Pages

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Nguy cơ Việt -Trung xung đột quân sự

Tranh chấp biển, đảo

HÀ NỘI (TH) .- Việt Nam và Trung Quốc đổ lỗi cho nhau về chuyện 3 chiếc tàu tuần của Trung Quốc quấy rối và cắt dây cáp thăm dò địa chấn của một tàu khảo sát của Việt Nam xảy ra hôm 26/5/2011.

Việt Nam cáo buộc Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phá hoạt tài sản của một công ty Việt Nam. Vụ việc mới nhất với những lời lên án của hai bên vi phạm chủ quyền lãnh thổ của mình.


Tàu tuần của Trung Quốc, thủ phạm cắt dây cáp của tàu Petrovietnam. (Hình: hdvietnam.com)


Trong cuộc họp báo bất thường ở Hà Nội hôm Thứ Bảy, Hà Nội tố cáo Bắc Kinh làm thế giới hiểu lầm khi biến hành động ngang ngược của họ tại khu vực chủ quyền Việt Nam không phải khu vực tranh chấp, thành câu chuyện tranh chấp.

“Khi chúng tôi tiến hành khảo sát địa chấn và thăm dò, họ (Trung Quốc) đã cho máy bay bay trên đầu để theo dõi hoạt động của chúng tôi. Họ cho tàu quấy rối chúng tôi và trong những vụ quá quắt họ cắt dây cáp thăm dò của chúng tôi.” Ông Đỗ Văn Hậu, một viên chức cao cấp của tập đoàn Petro Vietnam nói.

Sự gia tăng căng thẳng này diễn ra chỉ ít ngày trước khi có cuộc họp của Diễn Dàn An Ninh Khu Vực thường được gọi là “Sangri-La Dialogue” với sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng, dự trù diễn ra cuối tuần này.

Tân Hoa Xã loan báo Bộ trưởng quốc phòng Trung quốc Lương Quang Liệt sẽ đến đọc tham luận. Ông Robert Gates, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ sẽ đến nhưng chưa thấy phía Việt Nam loan báo ai sẽ đi phó hội để trình bày quan điểm của Việt Nam.

Vấn đề biển Đông đã được nêu ra trong các hội nghị ASEAN hồi năm ngoái và cả năm nay nhưng một giải pháp giải quyết rốt ráo rất khó thành hình khi Trung quốc lấy thế bá quyền nước lớn đòi chiếm 80%, lấn sâu vào cả các vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo Công ước Quốc Tế Luật Biển mà Trung quốc cũng ký cam kết tuân hành.

Vụ việc mới xảy ra chắc chắn sẽ làm đề tài biển Đông được chú trọng nhiều hơn trong phiên họp. Những năm gần đây cách hành sử của Trung quốc trên biển Đông ngày càng mạnh bạo hơn. Tổ chức tập trận qui mô liên miên để trình diễn sức mạnh quân sự trội vượt so với các nước nhỏ chung quanh. Nới rộng thời gian ra lệnh cấm đánh cá trên biển Đông. Hàng trăm ngư dân Việt Nam đã bị chết, mang thương tích hay bị tàu tuần Trung quốc bắt giữ khi hoạt động ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam xác định chủ quyền.

Tình hình leo thang tranh chấp đã kéo theo sự chú ý từ Hoa Thịnh Đốn. Tháng 7 năm ngoái, khi dự cuộc họp cấp ngoại trưởng ở Hà Nội, bà Hillary R. Clinton đã làm Bắc Kinh tức giận khi nói Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trên Biển Đông và sẵn sàng đứng ra làm trung gian giải quyết.

Ngoài vấn đề chiến lược của sự kiểm soát đường hải hành quan trọng hàng đầu trên thế giới, nguồn lợi hải sản và tiềm năng dầu khí rất lớn dưới lòng biển Đông làm gia tăng lòng tham muốn chiếm hết của Bắc Kinh.

Những năm gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường xây cất, mở rộng công sự phòng thủ, cơ sở trên một số đảo tại quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa. Việt Nam chỉ phản đối chiếu lệ nên chẳng làm được gì.

Ngay tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trung quốc đồn trú, một đơn vị tình báo viễn thông, một đơn vị không quân, một đơn vị thiết giáp, hiện còn đang mở rộng thêm cảng biển.

Người ta ngạc nhiên thấy bà phát ngôn viên Bộ ngoại Giao Nguyễn Phương Nga, trong cuộc họp báo bất thường ở Hà Nội hôm chủ nhật 29/5/2011, tuyên bố hải quân CSVN sẽ làm bất cứ gì để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Nhưng các “tàu bảo vệ” (tức tàu Hải quân CSVN) cho tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 lại không có hành động gì khi 3 tàu hải giám Trung quốc ngang nhiên cắt cáp thăm dò, khiến người ta thấy khó hiểu vì vụ việc xảy ra ở tọa độ cách Phú Yên có 120 hải lý, sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí có cả các công ty lớn của Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh quốc. Sự việc mới xảy ra, theo ông Hậu “sẽ ảnh hưởng đến thái độ của các nhà đầu tư ngoại quốc”.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên viên các vấn đề Việt Nam của Học viện Quốc phòng Hoàng Gia Úc ở Canberra cho rằng biến cố mới xảy ra biểu lộ sự gia tăng gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam.

“Trung Quốc ngang nhiên khẳng định chủ quyền lãnh thổ bằng những hành động như vậy vì họ có số lượng trội vượt về tàu (chiến) để buộc phải theo lệnh”, ông Thayer nói với báo Financial Times.

Tháng Ba vừa qua, một chuyện tương tự đã xảy ra với tàu khảo sát của Phi Luật Tân ở khu vực bãi Rong gần quần đảo Trường Sa. Tàu tuần Trung quốc đã chỉ đe dọa, quấy rối nhưng đã bỏ đi khi Phi cho hai phi cơ tới quan sát.

Tổng thống Phi Benigno Aquino báo động các vụ việc xảy ra ở các khu vực tranh chấp có thể kích thích sự gia tăng võ trang và buộc Phi phải tăng cường khả năng quân sự. Theo giới chuyên viên anh ninh quốc phòng quốc tế, cuộc chạy đua võ trang ở khu vực đã diễn ra rồi. Các nước theo nhau mua sắm tàu chiến, máy bay và tàu ngầm. (TN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét