Pages

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nói về “hối lộ thần thánh”


Nhận xét về tình trạng lễ hội bát nháo như hiện nay, phó chủ nhiệm uỷ ban Văn hóa – Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, GS Nguyễn Minh Thuyết nói: Theo thống kê, cả nước ta hiện nay có khoảng 8.000 lễ hội mỗi năm. Như vậy, 365 ngày thì trung bình ngày nào cũng có trên… 20 lễ hội. Như thế là nhiều.
Tuy nhiên, cũng phải thấy những cái được gọi là lễ hội gồm nhiều loại hình, trong đó lễ hội dân gian chiếm nhiều nhất và chủ yếu do các làng xã tổ chức, tiếp đến là những ngày lễ, hội do Nhà nước tổ chức; các ngày lễ, hội quốc tế (như ngày 14.2, ngày 8.3, tới đây có thể là ngày của Mẹ, ngày của Cha…) và tiếp sau nữa là những liên hoan gắn với yêu cầu địa phương, ngành nghề (ví dụ liên hoan trái cây, cà phê…).

Có một số lễ hội khá đặc biệt, gắn với yêu cầu phát triển du lịch, phát triển kinh tế địa phương. Riêng về lễ hội dân gian, những lễ hội gắn với làng xã, trước đây từng có giai đoạn bị ngắt, đứt đoạn, nay nhiều nơi đã được khôi phục lại một cách không chính xác, dẫn đến đã có sự khác trước, thậm chí có nhiều biến dạng, méo mó, tốt hơn thì ít mà xấu đi thì nhiều. Đó là tình trạng “buôn thần bán thánh” ngay tại chốn đình chùa miếu mạo, là việc đặt quá nhiều hòm công đức; là những nghi lễ rước đón thần linh, múa hát… đang bị hành chính hóa một cách thái quá.

Một số nơi khôi phục lại những thủ tục không biết có từ bao giờ, nghiên cứu chưa kỹ. Một số lãnh đạo lại được mời tham gia rất nhiệt tình, thành ra đã bị lợi dụng hình ảnh của mình, đi tô vẽ cho những điều không chắc chắn đó. Điều này rất không ổn. Tôi cho rằng rất cần nghiên cứu lại. Ví như tục khai ấn ở Đền Trần nếu được làm thì phải theo trình tự, không cổ vũ mê tín, cũng không thành chuyện mua bán theo kiểu “tiền trao, cháo múc” như hiện nay…

Lên án những hành động kiểu “hối lộ thần thánh”



Chen lấn, xô đẩy nhau như thế này để xin lộc, cầu tài tại nơi tôn nghiêm thì không còn gì để nói. Ảnh: internet



Tôi rất phản cảm với cái cách một số người có chức quyền vẫn làm ở một số đình chùa: thi nhau trồng cây, rồi treo biển ghi tên hoặc khắc đá ghi tên… Xưa Bác Hồ trồng cây con, rồi từ đó người dân trồng thành rừng. Giờ, họ đưa cổ thụ nơi khác về mà cũng gọi đó là trồng cây? Đó là chưa nói đến sự khiêm tốn của người treo biển ở nơi thờ cúng những bậc tiền bối.

Việc mạnh ai nấy làm theo kiểu “ hối lộ thần thánh”, đạo đức xã hội bị xem nhẹ ở chốn linh thiêng cần phải bị lên án. Chốn tôn nghiêm không thể trở nên xô bồ, phàm tục hóa. Lẽ ra đến chùa là để lấy lại sự thanh thản trong tâm hồn thì người ta lại đến với lòng tham, trái với đạo lý nhà Phật.

Ai đầu têu những chuyện đó? Người bình thường đi chùa thường chỉ cầu mong cơm đủ ăn áo đủ mắc, con cái ngoan ngoãn khỏe mạnh, học hành đỗ đạt. Nhưng một số người đến chùa phải chưng lễ thật to, cầu thật nhiều lộc; tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt thì ít mà chi cho cầu lộc cầu tài và cúng giải hạn, đốt vàng đốt hương tốn kém bao nhiêu cũng không tiếc. Đó chính là một bộ phận người có tiền, có chức quyền và có cơ hội có chức quyền thì mới vậy.

Giải pháp nào có thể xóa bỏ được những tệ nạn đó? Vẫn là tuyên truyền, giáo dục, thảo luận mà không thể ép buộc, cấm đoán vì việc tâm linh là tự nguyện. Nhưng cán bộ nhà nước phải làm gương. Đạo Phật phải đúng với giáo lý truyền thống, có những đóng góp tích cực vào đời sống tâm linh của người dân.

Trong khi chờ xã hội tự điều chỉnh, sàng lọc những điều hay dở, tích cực và tiêu cực, về phía Chính phủ, phải sớm ra tay, dẹp các hiện tượng mê tín dị đoan. Cán bộ nào mà hay cầu cúng, phải nhắc nhở, không để tiếp diễn. Xã hội cần có chuẩn mực. Đây chính là một “đại vấn đề”. Các nhà nghiên cứu và quản lý nên thấy được tầm quan trọng của hiện tượng trên, phải có những cuộc thảo luận từ đó đưa ra những quy định pháp lý. Nếu chưa có quy định trong luật, thì trước hết phải bắt đầu bằng những quy định…

Kim Hoa (ghi)

*

“Gần đây, ban Bí thư có chỉ thị về việc tổ chức những ngày kỷ niệm trong nước trên tinh thần tiết kiệm, tránh cồng kềnh và lãng phí thời gian. Chỉ tổ chức những năm chẵn. Đây cũng là một hướng tốt đối với những lễ hội chính do Nhà nước tổ chức. Đối với các lễ hội dân gian, phải trao lại, trả lại việc tổ chức cho dân, như nhiều ý kiến đã đóng góp trước đây.

Tiến tới xóa bỏ những hiện tượng thương mại hóa, mê tín dị đoan quá mức; mỗi chùa, đình chỉ nên có một hòm công đức là đủ, không nên nhét tiền vào tay Phật – như thế là nhố nhăng, coi thường thần thánh; không nên đua nhau đội lễ thật đầy, chen chúc thắp hương… trong khi kết cấu đền chùa miền Bắc thường thấp, nhỏ”.

(Đại biểu QH Nguyễn Minh Thuyết)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét