Pages

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Việt Nam: Cần trả tự do cho nhà hoạt động dân chủ nhiều ảnh hưởng


(DanLamBao dịch) - Lệnh truy thu Giải thưởng Nhà văn Quốc tế của ông Vi Đức Hồi là trái luật

(New York ngày 23 tháng Tư, 2011) – Ngày hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố chính quyền Việt Nam cần lập tức trả tự do cho văn sĩ Vi Đức Hồi, người bị kết án tám năm tù vào tháng Giêng năm 2011 vì “tuyên truyền” chống chính phủ. Tòa phúc thẩm tỉnh Lạng Sơn sẽ xử phúc thẩm vụ án của ông vào ngày 26 tháng Tư.

Ông Vi Đức Hồi, nguyên đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Lạng Sơn kết án chủ yếu dựa trên lý lẽ cho rằng các bài ông viết và đăng trên mạng internet kêu gọi cải cách dân chủ và bảo vệ nhân quyền cấu thành tội phạm về an ninh quốc gia theo điều 88 của bộ luật hình sự.

“Việc ông Vi Đức Hồi hiện đang bị cầm tù chỉ vì công khai bày tỏ quan điểm của mình về nhân quyền và dân chủ thật là quá đáng,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Chính quyền Việt Nam đã nhạo báng nền pháp trị khi bỏ tù các cựu cán bộ và đảng viên vì nguyên nhân duy nhất là họ đã lên tiếng phê bình trên tinh thần xây dựng.”

Khi hình sự hoá các vụ bất đồng chính kiến ôn hòa, Việt Nam đã vi phạm các nghĩa vụ của mình trong vai trò một quốc gia thành viên của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như chính Hiến pháp của Việt Nam, vì cả hai văn bản này đều đảm bảo quyền tự do ngôn luận.

Cũng theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, phán quyết của tòa án trong phiên xử ông Vi Đức Hồi vào tháng Giêng năm 2011 bắt ông phải nộp 56 triệu đồng Việt Nam (tương đương 2.800 đô la Mỹ) mà tòa tuyên bố ông đã “nhận trái phép” từ các tổ chức và các nhà ủng hộ nhân quyền từ nước ngoài là không có cơ sở pháp lý. Số tiền trên bao gồm giải thưởng Hellman/Hammett 2009, một giải thưởng hàng năm dành cho văn sĩ được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao cho các văn sĩ bị trù dập trên toàn thế giới.

“Ông Vi Đức Hồi được trao giải Hellman/Hammett để ghi nhận sự can đảm của ông trong vai trò một người cầm bút, bất chấp những sách nhiễu và đàn áp từ phía chính quyền,” ông Robertson nói. “Chính quyền Việt Nam đã thể hiện hành động đàn áp kép khi cố cướp số tiền một cá nhân được thưởng để ghi nhận việc ông ta phải chịu đựng sự ngược đãi từ chính bàn tay của chính quyền ấy.”

Không có quy định nào về hình thức phạt tiền liên quan đến điều 88 của bộ luật hình sự.

Ông Vi Đức Hồi, 56 tuổi, là một cây bút và là blogger từ tỉnh Lạng Sơn, một tỉnh xa xôi ở phía Bắc Việt Nam gần biên giới Trung Quốc. Ông là người dân tộc Tày, dân tộc lớn nhất trong các sắc dân thiểu số ở Việt Nam. Các bài viết của ông về dân chủ, đa nguyên và nhân quyền, cùng với cuốn hồi ký, Đối mặt: Đường đi đến với phong trào dân chủ, được lưu truyền rộng rãi trên mạng Internet.

Ông Vi Đức Hồi đã lặng lẽ ủng hộ những lời kêu gọi yêu cầu phải tôn trọng nhân quyền và mở rộng dân chủ từ năm 2006, khi vẫn còn đang giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền và Đảng ở tỉnh Lạng Sơn. Ông từng là Trưởng ban Tuyên giáo, đồng thời là Ủy viên Ban thường vụ huyện ủy huyện Hữu Lũng. Sau khi sự thay đổi quan điểm của ông bị phát hiện, ông bị khai trừ đảng, bị đưa ra kiểm điểm trước dân tại các cuộc họp được dàn xếp trước, bị tạm giữ và xét hỏi. Sau đó, ông công khai gắn kết với tập san bất đồng chính kiến Tổ Quốc.

Vào tháng Tám năm 2010, Vi Đức Hồi xuất bản một truyện giả tưởng về cái chết thảm khốc của chàng trai 21 tuổi Nguyễn Văn Khương, người đột tử ngay sau khi bị công an giữ vì một lỗi giao thông ở tỉnh Bắc Giang vào tháng Bảy năm 2010. Nội dung truyện cung cấp các chi tiết – dưới danh nghĩa hư cấu – thuật lại việc công an đánh Khương gây nên cái chết. Tin tức về cái chết của Khương dưới tay công an đã được đăng tải rộng rãi trên báo chí nhà nước Việt Nam cũng như báo chí hải ngoại, các blog độc lập và các tổ chức nhân quyền quốc tế, đồng thời cũng gây ra một cuộc biểu tình của hàng ngàn người ở Bắc Giang trong đám tang nạn nhân để phản đối công an bạo hành.

Trong hồi ký viết năm 2008, Đối Mặt, Vi Đức Hồi viết: “Cái mất mát lớn nhất của con người chính là mất đi quyền làm người; Kẻ có tội lớn nhất là kẻ đi tước đoạt quyền con người; kẻ đáng thương nhất là kẻ chưa hiểu biết về quyền con người; kẻ đáng trách nhất là kẻ quên đi quyền con người; kẻ hèn hạ nhất là kẻ cam chịu mất quyền con người. Tôi là kẻ đáng trách và cũng có lúc trở thành kẻ hèn hạ.”

Trong năm qua, chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp các văn sĩ và blogger độc lập, những người lên tiếng chất vấn về chính sách nhà nước, vạch trần quan chức tham nhũng, hoặc kêu gọi một nền dân chủ thay thế cho thể chế độc đảng. Các văn sĩ, blogger và các nhà vận động trên mạng bị đặt dưới sự giám sát thô bạo, bị biệt giam trong thời gian dài không được tiếp cận với luật sư,và bị xét xử với các mức án tù giam ngày càng nặng.

“Cũng như hàng chục văn sĩ và blogger khác, ông Vi Đức Hồi xứng đáng được đối xử tốt hơn thế,” ông Robertson phát biểu. “Họ là những người đang bị giam giữ chỉ vì bày tỏ ý kiến về nhân quyền và cải thiện quản lý nhà nước. Chừng nào Việt Nam còn tiếp tục bắt giam những người bất đồng chính kiến ôn hòa, cả thế giới cần đặt câu hỏi xem liệu có thể tin được việc quốc gia này sẽ nghiêm túc tôn trọng các cam kết quốc tế của mình được hay không.”

Trích từ các bài viết của ông Vi Đức Hồi

Ai cũng vậy, khi mà mình nhận ra, nhìn thấy những hành vi tội lỗi của người khác, mà không lên tiếng cảnh báo cho người đó dừng lại, hoặc cũng không báo cho mọi người biết để tránh; để đề phòng; để lên tiếng; để ngăn chặn… thì đó cũng là tội lỗi. Từ lối suy nghĩ mộc mạc như vậy, nên việc tôi đến với phong trào dân chủ như một lẽ tự nhiên.

Nguồn: “Đối Mặt,” phần 35. http://viduchoiblogspot.com/2009/07/oi-mat-35-thay-loi-ket.html

Thực tế là vậy, tôi chưa thấy”đảng ta thiên tài, sáng suốt” ở chỗ nào mà chính hiện nay đảng đang là trở ngại, lực cản cho sự phát triển, đó là cái “định hướng xã hội chủ nghĩa”và “tăng cường sự lãnh đạo của đảng”... chỉ mong đảng hãy tha cho dân lành, hãy để yên cho họ làm ăn, đừng lên mặt nữa, dân chịu nhiều khổ đau với đảng lắm rồi.

Từ những thực tế trên, tôi quyết định cần ly khai đảng. Tôi khẳng định: Tôi không phản bội đảng mà chính đảng đã phản bội tôi và nhân dân tôi. Nếu như đảng thực hiện đúng như cương lĩnh của đảng đề ra thì suốt đời tôi nguyện phụng sự đảng đến hơi thở cuối cùng. Tôi là người tự trọng, luôn tôn trọng sự thật, căm ghét giả dối, lừa gạt.

Quyết định của tôi là cả một quá trình nung nấu, cả một quá trình suy nghĩ, cân nhắc. Tôi chẳng có động cơ nào khác ngoài động cơ thấy mình cần phải bênh vực lẽ phải, bênh vực những người dân của tôi, vì thế tôi quyết định những năm tháng còn lại của cuộc đời tôi, tôi phải làm điều gì đó dù là ít ỏi để rồi khi từ giã cõi đời này sẽ giảm bớt đi những ân hận.

Nguồn: “Đối Mặt,” phần 11. http://viduchoi.blogspot.com/2008/12/oi-mat-11.html

Để xem thêm các tin bài về Việt Nam của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, xin truy cập:

http://www.hrw.org/asia/vietnam ; và

http://www.hrw.org/en/languages?filter0=vi

Để biết thêm thông tin, xin liên hệ:

Tại Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406 (di động)

Tại Washington, DC, Sophie Richardson (tiếng Anh, tiếng Hoa phổ thông): +1-202-612-4341; +1-917-721-7473 (di động)

Tại London, Brad Adams (tiếng Anh): +44-7908-728-333 (di động)

Tại Brussels, Reed Brody (tiếng Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha): +32-498-625786 (di động)

Bản tiếng Anh : http://www.hrw.org/en/news/2011/04/22/vietnam-free-influential-democracy-activist

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét