Vũ Quí Hạo Nhiên
WESTMINSTER (NV) – Một chỉ thị nội bộ của đảng Cộng Sản Việt Nam cảnh báo về việc Mỹ lãnh đạo một âm mưu “diễn biến hòa bình” bị lộ ra công chúng, nhưng phía Mỹ đánh giá chỉ thị này đầu voi đuôi chuột, coi vậy chứ không phải vậy, và tuy hung hãn nhưng trong nội dung lại ít chống Mỹ hơn trước. Ðó là kết luận của Phó Ðại Sứ Virginia Palmer trong một công điện gửi về Washington DC đề ngày 12 tháng 11, 2009.
Chỉ thị được nói đến trong công điện, là chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí Thư, do Ban Tuyên Giáo gửi ra.
Trang web tỉnh Quảng Ninh lỡ tay đăng lên mạng, rồi sau đó xóa đi. Tuy nhiên, tới lúc rút bài ra khỏi mạng, nhiều trang mạng, trang blog đã đăng lại rồi.
Tựa đề của chỉ thị này là “Tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động ‘diễn biến hòa bình’ trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.” Chỉ thị đề ngày 25 tháng 6, nhưng trong chỉ thị thì cho biết Ban Bí Thư ban hành chỉ thị này ngày 24 tháng 4.
Phó Ðại Sứ Virginia E. Palmer, tác giả bức công điện. (Hình: Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội)
Chỉ thị 34-CT/TW cảnh báo: “Các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh chiến lược ‘Diễn biến hòa bình’ và ‘xâm lăng văn hóa’ đối với nước ta với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.”
Tuy mở đầu với “các thế lực thù địch,” nhưng trong nội dung, chỉ thị này nhắm mũi dùi vào Mỹ.“Mỗi lần nêu một thí dụ cụ thể có danh tánh” trong các kẻ thù bên ngoài, thì thí dụ đó lại là một chương trình của Mỹ, bà Palmer viết trong công điện. Hầu hết các chương trình viện trợ, giúp đỡ, du học của Mỹ đều bị cho là một thứ âm mưu đen tối nguy hiểm, “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam.
“Ðội Hòa Bình” chẳng hạn, tức Peace Corps hay còn gọi là Ðội Chí Nguyện Hòa Bình, bị miêu tả là “tổ chức chuyên tuyên truyền và kích động lật đổ.”
Cơ quan viện trợ USAID bị tố cáo vì có chương trình viện trợ cho Việt Nam để đánh giá cách quản trị nhà nước. Chương trình này, theo chỉ thị trên, “cho thấy rõ các bước cụ thể của Mỹ nhằm thúc đẩy mầm mống ‘cách mạng màu’ ở Việt Nam.”
Học bổng Fulbright và sáng hội Vietnam Education Fund bị cho là một thứ “chiến lược con người” và chiến lược này là “để đào tạo một lớp người thân Mỹ và phương Tây.”
Học bổng Fulbright, tất nhiên, chính là học bổng tài trợ cho Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân du học tại Mỹ.
Chương trình sinh hoạt “Góc Hoa Kỳ” tại tòa đại sứ bị chỉ trích là “quảng bá với lớp trẻ hình ảnh nước Mỹ, lối sống Mỹ.”
Ðiều tố cáo bị bà Palmer gọi mỉa mai là “âm mưu thâm độc nhất” – bà dùng chữ “most conspiratorially” để tương ứng với chữ “conspiracy theory” – là một thứ “lộ trình 4 bước” trong đó đỉnh điểm là khuyến khích đại học Mỹ mở chi nhánh ở Việt Nam.
Phần viết về báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, không tố cáo Mỹ, nhưng từ ngữ cũng không kém phần “hốt hoảng” – “paranoid,” bà Palmer viết. Thí dụ, việc truyền bá đạo Tin Lành bị cho là “phát triển không bình thường.”
Chỉ thị này cũng cảnh cáo đảng viên về hiện tượng “tự diễn biến,” được hiểu là việc đảng viên cộng sản không còn tin vào cộng sản nữa.
Ngôn ngữ kiểu đấu tố của chỉ thị này rõ ràng. Phó Ðại sứ Palmer cho rằng ngôn ngữ trong đó giống “lập luận, giọng văn, và mục tiêu” trong chương trình phát hình cái gọi là lời “thú tội” của Luật Sư Lê Công Ðịnh.
Tuy nhiên, bà Palmer cũng đánh giá chỉ thị này là miệng hùm đó, nhưng mà gan sứa: “less than meets the eye.”
“Lối nói xách mé này,” bà viết, “không có gì lạ, nhất là khi đang chuẩn bị cho một Ðại hội Ðảng.”
Bà chỉ ra một điểm quan trọng: Khác với các tài liệu chống diễn biến hòa bình khác, chỉ thị này không đấu tố các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO). Bà viết, “các NGO quốc tế được nâng như nâng trứng” (nguyên văn: “treated with kid gloves”).
Chỉ thị này chỉ nói chung chung, “Các thế lực thù địch đã lợi dụng hoạt động của một số tổ chức NGO vào các mục đích chính trị, can thiệp vào công việc nội bộ, xâm hại an ninh và chủ quyền nước ta.”
Trong khi đó, theo bà Palmer trích lời một đại diện NGO làm việc ở Việt Nam hơn 15 năm, “các tài liệu nội bộ trước đây về đề tài này dùng ngôn ngữ nặng nề hơn nhiều và thường nêu rõ tên của từng NGO liên quan.”
Với lời hăm dọa tuy nghiêm mà không nghiêm như vậy, bà Palmer kết luận là “Chỉ thị 34 quan trọng ở chỗ nhắc chúng ta là có một nhóm có quyền lực trong nội bộ đảng, một nhóm mà chúng ta rất ít làm việc chung, đang chủ động chống lại việc hợp tác sâu đậm thêm.”
Bà cho rằng “Không nên bỏ qua Chỉ thị 34, nhưng cũng không nên phản ứng thái quá.”
Bà còn nói, “ở một mặt nào đó, tác giả Chỉ thị 34 nói cũng có lý.”
“Mặc dù chúng ta không có âm mưu một thứ ‘cách mạng màu’ ở Việt Nam,” bà viết, “nhưng chúng ta có khuyến khích điều hành nhà nước một cách dân chủ hơn, cũng như gia tăng sự tôn trọng cái mà các tác giả Chỉ thị 34 gièm pha là ‘nhân quyền kiểu phương Tây.’”
Ở mặt đó, bà viết, “các phần tử cực đoan đồng ý với chúng ta, là với cách điều hành đúng đắn và tinh thần tôn trọng pháp luật, về lâu về dài chính trị sẽ phải thay đổi tới cội rễ.”
––––––
Liên lạc tác giả: VuQuiHaoNhien@nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét