Pages

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

CHỐNG GIẢI PHÁP AN BÌNH VÀ HÒA BÌNH TỨC LÀ SỢ “VẼ ĐƯỜNG HƯƠU CHẠY”?

Tháng 3, ngày 25, năm 2011

Kính chào qúy độc giả!

Những ngày cuối đông, giá lạnh bất chợt trở về vẫn không đủ làm “giảm nhiệt” bầu không khí thế giới đang căng thẳng trong tháng 3. Đó là “tam tai” ở xứ mặt trời mọc với động đất và sóng thần vào tháng 3 ngày 11 kèm theo khủng hoảng sau sự cố vỡ nhà máy điện hạt nhân nguyên tử Fukushima. Đó là liên minh quốc tế với NATO đã can thiệp quân sự vào Libya bắt đầu ngày 19 bằng không trận.


Thứ nhất, “tam tai” ở Nhật là một trong những thảm họa kinh hoàng của lịch sử thiên tai nhân loại trong suốt hàng thiên niên kỷ. Động đất ở Nhật với cường độ 9.0 Richter không cao bằng những trận động đất ở Chile năm 1960 là 9.5, ở Sumatra và Indonesia năm 2004 là 9.3. Số người thiệt mạng ở Nhật dù đã lên con số 20 ngàn nhưng cũng không nhiều bằng con số hơn 3 trăm rưỡi ngàn nhân mạng trong trận động đất ở Trung Quốc năm 2008 với cường độ chỉ 8.0 và không bằng gần 3 trăm ngàn nhân mạng ở Indonesia, Ấn Độ, Strilanka, Thái Lan, Somalia, Myanma vào năm 2004 với những con sóng thần cao gấp 3 lần ở Nhật năm 2011. Thế nhưng, trận động đất và sóng thần Sendai có cường độ mạnh gấp 8.000 lần so với trận động đất phá hủy thành phố Christchurch của New Zealand vào tháng 2. Thêm nữa, những thiệt hại của Nhật được ước tính lên tới hơn 3 trăm triệu tỉ mỹ kim, cao gấp 3 lần thiệt hại vì cơn bão Katrina ở miền đông năm Mỹ năm 2006 và sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân nguyên tử Fukushima sẽ gần như là thảm họa nhà máy nguyên tử Chernobyl ở Ukraina năm 1986, di họa muôn đời, đi sau “song tai” động đất và sóng thần thành “tam tai” đã khiến thế giới đổ dồn vào xứ xở Phù Tang. Chia buồn, mặc niệm và cứu giúp, thế giới cũng đã làm. Điều chúng ta kính phục ở đây là tinh thần “võ sĩ đạo” của đất nước Sakura và thái độ có trách nhiệm của chính phủ Nhật. Người ta nhớ lại vì sự an toàn của thần dân, ngày 14 tháng 8 năm 1945, Nhật Hoàng Chiêu Hòa đã ban lệnh đầu hàng vô điều kiện quân đồng minh sau 2 qủa bom nguyên tử của Mỹ đả thả xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki làm tê liệt mọi khả năng tự vệ của Nhật. Hành động của Nhật Hoàng lúc đó coi như vi phạm tinh thần võ sĩ tử vì đạo nhưng giúp nước Nhật thoát khỏi tai kiếp thảm khốc và đã không may chốc, Nhật đã trở thành cường quốc mạnh thứ 3 trên thế giới. Sau thảm họa ngày 11 tháng 3 năm 2011, chính phủ Nhật không vì “trọng mặt mũi” mà quên đi sinh mạng thần dân, Thủ tướng Naoto Kan đã khẩn hoảng kêu gọi thế giới hết lòng giúp Nhật qua cơn nguy khốn do thiên tai gây ra. Nếu một nước nghèo khổ vì làm biếng, trụy lạc về tâm hồn, xuống cấp vì tham nhũng, bị ghét vì độc tài, luôn ỷ lại vào lòng nhân từ của thế giới và không văn hóa, chẳng văn minh, khi mở lời kêu gọi như thế, liệu thế giới có hết lòng giúp nước đó như giúp Nhật hôm nay? Câu hỏi này, chúng ta tự trả lời, qúy độc giả nhé!

Như vậy, ở các quốc gia có thiên tai như nhau, thảm họa cũng chẳng khác nhưng họ nhận được lòng ưu ái của nhân loại cũng tùy vào trước đây, nước đó đã… gieo được qủa ngọt hay qủa đắng nào? Ngẫm người mà thẹn cho mình chăng? Ăn chận đồ từ thiện, lợi dụng “thừa nước đục thả câu”, dẫm đạp lên nhau để mà sống, xô đẩy, chen lấn, cướp giật lương thực để sinh tồn… Những điều này hầu như chưa xảy ra ở đất nước có thiên tai động đất tới 70 – 80 ngàn lần trong một năm, nhiều nhất thế giới như Nhật Bản! Chúng ta học hỏi được điều gì ở đây? Cứ sau nhân tai, Nhật lại vươn mình trên sự kiến tạo của trái đất bằng tinh thần quật cường của họ. Chúng ta tin rằng, sau sự cố “tam tai” này, tiếng hát Sakura lại ngọt ngào vang lên cây Zelkova và được đôi cánh chim Conservation Flycatcher đưa đi tới khắp mọi nơi trên xứ sở mặt trời không bao giờ tắt. Cũng từ “tam tai” này, chúng ta hy vọng chính phủ Nhật sẽ lắng nghe hơn những cảnh báo tiên tri về thiên tai và giảm bớt “nhân tai” cho những dự tính khoa học an toàn hơn về hạt nhân nguyên tử. “Chơi dao có ngày đứt tay”. Thành ngữ này không những dành cho chính phủ nước Nhật mà còn dành cho chính phủ những quốc gia có tham vọng chế tạo hạt nhân nguyên tử mang tính chất cạnh tranh, hiếu chiến, đua đòi nhiều hơn là lo cho quyền lợi hay sự an toàn của dân tộc. Di dân ra khỏi những vùng đất có truyền thống thiên tai và xa rời dã tâm nguyên tử. Đó là một trong những cách gìn giữ an bình cho nhân loại.


Thứ hai, chúng ta nói tới tình hình Libya khi có sự can thiệp của quốc tế. Chúng ta đồng tình hay không? Mỗi đất nước như con người đều có số phận khác nhau. Tình hình Libya cũng không ngoại lệ. Không ai đang có cuộc sống tự do, no ấm lại đi biểu tình và cũng chẳng phải đất nước nào không có tự do, chẳng no ấm mà dám công khai biểu tình. Chúng ta thấy rõ ràng ở Campodia, chính quyền của ông Hun Sen tồn tại từ năm 1979 đến nay, có mấy ai quan tâm? Trường hợp ở Libya là điển hình cho sự “tức nước vỡ bờ“. Khi đại tá Gaddafi ra lệnh quân đội trung thành nổ súng và ném bom vào dòng người biểu tình đòi “Gaddafi get out“, Feed Libya”, “Blocd for freedom“… ông ta đã trở thành kẻ sát nhân có tội danh diệt chủng như Hitler hay Pol Pot. Những nguyên thủ quốc gia do nhân dân bầu ra, nếu người dân không còn tín nhiệm mình, tốt nhất hãy chọn con đường xuống ngựa. Những kẻ nào còn cố bám chiếc ghế quyền lực, bất chấp cơn phẩn nộ của thần dân, những kẻ đó đã mất đi tư cách đại diện dân tộc họ. Nếu những kẻ đó dùng quân đội đàn áp lực lượng nhân dân (chứ không dùng quân đội để chống giặc ngoại xâm) như chính phủ Trung Quốc, Thái Lan, Yemen… những kẻ đó phải bị thế giới trừng phạt. Bây giờ, chúng ta hãy xác định coi thử ông Gaddafi có phải là người đã “diệt chủng” nhân dân ông hay không? Ông ta có cố níu kéo, cố bám vào chiếc ghế nguyên thủ quốc gia mà nó là nguyên nhân chính dẫn đến… động đất và sóng thần ở Libya hay không? Sau đó, chúng ta coi thử NATO hay liên minh quân sự do Anh, Pháo, Mỹ cầm đầu mở “không trận” giúp nhân dân Libya thực hiện biểu ngữ của họ “Feedom for Libya” là xâm lược hay sự trừng phạt theo hiệp ước của Liên hiệp quốc năm 1973 là hành động đúng đắn? Xong đâu đó, chúng ta mới có câu kết luận là nguyên thủ của các quốc gia cố tình núp sau bức màn nhân đạo bỏ phiếu trắng hay chỉ trích nước khác đổ máu xương để giữ gìn hòa bình mà không có sự biện minh nào thích đáng, là chính phủ yêu nền hòa bình hay chỉ yêu… ba phải?

Trả lời xong, nếu chúng ta cho ông Gaddafi là đúng và đồng tình với những biểu ngữ căng ở Hoa Kỳ có hàng chữ “Stop U.S French/ British war on Libya” để nhằm hạ bệ uy tín của Tổng thống Obama hay đồng minh của ông là chúng ta đã tự vạch con đường tương lai cho đất nước mình nay mai. Đó là sẽ không có một cuộc biểu tình đòi tự do, no ấm cho đất nước vì sẽ chẳng có nước nào ngu dại khi mang tài sản, sinh mệnh của nước mình đi can thiệp vào nước khác mà rước họa “khẩu xà” vào thân. Điều đó không phải sẽ làm cho chính phủ độc tài thêm đắc ý, bần chúng chịu khốn cùng muôn kiếp làm trâu ngựa hay sao? Nếu chúng ta cho rằng sự can thiệp bằng quân sự của liên quân thế giới là đúng đắn, chúng ta cũng nên nghĩ tới giải pháp can thiệp quân sự có hiệu qủa hơn. Tức là mục tiêu xác định phải trúng, bom bỏ mới không lạc hướng. Mục tiêu của liên quân hôm nay là giúp nhân dân Libya thoát khỏi sự tàn sát của quân Gaddfi mà thôi. Nghe thật cải lương! Giúp tới bao giờ khi ông Gaddafi vẫn sờ sờ ra đó chỉ huy quân sự và điều khiển đất nước. Coi bộ “đánh rắn không đánh dập đầu” sẽ dẫn tới chuyện nhân dân không chết vì thiên tai lại phải chết vì tên bay, đạn lạc và thời gian “không trận” sẽ phải còn kéo dài cho tới khi ông Gaddfi chết hay bỏ đi mới thôi!

Mục tiêu non nớt sẽ dẫn cuộc chiến chính nghĩa tới bùn lầy phi nghĩa. Không có bác sĩ nào chữa trị ung thư lại tuyên bố với bệnh nhân rằng chúng tôi không động đến virut mà chỉ bảo vệ tế bào khỏi ung thư? Đồng tình hay phản đối, chúng ta đã, đang và sẽ tự hiểu ra. Không nên kéo dài cuộc chiến can thiệp và phải nhắm vào “tử huyệt” của quân độc tài mà điểm nhanh. Ở Libya, “tử huyệt” đó chính là đại tá Gaddafi. Liên minh quân sự cũng nên đi thêm đòn tâm lý là vỗ về nhân dân trong và ngoài nước cho hành động quang minh chính đại của mình. Kêu gọi buông súng từ trong hàng ngũ của địch. Nếu những phần tử chọn cái chết trung thần, hãy cho họ… toại nguyện vì làm người, chết theo chủ cũng là cái chết ngu trung, đáng tiếc nhưng cũng cần trân trọng. Đánh con trăn mới đánh cái đuôi nhưng đánh cọp phải đánh vào đầu. Ông đại tá Gaddafi nếu chẳng chịu đầu hàng sớm, sự đổ máu của dân chúng và binh lính trên đất nước Libya với bất cứ mục đích nào, ông cũng trở thành tội nhân thiên cổ. Con đường xuống ngựa của ông Gaddafi coi bộ cũng như ông Saddam Hussein năm 2003 khi “rượu mời không uống, uống rượu phạt“. Thiệt hại về vật chất, của cải, tâm lý, tình cảm của người dân của đất nước khi có sự can thiệp của nước ngoài theo tinh thần hiệp ước 1973, đối với Libya nói riêng và thế giới nói chung, là do độc tài thi hành biện pháp “bám trụ”, coi thường tính mạng nhân dân. Xem ra, Nhật Hoàng Chiêu Hòa năm 1945 chọn giải pháp đầu hàng sớm là nhân đạo và thức thời mà “kẻ thức thời vụ mới là tuấn kiệt”! Kẻ không tuấn kiệt, có tư cách gì mà đại diện thân dân trăm họ đây? Tránh chết chóc cho người dân lương thiện và hạn chế bom đạn, tiết kiệm xương máu cho binh lính, “giảm nhiệt” biểu tình chống liên quân, lực lượng thế giới nên cần thiết chọn giải pháp nhắm trúng mục tiêu, đối tượng và thu ngắn thời gian chiến tranh càng sớm càng tốt!

Tóm lại, “thiên tai” hay “nhân tai” là kết qủa của loài người vì bất cứ lý do nào đã tự tác nghiệt. Song, số phận những thần dân bao giờ cũng ở nơi địa lý mà thiên tai xảy ra nhiều nhất và hứng lấy đổ máu từ nhân tai nhiều nhất. Muốn có sự an toàn cho con người và hòa bình cho thế giới, các nước phải cùng nhau ngồi thảo luận lại một hiệp ước quốc tế khác. Rõ hơn, trong đó, quy định toàn thế giới về thời gian tiền nhiệm của các nguyên thủ quốc gia là bao nhiêu năm và liệt kê danh sách những quốc gia nào nên hay không cần thiết xây dựng nhà máy điện hạt nhân nguyên tử. Còn nữa, sự can thiệp bằng quân sự (không xâm lược) là điều kiện cần và đủ lớn nhất một khi độc tài không chấp nhận bỏ ngai vàng và tội danh ác nguyên thủ phải được thành lập không khoan hồng. Thêm vào đó, mục tiêu liên quân khi tiến quân vào nước nào có phát tín hiệu SOS, phải thống nhất rõ ràng là nhắm vào độc tài “đập đầu” chứ không tuyên bố lan man, chung chung của cái gọi là “bảo vệ tính mạng của nhân dân”. Chỉ có những người dân nào muốn suốt đời làm thân khuyển mã, những nguyên thủ độc tài muốn suốt đời dùng quân đội, công an, và cảnh sát đàn áp nhân dân mới không dám ủng hộ giải pháp này phải vì họ sợ sau này sẽ “vẽ đường hươu chạy”? Còn những chính phủ nước nào lợi dụng tinh thần quốc tế này để khoe vũ khí và tính đường lợi nhuận hay những chính phủ đứng ngoài thọc gậy bánh xe, gây chia rẽ tình nhân loại cũng chẳng phải quân tử gì!

Riêng ở Việt Nam, tham nhũng từ vụn vặt đến cao cấp đã tha hóa tư cách đạo đức chuẩn mực của con người. Không trị bệnh này, Việt Nam dẫu có theo thể chế Cộng Sản hay Cộng Hòa hoặc Cộng Đồng, bất qúa cũng chỉ là Cộng Nô – thần dân cho Trung Quốc mà thôi! Những người chống Cộng Sản, nếu không đủ tài để thay đổi bài quốc ca, thay đổi cờ chính nghĩa, thay đổi ý thức hệ, vẫn mãi giữ thái độ hằn học về sự thất bại mang tính chất thời cuộc năm 1975, gieo thù hằn chống Cộng Sản cho thế hệ mới, vẫn dùng lời mạ lỵ thiếu văn hóa, vẫn chia rẽ và chẳng có một đảng chính thống nào lãnh đạo… thì mãi mãi chẳng đủ sức cuốn hút sức mạnh tạo cơn động đất của lực lượng trí thức Việt Nam. Quần chúng nhân dân dù có ghét cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm của chính phủ Cộng Sản đến mấy cũng không chịu quy phục dưới cờ vàng ba sọc đỏ mà tạo cơn sóng thần. Vì sao? Chúng ta trả lời được mà.

Lá cờ nào mới chính là lá cờ của nước Việt Nam tự do, dân chủ? Thay lá cờ khác?
Chúng ta hãy dành 30 giây mặc niệm để tướng nhớ nạn nhân thiên tai ở Nhật Bản nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Có khóc thương tâm, chúng ta cũng nên để dành chút nước mắt khóc mừng an bình và hòa bình cho nhân loài, qúy vị nhé!

Kính chào qúy độc giả và hẹn thư sau sẽ là lá thư màu xanh của mùa xuân xua tan băng giá!

Ngọc Thiên Hoa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét