Pages

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Loạn nhà loạn phố loạn Thủ Đô


Blog BBC Vietnamese homepageLoạn nhà loạn phố loạn thủ đô
Nguyễn Giang | 2011-06-01, 13:58
Bình luận (8)


Cậu lái taxi còn rất trẻ xin lỗi tôi vì nhầm đường, cứ tưởng Phố Vọng là Dịch Vọng, vì "y-em mới lái xe ra phố được một tuần".

Như hàng vạn người từ các vùng khác vào thủ đô kiếm việc, lăn lộn trên các con phố ngày càng chật và lộn xộn, anh taixi cũng khai luôn là mới có bằng lái, giá 10 triệu, nhưng cam đoan là "bằng thật".

Cậu ta lái tiếp một đoạn nữa rồi lại hỏi tôi muốn rẽ đường nào.

Tôi cũng lâu rồi chẳng còn là "người Hà Nội" nên chỉ còn nhớ hướng từ khu Thái Hà về nhà mình ở Phố Vọng, chứ không thể chỉ đường qua các ngõ ngách.

Và cả tôi và cậu lái xe quê Nam Định kia đều vô tội và không đáng trách.

Nhàm chán anh hùng

Bởi phố Hà Nội bây giờ loạn quá về tên, làm tăng thêm sự lộn xộn vì xây cất bừa bãi.

Lãnh đạo thủ đô và cấp cao hơn đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi chỉ đạo cho việc dùng một số tên danh nhân làm tên phố ở khắp mọi địa phương.

Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung ...quanh đi quẩn lại chỉ có vài chục vị anh hùng dân tộc nhưng tỉnh nào, huyện nào, phố nào cũng mang tên họ.

Với Hà Nội thì sự rối rắm đang tăng lên gấp hai, nếu không phải là gấp ba.

Có phố Trần Hưng Đạo ở Hà Nội gốc, nhưng cũng có phố đó ở cả Hà Đông, nay là một quận của Hà Nội.

Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản, Nguyễn Huệ và nhiều vị khác cũng là nạn nhân của chuyện nhân giống vô tội vạ tên phố, tên đường, trường học, cơ sở văn hóa, xã hội như vậy.

Và các địa danh Hà Tây cũ cùng "hòa nhập" vào Hà Nội mở rộng nên cán cân cung cầu giữa số đường phố ngày một nhiều ra, và số tên danh nhân bị lệch nghiêm trọng.

Như thế là đang có tới ba thứ Hà Nội.

Bên Anh Quốc cũng có nhiều phố và các quán bia mang tên nữ hoàng và vua chúa nhưng ít ra người ta còn có mã bưu điện để muốn tìm là được.

Còn ở Việt Nam bây giờ, đã vào thế kỷ 21 hơn 10 năm và máy vi tính nối mạng dùng khắp nơi rồi các địa chỉ vẫn chỉ là tên đường phố, ngõ, rồi đến ngách và số nhà, không hề có mã bưu điện.

Đó là sự lạc hậu về công nghệ.

Còn về mặt văn hóa, nhu cầu quá lớn khiến Hà Nội đã và đang đặt cả những cái tên chẳng mấy ai biết.

Lê Gia Đỉnh, một anh đại đội trưởng nào đó thời đánh Pháp cũng được đem ra đặt tên cho một con phố khiến một cuốn sách phải ghi rằng tên phố này "thường bị nhầm là Lê Gia Định".

Rồi đến mấy vị quan chức cách mạng cộng sản chẳng rõ thành tích là gì, và cũng chỉ vừa mới qua đời, đã được đem ra treo thành biển đường.

Và nhìn chung, tên của các nhân vật chiến tranh nhiều hơn danh nhân văn hóa, khoa học.

Điều này nói lên gì về sự lựa chọn đầy thiên vị của nhà nước nếu nhỡ có người nước ngoài tìm hiểu về Việt Nam?

Tại sao người ta lại chẳng thể dùng tên các loại hoa, các loại cây trái mà nước Việt Nam là xứ nhiệt đới vốn có vô vàn để gọi các con phố?

Làm như thế vừa tránh được tranh cãi về con người vừa tạo vẻ hiền hòa, thân thuộc và văn minh cho những con đường ở thủ đô.

Vẫn về tên tuổi và rộng hơn là danh phận thì các biển hàng và tên quán ở Hà Nội bây giờ khiến tôi nảy sinh vài suy nghĩ.

Người nhập cư ồ ạt, người có tiền, có quyền cũng như đông đảo dân hiện sinh hoạt tại thủ đô vẫn còn gốc nông dân nên biển hàng quán cũng thích hợp ở tính "thương nhớ đồng quê".

Thói quen ăn uống của họ, vị giác của họ vẫn được mời gọi bằng những cái tên quán như "Cơm lam Pắc-Bó, vịt cỏ Vân Đình", hay "Gà đồi, dê núi", "Heo Mán, lợn Mường".

Chẳng có gì xấu khi dùng tên địa phương để quảng bá món ăn vì ai mà không nhớ ô mai Hàng Đường, bánh tôm Cổ Ngư, giò chả Ước Lễ hay bánh cuốn Thanh Trì đã vào thơ ca.

Nhưng dù quê ngoại ở Hải Phòng, tôi không hiểu nổi biển hiệu "Bánh mì Hải Phòng" thì có gì đặc sắc hơn các loại bánh mì khác?

Và tiệm "Lẩu Tứ Xuyên" nằm không xa tiệm "Bóp chân Tứ Xuyên" gợi ra một cái gì đó hãi hãi.

Sự sánh vai của biển hiệu "Thịt chó Anh Tú" với "Cơm chay Bồ Đề Tâm" khiến ta không khỏi băn khoăn về nhu cầu đa dạng của con người Việt Nam hiện đại.

Mấy nghìn năm lịch sử là thế này đây.

Nếu như nhà nước loạn nhịp khi đặt tên đường phố thì dân chúng cũng thả cửa đặt tên hàng quán.

Tự do là điều hay hơn trước nhiều rồi nhưng bừa bãi Tây-Ta-Tàu quá đáng cũng thành điều phản cảm.

Tôi nghĩ nếu có mở tiệm "Tiết canh Xít-ta-lin", hay "Thịt quay Hít-ne" (ngọng một nốt cho lạ) thì chắc cũng chẳng ai để ý mà phản đối.

Trong sự bề bộn, mạnh ai nấy chen, chèn và chạy ấy, đường phố Hà Nội dù có đèn xanh đèn đỏ và công an, là một môi trường có vẻ như là vô chủ.

Nhưng một số dân mạng đã biết lập bản đồ Google Map để đánh dấu những điểm có công an giao thông tại Hà Nội nhằm giúp cho người đi lại biết mà tránh.

Tôi cũng nghe trên đài trong xe taxi tiếng báo nhau về đoạn đường nào hiện có công an.

Đây là hiện tượng một xã hội dân sự tự vươn lên, tự tổ chức thành nhóm quyền lợi vì cái chung?

Hay đơn giản chỉ là việc người dân dùng phương tiện và công nghệ mới để tự vệ trước nạn ăn chặn của công an?

Nhưng giải pháp vô chính phủ kiểu này chỉ khiến con đường đến nhà nước pháp quyền ngày càng xa, và Hà Nội sẽ tiếp tục ách tắc trong hàng mớ vấn đề không ai dám làm chủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét