo một số chuyên gia, Việt Nam còn thiếu nhiều phương tiện quản lý mức tăng trưởng quốc gia.
Vì vậy vật giá đã tăng vọt, nhất là cho một số nhu yếu phẩm. Hệ lụy là nhiều đợt phá giá VND khiến đồng bạc mất đi 20% giá trị từ giữa năm 2008 trở đi. So sánh với tỉ lệ của 12 tháng qua, chỉ số tiêu dùng (CPI) đã tăng cao vào tháng 01/2011 – hơn 12%. Tỉ lệ này có thể tăng cao hơn nữa trong tháng 02/2011, sau Tết Nguyên Đán và sau khi quyết định phá giá đã mất đi tác dụng của nó.
Các nhà chức trách Việt Nam đã tỏ ra ít quan tâm đến việc triệt tiêu lạm phát cho dù, vào tháng 01/2011, đề tài phòng chống lạm phát đã được bàn cãi tại Đại hội Đảng (được tổ chức hai lần trong thập niên). Quyết định phá giá để tăng cường xuất cảng có nguy cơ trầm trọng hoá vấn đề.
Thay vì tăng lãi suất và chấp nhận rủi ro giảm thiểu mức cung-ứng công ăn việc làm cho giới trẻ và lực lượng lao động, Việt Nam đã chọn lựa chính sách “duy phát triển”. Mục tiêu GDP của Việt Nam là 7.5%. Trong điều kiện này, phòng chống lạm phát đã trở thành một vấn đề phụ đối với Việt Nam, giới kinh tế suy luận như vậy. Cho năm nay và 5 năm trước mắt, chính sách của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản ước định mục tiêu lạm phát ở mức độ 7% (Tương đương với năm 2010). Trong khi đó lạm phát đã tăng quá 11%.
Phòng chống lạm phát đã được bàn cãi tại ĐH Đảng nhưng
Việt Nam tỏ ra ít quan tâm đến việc triệt tiêu lạm phát
Việt Nam có nguy cơ trầm trọng hoá vấn đề lạm phát. Nếu lãi suất không tăng và nếu không có một số biện pháp kìm hãm vật giá, nhiều kinh tế gia lo ngại rằng lạm phát sẽ tăng tốc sau quyết định phá giá vừa rồi. Thật vậy, phá giá sẽ dẫn đến hậu quả tăng giá của một số hàng được nhập cảng, nhất là các hàng xuất phát từ dầu lửa.
“Quyết định phá giá vào ngày thứ sáu (11/02/2011) sẽ mang lại tác động xấu cho chỉ số tiêu dùng”, theo bà Prakriti Sofat, một chuyên viên kinh tế khu vực thuộc ngân hàng Barclays Capital Singapore. Bà cho rằng khi VND mất đi 1% giá trị so với đồng Mỹ kim (USD) thi tỉ lệ lạm phát sẽ tăng 0.15%.
Ước lượng trên cho thấy quyết định phá giá sẽ đẩy lạm phát lên 1.28%. Tuy nhiên, bà Sofat cũng nhìn nhận rằng phần nào tác động của việc phá giá vừa qua đã được sáp nhập vào mức lạm phát hiện hữu vì thị trường hối đoái chợ đen đã tiên đoán việc phá giá. Rất linh động, giá cả được định tại thị trường chợ đen mới là giá thông dụng. Từ lâu, thị trường chợ đen đã định giá VND thấp hơn so với tỉ lệ hối suất chính thức. Barclays tiên đoán rằng lạm phát sẽ tăng đến 13% vào tháng 03/2011 và sẽ vượt qua ngưỡng 15% vào tháng 06/2011.
Việt Nam gần như đi ngược lại với xu hướng của các quốc gia Á Châu. Ở các quốc gia này, mối quan ngại về vật giá tăng tốc đã khiến các ngân hàng quốc gia nâng lãi suất lên một khi nền kinh tế đã nhanh chóng phục hồi sau cơn khủng hoảng toàn cầu. Vào thứ ba 08/02/2011, Trung Quốc đã tăng lãi suất lần thứ ba trong vòng 4 tháng. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thái Lan, Korn Chatikavanij, đã cho biết vật giá leo thang là một trong những mối lo âu hàng đầu. Trước đó, ông đã ban hành nhiều đợt nâng cao lãi suất.
Một số quốc gia cũng đã cho tăng giá trị đồng bạc để làm yếu đi tác động của lạm phát. Hành động này đã giúp nhập cảng hàng hoá, như thực phẩm và nguyên liệu, với trị giá thấp hơn. So với USD, giá trị của đồng Ringgit Mã Lai đã đạt đến tột đỉnh trong 13 năm qua. Đồng bạc Thái, Phi và Tân Gia Ba cũng đã tăng giá trong 2 năm qua.
Ngược lại, Việt Nam đang được xem như tấm gương để cảnh cáo giới chức trách Á Châu về những hậu quả của chính sách bất cập khi những “phanh tiền tệ” đã không được huy động kịp thời.
Chuyên gia kinh tế của HSBC, Sherman Chan, cho biết: “Những vấn đề cơ bản của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết. Hiện tượng này cho thấy áp lực dẫn đến phá giá vẫn tồn tại”. Những vấn đề cơ bản bao gồm thâm hụt cán cân thương mại và tính vô hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong khi DNNN vẫn thao túng nền kinh tế quốc gia.
Với lạm phát tăng nhiệt trong những tháng qua, người dân Việt Nam đã chuyển tài sản của mình từ VND qua USD hay vàng. Giá vàng ở Việt Nam cao hơn giá thị trường quốc tế khoảng 5% vì kim loại này được xem như “chắc ăn” nhất. Động thái này gây thêm sức ép giảm giá VND. Đến nổi vài công ty, trong đó có Ford Motors Co, phải khó khăn tìm cách dự trữ ngoại tệ để trang trải chi phí nhập cảng.
Quyết định phá giá đã hạ thấp tỉ lệ hối đoái từ 18.932VND/USD xuống 20.693VND/USD. Mục tiêu của đợt phá giá này là thu hẹp lại khoảng cách giữa tỉ lệ chính thức và giá cả thị trường chợ đen. Trước khi quyết định phá giá được ban hành, tại thị trường chợ đen tỉ lệ hối suất là 21.320VND/USD. Trên nguyên tắc, quyết định này cũng sẽ tạo điều kiện cho các xí nghiệp tìm mua ngoại tệ dễ dàng hơn.
Tình trạng kém hiệu quả của DNNN
Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNNVN) cũng đã tuyên bố rằng phá giá sẽ tăng cường xuất khẩu và kìm chế thâm thủng cán cân thương mại của Việt Nam. Hiện tượng thâm hụt cán cân cũng đã tạo sức ép trên VND. NHNNVN suy luận rằng đồng bạc rẻ sẽ tăng khả năng cạnh tranh của quốc gia.
Một trong những mục tiêu của việc phá giá cũng nhắm vào lượng dự trữ ngoại tệ èo uột của Việt Nam. Giới báo chí nhà nước đã tường thuật rằng lượng dự trữ ngoại tệ đã giảm xuống mức 10 tỉ USD vào cuối năm 2010, so với mức 16 tỉ USD vào cuối năm 2009 và 26 tỉ USD vào năm 2008.
Chi phí bảo hiểm cho viễn tượng Việt Nam vỡ nợ hoặc viễn tượng nợ công Việt Nam được tái cấu trúc đã tăng vụt ngay sau khi chính quyền phá giá VND. Hợp đồng bảo hiểm vỡ nợ Việt Nam trong thời hạn 5 năm (5-year credit default swap) đã tăng từ 385 đến 395 điểm (từ 3.85% lên 3.95%) vào thứ năm (10/02/2011).
Các chuyên gia quan niệm rằng, nếu Việt Nam muốn tránh khỏi một cơn khủng hoảng trầm trọng hơn, cần giải quyết triệt để những thói hư tật xấu của nền kinh tế. Một trong những khuyết điểm trên là vấn đề khá nhạy cảm trên phương diện chính: tình trạng kém hiệu quả của DNNN.
Nhiều nhà phân tích đã cho rằng nguyên nhân của hiện tượng lạm phát hiện nay xuất phát từ những món nợ với lãi suất thấp mà nhà nước đã ban bố cho các DNNN. DNNN đã điều động nguồn vốn này để đầu tư vào những dự án “hại nhiều lợi ít”, hoặc để đầu cơ vào bất động sản hay vào thị trường tài chánh. Một số DNNN đã bơm tiền vào những ngành nghề mà chúng không am tường để rồi mắc vào bẫy của cơn khủng hoảng toàn cầu vào năm 2008.
Công ty quốc doanh Vinashin, một thời được mệnh danh là Công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thủy, đã bị đẩy gần kề vực thẳm khánh tận sau khi đã tích luỹ 4.4 tỉ USD nợ. Sự kiện này đã thúc đẩy hai công ty định mức tín nhiệm, Moody’s Investors Services và Standard & Poor, hạ giảm điểm tín nhiệm các món nợ công Việt Nam. Đến tháng 12/2010, tình hình trở nên bi đát hơn khi Vinashin không đủ khả năng trang trải món nợ trị giá 60 triệu USD trên 600 triệu USD, được cho vay qua công thức hợp vốn (syndicated loan).
Bà Chan, thuộc ngân hành HSBC, cho biết: “Theo tôi, chính sách Việt Nam sẽ gặt hái được hiệu quả nếu một số chương trình cải tổ DNNN được thực thi”.
The Wall Street Journal
Nguyễn Huy Đức chuyển ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét