Pages

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

VN Gặp Mỏ Dầu Lớn, TQ-VN Hợp tác XHCN

VN Gặp Mỏ Dầu Lớn, TQ-VN Hợp tác XHCN; Báo VN im lặng; Phi thách thức TQ, kêu thầu các mỏ dầu gần Trường Sa, tập trận với Mỹ...

BIỂN ĐÔNG (VB) -- Hôm Thứ Tư 29-6-2011, trong khi Việt Nam loan báo tìm ra vỉa dầu lớn ngoài khơi gần mỏ Bạch Hổ, tình hình Biển Đông đột nhiên im lặng dị thường về phía dư luận báo chí ở VN.
Thông tấn VOV từ Hà Nội đã dịu giọng, nói rằng “Trung Quốc mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam.”
Đặc biệt, đạị diện Đài Loan tại Bắc Kinh lớn tiếng rằng Đài Loan sẽ giúp TQ giữ chủ quyền ở Biển Đông.
Chỉ duy có phía Philippines nói rằng sẽ “thách thức Trung Quốc bằng kế hoạch cho phép thăm dò dầu khí tại Biển Đông.”
Bản tin từ TTXVN cho biết Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro đã phát hiện dòng dầu tự phun khá mạnh với lưu lượng khoảng 4.560 thùng/ngày.
Vị trí vỉa dầu này thuộc lô 09-1 ở phía Tây Bắc mỏ Bạch Hổ. Đây là vỉa dầu mới và hoàn toàn độc lập mỏ Bạch Hổ đang được khai thác.
Báo chí VN đặc biệt im lặng lạ thường hôm Thứ Tư, không bàn gì chuyện Biển Đông nữa, chỉ duy đài VOV từ Hà Nội nói rằng “Trung Quốc mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam.”
VOV nói: “Ngày 1/7, Trung Quốc sẽ kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong buổi trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN thường trú tại Trung Quốc, Phó trưởng Ban liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kết Nhất cho biết... Việt Nam và Trung Quốc là những nước Xã hội Chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có lý tưởng và mục tiêu chung.
Trong tình hình thế giới có những biến đổi phức tạp, sâu sắc như hiện nay, Trung Quốc mong muốn nỗ lực cùng với phía Việt Nam... tăng cường tin tưởng chiến lược, mở rộng hợp tác cùng có lợi, cùng nhau thúc đẩy xây dựng sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, duy trì hòa bình, ổn định khu vực, duy trì sự phát triển lâu dài, lành mạnh, ổn định của quan hệ hai nước... dưới phương châm chỉ đạo của 16 chữ và tinh thần 4 tốt, thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển lên phía trước...”
Có vẻ như hai nước TQ-VN đã có một hiệp ước về Biển Đông, nhưng không rõ chi tiết thế nào. Mặt khác, tình hình báo chí VN bị cấm bàn về Biển Đông cũng là một phần lời hứa của Thứ Trưởng Ngoạị Giao VN Hồ Xuân Sơn nói sẽ tạo dư luận sau khi sang Bắc Kinh họp để thương lượng.
Cần nhắc rằng, trong một cuộc họp báo chiều hôm Thứ Ba tại Bắc Kinh, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc lại rằng nhân chuyến viếng thăm của đặc sứ Việt Nam Hồ Xuân Sơn, ngày 25/06, hai bên đã thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán và tránh những động thái có thể làm vấn đề trầm trọng hay phức tạp thêm.
Đặc biệt là ngôn ngữ ám chỉ Mỹ: Theo đại diện Trung Quốc, cả hai nước đều «phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và cam kết sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước ».
RFI ghi thêm, hãng tin Tân Hoa Xã vào hôm Thứ Ba đã nhắc lại sự kiện mà họ cho là vào năm 1958, Bắc Kinh đã khẳng định các hòn đảo trên Biển Đông thuộc lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc và chính cố Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã tỏ sự tán đồng trong bức thư ngoại giao của mình gửi tới đồng nhiệm Trung Quốc khi đó.
Bản tin VOA hôm Thứ Tư ghi rằng tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm Thứ Tư, ông Dương Nghị, phát ngôn nhân Văn phòng Đài Loan Sự vụ, nhấn mạnh cả hai bên của Eo biển Đài Loan có nhiệm vụ phải bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc tại thủy lộ chiến lược này.
Bản tin nói, “Ông Dương cũng lặp lại tuyên bố của Bắc Kinh rằng chủ quyền của Trung Quốc tại các quần đảo trên Biển Đông và vùng lãnh hải xung quanh là không thể tranh cãi.”
Bản tin RFI hôm Thứ Tư lại cho biết, Bộ Năng lượng Philippines cho biết là sẽ cấp nhiều giấy phép hơn cho các công ty tư nhân để tìm kiếm dầu khí tại vùng Biển Đông. Theo Manila, tổng cộng 15 hợp đồng thăm dò, chủ yếu tại vùng biển ngoài khơi đảo Palawan (Tây Philippines) sẽ được đề nghị vào Thứ Năm 30-6-2011 cho các khách hàng tiềm tàng.
RFI thêm rằng, theo các nhà quan sát, quyết định mời nhiều tập đoàn quốc tế tham gia thăm dò dầu khí ngoài khơi Philippines có thể được xem là một phản ứng cứng rắn của Manila sau một loạt những hành động hù dọa của Bắc Kinh. Trong số các hành vi này, có cả việc Trung Quốc cho tàu đột nhập vào vùng Reed Bank, xua đuổi một chiếc tàu thăm dò dầu khí cho Philippines.
Cũng trên RFI, một bản tin cho biết từ hôm Thứ Ba, hải quân Philippines và Hoa Kỳ đã khởi động một cuộc tập trận chung tại vùng biển Philippines gần quần đảo Trường Sa. Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, Phó Đô đốc Scott Van Buskirk, đã nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và Philippines là "đồng minh" với nhau từ lâu và xác định : «Liên minh của chúng tôi dựa trên nền tảng một sự quan tâm sâu sắc và mang tính ràng buộc của Mỹ đến sự tự do và an ninh của nước Cộng hòa Philippines ».

Nguồn Việt Báo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét