Pages

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Chưa có mũ, đã ngã xin tiền

Hệ thống truyền thông ở những nước tiên tiến như Nhật Bản hoạt động liên tục suốt 24 tiếng đồng hồ một ngày, do đó các đài phát thanh, phát hình, báo chí cần có một lượng tin tức rất lớn để đáp ứng nhu cầu cập nhật liên tục. Tuy vậy tin tức về cuộc bầu cử quốc hội của chế độ CSVN vào ngày 22 tháng 5 vừa qua đều bị giới truyền thông Nhật Bản hầu như bỏ qua toàn bộ.

Đây là sự khác biệt lớn so với nỗ lực loan tin liên tục của truyền thông Nhật về những diễn tiến trước, trong, và sau cuộc bầu cử Quốc hội Cam Bốt vào tháng 7 năm 2008 và cuộc tổng tuyển cử ở Miến Điện vào tháng 11 năm 2010. Theo giới tuyển lựa tin tức Nhật, dù các dàn dựng và gian lận ngập tràn tại Cam Bốt và Miến Điện, vẫn còn một phần trăm nhỏ bất ngờ trong các kết quả bầu cử và từ đó có thể thấy được ít nhiều mức tiến dân chủ tại 2 nước này. Còn cuộc bầu cử tại Việt Nam hoàn toàn là một sinh hoạt nội bộ của đảng CSVN và không tạo mảy may thay đổi tình hình tại nước này.

Chính vì vậy mà chỉ có đài truyền hình NHK loan tin bầu cử quốc hội Việt Nam chừng 30 giây vào lúc 15 giờ 5 phút cùng ngày, với nội dung cho biết trên 90% ứng viên là đảng viên cộng sản. Những ứng viên độc lập phải được sự chấp thuận của Mặt Trận Tổ Quốc — một cơ quan ngoại vi của đảng CSVN. Cuối bản tin, đài NHK còn nói rằng tất cả những cuộc bầu cử Quốc hội ở Việt Nam không lần nào số cử tri đi bầu dưới 95%. Khâu kiểm phiếu vẫn kéo dài trên 1 tuần lễ.

Về mặt bình luận, chỉ có đài truyền hình Asahi nhắc đến vào lúc 7 giờ 42 phút tối hôm đó. Ngoài các chi tiết tương tự như đài NHK, đài này còn nhận xét số ứng viên độc lập lần này giảm hơn so với 5 năm trước nên cử tri ở nhiều nơi không có chọn lựa nào khác ngoài các đảng viên cộng sản. Tỷ lệ đi bầu nhiều vùng đạt được 100% vì Ủy ban bầu cử đem thùng phiếu đến tận nhà những ai không đến phòng phiếu. Và một người có thể bầu thay cho nhiều người khác. Đó là những thể thức bầu cử lạ thường đối với dân Nhật.

Có lẽ chính vì xem rẻ màn kịch bầu cử quốc hội tại Việt Nam mà chính phủ Nhật luống cuống trong tuần qua. Họ không biết phải đón tiếp ông Trương Tấn Sang với nghi lễ nào cho đúng phép ngoại giao khi ông sang Nhật vào đầu tháng 6 này. Tuy ở Việt Nam ai cũng biết: theo sự sắp xếp của đảng CSVN (chứ không phải của cử tri Việt Nam) thì ông Sang sẽ nắm ghế chủ tịch nước, nhưng trên giấy tờ chính thức hiện nay ông chỉ là viên chức của một đảng (Thường trực ban bí thư Trung ương) và là đại biểu quốc hội. Nếu đón tiếp ông Sang như một nguyên thủ quốc gia thì chính phủ Nhật làm sai nghi thức ngoại giao và đương nhiên bãi nhiệm ông Nguyễn Minh Triết. Còn nếu chỉ với tư cách viên chức một đảng ngoại quốc và dân biểu thì đương nhiên chính phủ Nhật không có nghi thức tiếp đón. Nhưng làm thế có thể bẽ mặt Hà Nội, và ông Sang nói riêng, quá không?

Cũng có nhân viên Nhật đặt câu hỏi tại sao ông Sang nóng lòng đi Nhật quá vậy để có cảnh khó xử cho cả họ lẫn ông Sang. Người lạc quan thì cho rằng ông Sang muốn chuẩn bị cho thế liên kết Việt Nhật để đối phó với Trung Quốc, và đã là chuyện quốc phòng thì không thể chờ đợi thêm thời gian. Nhưng ngọn lửa lạc quan ấy phụt tắt khi có người chỉ ra rằng vào tháng 9 năm 2010, khi xảy ra vụ tàu đánh cá Trung Quốc cố tình đâm vào tàu tuần duyên Nhật để tạo sự cố quốc tế, chính quyền Nhật đã nhiều lần kêu gọi Hà Nội cùng lên tiếng phản đối chung. Nhưng Bộ chính trị CSVN, bao gồm cả ông Trương Tấn Sang, quyết định từ chối hợp tác. Lúc đó ở vai trò Thường trực ban bí thư trung ương, ông Sang còn có thực quyền hơn vị trí Chủ tịch nước làm kiểng hiện nay rất nhiều.

Một luận điểm khác lại cho rằng vì chưa có chức tước chính thức nên ông Sang cần sang Nhật ngay, để khi lên ghế Chủ tịch nước rồi, ông không bị trách là đã không đi Bắc Kinh đầu tiên. Điều này có thể phù hợp với truyền thống đã thấy của các quan chức CSVN mới nhậm chức, nhưng chính sự “nể nang nặng nề” đó lại càng cho thấy hy vọng hợp tác Việt Nhật chống bá quyền Bắc Kinh không có cơ sở.

Thế thì trở lại câu hỏi ông Trương Tấn Sang qua Nhật lúc này để làm gì? Mọi tranh luận đều dần dần tụ về kết luận: ông Trương Tấn Sang qua Nhật để xin tiền.

Có thể trong chuyến đi này sẽ có vài cuộc gặp gỡ để xin tiền “viện trợ chung” cho Việt Nam vì đảng của ông đang rất cần để nuôi cả guồng máy cai trị. Nhưng hy vọng thành công không cao. Giới lãnh đạo hiện nay như ông Sang đều biết rõ điều kiện phía Nhật đưa ra trước khi tái viện trợ ở mức trước đây là phải điều tra và xử phạt nghiêm chỉnh những vụ tham nhũng tiền viện trợ ODA trong quá khứ và bảo đảm mức trong suốt của các khoản xử dụng tiền viện trợ trong tương lai. Đây là những điều kiện giới lãnh đạo CSVN không thể thỏa mãn vì không thể điều tra lên đến các thành viên Bộ chính trị, và ai có thẩm quyền soi rọi các chia chác giữa các thành viên Bộ chính trị và các mạng làm ăn bên dưới từng thành viên?

Tuy nhiên, ông Sang vẫn nóng lòng muốn đi vì mục đích chính của chuyến đi, theo các bình luận gia Nhật, là để “kiếm tiền riêng”. Trong 10 năm từ 1991 đến 2000, trong chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân rồi đến chức Bí thư Thành ủy thành phố HCM, ông Sang nắm quyền quyết định hầu hết các dự án làm ăn lớn nhỏ của các công ty Nhật tại Sài Gòn. Đây là các quan hệ mà ông Sang muốn nối lại vào lúc này sau 11 năm bị đẩy ra khỏi các chức vụ bên nhà nước, và cho các đối tác cũ biết sự hữu dụng của ông trong những ngày tới trong chức vụ mới. Dĩ nhiên trong tương lai, khi đã đội mũ Chủ tịch nước, ông Sang khó có thể đi gặp riêng từng chủ hãng Nhật mà không bị giới truyền thông Nhật rọi đèn. Liên lạc qua thư từ, điện thoại lại càng nhiều sơ hở. Do đó gặp tận mặt lúc này là hơn cả.

Chắc khó ai biết được chính xác ông Trương Tấn Sang sẽ lãnh được bao nhiêu trong chuyến đi này. Nhưng nếu phóng chiếu từ quan hệ quà cáp của cựu bí thư Đỗ Mười với các công ty Hàn Quốc thời thập niên 1990 thì thu nhập cho chuyến này không dưới mức trăm triệu mỹ kim. Vấn đề là để đổi lại, các đại công ty Nhật sẽ được những gì? Và từ đó, đất nước và dân tộc Việt Nam sẽ mất những gì ???

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét