Pages

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

‘TÌNH ĐỒNG CHÍ’ LÀ ĐIỀU XẤU XA NHẤT

Dưới chế độ cộng sản, ‘đảng’ ‘dạy’ rằng NÓ chính là tinh hoa của nhân loại, rằng chủ nghĩa của NÓ là đỉnh cao của trí tuệ và không bao giờ sai, rằng tình đồng chí giữa những người cộng sản là thứ tình cảm tốt đẹp nhất trên đời. Mọi thứ tình cảm khác – tình cha con, nghĩa vợ chồng, tình yêu đôi lứa,… đều thấp kém hơn tình đồng chí. Thậm chí, tình yêu sẽ bị coi là phản động và phải bị loại trừ nếu nó không mang ‘tính đảng’!

Đã có những nhà văn bị làm nhục và bị cấm viết suốt đời chỉ vì đã từng dám viết về chuyện tình thuần túy, phi đảng tính, tức là không thấy có sự ‘chỉ đạo’ của ‘bí thư chi bộ’ trong đó. Truyện tình chỉ được xem là đúng đắn và có giá trị nếu nói về mối tình giữa hai người đồng chí!

Chỉ có tình đồng chí là cao cả nhất. Tình giữa các đảng viên CS. Tình của đảng viên cấp dưới đối với cấp trên. Tình của đảng viên thường với lãnh tụ. Tình của các đồng chí lãnh đạo với nhau. Và mở rộng ra là tình giữa các ‘đảng anh em’, giữa các dân tộc cùng đi theo chế độ CS.

Và chúng tôi, những tâm hồn non nớt, đã từng tin như vậy.

Thắm thiết tình Việt-Trung-Xô

Đế quốc còn đầy mối lo…

Thế hệ chúng tôi (nay ngoài 60) từng say sưa hát những câu ca (ngu xuẩn) đó!

Đùng một cái, vào năm 1963 chúng tôi được nghe người lớn nói nhỏ rằng Liên Xô đang đi chệch hướng, ngoặt theo con đường của ‘chủ nghĩa xét lại’ và tỏ ra thân Mỹ! Rồi chúng tôi được chuyền tay nhau đọc những cuốn sách mà trong đó các nhà lý luận của ĐCS Trung Quốc vạch tội tên đầu sỏ xét lại Khơ-rút-sốp bằng cả lý luận hùng hồn lẫn những lời chửi bới kiểu hàng chợ. Chúng tôi đau đớn biết bao khi thấy hai ‘tập đoàn đồng chí’ lớn chửi nhau!

Rất may là trong cơn sóng gió ấy ‘đảng ta’ vẫn ‘vững tay chèo’. Thậm chí chúng tôi còn thấy may mà có chuyện hục hặc giữa ‘hai ông anh lớn’ nên tầm cỡ của ‘đảng ta’ và ‘bác ta’ càng bộc lộ rõ. Đảng CSVN và ‘bác’ Hồ tự nhiên trở nên ‘nổi bật nhất thế giới’. Vâng, chúng tôi hoàn toàn tin như vậy.

‘Đùng’ một cái nữa: năm 1968 hai ông anh đồng chí lớn đánh nhau ở cái đảo mà Trung Quốc gọi là Trấn Bảo, Liên Xô gọi là Damansk, giữa cái sông mà bên này gọi Hắc Long Giang, bên kia gọi Amur. Tiếng bom nổ ở đó dội đến tận VN, làm những người dân thường vốn tin đảng thấy loáng choáng. Một lần nữa, đảng lại động viên chúng tôi: hãy vững tin tuyệt đối, vì chúng ta có bác Hồ vĩ đại, có ‘bộ chính trị’ anh minh gồm những học trò ‘xuất sắc nhất’ của ‘bác’. Và chúng tôi lại thấy vững tâm lao vào làn bom đạn của ‘giặc Mỹ’, để rồi hàng trăm ngàn thanh niên dừng lại ‘mãi mãi tuổi hai mươi’…

Cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 thì chúng tôi bắt đầu được nghe nói về ‘đại cách mạng văn hóa vô sản’ do Mao chủ tịch phát động. Chúng tôi được biết rằng các đồng chí phó chủ tịch đảng CSTQ hóa ra là những tên phản động khốn nạn nhất. Trước đó, họ được gọi là những ‘bạn chiến đấu thân thiết nhất’ của chủ tịch Mao, còn sau đó thì được gọi là ‘kẻ thù của chuyên chính vô sản’. Họ bị đấu tố, bị hành hạ đến chết trong tù (như đồng chí Lưu Thiếu Kỳ) hoặc bị bắn chết như con chó tại nhà riêng (như đồng chí Lâm Bưu),… Hàng chục triệu người khác cũng bị hành hình đủ kiểu, và thật lạ là trong cuộc xử giảo đó, người giết cũng hô to “Mao chủ tịch muôn năm!” và người bị giết cũng hô to “Mao chủ tịch muôn năm!” Trong thâm tâm, chúng tôi bắt đầu nghi ngờ cái gọi là ‘tình đồng chí’ của những người CS. Nhưng rồi báo chí, đài phát thanh và hàng trăm hàng ngàn cán bộ tuyên huấn của đảng cứ ra rả nói vào tai chúng tôi rằng ‘bác ta’ và ‘đảng ta’ luôn tuyệt đối đúng, rằng thước đo tư cách đạo đức của con người chính là lòng tin vào đảng và ‘bác’. Phải tin tuyệt đối. Dao động, nghi ngờ là tội lớn nhất!

Cũng những năm tháng đó, chúng tôi còn được nghe nói về những cái đểu của ông anh Tàu Cộng. Hóa ra là các đồng chí TQ đã liên tục chơi đểu chúng ta từ thời ta chống Pháp. Và đến năm 1978 thì ta (dưới thời ông Lê Duẩn) chính thức trả đũa Tàu bằng cách xua đuổi người gốc Hoa. Việc này cùng với việc đuổi đảng Khmer đỏ của đồng chí Pol Pot – đàn em của CSTQ – khỏi đất Campuchea, đã dẫn đến hậu quả là tháng 2 năm 1979 Đặng Tiểu Bình xua quân sang để ‘dạy cho (các đồng chí) VN một bài học’. Và cái ‘bài học’ mà những người đồng chí dạy nhau ấy đã lấy đi sinh mạng của hàng vạn con người ‘tầm thường’ không đáng để các đồng chí quan tâm!

Ngày nay, tình đồng chí Trung-Việt cũng đang ‘nở rộ’, nhưng nó mang một sắc thái khác. Vấn đề là các đồng chí lãnh đạo đảng CSVN đang tích cực biến đảng này thành một đảng bộ của đảng CSTQ. Vậy nên không có chuyện các đồng chí hai nước đem quân choảng nhau. Ngược lại, thượng cấp ở Bắc Kinh đang giúp lãnh đạo Việt Nam thanh trừng những kẻ đang có ý đồ ‘diễn biến hòa bình’, đồng thời cũng thẳng tay trừng trị bọn ngư dân Việt Nam dám xâm phạm biển Hoa Nam của Trung Quốc, cái mà dân An Nam cả gan gọi là biển Đông. Các đồng chí lãnh đạo VN, thông qua việc mời TQ vào khai thác bauxite và hàng trăm ngàn hectar rừng đầu nguồn, cũng đang ngầm xúc tiến việc giao dần đất Việt Nam cho chính phủ ‘thiên triều’. Và để lừa bọn dân đen, lãnh đạo đảng CSVN thỉnh thoảng cho đồng chí phát ngôn nhân Phương Nga ỏn ẻn ‘phản đối sự vi phạm lãnh hải VN’ của phía TQ!

Đó là những đỉnh cao của ‘tình đồng chí’! Ở tầm các lãnh tụ. Khi choảng nhau, nó cũng đẹp. Khi âu yếm vuốt ve nhau và ngoắc tay nhau để trừng trị dân đen, nó lại càng mỹ miều.

Còn ở tầm thấp hơn, tình đồng chí cũng là nguồn gốc của những sự sát phạt. Những kẻ ngoài đảng bị người trong đảng khinh rẻ đã đành, nhưng chính các đồng chí với nhau lại càng ghè miếng nhau hơn. Thiết tưởng không thể có đủ thời gian, giấy mực và công sức để viết về những cuộc đấu đá của những đồng chí trong đảng, từ những chi bộ ở các địa phương. Chỉ xin nhắc lại một điều mà ai cũng biết, là khi những kẻ vốn tỏ ra thân nhau đột nhiên đanh nét mặt lại gọi nhau bằng ‘đồng chí’ thì đó là lúc họ chuẩn bị đấu đá, trừ khử lẫn nhau.

Thiết tưởng, trên đời này không có gì đáng ghê tởm hơn cái mà những người CS gọi là ‘tình đồng chí’.

TRẦNNAMCHẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét